Theo khóa học xiếc tại Tâm Việt, trẻ suýt chấn thương sọ não, sốt nằm co ro không ai chăm
Sau khi phóng sự điều tra Tâm Việt được đăng tải trên Vietnamnet, đặc biệt là sau câu chuyện về cái chết thương tâm của cháu N.B., đã có rất nhiều phụ huynh từng cho con theo học ở Tâm Việt chia sẻ câu chuyện của mình.
“Con tôi suýt chấn thương sọ não sau khi học xiếc ở Tâm Việt”
Chị N.T. (Hà Nội) đưa con trai 9 tuổi nhập học Tâm Việt vào khoảng tháng 5, tháng 6 năm 2018, thời điểm trung tâm này vẫn còn đóng tại Đại học Thành Đô.
Ngày ấy, chị T. vô tình xem được một chương trình truyền hình có sự xuất hiện của Tâm Việt với những hình ảnh rất long lanh. Tâm lý muốn tìm hướng đi mới cho con sau rất nhiều phương pháp đã thử, chị T. tìm hiểu thêm thông tin về Tâm Việt qua Facebook rồi quyết định gửi con với mức học phí 9 triệu 8/ tháng.
Một ngày, chồng chị T. bất ngờ nhận được cuộc gọi của giáo viên Tâm Việt, thông báo con trai bị ngã.
“Họ chỉ gọi điện thông báo con bị ngã, bố mẹ hãy vào đón cháu ra. Cháu được ông B. (một phụ huynh khác cũng có con bị tự kỷ, hiện đang làm nhân viên chăm sóc y tế tại Tâm Việt) đưa vào bệnh viện. Trên đường tới với cháu, tôi gọi điện cho các thầy cô Tâm Việt, nhưng người nọ đùn đẩy người kia, không ai nói với chúng tôi con bị ngã như thế nào”, chị T. bức xúc chia sẻ.
Học sinh trong giờ tập đi xe đạp một bánh tại Tâm Việt
Tới nơi, chị T. thấy con trai trông rất mệt, người lờ đờ và còn bị nôn. Hai vợ chồng vội vàng đưa con tới bệnh viện Việt Đức để khám, chụp cộng hưởng từ. Rất may mắn, bác sĩ kết luận cháu bé chưa có biểu hiện của chấn thương sọ não mặc dù lâm sàng là bị ngã đập đầu.
“Đó không phải là lần đầu tiên”, chị T. cho biết. “Trước đó, con cũng từng bị thương ở chân trong lúc tập luyện, được một thầy giáo chở ra bệnh viện để khâu lại.”
Chị T. quyết định cho con ngừng học ở Tâm Việt sau gần 3 tháng.
“Tôi quyết định cho con về vì không an tâm, lúc nào cũng nơm nớp lo lắng. Sự tiến bộ chưa thấy đâu, nhưng sự an toàn còn chưa đảm bảo được, tôi nghĩ không đáng để đánh đổi”, chị T. chia sẻ.
“Trời lạnh chỉ được mặc áo ngắn tay, quần đùi, con sốt nằm co ro không ai chăm sóc”
Chị Đ.M.P (Hà Nội) cũng là một trong những phụ huynh từng cho con học ở Tâm Việt. Chị P. kể, con chị nhập học từ ngày 1/1/2019 đến ngày 26/4/2019. Nghe những lời quảng cáo hoa mĩ, chị hy vong cậu con trai 15 tuổi có thể giảm bớt các hành vi sau khi theo học tại trung tâm.
“Ông Việt nói rằng chỉ cần một tháng sau là gia đình có thể mổ lợn ăn mừng. Sáu tháng sau thì mổ trâu mời cả làng nhé. Đang trong lúc tìm vái tứ phương, nghe thấy thế thì hy vọng lắm. Tôi chẳng cần kỉ lục gia, chỉ cần con đỡ bệnh”, chị P. chia sẻ.
“Nhưng nào ngờ con thân tàn ma dại sau một thời gian học”, chị P. bức xúc nhớ lại.
