Thêm sai phạm “động trời” từ vụ “gas bẩn” của công ty Điện Quang
Ngoài thủ đoạn cắt tai mài vỏ chiếm đoạt vỏ bình của hàng loạt hãng gas, Công ty Điện Quang còn trắng trợn sản xuất lậu đến 4 vạn vỏ bình. Hơn nữa, công ty này còn bị Công an tỉnh Quảng Ninh bắt quả tang trữ hơn 2600 vỏ bình của hãng gas khác.
Hàng loạt sai phạm “động trời” ngay giữa khu công nghiệp
Sau khi liên tiếp đưa thông tin lật tẩy thủ đoạn cắt tai mài vỏ bình gas của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Điện Quang (Công ty Điện Quang), trụ sở ở Lô 18, Khu công nghiệp Cái Lân – TP Hạ Long (Quảng Ninh), PVDân trí đã trực tiếp xâm nhập vào trụ sở của công ty này để mục sở thị đại công trường sang chiết gas và phát hiện câu chuyện “động trời” khi Công ty Điện Quang trắng trợn sản xuất lậu đến 4 vạn vỏ bình gas.
Công ty Điện Quang với hơn 2600 vỏ bình gas của các hãng khác đang bị Công an tỉnh Quảng Ninh tạm giữ điều tra.
Ngay tại trụ sở Công ty Điện Quang trong KCN Cái Lân, PV Dân trí đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Lý – Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty trước sự chứng kiến của đại diện Ban quản lý khu kinh tế Quảng Ninh để làm rõ những “mảng tối” trong hàng loạt hoạt động kinh doanh trái pháp luật của công ty này.
Bà Lý thừa nhận việc bị Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46) Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, bắt quả tang hành vi sang chiết gas trái phép, đồng thời tạm giữ một lượng lớn vỏ bình gas vi phạm của công ty này.
Theo biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép của PC 46 Công an tỉnh Quảng Ninh ngày 23/10 tại Công ty Điện Quang, vào thời điểm cơ quan công an kiểm tra, Công ty này đang giữ trái phép đến hơn 2600 vỏ bình của 24 hãng gas khác. Toàn bộ số vỏ bình gas vi phạm này đã lập tức bị PC 46 Công an tỉnh Quảng Ninh ra quyết định tạm giữ để phục vụ công tác điều tra.
Về hành vi chiếm giữ vỏ bình của các hãng gas khác, bà Lý thừa nhận đây là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bà Lý lại biện bạch rằng các công ty kinh doanh gas khác cũng đều vi phạm như công ty của bà (?!).
Video đang HOT
Công ty Điện Quang với xưởng sản xuất lậu đến 4 vạn bình gas ngay trong KCN Cái Lân.
Trong trụ sở Công ty Điện Quang, ngoài kho bãi chất vỏ bình gas cao như núi cùng máy móc sang chiết nạp gas thì còn có cả một khu nhà xưởng với quy mô như một đại công trường để sản xuất vỏ bình gas. Sau khi PV Dân trí xâm nhập ghi lại những hình ảnh cận cảnh tại khu công trường sản xuất này, một câu chuyện “động trời” đã bị phát lộ: Công ty Điện Quang trắng trợn sản xuất lậu đến hàng vạn vỏ bình gas tung ra thị trường.
Trong buổi làm việc với PV Dân trí, có sự chứng kiến của đại diện Ban quản lý khu kinh tế Quảng Ninh, bà Lý đã thừa nhận việc chưa hề được Bộ Công thương cấp phép sản xuất vỏ bình gas. Tuy nhiên, công ty này đã lắp đặt “chui” cả một xưởng sản xuất với giá trị hàng chục tỷ đồng, trong suốt một thời gian dài trắng trợn sản xuất vỏ bình gas tung ra thị trường.
Theo thừa nhận của bà Lý, công ty Điện Quang đã sản xuất lậu đến khoảng 4 vạn vỏ bình gas. Mỗi vỏ bình có giá khoảng 500 nghìn đồng. Số tiền công ty này thu được từ 4 vạn vỏ bình gas lậu vào khoảng 20 tỷ đồng.
Điều quan trọng là 4 vạn vỏ bình gas được Công ty Điện Quang này sản xuất lậu đã được sang chiết gas, tung ra thị trường và hiện đang nằm trong nhà của hàng vạn hộ gia đình mà không hề có một sự đảm bảo nào về an toàn gây nguy cơ về hiểm họa cháy nổ khôn lường.
Được biết, Công ty Điện Quang ký hợp đồng sang chiết gas với 3 hãng gas: Petronas gas (Thăng Long gas); PetroVietNam gas; Đài Hải gas. Như vậy, hàng vạn vỏ bình gas lậu do Công ty Điện Quang sản xuất đã được dùng để sang chiết gas của các hãng gas này bán ra thị trường.
