Thi công trở lại tuyến tránh thành phố Cao Lãnh với vốn đầu tư hơn 900 tỷ đồng
Sau hơn 10 năm tạm dừng thi công theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ, dự án tuyến tránh thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) với vốn đầu tư hơn 900 tỷ đồng vừa được triển khai thi công trở lại.
Phần nền của đường tránh thành phố Cao Lãnh (đoạn thuộc xã Mỹ Trà, thành phố Cao Lãnh) đã được thi công một phần.
Tuyến tránh thành phố Cao Lãnh thuộc giai đoạn 3 của dự án nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh – Hồng Ngự. Dự án nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh – Hồng Ngự được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 9/2008 với tổng kinh phí hơn 2.570 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là xây dựng tuyến tránh thành phố Hồng Ngự và giai đoạn 2 là nâng cấp, mở rộng khoảng 40 km Quốc lộ 30 (đoạn từ cầu Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh đến tuyến tránh thành phố Hồng Ngự) đều đã hoàn thành, đưa vào sử dựng.
Đối với dự án tuyến tránh thành phố Cao Lãnh, được khởi công xây dựng từ năm 2010. Đến năm 2011, việc bồi thường giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành, thi công được một phần nền đường rồi dự án tạm dừng thi công theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Máy móc được tập kết để tiếp tục triển khai thi công dự án tuyến tránh thành phố Cao Lãnh, đoạn qua xã Mỹ Tân, thành phố Cao Lãnh.
Video đang HOT
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp, dự án tuyến tránh thành phố Cao Lãnh có tổng chiều dài hơn 14,5 km, qua địa phận các xã An Bình, Phong Mỹ (huyện Cao Lãnh), xã Mỹ Trà, Mỹ Ngãi, Mỹ Tân và phường Mỹ Phú (thành phố Cao Lãnh). Điểm đầu và điểm cuối của tuyến tránh nối với Quốc lộ 30 tại xã An Bình và xã Phong Mỹ. Đường thiết kế theo tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, mặt đường rộng 11 m, vận tốc thiết kế 80 km/h, tổng mức vốn đầu tư hơn 900 tỷ đồng; trong đó, có hạng mục hầm chui dân sinh rộng 10,5 m, cao 3 m tại vị trí giao với đường Điện Biên Phủ (phường Mỹ Phú, thành phố Cao Lãnh).
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp Lê Hoàng Bảo cho biết, tuyến tránh thành phố Cao Lãnh đã được thi công trở lại, tiếp tục triển khai các gói thầu, nguồn vốn cũng được bố trí xong. Dự kiến năm 2024, tuyến tránh thành phố Cao Lãnh sẽ hoàn thành, khi đưa vào hoạt động sẽ giúp giảm lưu lượng xe qua thành phố Cao Lãnh, kết hợp với các tuyến cao tốc sẽ đi nhanh hơn về thành phố Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời kết nối đô thị phía Nam sông Tiền của tỉnh Đồng Tháp.
Dự án tuyến tránh thành phố Cao Lãnh sẽ giao với đường Ông Thợ, thuộc xã Mỹ Tân, thành phố Cao Lãnh.
Nhiều người dân ở lân cận tuyến tránh thành phố Cao Lãnh rất vui mừng vì dự án được thi công trở lại sau nhiều năm tạm dừng. Ông Nguyễn Văn Hoạch (sinh năm 1957) ngụ xã Mỹ Trà, thành phố Cao Lãnh chia sẻ, công trình đã dừng thi công khá lâu rồi, tôi rất trông chờ làm lại. Mấy ngày nay, thấy có máy móc, thiết bị tập kết tại công trình và máy ủi, máy xúc hoạt động, tôi rất phấn khởi. Vậy là mong ước suốt nhiều năm qua của tôi đã thành hiện thực. Ông Hoạch hy vọng công trình sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng để góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp Lê Hoàng Bảo cho biết thêm, Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 90 km đường cao tốc, thêm 14 km đường quốc lộ. Cùng với xây dựng hoàn chỉnh tuyến tránh thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp còn phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải đầu tư, nâng cấp hoàn chỉnh, đồng bộ các trục giao thông đường cao tốc, đường Quốc lộ: tuyến cao tốc An Hữu – Cao Lãnh; tuyến cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh; nâng cấp Quốc lộ N2B lên thành cao tốc. Đồng thời, kiến nghị đầu tư tuyến Quốc lộ 30 đoạn Hồng Ngự – Dinh Bà; tuyến đường N1 đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Sắp có đường cao tốc 6.029 tỷ đồng đi qua tỉnh Đồng Tháp
Nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước sát với tình hình thực tế địa phương; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm sát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh sau đại dịch, ngày 24/3, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp khóa X (nhiệm kỳ 2021 - 2026) tổ chức kỳ họp đột xuất lần thứ nhất.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp Lê Hoàng Bảo trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu của UBND tỉnh.
Tại kỳ họp, các đại biểu đã thảo luận, xem xét, thông qua 12 dự thảo nghị quyết về những nội dung như: phát triển thanh niên trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2030; chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2026; dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước; quy định nội dung, mức chi đối với các kỳ thi giáo dục phổ thông; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp đường ĐT-841 và xây dựng cầu Sở Thượng 2...
Đặc biệt, kỳ họp đã thông qua Dự thảo Nghị quyết về Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu. Theo đó, Hội đồng nhân dân tỉnh giao UBND tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện Dự án, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp và phối hợp đơn vị có liên quan để triển khai những thủ tục tiếp theo đúng quy định.
Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp thống nhất thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, với phương án dự kiến đầu tư của Bộ Giao thông Vận tải. Đường có chiều dài gần 27,43 km, đi qua địa phận hai tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, tổng mức vốn đầu tư dự kiến 6.029 tỷ đồng.
Trong đó, dự án thành phần 1 triển khai trên địa bàn huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, dài gần 18,2 km, vốn đầu tư 4.307 tỷ đồng; dự án thành phần 2 thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, dài gần 9,23 km, vốn đầu tư 1.722 tỷ đồng.
Dự kiến, Dự án sẽ khởi công trong năm 2023, cơ bản hoàn thành trong năm 2025 và đưa vào sử dụng vào năm 2026. Giai đoạn 1, công trình có quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, bề rộng nền đường 17 m. Giai đoạn hoàn thiện, đường có 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 24,75 m. Nhu cầu sử dụng đất toàn dự án gần 141 ha, trong đó nhu cầu sử dụng đất đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp gần 87,41 ha.
Ông Phan Văn Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, 12 dự thảo nghị quyết trên các lĩnh vực: kinh tế - ngân sách, văn hóa - xã hội, pháp chế được thông qua tại kỳ họp sẽ làm cơ sở cho UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp đề nghị, sau kỳ họp, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đã được thông qua; đề cao trách nhiệm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân khi triển khai nghị quyết; kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn tổ chức thực hiện để phản ánh, kiến nghị với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Trong kỳ họp này, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp triển khai Kế hoạch tổ chức hoạt động thi đua "Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, nhiệm kỳ 2021 - 2026" và các đại biểu tiến hành ký kết giao ước thi đua.
Tăng cường quản lý, điều hành giá các dịch vụ vận tải Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn hỏa tốc gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam; các Cục Hàng hải Việt Nam, Hàng không Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam và Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu triển khai nghiêm túc Công điện số 679/CĐ- TTg...