Thêm một kiểu trị bệnh “quái chiêu”
Thời gian gần đây, cứ đến ngày ăn chay, nhiều người lại tìm đến nhà của “thầy” bảy Cường ở ấp Hiệp Trường, xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh để xin trị bệnh. Ông “ thầy lang miệt vườn” này có cách trị bệnh rất quái lạ là dùng rượu đế phun lên người bệnh nhân.
Trong vai hai vợ chồng bị bệnh, trưa ngày 25/10, chúng tôi tìm đến nhà “thầy” bảy Cường để nhờ trị bệnh. Lúc đó là 12 giờ 30 phút, trong nhà “thầy” có hơn 10 người xếp hàng ngồi chờ. Chúng tôi vừa vào nhà đã được một người đàn ông dáng cao, gầy, trạc 40 tuổi, mặc quần áo trắng đến hỏi ở đâu đến, bị bệnh gì, đến đây chữa bệnh lần đầu hay lần thứ mấy… Sau khi nghe chúng tôi “kê khai lý lịch” xong, người đàn ông này hướng dẫn đến chỗ ngồi chờ rồi lại quay sang chỉ biểu cho những bệnh nhân khác.
Nhà của “thầy” bảy Cường là căn nhà tường, lợp ngói, nằm sâu trong con đường đất đỏ. Trong gian nhà trước, phía bên trái để một cái bàn dài và hàng chục cái ghế nhựa, dùng làm nơi khám bệnh.
Trước đầu bàn có hai đĩa nhang và nhiều chai rượu, ly đựng rượu. Giữa nhà bày một cái bàn tròn, dùng để chất hoa quả, bánh trái, nhang đèn. Bên phải là một bộ ván gỗ để bày những hàng mã với đủ loại quần, áo, giày, nón. Mỗi bệnh nhân đến nhờ “thầy” trị bệnh đều phải đem theo hoa, quả, bánh mứt, nhang và một chai rượu đế.
Đồng vợ đồng chồng
Phun rượu vào bệnh nhân
Bà Nương ngồi vào bàn khám bệnh và lần lượt bấm huyệt cho từng bệnh nhân. Với hầu hết bệnh nhân nữ, bà Nương đều hỏi một câu: “Từ nào tới giờ có bỏ cục máu nào hay không?”. Bệnh nhân nào đã từng bị sẩy thai hoặc nạo thai đều được phán rằng: vong hồn của thai nhi đó đến giờ vẫn còn đeo theo và hành cho bị bệnh.
Sau đó bà đứng dậy vỗ tay bốp bốp trên đầu bệnh nhân, rồi cất tiềng la hét, chửi bới để xua đuổi vong hồn ra khỏi bệnh nhân. Cuối cùng, bà hướng dẫn bệnh nhân mua một bịch bánh, một bó hoa, một bó nhang, hai xấp tiền vàng bạc, một bộ quần áo hàng mã (giấy tiền, vàng bạc và quần áo hàng mã do… bà thầy bán) bày ra cúng trên bộ ván. Sau khi cúng vái xong, đem giấy tiền vàng bạc và quần áo hàng mã ra sân đốt.
Đối với những bệnh nhân là trẻ em, đàn ông hoặc phụ nữ chưa có chồng, bà thầy cũng đều phán rằng có vong hồn nào đó nhập vào người. Bà trị bệnh bằng cách để bệnh nhân ngồi trên ghế đôn, phía sau có “trợ lý” đứng thủ sẵn để đỡ.
Sau vài tiếng la hét, chửi bới vong hồn, bà Nương xô bệnh nhân bật ngửa ra sau, được “trợ lý” đỡ dậy, bà Nương lại xô tiếp, ba lần như thế. Đoạn, bà vẽ bùa trên hai bàn tay bệnh nhân và năm tờ giấy màu vàng, bảo đem về nhà đốt, lấy tro, khuấy vào nước mà uống.
Một cô bé 14 tuổi, ở Thị xã Tây Ninh sau khi bị bà thầy xô, đã sợ đến tái mặt, oà khóc nức nở. Cha của bệnh nhân nhí này cho biết: “Con bé bị bệnh nhức đầu, đưa đến đây trị lần này là lần thứ ba”. Khi chúng tôi hỏi kết quả điều trị ở đây thế nào, trong khi người cha trả lời “có bớt bệnh” thì cô bé lại… lắc đầu lia lịa, nước mắt lăn dài.
Video đang HOT
Tất cả các bệnh nhân, sau khi được bà Nương khám bệnh và làm thủ tục xua đuổi tà ma xong thì chuyển sang bước kế tiếp. Đó là được “thầy” bảy Cường cho ngồi trên ghế đôn rồi dùng bông vạn thọ nhúng vào ly rượu vẩy lên đầu, vai, tay, chân. Sau đó, “thầy” cầm ba cây nhang vẽ bùa trong không khí, miệng lẩm bẩm đọc thần chú.
Tiếp theo, các bệnh nhân cúng bánh, trái, hàng mã. Công đoạn cuối cùng là bệnh nhân ra ngồi trước mái hiên để hai, ba “thầy” khác phun rượu lên người. Trong quá trình trị bệnh, các “thầy” này cầm nhang huơ vòng vòng bệnh nhân, thỉnh thoảng “thầy” giậm chân, miệng hô lớn những câu khó hiểu: “Chuyển! Chuyển! Chuyển lẹ ra…” rồi phun rượu phèo phèo vào những chỗ đau của bệnh nhân.
