Thêm thành viên Cộng hòa ‘quay lưng’ với ông Trump, ủng hộ luận tội
Cuộc chạy đua với thời gian của đảng Dân chủ nhằm hạ bệ Tổng thống Donald Trump vừa được tiếp thêm sức khi một số thành viên Cộng hòa bắt đầu quay lưng với ông.
NBC News đưa tin, nghị sĩ Jaime Herrera Beutler vừa lên mạng xã hội Twitter bày tỏ rằng bà tin Tổng thống Trump vi phạm lời tuyên thệ, và nữ thành viên Cộng hòa này tuyên bố sẽ bỏ phiếu luận tội ông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP
Với quyết định này, Jaime Herrera Beutler trở thành nghị sĩ Cộng hòa thứ 5 ủng hộ nỗ lực của phe Dân chủ muốn phế truất ông Trump trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc.
Theo hãng tin Anh BBC, thành viên cấp cao của đảng Cộng hòa tại Hạ viện là Liz Cheney (con gái của cựu Phó Tổng thống Dick Cheney) cũng đã tuyên bố sẽ bỏ phiếu ủng hộ luận tội sau khi cuộc biểu tình của những người ủng hộ ông Trump ở đồi Capitol biến thành bạo loạn và khiến 5 người thiệt mạng.
“Chưa bao giờ có sự phản bội lớn như vậy bởi một tổng thống Mỹ đối với lời thề của ông ấy với Hiến pháp”, đại diện bang Wyoming bày tỏ. Bà nói thêm rằng, ông Trump đã “triệu tập đám đông này, tập hợp đám đông và thắp lửa cuộc tấn công này”.
Hai thành viên khác của đảng Cộng hòa là John Katko và Adam Kinzinger đã tuyên bố sẽ bỏ phiếu ủng hộ luận tội ông Trump, trong khi nghị sĩ Peter Meijer của Michigan cũng tỏ ý sẽ hành động tương tự.
Video đang HOT
Theo truyền thông Mỹ, lãnh đạo Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy, một đồng minh của Tổng thống Trump và đã tuyên bố phản đối luận tội tổng thống, quyết định không yêu cầu các thành viên trong đảng bỏ phiếu chống lại việc này.
Nghị sĩ Liz Cheney tại một cuộc họp báo với lãnh đạo Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy hồi tháng 7/2020. Ảnh: Forbes
Cùng ngày 13/1, Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về cáo buộc ông Trump kích động bạo loạn, với phe Dân chủ cho rằng Tổng thống khuyến khích những người ủng hộ xông vào tòa nhà Quốc hội bằng bài phát biểu trước đó. Ông Trump khẳng định không chịu trách nhiệm về những gì xảy ra.
Trong diễn biến mới nhất, Hạ viện Mỹ vừa bỏ phiếu nhất trí hối thúc Phó Tổng thống Mike Pence kích hoạt Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Mỹ để lập tức phế truất Tổng thống Trump. Trước đó, ông Pence đã gửi một lá thư tới Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi khẳng định ông sẽ không sử dụng các điều khoản của Tu chính án số 25 để hạ bệ ông Trump.
Kịch bản quốc hội Mỹ chặn đường tái tranh cử của Trump
Ngoài mục tiêu gạt Trump khỏi Nhà Trắng trong những ngày cuối nhiệm kỳ, phe Dân chủ dường như còn muốn ngăn ông trở lại bộ máy chính quyền.
Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát hôm 11/1 công bố điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump, xoay quanh vai trò của ông trong vụ bạo loạn tại Đồi Capitol ngày 6/1. Ông chủ Nhà Trắng bị cáo buộc đưa ra những phát biểu "kích động bạo loạn" và khuyến khích hành vi phạm pháp.
Đây là động thái tiếp theo của phe Dân chủ trong nỗ lực phế truất Trump, sau khi nghị quyết kêu gọi Phó tổng thống Mỹ Mike Pence kích hoạt Tu chính án 25 bị các thành viên đảng Cộng hòa chặn bỏ phiếu tại Hạ viện. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden đã cận kề, việc phế truất Trump trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc có lẽ không phải hình phạt nghiêm khắc nhất mà quốc hội Mỹ có thể đưa ra.
"Trump cần bị luận tội và xét xử, loại bỏ khỏi nhiệm sở, đồng thời truất quyền nắm giữ và thụ hưởng bất kỳ chức vụ danh dự, tín nhiệm hoặc lợi ích nào tại nước Mỹ", điều khoản luận tội mới công bố của phe Dân chủ tại Hạ viện có đoạn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị phát biểu trước đám đông ủng hộ gần Nhà Trắng hôm 6/1. Ảnh: AFP .
Thượng viện Mỹ có thể tiến hành kịch bản này theo quy trình được quy định trong Hiến pháp. Dù khả năng hiện thực hóa được đánh giá khá thấp, nhưng nếu điều này xảy ra, Trump sẽ không thể tái tranh cử tổng thống vào năm 2024 bất chấp tầm ảnh hưởng rộng lớn của ông trên chính trường Mỹ.
Điều II, mục 4 Hiến pháp Mỹ quy định một tổng thống phải bị phế truất nếu bị kết tội trong phiên tòa luận tội tại Thượng viện. "Tổng thống, phó tổng thống cùng tất cả quan chức dân sự của Mỹ đều sẽ bị cách chức nếu bị luận tội và kết tội phản quốc, tham nhũng, hoặc những trọng tội và sai phạm khác", tài liệu có đoạn.
