Theo chân ngư phủ sông Đà săn cá măng khủng ví như “thủy quái”
Những ngày đầu hè, phóng viên Bao điện tử DANVIET.VN có dịp theo chân những ngư phủ sông Đà săn tìm loài cá măng, một trong những loài cá được người dân nơi đây mệnh danh là “thủy quái”. Sông Đà là con sông hùng vĩ nhất khu vực Tây Bắc. Nơi đây, người dân từng đánh bắt được nhiều loài cá “khủng”, có những con cá nặng hơn 70kg.
Mùi Văn Hoạn là một trong những tay săn bắt cá cừ khôi ở bản Mường (xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La). Để chuẩn bị cho chuyến săn cá khủng lòng hồ sông Đà, Hoạn chuẩn bị đồ đạc cần thiết rồi lên thuyền khởi động máy rẽ nước đến gần cảng Tà Hộc.
Anh Hoạn đang thả lưới giữa dòng sông Đà khởi đầu cho quá trình đánh bắt loài cá măng nổi tiếng trên dòng sông Đà.
Cơn gió ràn rạt bất chợt thổi mạnh làm quá trình di chuyển của thuyền như chậm lại, anh Hoạn bảo: “Hôm nay trời nổi gió mạnh quá, nếu không chắc tay giăng lưới sẽ gặp khó khăn lắm đấy”.
Trong lúc buông lưới dù xuống sông Đà, đằng xa chợt có tiếng máy nổ vang ầm ĩ, Hoạn ngoảnh lại dùng tay và hô hoán như báo hiệu mình đang thả lưới để người ta tránh.
“Khi giăng lưới phải cẩn thận, không được lơ là khi có thuyền lớn chạy qua. Nếu mình không báo tín hiệu thì những chiếc máy công suất lớn chạy chém đứt tan tành cả lưới, coi như mất bộ lưới dù 3 triệu đồng và phí công sức bỏ ra”, anh Hoạn chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Để bắt được con cá măng to khủng, anh Hoạn phải mất rất nhiều thời gian “bày binh bố trận” trên sông nước.
Quanh năm lấy thuyền làm nhà, trăng sao làm bầu bạn, cuộc đời mưu sinh của ngư phủ lênh đênh theo sóng nước rì rào cứ thế lẳng lặng trôi qua.
Dưới khoảng trời mùa hè, khi mặt trời vén màn mây, rạng đông hừng sáng cũng là lúc thuyền đánh cá của anh Hoạn làm việc hết công suất.
Bởi thời điểm buổi sáng sớm vét lưới xuôi dòng sông Đà mới mang lại nhiều cá và có cơ hội bắt được cá khủng, nhất là cá măng nếu vét lưới vào buổi chiều thì trời nóng, cá hầu như lặn xuống đáy sông, rất khó bắt.
Video đang HOT
Theo anh Hoạn, “sóng nước tròng trành, nguy hiểm lắm. Hôm nào trúng mánh, dính được con cá to. Hôm nào cá dính ít thì lỗ tiền xăng”.
Chia sẻ về kinh nghiệm săn bắt cá với chúng tôi, anh Hoạn nói: “Nghề săn cá sông Đà không phải như bắt cá trong ao, trong hồ, quăng lưới ghìm chì thông thạo một chút là kéo lên cả mẻ. Cá ở sông dù không mênh mông như biển khơi nhưng cũng không có giới hạn nào nhất định, nước sông lại thay đổi dòng chảy liên tục và phải nắm bắt được khoảng thời gian nào bắt đầu, ở đâu mới có cá… nên cần phải có sự kiên trì và chịu khó.”.
Khi thấy nước trên sông chuyển sang màu đục ngầu, dòng chảy xiết mạnh dần, đây chính là thời cơ chín muồi để vét lưới bắt cá khủng. Nói thế không phải lúc nào cũng có thể bắt được cá to, nó còn phụ thuộc vào may mắn của mỗi người. “Nhưng đối với cá nhân tôi lại có cái may mắn đó, hầu như năm nào tôi cũng bắt được vài con cá to nặng từ 10kg – 20kg, trong đó có những con cá măng khủng…”.
Khi bắt được cá măng khủng anh Hoạn dùng dây dù buộc ở mạn thuyền, chờ thuyền buôn đi qua để bán cá.
Không giống như những người dân vạn chài đi quanh năm suốt tháng và đi lên các tỉnh xa săn bắt cá, anh Hoạn chỉ đi đánh cá vào những ngày nông nhàn khi công việc nương rẫy đã xong xuôi, anh đi xa nhất là khoảng 15km rồi quay về.