“Hàng ngày, tôi vẫn thấy các thầy cô đăng video. Dù trời rất lạnh, con chỉ được mặc áo ngắn tay với quần đùi. Tôi có nhắn tin cho cô giáo, nhờ cho con mặc áo ấm nhưng không thấy nhắn lại”, chị P. cho biết.
Các em nằm dài dưới sàn sau giờ học tại Tâm Việt
Có lần, chị P. đến thăm con thì thấy con thâm tím mắt do bị đấm. Con đi ngoài kéo dài, sốt nằm co ro cũng không ai chăm sóc thuốc thang.
Chị P. quyết định đưa con về sau 4 tháng để con theo học tại Tâm Việt. Lúc ra về, cậu bé từ 68kg sút xuống chỉ còn chưa đầy 38kg.
“Đến bây giờ, tôi vẫn thấy mắc tội với con vì đã đưa con vào đó, cho con 4 tháng với cuộc sống cơ cực và khổ sở đến vô cùng. Tôi mong các bố mẹ đừng mắc sai lầm như gia đình tôi. Đừng tin vào những hình ảnh mà họ chụp và đưa lên để quảng cáo”, chị P. cho biết.
Và rất nhiều câu chuyện đau lòng khác…
Chị B.H. (Hà Giang) cũng biết đến Tâm Việt qua các kênh thông tin đại chúng. Sau 20 ngày để con học tại trung tâm này, chị H. rất bức xúc khi thấy chân con chi chít những vết muỗi đốt mưng mủ nhưng không hề được bôi thuốc. Chưa hết, con chị còn bị sưng chân do ngã xe và kiệt sức. Chị H. đã quyết định cho con thôi học ngay lập tức.
Chân con chị B.H. chi chít những vết muỗi đốt mưng mủ – Ảnh: Phụ huynh cung cấp
“Tôi không mong muốn con trở thành thiên tài mà chỉ đang cố tìm cách để chưa bệnh cho con. Nghĩ đến thời gian con ở đó, tôi vẫn không cầm được nước mắt”, chị H. cho biết.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Vietnamnet, chị T.H., người mẹ có con tử vong khi đang theo học tại Tâm Việt hồi tháng 6 cho biết: các con phải tập xe đạp một bánh ngoài trời cả ngày dù đó là thời điểm mùa hè rất nắng nóng.
Dự báo thời tiết ngày 10/6/2019 ghi nhận: Bắc Bộ có nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao nhất phổ biến 36 – 39 độ, có nơi trên 40 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ là từ 10 -17 giờ.
10/6/2019 cũng là ngày mất của cháu N.B., con trai chị H.
Thời tiết ngày 10/6/2019 – Ảnh: Tạp chí Thương trường
Đại diện Trung tâm Y tế Thị xã Từ Sơn (còn gọi là BV Đa khoa Từ Sơn, Bắc Ninh), nơi cháu B. được đưa đến cấp cứu cho biết:
“Theo nhận định ban đầu, bệnh nhân tiền sử tâm thần phân liệt, không dùng thuốc. 15h ngày 10/6, trẻ có tập đi xe đạp 1 bánh giữa trời nắng nóng. Trẻ xuất hiện vật vã kích thích, vã mồ hôi. Sau đó, huấn luyện viên có mua cho trẻ 2 hộp sữa, sau khi uống trẻ xuất hiện tình trạng tím tái, mất ý thức đột ngột, trẻ rơi vào tình trạng hôn mê. Bác sĩ khám thấy đường thở, mũi có hiều dịch sữa, tim đập rời rạc, sau ngừng đập, rơi vào tình trạng hôn mê”.
Sau cấp cứu tuần hoàn hô hấp một lúc, cháu B. được chuyển Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh. Tuy nhiên, cháu B. đã tử vong trên đường đi.
