Thị trấn ở Đức nơi không ai phải lo hóa đơn năng lượng
Trong lúc khắp châu Âu, người dân đang “méo mặt” vì chi phí năng lượng tăng vọt, thì cư dân Feldheim lại thảnh thơi với giá điện rẻ nhất ở Đức.
Khắp châu Âu, người dân thấp thỏm mở hóa đơn năng lượng và chuẩn bị tinh thần cho những đợt tăng giá khủng khiếp khi các công ty tiện ích chịu chi phí đầu vào tăng vọt với các loại hàng hóa sống còn như khí đốt, dầu và điện. Nhiều người đang cố gắng tiết kiệm bằng cách tắt bớt đèn, giảm nhiệt sưởi trong mùa Đông sắp tới.
Nhưng đó hoàn toàn không phải là mối quan tâm của người dân thị trấn Feldheim.
Nằm cách Berlin khoảng 1 tiếng rưỡi chạy xe về phía nam, ngôi làng nhỏ cổ kính này đã tự cung tự cấp được năng lượng trong hơn một thập kỷ qua.
Từ giữa thập niên 1990, Feldheim đã mạnh dạn tiến hành một thử nghiệm táo bạo, lắp đặt một số tuabin gió để cung cấp điện cho làng. Sau đó, họ xây dựng một lưới điện địa phương, lắp đặt các tấm pin mặt trời, bộ lưu trữ pin và nhiều tuabin gió hơn.
Một công trình khí sinh học (biogas) được xây dựng để giữ ấm cho đàn lợn con, mang lại thêm thu nhập cho hợp tác xã của nông dân. Trạm khí sinh học này còn cung cấp nước nóng thông qua hệ thống sưởi trung tâm phủ rộng khắp làng. Một cơ sở sản xuất hydro cũng đang được xây dựng. Hydro là nguồn năng lượng thân thiện với môi trường, và cũng là loại khí có nhiệt cháy cao nhất trong số các nhiên liệu trong thiên nhiên.
Video đang HOT
Giờ đây, từ xa cũng có thể nhìn thấy 55 cột tuabin gió đang ngày đêm quay không mệt mỏi trên các vùng đất nông nghiệp quanh Feldheim. Nhờ chúng, người dân được hưởng giá điện rẻ nhất ở Đức.
Kathleen Thompson, người làm việc cho một tổ chức Diễn đàn Năng lượng Mới ở địa phương, cho biết: “Dân làng đều ngủ ngon vào ban đêm. Họ không phải lo lắng gì vì dù thế nào giá cả sẽ không thay đổi”.
Cách tiếp cận thực tiễn của Feldheim về sản xuất năng lượng thân thiện với môi trường đã thu hút hàng nghìn du khách từ khắp nơi trên thế giới đến thăm làng mỗi năm và trái ngược với cách nước Đức vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch cho nhiều nhu cầu của mình.
Thực tế ấy càng trở nên nan giải khi cuộc xung đột bùng phát ở Ukraine, cho thấy sự phụ thuộc lớn của Đức và các nước châu Âu khác vào dầu và khí đốt của Nga.
Mặc dù Đức đã bơm hàng tỷ USD cho phát triển năng lượng tái tạo để giảm lượng khí thải gây biến đổi khí hậu, nhiên liệu hóa thạch và năng lượng hạt nhân vẫn đóng vai trò quan trọng, cung cấp hơn một nửa tổng sản lượng điện của nước này trong sáu tháng đầu năm nay.
Việc thiếu công suất truyền tải đồng nghĩa các công viên điện gió ở miền Bắc Đức thường xuyên phải đóng cửa, buộc các nhà máy phải sử dụng nhiên liệu hóa thạch để cung cấp điện cho miền Nam.
Ông Michael Knape, thị trưởng Treuenbrietzen, thành phố chủ quản của làng Feldheim, cho biết việc để người dân địa phương tham gia và hưởng lợi từ dự án năng lượng sạch là chìa khóa thành công của Feldheim.
Trong khi các công viên điện gió ở những nơi khác ở Đức thường xuyên vấp phải sự phản đối, cộng đồng cư dân thân thiết của Feldheim đã chấp thuận lắp đặt nhiều tuabin đến mức họ còn xuất khẩu lượng điện gấp khoảng 250 lần lượng điện tiêu thụ.
Ông Knape nói: “Các công dân cần cảm thấy rằng đó là quá trình chuyển đổi của họ chứ không phải bị áp đặt từ bên trên”.
Nhưng ông cũng cho rằng một may mắn là các nhà chức trách vào thời điểm đó đã không can thiệp vào thí nghiệm năng lượng tái tạo của làng Feldheim, nếu không nó có thể đã thất bại. “Ở Đức, đôi khi có ấn tượng rằng nếu ai đó mắc sai lầm thì đó là một vấn đề lớn. Nhưng chỉ bằng cách đó chúng tôi mới đạt được tiến bộ”, ông Knape nói.