Theo anh Hoạn, săn cá nhiều khi còn phụ thuộc vào cái duyên, mùa nào nước đấy từ tháng 1 đến tháng 12 dương lịch ở từng khúc sông Đà, có những nơi xuất hiện bãi bồi, luồng lạch nông sâu khác nhau. Vì vậy cách săn bắt cá của những ngư dân trên sông nước cũng có nhiều phương thức “bày binh bố trận” khác nhau.
Anh Hoạn vui mừng khi bắt được cá măng nặng 15kg.
Trò chuyện với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN trong quá trình vét lưới trên sông, anh Hoạn nở nụ cười tủm tỉm trên gương mặt đen sam vi dám nắng của một người nông dân chấn chất: “Năm học lớp 1 tôi đã biết bơi, bất kể thời điểm nào bố mẹ tôi đi thả lưới tôi cũng xin đi cùng cho bằng được…”.
Được đi nhiều nên anh Hoạn cũng thích thú lắm, đến khi trưởng thành và lập gia đình anh càng đi đánh cá nhiều hơn, hình như đó là niềm đam mê thì phải. Cứ ngày nào mà không được đi thả lưới, vét lưới thì anh cảm thấy trong người khó chịu và nhớ sông nước da diết.
Có lẽ vì có duyên với sóng nước sông Đà mà năm nào anh Hoạn cũng được “hà bá” ban tặng cho những con cá to”.
Thời điểm nước lòng hồ sông Đà cạn và chuyển sang màu đục là thời điểm các ngư phủ sông nước ngược xuôi vét lưới săn cá khủng.
Đối với những người săn cá trên sông Đà, họ chỉ cần thấy bầu trời thay đổi chuyển sang đen tối, xám xịt là họ biết mình phải làm gì, có thể quay về hay tiếp tục cuộc hành trình săn bắt cá.
Anh Hoạn tâm sự, có những ngày bắt được cá to thì thu nhập được 4 – 5 triệu đồng, cũng có lúc đánh bắt được hàng tạ với đầy đủ các loại cá: Nheo, mè, măng, chày, ngạnh, chép…
Như vào mạch chuyện nên anh Hoạn cứ hồ hởi kể cho chúng tôi nghe đủ thứ chuyện của những người làm nghề đánh cá trên sông Đà. Những lần trực chiến có lần con cá to cỡ hơn 30kg quẫy lên mặt nước như muốn lật thuyền.
Anh Hoạn cho biết: “Nếu như gặp mưa to gió lớn thì bắt buộc phải đi theo chiều gió, không được đi ngược lại nếu không sẽ bị lật thuyền, thấy trời nổi cơn dông là tôi táp vào bờ, rồi tìm chỗ trú ngay. Con sông Đà lúc dịu êm, khi lại dữ dội cuồng phong nên đánh bắt cá cần có nhiều kinh nghiệm. Nhưng cũng chính con sông này như lòng mẹ bao la, phủ đầy những lớp phù sa và cá tôm”.
Hè về ve kêu điếc tai, cứ bảo nó gầy, ở đây bắt bán kiếm bộn tiền
Bước vào đầu tháng 5, tiếng ve sầu bắt đầu kêu inh ỏi ở các cánh rừng vùng cao Tây Bắc nói chung và tỉnh sơn La nói riêng. Đây cũng là dịp bà con dân tộc thiểu số dùng nhựa mít và các dụng cụ khác băng qua những cánh rừng bắt ve sầu để kiếm thêm nguồn thu nhập.
Những năm trở lại đây, từ tháng 5 - 6 dương lịch, người dân xã Chiềng Mung (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) lại rủ nhau vào rừng bắt ve sầu. Công việc chủ yếu diễn ra ban đêm từ 20h giờ đến 5h sáng. Mặc dù công việc vất vả nhưng đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con người dân tộc Thái nơi đây. Bởi những món ăn được chế biến từ ve sầu ngày càng được nhiều thực khách ưa chuộng và tìm mua.
Vào những ngày hè, ve sầu được đồng bào dân tộc Thái săn bắt ở những cây cà phê, cây xoài, nhãn... để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Chia sẻ về cách săn bắt ve sầu với PV báo Nông thông ngày/Điện tử Dân Việt, chị Lò Bích Nga, bản Phát (xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) cho biết: "Ve sầu rất thích đậu ở cành cây cà phê, cây thông, xoài, nhãn... chúng trú ngụ thành từng tốp từ 3 - 4 con. Để bắt được ve sầu, tôi dùng nhựa mít, nhựa các loại cây khác bôi lên cành cây lay nhỏ dài khoảng 6m rồi dùng để dính vào cánh của chúng.
Chúng tôi thường bắt ve vào ban đêm. Dụng cụ cần phải có trong quá trình bắt đó là đèn pin, dao, giỏ hoặc túi nilon. Có ngày tôi bắt được khoảng 5kg, sau đó tôi mang ra chợ Nà Si, chợ cóc gần quốc lộ 6 bán với giá 150.000 - 200.000đồng/kg".
