Thị phần xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh
Chính phủ Trung Quốc đã chuyển đổi định hướng sang sản xuất nhiều mặt hàng có công nghệ cao hơn, như hàng điện tử.
Thời gian gần đây, nhiều thông tin mới công bố cho thấy do mức lương lao động tại Trung Quốc tăng cao, lực lượng lao động sụt giảm, ngành sản xuất hàng hóa của Trung Quốc đối diện với sức ép cạnh tranh mạnh mẽ từ phía các nước như Việt Nam hay Mexico. Tuy nhiên, tất cả những yếu tố bất lợi trên không ngăn được việc Trung Quốc đã tăng được thị phần xuất khẩu trên quy mô toàn cầu.
Theo số liệu và tính toán của IMF được Bloomberg trích đăng mới đây, tính đến cuối năm 2015, xuất khẩu của Trung Quốc hiện chiếm 14,6% thị phần xuất khẩu của toàn thế giới. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với con số 12,9% năm 2014 và cao nhất tính từ năm 1980.
Dù Trung Quốc tăng được thị phần xuất khẩu nhưng tỷ lệ đóng góp của ngành sản xuất Trung Quốc tính trong tổng quy mô nền kinh tế đang giảm. Dịch vụ và tiêu dùng đang đóng góp nhiều hơn cho kinh tế Trung Quốc.
Yếu tố quan trọng giúp xuất khẩu Trung Quốc tăng trưởng, theo phân tích của đồng trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á của ngân hàng HSBC – ông Frederic Neumann, chính là việc chính phủ nước này đã chuyển đổi định hướng sang sản xuất nhiều mặt hàng có công nghệ cao hơn, ví như hàng điện tử. Chính vì vậy, các nhà nhập khẩu không còn cần thiết phải tìm kiếm nguồn hàng từ nhiều nước khác nhau tại châu Á mà chỉ cần đặt hàng từ Trung Quốc cũng đủ.
Sự thay đổi này của Trung Quốc đã và đang tác động tiêu cực đến xuất khẩu của rất nhiều nước, vùng lãnh thổ trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc.
Chính phủ Trung Quốc đang trợ cấp mạnh tay cho nhiều ngành công nghệ cao như công nghệ thông tin, sản xuất robot, thiết bị tiết kiệm năng lượng. Mục tiêu này đã được nhắc đến chi tiết trong kế hoạch hành động của chính phủ Trung Quốc trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2025.
Video đang HOT
Cùng lúc đó, chính phủ Trung Quốc cũng đặt mục tiêu tăng mạnh khả năng cạnh tranh của Trung Quốc trong 10 ngành quan trọng, trong đó bao gồm sản xuất máy móc, robot, công nghệ đường sắt và thiết bị y tế.
Tình hình xuất khẩu của Trung Quốc đến cuối năm 2015 được đánh giá là khá khả quan, nhưng xu thế này đã không thể được duy trì trong năm 2016.
Suốt nhiều tháng của năm 2016, xuất khẩu của Trung Quốc giảm so với cùng kỳ. Ngày 10/9, Trung Quốc sẽ công bố số liệu xuất khẩu tháng 8/2016, giới chuyên gia đã dự báo về mức giảm 4% so với cùng kỳ 2015. Nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 ước đã giảm 5,4%.
Ngoài ra, theo phân tích của trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại quỹ Medley Global Advisors, ông Andrew Polk, dù Trung Quốc đã chuyển dịch thành công sang sản xuất với công nghệ cao hơn nhưng sẽ còn lâu Trung Quốc mới sản xuất được các mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao. Ông nhấn mạnh xuất khẩu Trung Quốc có thể cao về con số, nhưng không thực sự ấn tượng về giá trị.
Theo_NDH
Trung Quốc "ra đòn", hàng Việt lao đao: Chưa lối thoát?
Phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nên khi Trung Quốc "ra đòn" giảm nhập, siết xuất khẩu tiểu ngạch và tăng cường rào cản với một số mặt hàng nông sản Việt Nam như gạo, sắn, dăm gỗ,... khiến các mặt hàng này liên tục gặp khó trong khi xuất khẩu.
Gần đây, thanh long tại các nhà vườn miền Tây giảm còn 200 đồng/kg, nguyên nhân một phần do xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc chỉ với số lượng hạn chế. Hay, giá lợn hơi tại Đồng Nai giảm 23% so với giá thời điểm tháng 4-5 cũng là do Trung Quốc hạn chế nhập khẩu.
Trong khi đó, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường nhập khẩu nông lâm thủy sản chính của Việt Nam. Thời gian qua, nước này đã giảm khối lượng nhập khẩu, đặc biệt là với các mặt hàng như gạo, sắn và dăm gỗ... khiến xuất khẩu của Việt Nam gặp khó. Không chỉ vậy, Trung Quốc còn tăng rào cản kỹ thuật với một số mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam.
