Thêm một quan điểm cực “chất” về việc xóa trường chuyên đang gây tranh cãi: 5 việc cần làm sau đây mới là quan trọng
Chủ đề nóng về trường chuyên đang gây tranh cãi thời gian gần đây tiếp tục ghi nhận thêm một ý kiến sâu sắc…
Anh Giang Nguyễn từng tốt nghiệp ĐH Cornell và ĐH Luật Boston, hiện là Giám đốc The Ivy-League Vietnam. Xoay quanh chủ đề trường chuyên đang nhận được hàng nghìn ý kiến trái chiều từ phụ huynh, chuyên gia trong suốt thời gian qua, anh Giang Nguyễn cũng đã đưa ra quan điểm của mình và nhận được sự đồng tình từ cộng đồng mạng.
Anh cho rằng, thay vì bình luận chỉ trích trường chuyên đã lỗi thời, hãy bình luận cụ thể trường chuyên cần cải tổ những gì. Nguyên văn bài chia sẻ của anh Giang Nguyễn như sau:
“Tôi muốn khẳng định giáo dục năng khiếu và tài năng (Gifted and Talented Education) chưa bao giờ là lỗi thời cả. Nếu muốn biết cụ thể, hãy học tập những gì Singapore, châu Âu, Mỹ, Hàn, Nhật đã và đang làm.
Nước Nhật trước kia không có mô hình giáo dục này và đề cao giáo dục đại đồng, học sinh tài năng và học sinh khác đều nhận được sự giáo dục như nhau. Nhưng gần đây đã chú trọng rồi.
Triết lý của giáo dục năng khiếu và tài năng (sau đây gọi là giáo dục chuyên) xuất phát từ luận điểm cho rằng những con người có khả năng đặc biệt cần môi trường đặc biệt để phát triển.
Điều đáng nói là giáo dục chuyên ở các nước khác ta ở chỗ họ không chỉ đào tạo các em gà nòi để đi thi lấy thành tích cao mà đào tạo ra những con người có năng lực đặc biệt về một lĩnh vực nào đó có ích cho sự phát triển của xã hội.
Nhìn vào cách tuyển chọn học sinh để quy hoạch nhân tài của Singapore thì mới thấy họ thực hiện giáo dục chuyên bài bản, không đặt nặng thành tích thi cử mà đặt nặng yếu tố phát triển con người và tài năng.
Tôi tạm không đi vào bàn chi tiết các mô hình giáo dục chuyên trên thế giới trong bài này, nhưng một lần nữa tôi muốn khẳng định rằng giáo dục chuyên chưa bao giờ lỗi thời.
Những quan điểm hô hào xóa sổ hệ thống trường chuyên có lẽ đã nhìn nhận giáo dục chuyên một cách cực đoan chăng?
Theo tôi, hệ thống trường chuyên ở Việt Nam không những không nên xóa mà còn phải được đầu tư mạnh hơn để cải tổ triệt để.
Tôi có mấy đề xuất thế này:
Từ thượng tầng, chúng ta bỏ ngay việc đặt nặng thành tích huy chương quốc gia, quốc tế lên hàng đầu mà hãy thiết kế lại mô hình trường chuyên theo hướng đào tạo nhân tài thực thụ cho quốc gia, nhân loại. Bây giờ ai đi khoe nước tôi có bao nhiêu huy chương vàng toán mà nên khoe nước tôi có bao nhiêu bằng sáng chế!
Khi xác định được triết lý vận hành của trường chuyên thì nghĩa là chúng ta đã cải cách được một nửa rồi vì đó là phần hồn. Việc còn lại là cải cách cái thân xác.
Thứ nhất: Các trường chuyên cần cải tổ ngay khâu tuyển sinh
Liệu chúng ta có chắc chắn rằng hàng ngàn học sinh trúng tuyển vào các trường chuyên hàng năm thực sự có năng khiếu về môn chuyên đó? Hay chúng ta mới chỉ tuyển chọn dựa trên kết quả bài thi? Tôi nhớ câu của ông Nguyễn Minh Thuyết nói: học sinh trường chuyên chỉ là thợ giải bài tập. Ông Thuyết nói thế là không oan chút nào đâu.