Bà Nguyễn Thị Lý – Giám đốc Công ty Điện Quang (áo đen bên phải) trong buổi làm việc với PV Dân trí thừa nhận sản xuất lậu 4 vạn vỏ bình gas, chứa hơn 2600 vỏ bình của các hãng gas khác.
Mặc dù chưa hề được các cấp có thẩm quyền cấp phép sản xuất vỏ bình gas nhưng trong Giấy chứng nhận đầu tư của Công ty Điện Quang do ban quản lý khu kinh tế Quảng Ninh cấp, công ty này đưa ra có mục tiêu xây dựng 1 dây chuyền sản xuất, sơn vỏ bình gas với công suất 156.000 vỏ bình/năm. Với tiến độ thực hiện dự án là sau 9 tháng được cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh sẽ đi vào hoạt động sản xuất, sơn vỏ bình gas.
Tại buổi làm việc, trước câu hỏi của PV Dân trí về trách nhiệm của Ban quản lý khu kinh tế Quảng Ninh khi Công ty Điện Quang ngang nhiên sản xuất lậu hàng vạn vỏ bình ngay trong KCN Cái Lân, đại diện ban quản lý cho rằng đơn vị này chỉ cấp giấy chứng nhận đầu tư còn việc xin cấp phép sản xuất vỏ bình gas là do doanh nghiệp phải xin Bộ Công thương nên Ban quản lý không có trách nhiệm gì trong việc này (?!).
“Cãi chày cãi cối” hành vi cắt tai mài vỏ chiếm đoạt vỏ bình gas
Mặc dù Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện, tạm giữ hàng nghìn vỏ bình gas của hàng chục hãng bị chiếm giữ trong Công ty Điện Quang và hàng loạt hãng gas tiến hành “mổ” bình gas của công ty này phát hiện ra bình của công ty mình bị cắt tai mài vỏ để chiếm đoạt nhưng bà giám đốc Công ty Điện Quang nhất quyết phủ nhận thực hiện hành vi trên.
Bà Lý chối rằng Công ty Điện Quang không thực hiện thủ đoạn cắt tai mài vỏ chiếm đoạt vỏ bình gas của các hãng khác. Khi PV Dân trí dẫn ra cả hình ảnh và video clip đã đăng tải về việc đại diện nhiều hãng gas tiến hành “mổ” vỏ bình của Công ty Điện Quang xác nhận chữ nổi của các thương hiệu gas này trong các ruột bình gas, bà Lý vẫn một mực nói rằng không biết tại sao lại có chuyện đó.
Tuy nhiên, về trường hợp một số hãng gas cung cấp hóa đơn mua bình gas của Công ty Điện Quang tại các đại lý của công ty này có mã số cụ thể nhưng khi mổ vỏ bình phát hiện bình bị chiếm đoạt bằng thủ đoạn cắt tai mài vỏ, bà Lý lúng túng nhưng vẫn nói rằng mình cũng không biết tại sao.
Mặc dù Công ty Điện Quang một mực chối cãi hành vi cắt tai mài vỏ chiếm đoạt vỏ bình gas, Hiệp hội gas Việt Nam đã có công văn gửi trực tiếp Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh và Phòng CSĐT Tội phạm về kinh tế chức vụ (PC 46) Công an tỉnh Quảng Ninh khẳng địnhcCác thủ đoạn và hành vi vi phạm của Công ty Điện quang đã diễn ra nhiều năm. Các Công ty gas chân chính, Hiệp hội gas Việt Nam đã thường xuyên phản ánh, kiến nghị bằng văn bản tới các cấp tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan trung ương.
Bà Lý nhất quyết nói không biết tại sao vỏ bình gas của Công ty Điện Quang nhưng ruột bình lại của hãng gas khác.
Năm 2011, Hiệp hội gas Việt Nam đã cùng Cục CSĐT Tội phạm về kinh tế chức vụ (C46) Bộ Công an tổ chức điều tra, xử lý công ty này và đề nghị đưa công ty này vào diện “trọng điểm” để kiểm tra xử lý. Hiệp hội gas Việt Nam nhận định là vô cùng nghiêm trọng, vi phạm các quy định tại Nghị định của Chính phủ về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng và hàng loạt các quy định khác về sản xuất hàng nhái, hàng giả.
Chính vì vậy, hiệp hội gas Việt Nam kiên quyết đề nghị Công an tỉnh Quảng Ninh, các cấp có thẩm quyền tỉnh Quảng Ninh điều tra, nghiêm khắc xử lý những vi phạm của công ty bày “trò bẩn” trục lợi này theo quy định pháp luật.