Hồi năm 2019, Trump bị luận tội lần đầu tiên, xoay quanh nghi vấn nhờ Ukraine hỗ trợ để gây bất lợi cho Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng, với hai điều khoản cáo buộc gồm lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội. Khi đó đã có tranh luận rằng hai điều khoản này có thuộc phạm vi định nghĩa mơ hồ về "trọng tội và sai phạm" trong hiến pháp hay không.
Phe Dân chủ tại Hạ viện dường như đã rút kinh nghiệm. Trong nghị quyết luận tội Trump công bố hôm 11/1, với cáo buộc "kích động bạo loạn", họ nêu rõ lý do hành vi của Trump là một sai phạm có thể luận tội.
"Tổng thống Trump đã gây nguy hiểm nghiêm trọng đến an ninh Mỹ và các thể chế của chính phủ. Ông ấy đe dọa tính toàn vẹn của hệ thống dân chủ, can thiệp vào quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, đẩy một nhánh của chính quyền vào nguy hiểm. Do đó, ông ấy đã phản bội lòng tin vào một tổng thống, với sự tổn thương rõ rệt của người dân Mỹ", nghị quyết có đoạn.
Tuy nhiên, điều I, mục 3 trong Hiến pháp trao cho Thượng viện quyền lực duy nhất đối với việc xét xử tất cả điều khoản luận tội. "Không ai có thể bị kết tội nếu không có sự tán thành của 2/3 số thượng nghị sĩ có mặt. Phán quyết trong các trường hợp luận tội sẽ không vượt quá việc cách chức và truất quyền nắm giữ và thụ hưởng bất kỳ chức vụ danh dự, tín nhiệm hoặc lợi ích nào tại nước Mỹ", Hiến pháp quy định.
Nói cách khác, quyền kết tội và phế truất Trump thuộc về Thượng viện, và chỉ có thể thực hiện với 2/3 số phiếu ủng hộ. Thượng viện cũng có thể cấm Tổng thống giữ các chức vụ trong chính quyền một lần nữa nếu ông bị kết tội, nhưng Hiến pháp lại không quy định rõ liệu phán quyết này có cần tới 2/3 phiếu đồng thuận hay không.
Thượng viện từng truất quyền giữ chức vụ trong tương lai của tổng cộng ba người, tất cả đều là thẩm phán liên bang, với số phiếu chỉ cần quá bán. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Mỹ chưa từng ra phán quyết nào về vấn đề này, nên nếu Thượng viện chỉ bỏ phiếu quá bán để ngăn Trump trở lại chính quyền trong tương lai, đây sẽ là tình huống chưa có tiền lệ và có nguy cơ gây tranh cãi lớn.
Mặc dù vậy, khả năng cao Thượng viện sẽ không kết tội Trump, từ đó không dẫn đến quá trình bỏ phiếu định đoạt tương lai chính trị của ông. Cần tới 67 thượng nghị sĩ tán thành việc kết tội, có nghĩa là nếu tất cả thượng nghị sĩ Dân chủ đồng tình, vẫn cần thêm 17 phiếu từ các thượng nghị sĩ Cộng hòa.
Số lượng này được cho là khó có thể đạt được, bởi trong phiên tòa luận tội năm 2019 chỉ có một thượng nghị sĩ Cộng hòa quay lưng với Trump. Các nguồn thạo tin cũng tiết lộ phần lớn thượng nghị sĩ Cộng hòa hiện không muốn luận tội Tổng thống.
Cuộc bỏ phiếu nhằm thông qua điều khoản luận tội Trump tại Hạ viện dự kiến diễn ra vào ngày 13/1. Tuy nhiên, theo lịch trình được vạch ra, phiên tòa luận tội tại Thượng viện chỉ có thể bắt đầu một giờ sau khi Biden tuyên thệ nhậm chức vào 12h ngày 20/1. Chưa từng có tổng thống nào phải đối mặt với một phiên tòa luận tội khi đã rời Nhà Trắng.
Một số học giả lập luận rằng kịch bản này vẫn có thể được chấp thuận. "Các hình phạt đặc biệt đi kèm với việc bị kết tội được thiết lập nhằm bảo vệ nền cộng hòa khỏi những người lạm dụng chức vụ công, theo cách nghiêm trọng đến mức họ không bao giờ nên được trao cơ hội nắm giữ quyền lực nữa", Michael Gerhardt, giáo sư tại Trường Luật Đại học Bắc Carolina, cho biết.
Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng đồng tình với quan điểm này, và chưa có tòa án nào từng ra phán quyết liên quan đến vấn đề. Vì vậy, bất cứ nỗ lực nào nhằm truất quyền tái tranh cử của Trump cũng có thể dẫn đến cuộc chiến pháp lý gay cấn.
Đặc nhiệm Mỹ bị điều tra vì dẫn người ủng hộ Trump đến Washington Lục quân Mỹ điều tra một đặc nhiệm do nghi sĩ quan này dẫn người ủng hộ Trump tới dự mít tinh trước vụ bạo động ở tòa quốc hội. Đại úy Emily Rainey, 30 tuổi, được cho là đã dẫn 100 người thuộc nhóm Công dân hạt Moore vì Tự do đến dự mít tinh ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump...