Thi bằng lái xe siêu khó ở Nhật Bản
Các thí sinh xếp hàng, viên cảnh sát quan sát từng người rồi lập tức loại một phụ nữ đi giày đế thô (kiểu giày đế bằng nhưng rất dày).
“Lần mới nhất tôi đã khóc”, người phụ nữ Trung Quốc thổ lộ khi ngồi chờ đợi trong căng thẳng tại một đồn cảnh sát Tokyo. Câu chuyện của người phụ nữ Trung Quốc chỉ là một trong vô số rắc rối liên quan tới bằng lái tại Nhật, và họ đều đang chờ có cơ hội mới. Việc có thể tham gia vào luồng giao thông trên đường phố Nhật Bản được cho là một hành trình không hề êm đềm.
Nếu có bất cứ thứ gì có thể khiến một người Mỹ nhớ nhung về một ngày tại Cục đăng kiểm Mỹ DMV, đó chỉ có thể là Trung tâm cấp bằng lái xe Nhật Bản, phóng viên của tờ nhật báo Mỹ The Wall Street Journal viết. Phóng viên nước ngoài này có trải nghiệm khi muốn đổi bằng lái Mỹ sang Nhật. Việc có bằng lái từ vạch xuất phát thậm chí còn khó khăn hơn nhiều.
Một trường học lái ở Nhật Bản. Tại quốc gia này, lấy bằng lái đã khó, nhưng giữ được bằng cũng không dễ bởi những con phố chật hẹp và vô số loại biển báo giao thông. Ảnh: Mi-chan-tripto.
Bộ máy hành chính ở Nhật được cho là không cần phải quan liêu giấy tờ đến mức đáng sợ đến thế. Quốc gia này là điểm sáng về giao thông trên thế giới khi là một trong những nơi an toàn nhất để lái xe với chỉ 4,8 vụ tai nạn chết người trên mỗi 100.000 người dân mỗi năm, theo số liệu của Tổ chức y tế thế giới. Con số này chiếm chưa tới một nửa so với tỷ lệ tại Mỹ.
Quá trình này tự bản thân đã có mục đích: xã hội hóa những thí sinh để họ ứng xử đúng đắn một khi hoàn thành mục tiêu. Bất cứ ai có thói quen tùy tiện đều bị loại bỏ ngay từ đầu. Và cũng khó như khi lấy bằng lái, việc giữ được bằng không hề đơn giản. Tốt nhất là tuân theo mọi quy tắc, luật lệ.
Phóng viên người Mỹ cho biết, anh có 7 hành trình đến các điểm khác nhau quanh thành phố trong hơn 2 tháng, và tiêu khoảng 600 USD. Đó là chuyến đi tới Liên đoàn xe hơi Nhật Bản JAF để dịch bằng lái của Mỹ, sau đó đến một văn phòng của thành phố để lấy “chứng nhận cư trú” bổ sung cho “thẻ cư trú” đã có sẵn. Rồi mất nửa ngày để kiểm tra và làm giấy tờ tại một trung tâm cấp bằng lái của chính phủ.
Thực ra đó chỉ là màn dạo đầu cho bài thực hành lái đầy kinh hãi, thực hiện tại một đồn cảnh sát nằm cách trung tâm Tokyo khoảng một tiếng. Phóng viên Mỹ được cảnh báo rằng chuyện này sẽ rất khó nhằn. Đại sứ quán Mỹ tại Tokyo cũng thông báo rằng tỷ lệ đạt ngay lần đầu của người Mỹ “nhỉnh hơn” 35%. Trong khi đó, theo thống kế của Cơ quan an toàn giao thông Mỹ NHTSA, tỷ lệ này tại Mỹ là 75%.
Video đang HOT
Để tăng khả năng thành công, phóng viên Mỹ dành cả dịp cuối tuần trước khi thi thực hành để tập tại một trường dạy lái. Ở đó, anh được dõi theo trên khắp bãi tập được làm “nhái lại” đúng những con phố chật chội và chẳng khác mê cung ở Tokyo. Sẽ trượt nếu nhiều lần đụng lề đường.
Cũng có mẹo nên biết trước khi khởi động xe. Đầu tiên, đi vòng quanh xe và khúc cua để kiểm tra: việc này nhằm đảm bảo không có đứa trẻ nào chơi trốn tìm quanh đó. Chỉnh gương, ghế và vô-lăng: những hành động thể hiện bạn hòa nhập với chiếc xe.
Được lái xe trên đường phố Nhật Bản là chuyện không hề dễ dàng. Ảnh: Wrotniak.
Ở Mỹ, thí sinh sẽ có buổi thi riêng với một giáo viên chấm thi. Nhưng ở Nhật không thế. Có khoảng 20 người sẽ cùng buổi thi, cùng bước vào một phòng học nơi có một viên cảnh sát đưa ra một bài lên lớp ngắn gọn, sau đó đưa cả nhóm ra nơi thi. Thành công, hay thất bại, là chuyện công khai. Khi mọi người xếp hàng, viên cảnh sát đưa mắt quan sát từng người rồi lập tức loại một phụ nữ đi giày đế thô (kiểu giày đế bằng nhưng rất dày) mà anh cho rằng không phù hợp để lái xe.
