Thêm một người mẹ từ chối điều trị ung thư để con được sống
Khát khao làm mẹ khiến người mẹ trẻ 30 tuổi từ chối điều trị ung thư để có con trên đời.
“Không thể mất con”
Một trường hợp giống thiếu úy Trâm, dù phát hiện mình mang trong mình căn bệnh ung thư máu khi đang mang thai nhưng chị Nông Thị Hảo, (Lạng Sơn) từ chối điều trị.
Câu chuyện về bà mẹ trẻ Đậu Thị Huyền Trâm, 25 tuổi, (Hà Tĩnh) mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn 4 đã di căn sang gan nhưng vẫn từ chối điều trị để giữ lại đứa con trong bụng khiến không ít người rơi nước mắt. Người phụ nữ nghị lực nhưng xấu số ấy chỉ kịp gặp mặt con một lần rồi mãi mãi rời xa.
Cùng cảnh ngộ với chị Trâm, mang bầu ở tháng thứ 7, tưởng rằng hạnh phúc sẽ mỉm cười khi cả gia đình sẵn sàng chào đón con ra đời thì chị Hảo phải đối mặt với căn bệnh ung thư máu.
Gặp chị tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương, người mẹ trẻ mang trong mình căn bệnh quái ác lạc quan so với sự tưởng tượng của chúng tôi rất nhiều. Khuôn mặt tái nhợt bởi thiếu máu, cơ thể mệt mỏi nhưng chị vẫn cố gắng trải lòng.
Video đang HOT
Chị Nông Thị Hảo đang được điều trị. Ảnh: Ngọc Thi
Mang thai đến tuần thứ 27, chị Hảo mọc hạch ở bên cổ, tưởng rằng chỉ là hạch thông thường, mọc 1, 2 ngày lặn nhưng chúng mỗi ngày một lớn. Kèm theo đó là sự đau đớn nên gia đình đưa chị lên bệnh viện khám.
Không một ai nghĩ, Hảo lại mắc căn bệnh ung thư máu. Giây phút cầm kết quả xét nghiệm ai nấy cũng rụng rời chân tay. Lúc đó, cả bác sỹ và người nhà đều chung quan điểm với gia đình là giấu không để chị biết sự thật, nếu có hỏi chỉ bảo sức khỏe yếu, phải nằm viện theo dõi.
Chị Lê Thị Hương, thím chị Hảo cho biết: “Khi Hảo hỏi “cháu bị bệnh gì hả thím?”, tôi bảo không có vấn đề gì đâu nhé, cháu đừng lo lắng, ảnh hưởng đến sức khỏe em bé”.
Nhưng, bằng sư nhạy cảm của bản thân, chị Hảo nhanh chóng biết được bệnh tình của mình. Lúc đó, em bé được 1,1kg, chị Hảo sốt, mệt, không ăn được nên em bé không tăng cân trong thời gian đó.
Theo kết quả khám, chị Hảo được phát hiện bị Lơ xê mi cấp thể M4 trên nền bệnh nhân bị Thalassaemia. Bác sỹ khuyên nên bỏ đứa bé để điều trị ngay bởi tình hình bệnh rất nặng, nếu kéo dài thời gian sẽ nguy hại của mẹ và con.
Bé Dương Ngọc Lâm lúc mới chào đời (ảnh nhân vật cung cấp)
Đang khỏe mạnh bình thường, giờ đây biết tin mình mắc căn bệnh quái ác chả khác nào sét đánh giữa trời quang. Đánh cược số phận, chị từ chối điều trị để giữ đứa con. Gắng gượng thêm 3 tuần, đến tuần thứ 30 sức khỏe chị quá yếu kèm theo cơn sốt nên các bác sỹ tiến hành mổ thai. Bé Dương Ngọc Lâm ra đời nặng 1,8 kg.
“Nhìn ánh mắt của người thân, dù họ không nói nhưng tôi biết mình mắc bệnh gì đó rất nặng. Đau đớn vô cùng khi mang trong mình sinh linh bé nhỏ, đã ra hình hài. Là một người mẹ, làm sao tôi có thể bỏ đi cốt nhục của mình, vì thế tôi quyết từ chối điều trị để cứu con”, chị Hảo tâm sự.
Chỉ nhìn con qua ảnh
Vết thương sau ca mổ đẻ chưa lành, chị bước vào cuộc điều trị với căn bệnh quái ác. Bé Lâm được nuôi trong lồng kính tại bệnh viện Bạch Mai, còn chị điều trị tại Viện huyết học Truyền máu Trung ương. Chị chỉ được nhìn mặt con qua bức ảnh chồng chụp từ điện thoại.
Bé Lâm sinh ra thiếu máu trầm trọng, các bác sỹ phải tiến hành truyền máu kết hợp nuôi trong lồng kính. Sau gần một tháng nhận sự chăm sóc tận tình từ bác sỹ, bé Lâm nặng 2,1 kg. Hiện, anh Dương Ngọc Tùng (chồng chị) mang bé về cho bà ngoại chăm sóc. Đến thời điểm hiện tại, sức khỏe cháu bé đã ổn định, chỉ còn mắc chứng vàng da.
Sắp tới chị Hảo sẽ được điều trị bằng hóa chất. Ảnh: Ngọc Thi
Từ bé chị Hảo đã mất bố, còn chồng chị mất mẹ từ nhỏ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, trưởng thành cả hai đã quyết rời quê hương vào Nam kiếm tiền. Ông trời se duyên, chị và anh Tùng đến với nhau. Cưới xin xong xuôi, sau bao năm mưu sinh nơi đất khách cả hai quyết định về quê lập nghiệp.
Những tháng ngày qua, vợ chồng đùm bọc, động viên nhau cố gắng làm kinh tế. Dẫu vậy, anh chị vẫn nằm trong hộ cận nghèo của thôn. Bảo hiểm y tế cuả hộ cận nghèo phần nào giúp anh chị giảm áp lực về kinh phí chữa trị.
Chị Nguyễn Thị Xuân, bác sỹ điều trị trực tiếp cho chị Hảo cho biết: “Chúng tôi đang điều trị hạch ở cổ cho bệnh nhân. Trong thời gian tới sẽ tiến hành điều trị bằng hóa chất. Đây là một căn bệnh phải chiến đấu lâu dài. Trong giai đoạn này bệnh nhân cần giữ cho tinh thần thoải mái, chúng tôi động viên người nhà giúp bệnh nhân ổn định tinh thần để chiến đấu trong thời gian tới”
Theo Ngọc Thi (Báo Gia đình & Xã hội)