Video đang HOT
Các em học các lò luyện thi chuyên chỉ chăm chăm giải bài tập qua ngày tháng hằn sâu vào não bộ rồi. Nhiều em vào được chuyên xong là lơ là ngay chính môn chuyên của mình, không còn đam mê với khoa học mà chỉ học mang tính đối phó. Các em vào học chuyên nhưng thực sự chỉ có lớp đội tuyển mới gọi là học chuyên, mới đáng được gọi là gà nòi còn 90% học sinh còn lại thì cũng học như bình thường thôi.
Như vậy nếu để trường chuyên thực sự là chuyên theo kịp với xu hướng nhân loại thì chúng ta cần cải tổ ngày từ khâu đầu vào. Làm sao để phát hiện năng khiếu thực sự là một vấn đề nan giải. Năng khiếu một con người cần được vun dưỡng qua thời gian nhưng cũng cần được giám sát. Các trường cần phải gạn lọc, loại trừ và tuyển mới nếu sau một thời gian học sinh chuyên đó không còn giữ được niềm đam mê với môn chuyên.
Sẵn sàng loại bỏ những nhân tố thui chột để tuyển mới các em có đam mê thực sự là một điểm đáng cân nhắc. Đã vào chuyên là phải có tài năng nổi bật về môn chuyên và khát khao kiến thức, chứ vào chuyên chỉ để khoác áo thì uổng phí đầu tư của nhà nước và gia đình.
Thứ hai: Các trường chuyên cần cải tổ khâu đào tạo
Các chuyên gia hãy ngẫm nghĩ các cháu trong trường chuyên học những gì? Và học như thế thì có xứng đáng gọi là chuyên không? Riêng tôi thì thấy 3 năm học chuyên của đại đa số học sinh chuyên đang thực sự lãng phí. Nếu đã gọi là vào chuyên, thì phải học đúng cái chuyên đó. Môn chuyên phải thực sự giỏi. Các em phải học làm nghiên cứu khoa học về chuyên ngành của mình. Các thầy ngoài việc dạy lý thuyết trên lớp bằng bảng đen và phấn trắng thì cũng nên giao đề tài, viết tiểu luận, đi sâu nghiên cứu theo từng chuyên đề, khuyến khích các em làm nghiên cứu độc lập.
Sang thăm các trường ở một số nước, tôi thấy học sinh cấp 3 của họ (không cần phải trường chuyên) đã làm việc trong phòng thí nghiệm như một nhà nghiên cứu thực sự. Xét về kỹ năng giải bài tập có lẽ các em đó thua xa học sinh Việt Nam nhưng xét về tầm nhìn khoa học hãy kiến thực phổ quát cũng như chuyên sâu có lẽ học sinh Việt Nam thua họ. Thua không phải vì học dở hay học sinh ta kém thông minh hơn họ, mà thua về phương pháp và triết lý giảng dạy: một bên là luyện đề còn một bên là luyện nghề.
Đã vào chuyên thì không tránh được học lệch. Rõ ràng môn chuyên phải chiếm phần lớn thời gian. Với phân phối chương trình như hiện nay thì thực sự để phân bổ thời gian cho môn chuyên nhiều hơn là khó vì còn phải đảm bảo các môn còn lại. Tôi nói thật chứ chẳng có nước nào học 13 môn/học kỳ như ở Việt Nam cả đâu. Học sinh ở các nước mà tôi biết chỉ học 3, 4 môn mỗi học kỳ thôi.
Các em được quyền lựa chọn môn học. Không hiểu sao họ không hề có môn giáo dục công dân mà học sinh vẫn rất yêu nước, cư xử xã hội chuẩn mực, hiểu biết rất rộn về âm nhạc, lịch sử, văn học nghệ thuật. Còn ta cái gỉ gì gi cũng đưa vào học mà cuối cùng chẳng học hành gì cả. Học sinh ngồi trong giờ văn thì giở toán ra làm, trong giờ sử thì giở tiếng Anh ra làm, trong giờ giáo dục công dân thì ngáp ngủ.