Một thí sinh ngồi vào ghế lái, trong khi một người khác ngồi phía sau giám sát. Những người còn lại đứng quan sát và dán mắt vào người lái khi, vào lúc bài thi kéo dài 10 phút kết thúc, viên cảnh sát phụ trách buổi thi khách sáo trao giấy chứng nhận: hồng là đỗ, trắng là trượt.
Trong lần đầu tiên thử sức của phóng viên người Mỹ, anh xếp thứ 10 trong nhóm và trong 90 phút đứng quan sát, chỉ 2 người được nhận giấy hồng. Trong khi lái xe và vẫn chạy giữa làn đường của mình, phóng viên này để quá nhiều khoảng cách giữa chiếc xe và lề đường khi quẹo trái, viên cảnh sát cho biết. Điều đó vô tình khuyến khích một tay lái môtô sơ sẩy len vào đó. Trước đó, khi lần đầu thi lấy bằng tại Mỹ khi mới đủ tuổi, phóng viên cũng bị đánh trượt, nhưng là do vượt đèn đỏ.
Sau đó 2 tuần, phóng viên lại có chuyến đi tới Trung tâm cấp bằng lái ở Fuchu. Một người đồng hương cho biết anh ta đến đây lần thứ 4 và vẫn chưa được thi thực hành bởi lần nào cũng vướng chuyện giấy tờ. Nhân vật chính của câu chuyện nhập vào nhóm 20 người thi và lần này xếp thứ 2. Anh ngồi ở ghế sau trong khi viên cảnh sát nặng lời với người đàn ông ngồi sau tay lái khi anh này chẳng may bật cần gạt nước thay vì xi-nhan. Kết quả là một tờ giấy màu trắng. Khi phóng viên Mỹ ngồi vào ghế lái, viên cảnh sát đưa ra yêu cầu rẽ phải, rẽ trái và viết một loạt nhận xét.
Bài thi kết thúc. Giám khảo trao tờ giấy hồng trên đó có viết: “Bạn đã đỗ bài thi ngày hôm nay”. Lúc đó là 10 giờ. Phóng viên đợi những thí sinh khác kết thúc, và sau khi đi qua nhiều cửa và nhiều tầng, vào lúc 14 giờ, rời khỏi trung tâm với chứng nhận trong tay.
Chỉ có 3 trong số 19 người còn lại của nhóm thi hôm đó có cùng kết quả đáng ăn mừng. Một trong số đó là một người Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết đó là lần đầu tiên. Và 2 phụ nữ Trung Quốc, mà một người nói rằng đây là lần thi thứ 7. Người còn lại, từng thổ lộ về nỗi thất vọng trong lần thi trượt trước đó, tiết lộ đây là lần thi thứ 8.
Mỹ Anh
Theo VNE
Honda giúp cảnh sát giao thông học lái xe phân khối lớn
Trong tháng 5 này, Honda Việt Nam phối hợp với Cục Cảnh sát Giao thông Đường bộ, Đường sắt tổ chức 2 Khóa đào tạo kỹ năng lái xe phân khối lớn an toàn cho gần 60 cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát giao thông (CSGT) làm nhiệm vụ dẫn đoàn và sát hạch lái xe thuộc Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt.
Khóa 1 diễn ra từ ngày 12 đến 15/5, khóa 2 diễn ra từ ngày 26 đến 29/5 ở Trung tâm Lái xe an toàn của Honda Việt Nam đặt tại Vĩnh Phúc.
Hướng dẫn viên Honda điều chỉnh tư thế lái chuẩn cho chiến sỹ
Trong khuôn khổ khóa đào tạo, các hướng dẫn viên lái xe an toàn Công ty Honda Việt Nam tập trung hướng dẫn các chiến sỹ kỹ năng lái xe phân khối lớn (250 cc - 750 cc) như: kỹ năng giữ thăng bằng, phanh khẩn cấp, cua vòng và thực hành bài tập phản xạ trước các tình huống nguy hiểm bất ngờ. Đây là các nội dung giảng dạy đã được triển khai trong các khóa tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ CSGT toàn quốc do Honda Việt Nam phối hợp với Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt thực hiện nhiều năm qua và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các học viên cũng như sự đánh giá cao của lãnh đạo Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt.
Luyện tập kỹ năng giữ thăng bằng trên ván hẹp
Sau 2 khóa đào tạo này, các chiến sỹ sẽ áp dụng những kỹ năng lái xe phân khối lớn được Honda Việt Nam chia sẻ để áp dụng vào việc xử lý các tình huống nghiệp vụ trong công tác dẫn đoàn và sát hạch lái xe, góp phần giữ gìn trật tự và đảm bảo an toàn giao thông.
Lãnh đạo Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt phát biểu tại lễ khai mạc lớp tập huấn.
Được biết, đào tạo cán bộ, giáo viên và chiến sỹ cảnh sát giao thông là một trong nhiều hoạt động đào tạo của Honda Việt Nam nhằm góp phần xây dựng một xã hội giao thông an toàn. Tính cho tới nay, Honda Việt Nam đã tổ chức tập huấn kỹ năng lái xe an toàn cho hàng ngàn chiến sỹ cảnh sát giao thông. Dự kiến trong năm 2014, Honda Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt tổ chức tập huấn cho lực lượng cán bộ chiến sỹ CSGT trên cả nước.
Hướng dẫn viên Honda chia sẻ kỹ năng phanh an toàn cho các chiến sỹ
Theo VnMedia