Làm việc với PV Dân trí về những sai phạm của Công ty Điện Quang, ông Phùng Danh Đài – Trưởng ban quản lý khu kinh tế Quảng Ninh khẳng định: Mặc dù ban quản lý chưa nhận được kết luận của Công an tỉnh Quảng Ninh nhưng chắc chắn hoạt động kinh doanh của Công ty Điện Quang có gian dối.
“Với những hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, quan điểm của chúng tôi là kiên quyết xử lý thật nghiêm theo quy định pháp luật. Hiện những sai phạm của Công ty Điện Quang đang được Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra. Về thẩm quyền của Ban quản lý khu kinh tế Quảng Ninh, đơn vị trực tiếp quản lý Công ty Điện Quang, nếu sai phạm của doanh nghiệp này nghiêm trọng, chúng tôi sẽ tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi giấy phép kinh doanh”, ông Đài cho biết.
Cùng sự việc, ông Vũ Văn Cúc – Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh cũng khẳng định: Sở Công thương đang đợi kết luận từ phía Công an tỉnh Quảng Ninh. Quan điểm của Sở là sẽ phối hợp hết sức với cơ quan công an để làm rõ những sai phạm của Công ty Điện Quang, xử lý theo pháp luật.
Trong giấy chứng nhận đầu tư của Công ty Điện Quang do Ban quản lý khu kinh tế Quảng Ninh cấp ghi rõ: Trong quá trình hoạt động của dự án, nếu chủ đầu tư không tuân thủ thực hiện đầu tư theo giấy chứng nhận đầu tư và các quy định của pháp luật, Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh quyết định chấm dứt hoạt động của dự án, thu hồi giấy Chứng nhận đầu tư theo quy định tại điều 68, Nghị định số 108/2006/NĐ-CP.
Anh Thế
Theo Dantri
Gần 47.000 tỷ ngăn ngừa tai nạn giao thông đường sắt
Bộ Giao thông vận tải vừa phê duyệt nguồn kinh phí gần 47.000 tỷ đồng xây dựng hệ thống giao cắt giữa đường sắt với đường bộ. Kinh phí trên bao gồm cả chi phí xây dựng, giải phóng mặt bằng, chi phí khác và dự phòng...
Theo đó, sẽ có 9 tuyến trong quy hoạch được đầu tư xây dựng các điểm giao cắt gồm Hà Nội-TPHCM; Yên Viên-Lào Cai; Hà Nội-Đồng Đăng; Đông Anh-Quán Triều; Gia Lâm-Hải Phòng; Kép-Hạ Long; Kép-Lưu Xá; Bắc Hồng-Văn Điển; Yên Viên-Cái Lân.
Việc làm này của Bộ Giao thông vận tải nhằm hạn chế các vụ tai nạn giao thông giữa các phương tiện ô tô, xe máy và tàu hoả trong thời gian vừa qua khi qua các đoạn đường gao cắt giữa đường sắt và đường bộ.
Theo quy hoạch, giai đoạn từ năm 2012-2015 Bộ Giao thông vận tải sẽ xây dựng hàng rào ngăn cách đường sắt với đường bộ và đường sắt với khu dân cư, các đường gom dân sinh; xây dựng các đường ngang làm mới và nâng cấp một số đường ngang thường xảy ra mất an toàn giao thông.
Với các điểm giao cắt khác mức sẽ xây dựng các hầm chui dân sinh. Với các nút giao khác mức thì ưu tiên các điểm giao cắt thường xẩy ra ùn tắc giao thông trên đường bộ, vùng gần khu đô thị, thành phố.
Bộ Giao thông vận tải giao Vụ Kế hoạch-Đầu tư chủ trì, phối hợp với các chủ dự án được giao xây dựng các nút giao cắt nghiên cứu cơ chế, chính sách và các hình thức huy động các nguồn vốn để khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia xây dựng các nút giao cắt theo quy hoạch được duyệt bằng các hình thức nhà nước đầu tư, BOT, BT, liên doanh... theo quy định của pháp luật.
Tổng Công ty Đường sắt tăng cường vai trò quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, trong đó có hệ thống nút giao cắt giữa đường sắt và đường bộ; đề xuất các chương trình, các dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp các nút giao cắt theo quy hoạch được duyệt nhằm từng bước xóa bỏ các điểm đen về an toàn và tại nạn giao thông tại các nút giao cắt.
Vạn Xuân
Theo_VnMedia
Vinashinlines sắp phá sản: Sự "giải cứu" nào cho các thuyền viên? Vinashinlines sắp phá sản theo "chỉ định" trong tiến trình tái cơ cấu Vinalines. Lúc này, nhiều ý kiến lo ngại về số phận của các thủy thủ đang giữ tàu ở xứ người: Tàu chưa bán được, Vinashinlines phá sản, ai sẽ đưa các thuyền viên về nước? Đề án tái cơ cấu Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đến...