Vậy cải tổ lại chương trình với học sinh chuyên là để giúp các em thực sự có thời gian phát triển tài năng về lĩnh vực chuyên của mình là điều nên làm. Quỹ thời gian và sức tiếp thu của con người có hạn, làm sao tiếp thu nổi tất cả 13 thứ cùng một lúc đây.
Thứ ba: Nên cải tổ trường chuyên theo hướng cắt bớt môn chuyên
Chúng ta nên tập trung nguồn lực đào tạo các nhân tài về một số lĩnh vực toán và khoa học. Các trường chuyên không phải là cái giàn hợp xướng mà môn gì cũng chuyên cả. Tôi thấy trong khi điều kiện ngân sách chưa cho phép thì tập trung nguồn lực đào tạo các ngành chuyên khoa học cơ bản thôi. Đó mới là những gì đất nước cần. Các môn chuyên khác cũng rất cần cho cuộc sống và sự phát triển của xã hội nhưng có lẽ không cần phải học chuyên đâu. Có mấy cháu học chuyên văn mà thành nhà văn lỗi lạc đâu? Hay các ngành ngoại ngữ cũng nên bớt chuyên đi. Ngày nay học ngoại ngữ là cái gì đó tất yếu, phổ thông quá rồi đâu cần phải đi đào tạo chuyên nữa. Nói ra điều này các phụ huynh đừng giận. Tôi nói chân tình đó.
Nếu làm được như thế thì ngân sách đầu tư cho trường chuyên sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Khỏi phải co ro, vặt mũi đút miệng nữa. Học sinh tài năng sẽ được chăm bẵm xứng đáng.
Thứ tư: Chính các phụ huynh phải cải tổ tư duy và nhận thức về học chuyên
Tâm lý cho con vào trường chuyên bằng mọi giá dù con không có đam mê và tài năng thực sự về môn chuyên. Con không đủ vào chuyên này thì thi vào chuyên khác dù con chả có chút thiên bẩm gì về cái chuyên đó cả. Tôi lấy ví dụ nhé thi trượt chuyên Anh thì tụt xuống chuyên Nga, chuyên Trung… thế chẳng là cố đấm ăn xôi cho con vào chuyên bằng được hay sao?
Tôi hiểu tâm lý phụ huynh là muốn con mình vào môi trường tốt để học tập cùng với các bạn có tư chất ngang hoặc hơn con mình từ đó khích lệ các cháu phát triển. Nhưng chính vì tư duy đó khiến trường chuyên cứ phình ra mà đón nhận, mở thêm môn này, hệ kia làm pha loãng cả mục đích nguyên thủy của trường chuyên đó.
Tôi vẫn khẳng định lại quan điểm của mình: Không nên vì những điều bất cập của trường chuyên mà xóa đi cả một hệ thống lâu đời. Thay vì đạp đổ, chúng ta hãy cải tổ để trường chuyên đúng nghĩa là chuyên!
Không thể cứ mãi vừa hồng vừa chuyên!
Nhà báo Thu Hà "bóc mẽ" nhiều trường tuyển sinh với bảng điểm toàn 10: Dù con tốt cỡ nào cũng sẽ bị loại từ vòng gửi xe!
Cứ mỗi mùa tuyển sinh thì câu chuyện về trường chuyên, lớp chọn lại trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Cứ mỗi mùa tuyển sinh đến, không chỉ có những sĩ tử phổ thông mới ráo riết ôn tập cho kỳ thi THPT Quốc gia cũng như xét tuyển đại học mà ngay cả phụ huynh cũng nơm nớp để tìm trường, chọn trường cho con khi con bước vào lớp 1 hay chuẩn bị lên lớp 6. Những tưởng, với những cấp học này thì chẳng bao giờ xảy ra chuyện chạy trường, chạy điểm ấy vậy mà suốt nhiều năm qua, không ít ngôi trường nổi tiếng ở các thành phố lớn đưa ra các điều kiện tuyển sinh khắt khe để chọn lọc ra những học sinh "ưu tú" nhất về mặt thành tích.
Điều này đặt ra những băn khoăn lớn về việc tại sao con trẻ cứ phải mải chạy theo điểm số, tìm đến các lò luyện thi từ khi còn bé. Việc dựa vào điểm số để đánh giá năng lực của học sinh là đúng nhưng để đưa ra những tiêu chí như phải có bảng điểm đẹp toàn 10 thì liệu có thực sự phù hợp khi các cơ sở giáo dục muốn học sinh của mình phải hoàn hảo ngay ở lứa tuổi ăn chưa no lo chưa tới?
Mới đây, chị Trần Thu Hà, hay còn được biết đến với cái tên Mẹ Xu Sim, một nhà báo từng cho ra đời nhiều đầu sách về nuôi dạy con nổi tiếng đã chia sẻ quan điểm của mình trên trang cá nhân của mình và nhận được nhiều sự quan tâm. Theo những lời tâm sự, sau khi chuẩn bị hồ sơ để đăng ký cho con vào một trường tư có tiếng tại Hà Nội, chị đã phải vội rút lui vì loạt quy định tuyển sinh trên trời để rồi sau đó, chị quyết định đưa con đến một ngôi trường khác.
Trích lược đoạn chia sẻ như sau:
Giờ này 2 năm trước mình cũng dự tính cho Xu Sim thi vào 1 trường tư được khen là rất rất tốt.
Vòng chuẩn bị hồ sơ dự thi đã phiền, vì bất kỳ giấy tờ gì họ cũng yêu cầu công chứng. Mình có nói: Vài tuần nữa nếu bé đậu thì cũng cần phải nộp bản gốc cơ mà, hay là hôm nay tôi mang luôn bản chính tới có được không? Không, quy định là phải công chứng chị ạ!
Tới khi nhìn quy định tuyển sinh càng hậm hực hơn. Yêu cầu học bạ phải khá giỏi trở lên, điểm tổng kết lớp 4 và 5 tối thiểu phải là 36 điểm 2 môn toán, và ai 40 điểm sẽ được xét trước. Có bằng thi học sinh giỏi tiểu học cấp TP, cấp quốc gia sẽ được cộng 10 điểm, có bằng tiếng Anh được cộng 7,5 điểm.
Ôi, nhìn vào quy định, mình hiểu ra một cách sáng rõ. Lâu nay mình luôn tự tin "đừng chạy theo điểm số", "điểm số không quan trọng, quan trọng là thái độ và tính cách"... chỉ vì con mình chưa dự thi tuyển vào trung học!
Bệnh thành tích ở đâu mà ra? Lạm phát điểm 10, lạm phát học sinh giỏi ở đâu mà ra? Nạn trẻ tiểu học bị nhồi nhét học và nhồi nhét thi ở đâu mà ra? Ép học sinh tiểu học học thêm tới 9-10h đêm ở đâu mà ra?
Dạ, ở những quy định đầu vào của những trường mệnh danh là lá cờ đầu của ngành giáo dục này đó ạ!
Vì những quy định này, nên bắt đầu bước chân vào lớp 1 là cả ba mẹ con cái đã bắt đầu lo chạy theo điểm. Phụ huynh nào chẳng muốn con học trường tốt, đó là ước mơ chính đáng.
Và áp lực đó, như ở Mỹ, là đổ lên đầu phụ huynh, Phụ huynh phải làm ra nhiều tiền để mua nhà giá cao hơn ở những khu dân cư có trường tốt.
Ở Israel, là ba mẹ phải tìm được đam mê riêng của con và cho con cơ hội để theo đuổi những dự án riêng, bồi dưỡng đạo đức, cách cư xử cho con.
Còn ở Việt Nam, thì áp lực đó chủ yếu đổ lên đầu tụi nhỏ: phải cày luyện và thi để đạt học bạ đẹp. Thi trong trường chưa đủ, thì cổ vũ thi thêm các cuộc thi ngoài!
Từ lớp 1, suốt 5 năm trời, cả một hệ thống khổng lồ, trải dài nhiều tỉnh thành, nhiều gia đình, nhiều đứa trẻ, nhiều năm... để "con được luỵện trong lò". Mà được lò học thêm bởi chính cô giáo chủ nhiệm thì càng dễ được điểm cao nhất.
Vì 10 điểm nghĩa là ngoài đúng đáp số, thì từng bước trình bày cũng phải đúng ý cô, giải mấy bước, trình bày xuống dòng lùi vào 1 ô hay 2 ô, cũng đúng ý cô.