Trước khi câu chuyện thương tâm xảy ra, cuối tháng 5, c H. cũng từng thấy con có vết băng ở mặt khi xem clip do trung tâm đăng tải và rất nhiều vết trầy xước, bầm tím khác. Tuy nhiên, khi gọi điện, giáo viên Tâm Việt chỉ trả lời: “Không sao chị ạ”.
“Sau khi con mất, tôi có góp ý Tâm Việt nên có đồ bảo hộ cho các con khi tập nhưng sau này vẫn không thấy có”, chị H. chia sẻ thêm.
Sau khi câu chuyện chị H., người mẹ có con tử vong khi đang theo học tại Tâm Việt được đăng tải trên Vietnamnet, độc giả N.H.Q., cũng là một phụ huynh từng tin tưởng vào trung tâm này chia sẻ:
“Tôi cũng được Tâm Việt gọi đến khi con bị co giật và sùi bọt mép nằm trên nền nhà. May mắn hơn chị, tôi đã đến kịp để cứu con tôi.”
Nhóm phóng viên
Theo vietnamnet
3 'cửa ải' kỳ lạ biến nhân viên bán tạp hóa thành giáo viên dạy trẻ tự kỷ
Sẵn sàng tuyển dụng người không có bằng cấp chuyên môn, người bán hàng tạp hóa để đào tạo, sau đó họ chỉ cần vượt qua 3 'cửa ải' tung bóng, đội nước, đứng trên con lăn là trở thành giáo viên dạy trẻ tự kỷ tại trung tâm Tâm Việt.
Video: Cách tuyển giáo viên kỳ lạ của Tâm Việt
Bán hàng tạp hóa được tuyển làm giáo viên
Nhiều phụ huynh khẳng định, họ biết đến Tâm Việt qua những lời quảng cáo trên mạng internet.
Trên các trang web, fanpage của trung tâm này có rất nhiều lời PR hấp dẫn: "Với công nghệ 'dịch chuyển đẳng cấp' kết hợp thành tựu khoa học 'tế bào gốc', khoa học thần kinh và khoa học hành vi, Tâm Việt biến điều không tưởng thành bình thường"; "Đào tạo thành công trẻ tự kỷ thành kỉ lục gia. Tâm Việt đã mở ra hướng đi mới cho thế giới về phương pháp huấn luyện và định hướng nghề nghiệp cho trẻ Tự kỉ...".
Trong những lần xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trung tâm thường xuyên đưa em K.H (9 tuổi, Ba Đình, Hà Nội), đã có 3 năm học tại Tâm Việt, để quảng bá cho khả năng làm xiếc được công nhận là kỷ lục gia Việt Nam.
Chia sẻ với phóng viên, mẹ K.H hồ hởi cho biết, theo học ở Tâm Việt, con được dạy rất nhiều thứ từ các kĩ năng xiếc tới cách ăn uống, giao tiếp, cư xử. 'Ở đây phải mấy thầy cô mới chăm được con mình, giáo viên với học sinh tương đương, cân đối nhau', người mẹ này nói.
Mỗi lần nhắc đến Tâm Việt, chị T. dùng những lời lẽ tung hô về trung tâm như một 'vị thánh sống', giúp con mình hồi sinh.
Bằng những lời PR hoành tráng và nhân vật như cậu bé K.H, nhiều phụ huynh đã lặn lội từ các tỉnh miền Nam, miền Trung đưa con đến trung tâm Tâm Việt nhập học, với hi vọng con được 'huấn luyện thành kỷ lục gia'.
Tuy nhiên có những phụ huynh chưa thực sự tin tưởng như trường hợp bố mẹ em M.D. (11 tuổi, Nghệ An), là một trường hợp cụ thể phóng viên gặp quá trình thâm nhập ở trung tâm. Lo lắng về con, suốt 2 ngày, bố mẹ D. chỉ quanh quẩn ở khu cổng KTX Đại học TDTT Bắc Ninh len lén nhìn con.
