Theo chân “thần nước” bói mạch nước ngầm
Sáng nào cũng thế, phải có đủ một can nước sạch 20 lít thì các ông bố, bà mẹ mới dám đưa con đến trường. Bởi, không có nước thì lấy gì để cô giáo nấu ăn, tắm rửa, vệ sinh cho con mình trong ngày.
Một can nước mỗi ngày, tưởng là chuyện không có gì phải bàn, nhưng với người dân xã Văn Lợi, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An – nơi mà 3 tháng rồi không bói ra một giọt mưa – là cả một vấn đề!
Nợ tiền – được; nợ nước – không!
Tôi đến Trường Mầm non Văn Lợi vào lúc chiều muộn. Thế mà, ở trường vẫn chưa hết giờ đón trẻ. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh giải thích, có những cháu, nhà cách trường những 6km, đường rất khó đi. Rồi có những gia đình chiều qua đi làm về muộn, sáng nay phải đi vay nước cho con, vì thế giờ đón trẻ phải dãn ra để thuận lợi cho phụ huynh.
Nếu chỉ nghe nói thôi hẳn nhiều người sẽ không tin rằng, cứ mỗi buổi sáng, bố mẹ đưa con đến trường thì phải kèm theo một can nước sạch 20 lít. Đó là toàn bộ nguồn nước sinh hoạt cho một cháu bé trong một ngày. Ngày nào cũng như ngày nào, con đến trường là mẹ phải nộp nước.
Sáng hôm sau, tôi tận mắt chứng kiến cảnh nộp nước cho con đến trường mà lòng rưng rưng. Bà mẹ nào cũng phía trước xe chở con, phía sau đèo theo một can nước và một bó củi nho nhỏ, tất tả lao về phía trường mầm non. Một bà mẹ đưa con đến muộn. Chị vừa đạp mạnh cái chân chống xe máy xuống đường, vừa vội vã bế thốc con trai ra khỏi xe.
Đứa bé gặp bạn cười rõ tươi rồi chạy một mạch vào lớp. Đằng sau, mẹ nó xiêu vẹo xách can nước vào tận bếp ăn của nhà trường. Vừa đi, chị vừa giơ tay vẫy con, “ngoan nha, chiều mẹ đón sớm”! Trút hết nước vào bể, chị ta lại tất tả ra về, vừa đi vừa chạy. Cô Minh bảo “bà con đang vào vụ làm cỏ mía nên bận túi bụi, tất tả rứa đó”.
Mỗi ngày, phụ huynh phải nộp một can 20 lít nước cho con đến trường.
Nhưng tôi cũng “bắt cóc” được một số phụ huynh để hỏi về “việc nước”. Mặt ai cũng nhăn nhó, mắt thì không rời chiếc can nhựa trên tay. Chị Phan Thị Ngà ở xóm Thắng Lợi bỗng nhiên bật khóc khi nói đến quãng đường gian nan để đưa con đến trường. Nhà chị Ngà ở xa trường lắm, những 6km. Đường sá thì mùa nào cũng được nhuộm màu đỏ, bùn đỏ mùa mưa, bụi đỏ mùa khô. Nhà có bể chứa nước mưa nhưng cũng chẳng ăn thua, hết mưa là cũng hết nước.
Tháng trước có con chuột chết trong bể, cả nhà bàn mãi cuối cùng quyết định vứt chuột chứ không súc bể. Bởi súc bể thì lấy nước đâu mà dùng? Chồng chị đi đón mãi mới mua được một xe nước, quý hơn vàng. Người ở thị trấn dùng xe công nông, trải bạt lên, bơm vào được đâu hơn một khối nước, thế mà giá bán những 500.000 đồng. Mà ai biết được nước có sạch hay không, thôi thì nhắm mắt mà dùng vậy.
Video đang HOT
Rồi chị rơm rớm kể về chuyện bị ngã văng cả con lẫn nước: “Hai lần rồi anh ạ. Từ nhà em đến trường vừa xa vừa khó đi. Hai mẹ con với một can nước, qua mấy cái ổ gà khiếp quá, xe em bị trượt ngã, con bé văng ra xa, thâm tím mặt mũi, can nước bị vỡ. Mẹ con ôm nhau khóc, định chở con về, không học hành gì nữa, nhưng về thì ai trông, rồi tương lai của con. Nghĩ thế nên em lại về lấy can nước khác để đưa con đến trường…”.