Cách tiếp cận từ từng gia đình của Feldheim để tạo ra năng lượng sạch hoàn toàn trái ngược với thực tiễn phổ biến ở Đức, nơi các công ty năng lượng lớn có xu hướng xây dựng và kiểm soát các dự án điện lớn. Trong khi đó, các dự án quy mô nhỏ thường phải đối mặt với các rào cản pháp lý cao.
Tuy nhiên, ông Knape vẫn hy vọng rằng quá trình chuyển đổi năng lượng của Đức có thể theo chân thành công của Feldheim.
“Tôi tin chắc rằng với áp lực hiện tại ở châu Âu, mọi người đều thấy rõ rằng chúng ta cần phải tiếp cận khác với trước đây,” ông nói, “Mặc dù cách tiếp cận của Feldheim không thể được sao chép ra khắp mọi nơi, nhưng những dự án như vậy có thể là một phần quan trọng của giải pháp. Nhiều Feldheim nhỏ có thể cung cấp ít nhất một phần của Berlin”.
Ông Siegfried Kappert, 83 tuổi, cũng lạc quan tương tự. Sinh ra và lớn lên ở Feldheim, ông đã vui vẻ trả khoản phí 3.000 euro để kết nối nhà của mình với hệ thống điện và lưới sưởi khi chúng được xây dựng.
Khoản đầu tư đó đã mang lại hiệu quả lớn kể từ đó, với giá năng lượng thấp hơn cho gia đình ông và cả ngôi làng. Feldheim không có người thất nghiệp, gần đây đã lát vỉa hè mới, lắp đèn đường và nhà văn hóa được trang bị các tấm pin Mặt trời.
Ông Kappert chia sẻ rằng thành công của Feldheim đem lại sự hài lòng lớn cho người dân. “Chúng tôi đã tìm kiếm một con đường và đã tìm ra con đường đó. Tôi có thể nói một cách chân thành rằng chúng tôi tự hào về nó”, ông bày tỏ.
Đức đang đứng bên bờ cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng
Đức đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, biên tập viên cấp cao của tờ Die Welt, một trong những tờ báo có ảnh hưởng nhất đất nước, cảnh báo.
"Không chỉ giá khí đốt ở gần mức cao kỷ lục, giá điện cũng đang báo hiệu tình trạng căng thẳng", ông Holger Zschaepitz, biên tập viên cấp cao về kinh tế và tài chính của nhật báo Die Welt, nhận định trên mạng xã hội Twitter.
Trong bài viết đăng kèm một biểu đồ, ông Zschaepitz chỉ ra rằng giá điện đã lên tới gần 400 euro/megawatt giờ trên sàn giao dịch năng lượng, tương đương 0,40 euro/ kilowatt giờ. Ông nhận định nếu giá tiêu dùng chịu tác động của giá thị trường, người Đức sẽ phải trả khoảng 0,80 euro/kilowatt giờ, cao hơn mức 0,30 euro hiện tại, bao gồm thuế và phí.
Giá điện ở Đức chịu ảnh hưởng bởi giá khí đốt tự nhiên - chiếm tới 15% nguồn cung điện năng của đất nước, theo thống kê chính thức. Giá khí đốt đã tăng gần gấp 4 lần trong năm nay, chủ yếu do Nga, nhà cung cấp khí đốt chính của châu Âu, đã cắt giảm đáng kể nguồn cung.
Cuộc khủng hoảng chi phí năng lượng đã khiến Đức phải quốc hữu hóa một phần công ty cung cấp năng lượng lớn nhất đất nước. Tuần trước, Chính phủ Đức tuyên bố sẽ mua lại 30% cổ phần của Uniper sau khi công ty này đề nghị chính phủ tung gói cứu trợ, với lý do "áp lực tài chính vô cùng lớn" do Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên. Uniper gần đây đã buộc phải mua khí đốt trên thị trường giao ngay với giá cao hơn nhiều để bù đắp tình trạng thiếu hụt.
Theo một báo cáo gần đây của Bloomberg, các công ty năng lượng châu Âu đang nợ chồng nợ để trang trải chi phí tăng cao, khoản nợ phải trả của họ đã lên tới trên 1,7 nghìn tỷ USD.
Giá củi tại Đức tăng mạnh trước dự báo mùa Đông giá lạnh Giá củi và viên nén mùn cưa ở Đức được cho là tăng gần gấp đôi so với cùng thời điểm năm ngoái. Người Đức chuyển sang dùng củi đốt để sưởi ấm thay khí đốt. Ảnh: Getty Images Hãng tin RT cho hay, theo số liệu của Cục Thống kê Liên bang (Destatis) công bố ngày 22/9, giá gỗ và viên nén...