Bên cạnh thực trạng chăm sóc, dạy dỗ trẻ có nhiều vấn đề bất cập chúng tôi đã phản ánh ở kỳ trước, trong quá trình thâm nhập với vai trò là giáo viên chúng tôi còn nhận ra nhiều điều giật mình ở khâu tuyển dụng, đào tạo giáo viên của trung tâm này.
Khi chúng tôi gọi điện theo số hotline trên trang web của Tâm Việt để ứng tuyển giáo viên, người cầm số hotline khẳng định 'không cần bằng cấp, đến đây sẽ được đào tạo lại'.
Trong vai người từng bán hàng tạp hóa, không có bằng cấp về chuyên nghành giáo dục, chúng tôi đến gặp N.V.M. (SN 1995), người xưng là Phó giám đốc của trung tâm Tâm Việt.
M. cho biết: 'Đường hướng phát triển Tâm Việt rất lớn, Tâm Việt vươn ra toàn cầu. Tâm Việt là nơi duy nhất trên thế giới đào tạo trẻ tự kỷ ở tuổi dậy thì, chuẩn bị sang tầm thế giới.
Ban đầu, Tâm Việt đào tạo kỹ năng sống, hơn 4 năm trở lại đây Tâm Việt chuyển sang đào tạo trẻ tự kỷ với mức học phí 9,8 triệu đồng, 14,8 triệu đồng và 19,8 triệu đồng/em/tháng'.
Học sinh tự kỷ luyện tập kỹ năng đội chai nước để giáo viên, huấn luyện viên (người không mặc áo) quay, chụp ảnh
Khi chúng tôi cho biết chưa có kinh nghiệm, chưa được đào tạo về dạy trẻ tự kỷ, M. động viên: 'Làm ở đây 2- 3 năm, anh chị có thể đứng ra tự mở trung tâm riêng. Anh chị có thể thành những chuyên gia đi đào tạo cho những giáo viên khác về trẻ tự kỷ. Bằng cấp không quan trọng, các chị sẽ được đào tạo lại từ đầu'.
M. làm việc ở đây hơn 2 năm. 'Trước đó, tôi là sinh viên nhưng bỏ học đại học, đi bán hàng. Sau đó, tôi đi học một lớp của thầy Việt rồi đi theo ngành giáo dục trẻ đặc biệt đến nay', M. nói.
Theo M., trung tâm này có 12 giáo viên chính với 45 học sinh. Tuy nhiên, chúng tôi được biết số giáo viên thực ít hơn con số trên.
Xét tuyển bằng nguyên tắc 1:1:3
Trong quá trình nói chuyện, M liên tục khẳng định: 'Tâm việt không phải là chữa bệnh, không dùng thuốc tây. Tâm việt là đào tạo nhân tài. Mình tiếp cận 1 em, xem nó giỏi gì. Mình vẽ ra trong đầu nó sẽ tập thế nào. Sau đó mình dạy nó, khi nó giỏi thì các bệnh tật sẽ hết.
Ở đây, dạy học viên trở thành giáo viên. Công nghệ đào tạo bọn này trở thành huấn luyện viên mới là giỏi, từ trẻ tự kỷ trở thành huấn luyện viên dạy lại trẻ tự kỷ'.
Học sinh trong giờ học tại Trung tâm Tâm Việt ở Từ Sơn, Bắc Ninh
Về yêu cầu với giáo viên, những người quản lý ở đây khẳng định, tiêu chuẩn thành giáo viên của Tâm Việt là 1:1:3. Tức là yêu cầu giáo viên phải đội 1 chai nước lên đầu, đứng trên 1 con lăn và đồng thời tung 3 bóng.
Nếu luyện tập được như vậy chúng tôi sẽ trở thành giáo viên chính thức của trung tâm. Lúc này, chúng tôi sẽ được trả lương và bắt đầu quay lại huấn luyện các học sinh những môn này.
Đây cũng chính là tiêu chí đánh giá giáo viên giỏi hay không, tiến bộ ra sao ở Tâm Việt. 'Chị phải tiến bộ liên tục nếu không sẽ bị loại. Các cô ở đây có người đã đứng con lăn, đội chai tung được 5 bóng'.