Anh Trương Văn Lĩnh – ở xóm Tây Lợi – còn nhiều “chiến tích” hơn chị Ngà, đã vỡ đến 3 chiếc can, may là con nhỏ không hề hấn gì. Anh nói, giọng rất khó nhọc: “Có một ít nước mưa phải để dành cho con đi học, còn cả nhà thì dùng nước khác. Bữa nào không mua được nước thì phải đi hơn chục cây số, vào tận mỏ đá lấy nước mỏ về dùng. Không biết nước có sạch không…”.
Cô Minh kể cho tôi nghe thêm mấy trường hợp tai nạn nữa, có chị bị sái tay, thương lắm. Giọng cô nghèn nghẹn: “Nhà trường cũng đành chịu, có cách gì khác đâu, không có nước thì các cháu không được vệ sinh sạch sẽ. Trường có 270 cháu và ba điểm trường cơ mà, mùa hè lại càng cần thêm nhiều nước. Hiếm nước nên chúng tôi phải sử dụng nước rất chi ly. Khi trẻ rửa tay, cô giáo phải có mặt để hướng dẫn và giám sát vòi nước. Mỗi ngày dọn nhà vệ sinh 3 lần, mỗi lần không được giội quá 3 xô nước… Nhà trường có thể cho phụ huynh nợ tiền ăn cho trẻ, nhưng nước thì xin phụ huynh là không thể nợ…”.
Một ngày “bói” nước
Đích thân ông Bùi Thanh An – Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp – dẫn chúng tôi về xã Văn Lợi để tìm nguồn nước. Ông An mới được luân chuyển về huyện này công tác chưa đầy 9 tháng. Trong rất nhiều việc mà vị chủ tịch trẻ tuổi muốn thực hiện ở Quỳ Hợp thì tìm nguồn nước sinh hoạt cho bà con của 3 xã Văn Lợi, Đồng Hợp và Minh Hợp là điều ông trăn trở nhiều nhất. Nhưng bằng cách nào, khi mà cả xã không có lấy một con khe, ngọn suối? Ai có thể giúp dân tìm được mạch nước ngầm? Thế rồi trời run rủi cho ông đã gặp được “ thần nước” Lý Văn Ký ở Gio Linh, Quảng Trị.
“Tôi mừng vô cùng. Tôi có duyên gặp được ông. Thế là bà con 3 xã ở Quỳ Hợp có cơ hội có nước sinh hoạt” – Chủ tịch An mừng rỡ nói về việc gặp được “thần nước”. Ông cho biết, có khoảng 15 xóm của 3 xã và một số trường học thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Nếu tìm được nguồn nước, huyện sẽ trích ngân sách, lập tức khoan ngay 17 giếng nước cứu khát cho dân trước đã.
Cô giáo phải giám sát vòi nước mỗi khi trẻ rửa tay.
Sau vài lời giới thiệu ngắn gọn của ông chủ tịch huyện, “thần nước” bắt tay ngay vào công việc. Địa điểm tìm nguồn nước đầu tiên là Trường THCS Văn Lợi. Ông Ký cầm hai que sắt màu trắng, dài chừng 50cm mà tôi gọi là đôi “đũa thần”, rồi bước những bước thật nhanh. Nét mặt ông rất căng thẳng, nhưng xem ra những người xung quanh còn căng thẳng hơn.
Bà Nguyễn Thị Nhung – Chủ tịch xã Văn Lợi – gần như không chớp mắt, và không rời ông Ký nửa bước. Vừa đi bà vừa lẩm nhẩm như niệm thần chú vậy: “Lạy trời cho có nước…”. Bất chợt ông Ký dừng chân, đám đông nín thở. Đoạn ông dùng mũi giày ngoáy xuống đất để làm dấu, rồi lại tiến, lại lùi thêm mấy lượt nữa, đôi “đũa thần” rung rung, đám đông tự khắc hô vang: “Có nước!”. Mặt ai cũng thật tươi.