Thịt lợn hơi giảm giá mạnh do Trung Quốc hạn chế nhập
Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), cho hay, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với việc xuất khẩu gạo và cám gạo từ Việt Nam sang Trung Quốc hứa hẹn sẽ tạo hành lang pháp lý cho gạo và cám gạo của Việt Nam sang thị trường này thuận hơn. Song, Trung Quốc đã rời việc áp dụng từ tháng 9 đến tháng 11. Ngoài ra, vẫn chưa có một công ty khử trùng, giám định nào của Việt Nam được Trung Quốc công nhận để khử trùng gạo trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc theo Nghị định thư.
Không chỉ với mặt hàng gạo, mặt hàng sắn cũng lao đao khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Theo ông Nghiêm Minh Tiến, Phó chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam, lý do là Trung Quốc đã đóng các cửa khẩu biên giới 2 tháng nay.
"Có điều lạ là chất lượng sắn ở các nước khác tương tự như sắn của Việt Nam nhưng phía Trung Quốc lại tăng mua, còn hạn chế nhập của ta", ông Tiến thắc mắc.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cũng cho biết, với mặt hàng thủy sản, thị trường Trung Quốc yêu cầu có giấy chứng nhận chất lượng của Việt Nam cấp, vì vậy nhiều thương lái không mua được nữa.
Bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) kể thêm, khi làm việc với Bộ Công Thương, phía Trung Quốc cho rằng họ sẽ tạo điều kiện tối đa cho hàng nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông lâm thủy sản, trong đó có rau quả, chăn nuôi, gạo,... Tuy nhiên, họ cũng đưa ra thông điệp rất rõ ràng rằng trong thời gian tới sẽ siết hoạt động nhập khẩu biên mậu, tăng cường công tác chống buôn lậu. Ngoài ra, Trung Quốc thông báo sẽ tăng cường giám sát chất lượng sản phẩm.
Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam như gạo, sắn... gặp khó khi Trung Quốc tăng rào cản kỹ thuật, siết nhập qua đường tiểu ngạch
Giảm lệ thuộc thị trường Trung Quốc?
Để giải quyết những khó khăn trên, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, kiến nghị, ngành nông nghiệp cần có sự hỗ trợ của Chính phủ để ký các hợp đồng xuất khẩu đối với mặt hàng gạo. Ngoài ra, cần tháo gỡ những rào cản kỹ thuật, thuế quan tại các thị trường Mexico, Mỹ,... Đặc biệt, xem xét tới vấn đề giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp xuất khẩu, để họ xây dựng thương hiệu.
Bên cạnh đề nghị giảm thuế, về giám sát theo Nghị định thư về gạo và cám gạo Trung Quốc, ông Huỳnh Thế Năng mong Bộ NN-PTNT giúp đỡ kinh phí để các chuyên gia Trung Quốc sang Việt Nam kiểm tra, công nhận cho các công ty Việt Nam có đủ tiềm lực xuất khẩu sang thị trường này.
Trong khi đó, VASEP cũng đề nghị Bộ NN-PTNT nhanh chóng thống kê chính xác về sản lượng cá tra thực tế để có cơ sở đánh giá.
"Kiến nghị từ nay tới cuối năm có thống kê dữ liệu quốc gia về các tra, trên cơ sở cân đối cung cầu xuất khẩu; đồng thời áp dụng quy chuẩn Việt Nam về chất lược cá tra, nhanh chóng ổn định chất lượng cá tra với thị trường EU mới giúp tăng trưởng xuất khẩu", ông Hòe nói.
Ngoài những kiến nghị trên, các chuyên gia trong ngành cũng cho rằng Trung Quốc là thị trường lớn, thị trường tiềm năng đối với Việt Nam. Họ không quá khắt khe về chất lượng sản phẩm, đặc biệt, xuất khẩu tiểu ngạch sang khá dễ dàng. Song, nếu cứ làm theo đà như hiện tại thì rất bị động, bởi chỉ cần họ siết chặt nhập tiểu ngạch, tăng rào cản kỹ thuật thì nông lâm thủy sản Việt Nam chắc chắn sẽ gặp khó.
Chính vì vậy, bên những đề nghị về giảm thuế, cần tăng cường chất lượng sản phẩm, chú trọng tới khâu vệ sinh an toàn thực phẩm để đa dạng hóa thị trường, thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Theo_VietNamNet
Tham vọng 50 triệu USD của hạt điều Mức tiêu thụ điều tại thị trường nội địa mới chỉ dừng lại ở tỉ lệ 5-6% tổng sản lượng ngành điều. Việt Nam từ lâu đã có tên trên bản đồ điều thế giới. Kể từ năm 2006-2015, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu điều nhân số 1 thế giới, năng lực chế biến hằng năm lên tới 1,4 triệu...