Mỗi khi đến mùa ve sầu, chị Nga thường lên các cánh rừng ở gần nương săn bắt để mang ra ngoài chợ bán.
"Cách thứ 2 có thể bắt được ve sầu mà không cần lên rừng, tôi chặt cành cây cao hơn 1 mét về đặt trước sân nhà. Sau đó tôi chuẩn bị đèn pin, ống nhựa, hộp sữa bột đã qua sử dụng hoặc những hộp nào phát ra được tiếng động to và tốt, rồi bỏ nhiều viên sỏi nhỏ vào ống lắc đều để tạo âm thanh giả, rụ ve sầu bay về đậu vào lúc chập tối, rồi bắt bằng tay không. Cách làm này tuy nhàn hơn nhưng không bắt được nhiều bằng đi soi ban đêm", chị Lò Bích Nga, bản Phát thông tin thêm.
Hiện 1kg ve sầu được bà con dân tộc Thái sau khi bắt về bán với giá 150.000 đồng - 200.000 đồng.
Trước đây ve sầu chỉ là món ăn chơi, thỉnh thoảng đồng bào dân tộc vùng cao rủ nhau đi bắt về làm mồi nhậu. Tuy nhiên những năm gần đây, nhu cầu người dân sử dụng món này tăng cộng với các quán ăn ẩm thực cũng tìm mua ngày càng nhiều, nên có rất đông người đi bắt ve sầu về bán kiếm lời.
Chị Nga cho biết: " Bắt ve sầu là công việc thời vụ của chúng tôi sau những ngày làm nương cà phê và làm ruộng. Nếu chăm chỉ lên rừng bắt ve sầu, 1 ngày cũng kiếm 600. 000 đồng - 800.000 đồng là chuyện bình thường".
Theo chị Nga chia sẻ: "Nhiều năm đi bắt ve sầu nên tôi biết được chỗ nào tập trung nhiều ve, chỗ nào ít. Có ngày tôi leo lên các triền đồi có rừng rậm mất khoảng 2h đồng hồ để bắt ve là chuyện bình thường. Chịu khó đi xa 1 chút, nhưng đổi lại thu nhập từ việc bắt ve sẽ cao hơn. Mỗi mùa (khoảng 2 tháng) ít cũng được 10 - 15 triệu, năm nhiều có lúc tôi cũng kiếm gần 20 triệu đồng từ bán ve sầu. Dù là nghề săn bắt mùa vụ, nhưng ít nhiều cũng mang thu nhập đáng kể cho người dân chúng tôi".
Ve sầu thường được bà con dân tộc bày bán ở các khu chợ cóc ở huyện Mai Sơn, TP. Sơn La, huyện Phù Yên, Sông Mã, Sốp Cộp.
Theo một số thương lái ở huyện Mai Sơn (Sơn La), giá thu mua ve sầu dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/kg tùy theo từng loại. Anh Sa Văn Ka, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn cho biết: "Ve sầu làm được khá nhiều món ngon như ve chiên bột, ve xào sả ớt, ve rang lá chanh... được rất nhiều người ưa thích. Vài năm gần đây, nhu cầu người dân khoái khẩu món ăn này ngày càng nhiều. Cũng vì thế mà nhiều bà con dân tộc đi bắt ve ăn chơi chuyển dần thành những "thợ săn" chuyên nghiệp mang về bán. Có ngày tôi thu mua từ 70 - 80kg ve sầu giao bán cho các nhà hàng ở TP. Sơn La, Hà Nội".
Ve sầu được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, nên được nhiều thực khách lựa chọn. Chính vì vậy, giá cả của vẻ sầu luôn ở mức cao.
Ve sầu được coi là một trong những món đồ nhậu dân dã, được nhiều cánh mày râu ưa thích, nhất là khi món ăn này xào sả ớt giòn tan mà được uống cùng với một chút rượu, bia thì quả là sự kết hợp hoàn hảo. Thế nên, món đặc sản ve sầu trở nên nổi tiếng ở vùng Tây Bắc nói chung, Sơn La nói riêng và được nhiều thực khách lựa chọn trong các bữa cơm đãi khách quý và người thân.
Cho hoa ở trong nhà kính, lãi hơn 200 triệu đồng mỗi năm Anh Vũ Mạnh Quân, dân bản Lò Suối Tủng, xã San Thàng là một trong những người đầu tiên ở thành phố Lai Châu (tỉnh Lai Châu) trồng hoa trong nhà kính. Từ khi cho hoa ở trong nhà kính, kinh tế gia đình anh Quân thay đổi hẳn. Mỗi năm, anh Quân thu lãi hơn 200 triệu đồng từ bán hoa tươi...