Lúc này tôi mới nghe được tiếng bà Nhung, rành rọt: “Trước đây, xã được dự án 134 xây dựng một đường ống dẫn nước tự chảy dài 6km. Nay ống nằm trơ ra đó vì nước đầu nguồn đã bị cạn kiệt. Bốn xóm coi như không có lấy một giọt, hết nước mưa thì phải đi mua. Còn các xóm khác phải dùng nước từ ruộng, biết là bẩn nhưng có còn hơn không”.
Ông Tô Văn Toàn – Trưởng xóm Thắng Lợi – mừng ra mặt khi được là xóm đầu tiên đón “thần nước” về làng. Ông nói, làng ông được thành lập từ những năm 1980, và chuyện thiếu nước cũng bắt đầu từ ngày đó. Thiếu nhất là từ tháng 11 cho đến tháng 4 năm sau. “Không ít nhà vì thiếu nước đã bỏ làng đi rồi, nếu tiếp tục hạn hán như thế này thì còn nhiều nhà nữa cũng sẽ đi luôn” – ông Toàn buồn bã nói. Ông cho biết, đã có không ít gia đình chấp nhận bỏ ra hàng chục triệu đồng để khoan giếng nhưng rồi tiền thì mất mà nước chẳng lên. Nhà ông Trương Văn Hợp khoan đến 3 lần, nhưng cả 3 lần đều trồi lên toàn… đá.
“Thần nước” Lý Văn Ký tìm nguồn nước ở Văn Lợi.
Ông Ký dừng chân ngay vị trí trung tâm của làng. Mọi thao tác của “thần nước” được lặp lại. Vẫn đôi mắt căng thẳng, vẫn những bước chân thật nhanh. Và mọi người lại nín thở. Khi mũi giày của ông ngoáy sâu vào mặt đất cũng là lúc ông Toàn reo lên: “Có nước rồi, làng ơi!”. Từng tràng pháo tay vang lên không dứt… “Thần nước” nở một nụ cười rất tươi, chậm rãi nói với mọi người: “Không phải thần thánh, ma quỷ chi mô, tui làm theo nguyên lý đo dòng điện âm, xác định từ trường trái đất đó mà. Chỗ mô có nước thì điện trở sẽ khác, rứa là biết thôi”. Người ta tin ông, và càng tin hơn khi ông cho biết, chỉ chừng nào giếng có nước ông mới lấy tiền công. Bằng không, một xu cũng không nhận.
Một ngày “quần” ở Văn Lợi, “thần nước” đã tìm ra 5 mạch nước ngầm. Ai cũng vui và ai cũng trông, ít ngày nữa thôi, dòng nước mát từ lòng đất sẽ được ông Ký “gọi” lên để ăn đời ở kiếp với bà con Văn Lợi. Tôi cũng rất mong, sẽ không còn nữa những hình ảnh con trước, nước sau mỗi buổi sáng mai ở Trường Mầm non Văn Lợi. Sẽ không còn nữa những chị Ngà, anh Lĩnh… bị té ngã, văng cả con, vỡ cả can.
“Thần nước”
“Thần nước” Lý Văn Ký năm nay 65 tuổi, ở xã Gio Quang, huyện Gio Linh, Quảng Trị. Trước, ông làm nghề cơ khí, chuyên sản xuất nông cụ phục vụ nông nghiệp. Vào năm 1998, một đợt hạn nặng diễn ra ở ngay làng Trúc Lâm quê ông, bà con đã mất rất nhiều tiền thuê người khoan giếng nhưng chẳng có kết quả. Ông Ký quyết định lần tìm nguồn nước, chế tạo mũi khoan để “gọi” nước lên cứu khát dân làng.
Tiếng lành đồn xa, ở đâu thiếu nước người ta lại tìm đến ông. Biệt danh “thần nước” ra đời từ đó. Với những sáng chế và phát hiện đặc biệt, năm 2003, ông được Bộ Khoa học và Công nghệ tặng bằng khen…
Theo 24h
Làng khát nước... sạch
Gần 40 năm qua, người dân làng Lâm Xuân, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị phải uống "nước ruộng"...