Với tiêu chuẩn nhận giáo viên, huấn luyện viên này nên có giáo viên ở Tâm Việt còn chưa tốt nghiệp THPT, bỏ học...
'Bài test đầu tiên của Tâm Việt là phải làm được các môn đó (đội chai nước, tung bóng... ). Đó chính là bằng cấp, chuyên môn', M. khẳng định.
Khi chúng tôi hỏi có giới hạn tuyển dụng không? M. khẳng định: 'Không giới hạn bởi tương lai Tâm Việt phát triển lớn lắm'. Biết chúng tôi còn có bạn, M bảo: 'Cứ đưa lên đây' dù không biết về kinh nghiệm hay chuyên nghành đào tạo của người muốn ứng tuyển.
Học sinh tập tung bóng ở Tâm Việt
Sau khi qua vòng sơ tuyển, 2 ngày sau, chúng tôi bắt đầu công việc tại trung tâm này.
Lịch trình của chúng tôi bắt đầu từ 5h30 dậy họp công ty với giám đốc trung tâm qua facebook. Tại buổi họp này, các giáo viên sẽ báo cáo được việc thầy, trò tung được bao nhiêu quả bóng, đứng trên con lăn bao phút...
Từ 8h30 đến 11h sáng, chúng tôi được yêu cầu vào các phòng để bắt đầu học các bộ môn. Ở đây có 4 phòng (phòng dạy đội chai nước, 2 phòng tung bóng, 1 phòng dạy đứng trên con lăn).
Chúng tôi được cho vào cùng các học sinh mắc chứng tự kỷ để học đội chai nước, tung bóng. Chiều, từ 2h đến 6h, chúng tôi tiếp tục được yêu cầu luyện tập những môn trên. Nếu đội được chai nước trên đầu, chúng tôi sẽ được chuyển dần sang các phòng học tung bóng, đứng con lăn...
Liên tục trong những ngày ở tại trung tâm với vai trò giáo viên tập sự, chúng tôi được yêu cầu học đi học lại các bộ môn trên. Các kỹ năng dạy trẻ về văn hóa, tâm lý... hoàn toàn không có trong chương trình đào tạo giáo viên ở nơi được quảng cáo là 'huấn luyện trẻ tự kỷ thành nghệ sĩ, kỷ lục gia' này.
Trao đổi với PV VietNamNet, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh khẳng định, không cấp phép cho trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt. 'Trung tâm thuê trụ sở tại ĐH Thể dục Thể thao Bắc Ninh và đã hết hợp đồng từ ngày 1/9', đại diện Sở thông tin thêm.
Được biết, hiện, trung tâm này đã chuyển về Đông Anh, Hà Nội. Bà Dương Thị Sáu, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh, Hà Nội, khẳng định phía Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh chưa cấp phép hoạt động cho trung tâm Tâm Việt vì các trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ không thuộc thẩm quyền cấp phép của phòng.
'Chúng tôi khẳng định chưa cấp phép cho trung tâm này', bà Sáu khẳng định.
CEO của Tâm Việt, ông Phan Quốc Việt, người tôn vinh 'thầy của những người thầy', người đứng đầu Tâm Việt -nơi tự nhận chữa được khỏi bệnh tự kỷ, đã nói gì? Mời độc giả đón đọc kỳ tiếp theo.
Nhóm Phóng viên
Theo vietnamnet
Tiết lộ giật mình của thạc sĩ tâm lý từng làm giáo viên ở Tâm Việt Được đào tạo bài bản chuyên ngành tâm lý nhưng cô gái từng trúng tuyển làm giáo viên ở Tâm Việt đã phải chạy mất dép sau 2 tuần thử việc tại đây. Bỏ học thạc sĩ, chỉ cần 1 năm ở Tâm Việt tương lai giỏi hơn giảng viên đại học Đó là lời ông Phan Quốc Việt - CEO Tâm Việt...