Mình vốn anti các kỳ thi, nên sau 5 năm tiểu học Xu Sim chả có bằng cấp giải thưởng nào, ngoài mấy cái cup vui vui.
Nhưng, mình cứ nghĩ hoài, Xu Sim có 2 người bạn trai, rất dễ thương, tinh tế, năng động, hiểu biết, tự lập, tự đi học bằng xe bus công cộng, hoặc xe đạp, 2 cậu biết nấu nướng, đi chợ, biết chăm sóc ba mẹ ông bà, rất ga lăng với Xu Sim, ngồi xem phim bằng tiếng Anh, cậu ấy còn giảng giải cho Xu Sim những tầng nghĩa khác của những câu thoại tiếng Anh, dù chưa học thêm buổi nào, chứng tỏ ba mẹ cậu ấy đã rèn dạy rất kỹ càng.
Nhưng theo cái tiêu chuẩn thi của trường này, 2 anh ấy đều rớt từ vòng gửi xe!
Vậy thì, những trường đòi tuyển bảng điểm toàn 9,10 là đang tuyển những đứa bé nghe lời, chăm đi thi, biết làm đúng ba rem của giáo viên, những đứa bé ghi nhớ tốt và nạp được nhiều sách giáo khoa vào đầu...
***Đầu vào và đầu ra của giáo dục mà cứ như thế, thì tới thời đại trí tuệ nhân tạo này, làm sao con có thể cạnh tranh nổi với robot?
***Và chính các thầy cô còn không chấp nhận cho trẻ nhỏ được quyền nhầm lẫn, sai sót lặt vặt, thì làm sao các em có thể chấp nhận mình không hoàn hảo, chấp nhận ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu, còn đâu cơ hội để các con teamwork, sáng tạo, phản biện, tự lập, tự do, tự tìm lối đi riêng?
Năm đó, mẹ Hà đi công chứng 1 đống học bạ giấy tờ, mà càng nghĩ càng nản. Và tới ngày thi, mình cho Xu bỏ thi để đi Nhật Bản chơi 11 ngày, còn Sim thì quên luôn giờ thi.
Có đôi lần mình tự hỏi, có phải mình đã bướng bỉnh quá không? Có phải Xu Sim đã bị lỡ 1 môi trường tốt hay không?
Nhưng giờ, sau 2 năm Xu Sim vui vẻ học ở 1 trường tư khác, mình đã thấy rằng không phải cả thành phố chỉ có 1 trường tốt. Không phải chỉ có ép con chui vào đó thì trẻ con mới trưởng thành. Không phải phụ huynh chỉ có 1 sự lựa chọn.
Bố mẹ vẫn có thể nói "Không"với nhồi nhét học, nhồi nhét thi, mà con mình vẫn an toàn!
Có thể thấy, đề tài về những cuộc đua chọn trường cho con chưa bao giờ hết hot. Ước muốn tìm cho con một môi trường giáo dục tốt là chính đáng, thế nhưng vì điều này mà vô tình phụ huynh tạo ra những áp lực lớn dành cho những đứa trẻ. Câu chuyện về trường chuyên, lớp chọn có lẽ vẫn sẽ được bàn đi bàn lại cho đến khi các trường học thay đổi phương hướng tuyển sinh, phụ huynh dám gỡ bỏ áp lực cho con cái và điểm số không phải là tất cả để đánh giá năng lực của cá nhân.
Giáo sư trẻ nhất Việt Nam gây bão mạng với quan điểm về "trường chuyên", phụ huynh rầm rầm bình luận: Quá tuyệt vời! Xoay quanh chủ đề "Chuyện trường chuyên" đang gây tranh cãi mấy ngày gần đây, GS.TS Phan Thanh Sơn Nam đã có bày tỏ quan điểm của mình. GS.TS Phan Thanh Sơn Nam hiện là Trưởng khoa Kỹ thuật Hóa học, ĐH Bách khoa TP HCM. Anh tốt nghiệp kỹ sư chuyên ngành kỹ thuật hóa học - hóa hữu cơ tại ĐH...