Không biết bao nhiêu người chết do lâm bệnh hiểm nghèo mà nguyên nhân được ngành y tế xác định là có liên quan đến ăn, uống nguồn nước bẩn...
Cách TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị hơn 10km nhưng nhiều năm qua, gần 500 hộ dân và gần 2.000 nhân khẩu của làng Lâm Xuân "chưa biết mùi nước sạch". Và trong những ngày này, khi đến làng Lâm Xuân chỉ thấy một màu nước vàng.
Hệ thống giếng nước sinh hoạt của người dân tự đào nơi sâu nhất thì khoảng 4m, có nơi chỉ cần vài lát cuốc là đã có nước. Đem so sánh nước giếng và nước ruộng thì hai loại nước này đều có màu tương đồng với một màu vàng quánh của bùn đất.
Chị Nga đưa chiếc áo trắng vừa quệt vào thành trong của bể lọc nước và kết quả là bùn đất bám vào chiếc áo này là "không thể tưởng tượng được".
Chị Nguyễn Thị Nga, người dân làng Lâm Xuân mở bể lọc nước nhà mình và chỉ tay vào đó, nói: "Bể nước này gia đình đã lọc hơn 1 tuần qua nhưng đến nay vẫn một màu đục quánh, mùi hôi bốc lên từng ngày". Chưa dừng lại đó, chị Nga còn dùng một chiếc áo trắng quệt nhẹ vào thành bên trong của bể lọc nước thì chiếc áo đã dính một màu vàng óng của đất từ nước lọc thải ra. "Lọc hoài mà đất bùn trong nước vẫn không thể nào sạch được.
Hơn một tuần cho nước vào bể gạn lọc mà đến nay nước múc ra để dùng vẫn một màu đục vàng thôi. Biết làm răng bây giờ. Nấu cơm, nấu cháo, nước uống tất cả phải dùng loại nước "thượng hạng" này thôi..."- chị Nga chia sẻ.
Không giấu được nỗi niềm khao khát mong có nước sạch để sử dụng, ông Nguyễn Ngọc Hạnh khẳng định: "Bây chừ (giờ) có ai đó yêu cầu gia đình tôi nộp cho họ 20 triệu đồng để xây hệ thống nước máy sạch về dùng tôi cũng sẵn sàng bỏ ra ngay. Chứ bấy lâu nay, cả cái làng này uống nước bẩn nên không biết bao nhiêu người chết vì bệnh hiểm nghèo. Tính sơ sơ, trung bình mỗi năm cũng có 5 - 7 trường hợp chết do ung thư, còn các căn bệnh khác có liên quan do dùng nước bẩn mà mắc phải thì không biết bao nhiêu mà kể".
Chúng tôi đem nỗi niềm của người dân nói với ông Thân Hữu Toàn, trưởng thôn Lâm Xuân, được biết: "Chúng tôi đã nhiều lần đề cập, phản ánh với chính quyền xã cùng làm việc với lãnh đạo cấp huyện, song đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời, trong khi đó các làng lân cận đã có nước máy sạch để dùng.
Để đối phó với những căn bệnh nguy hiểm do uống nước bẩn gây ra, mấy tháng trở lại đây, dân làng Lâm Xuân nhà nào cũng phải đem can đi mua nước sạch ở các làng kế cận về dùng. Mà cũng hạn chế lắm vì một can nước khoảng 20 lít phải mất gần chục nghìn đồng, nên chỉ mới dùng nấu cơm, nấu nước để uống thôi. Còn tắm, giặt vẫn phải dùng nước bẩn ấy nên các căn bệnh ngoài da mà dân làng Lâm Xuân, đặc biệt các em nhỏ mắc phải vẫn đang trong tình trạng báo động cao".
Các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị cần sớm có giải pháp để đầu tư một hệ thống nước sạch cung cấp cho những người dân ở đây sinh hoạt nhằm giúp người dân tránh được những căn bệnh do nước bẩn gây ra.
Theo 24h
Không thể có "rắn thần" Liên quan đến dư luận mấy ngày qua xôn xao về một con rắn biêt múa, được người dân tôn làm "rắn thần", tới khân vái, chính quyền địa phương đã khẳng định là không có "rắn thần". Chiều ngày 17/4, ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi khẳng định...