Với cách trị bệnh quái gở như thế, nhưng không hiểu sao vẫn có nhiều người bị mê hoặc, tìm đến vợ chồng “thầy” bảy Cường. Trong đó có cả những người từ thành phố HCM lên thuê nhà ở trọ gần đó để chờ trị bệnh?
Bỗng dưng thành… thầy
Vẽ bùa trên tay bệnh nhân
Chúng tôi tìm gặp ông sáu Hổ, 87 tuổi, là cha ruột của bà Nương và một số người hàng xóm của “thầy” bảy Cường. Qua tìm hiểu thông tin, được biết, trước đây hai vợ chồng “thầy” bảy Cường đều là nông dân. Hằng ngày chỉ biết cày sâu cuốc bẫm trên ruộng của mình.
Lúc rảnh rỗi, ông bảy Cường và người bạn hàng xóm tên Hoàng đi học nghề… thầy bùa. Sau đó hai người về nhà ông tư Hoàng hùn nhau mở địa điểm trị bệnh trặc tay, trặc chân cho bà con trong xóm.
Khoảng bốn năm trước, ông Hoàng qua đời, ông bảy Cường về nhà tiếp tục hành nghề trị bệnh. Vợ ông từ một người chân lấm tay bùn, đùng một cái, trở thành “Cậu” và có tài trị… tà ma.
Nhà “thầy” Cường được nhiều người trong xóm ví như một “bệnh viện đa khoa”, bởi tất cả các bệnh “thầy” đều nhận trị tuốt, chỉ bằng rượu đế. Ngoài việc trực tiếp hành nghề, “thầy” Cường còn đào tạo hơn 10 “đệ tử” khác. Những ngày đông bệnh nhân, “thầy” Cường gọi học trò đến phụ mình. Thời gian trị bệnh có khi kéo dài từ 13 giờ đến 18 giờ mới xong.
Trên danh nghĩa “thầy” bảy Cường trị bệnh miễn phí nhưng bệnh nhân phải mua giấy tiền vàng bạc và đồ hàng mã của gia đình thầy bán ra.
Điều chúng tôi thấy làm lạ là một điểm chữa trị bệnh phản khoa học, đầy mê tín dị đoan, hành nghề rầm rộ, công khai, kéo dài như vậy lẽ nào chính quyền địa phương và ngành chức năng không biết?
Theo Dân Trí
Mẹ nghèo 4 năm đẩy xe lăn cho con đến lớp
Đã gần 4 năm trời ròng rã, ngày mưa cũng như ngày nắng, ở đoạn đường Nguyễn Trãi - Thanh Xuân (Hà Nội), không có ngày nào vắng bóng hình ảnh một người mẹ nghèo đã gần 60 tuổi, đầu đội nón mê, miệt mài đẩy chiếc xe lăn đưa đứa con tật nguyền đến giảng đường đại học.
Người mẹ ấy là Nguyễn Thị Tâm, quê ở An Bình- Thuận Thành- Bắc Ninh; còn đứa con tật nguyền là Nguyễn Hà Hải, hiện đang là sinh viên năm cuối khoa Thông tin- Thư viện, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn.
Hành trình đi mòn 3 chiếc xe lăn
Từ khi sinh ra, Hải đã bị tật nguyền. Năm lên 2 tuổi, đôi chân và cánh tay của cậu bé cứ teo tóp dần, rồi co rúm, thân hình gầy quắt.
Gia đình đã nỗ lực chạy chữa, đưa em đi mổ 3 lần ở bệnh viện Sơn Tây, rồi lại chuyển sang bệnh viện XanhPôn, viện Nhi Thụy Điển, viện Việt- Đức... nhưng cũng không có kết quả gì.
Mọi hi vọng mong manh đều tan biến, dần dần em phải gắn bó cuộc đời mình với chiếc xe lăn.
Bị tật nguyền, thiệt thòi đủ thứ nhưng em vẫn muốn được đến trường học như các bạn. Suốt những năm cấp 1, cấp 2, nhà chỉ cách trường chừng hơn 1 km nên Hải được các bạn cùng làng đẩy xe lăn đến lớp học.
Bố mất sớm, bao nhiêu lo toan, gánh nặng đè lên đôi vai người mẹ. Ngày ấy, mẹ Hải đều đi làm thuê, làm mướn quần quật cả ngày để có tiền thuốc thang, chạy chữa bệnh tật cho em, lo khoản nợ đã lên đến gần 100 triệu đồng.
Nhiều lúc, thương mẹ quanh năm đi phu hồ vất vả, còng lưng đi buôn hàng sáo, Hải đã có ý định nghỉ học để cho mẹ bớt đi gánh nặng. Biết vậy, mẹ Hải đã ôm con vào lòng và khóc: "Dù mẹ có cực khổ đến đâu, sẽ vẫn cố cho con ăn học nên người".
Mẹ con ngày ngày đẩy nhau tới trường
Lên cấp 3, đoạn đường đến ngôi trường em học xa hơn nhiều, cách nhà hơn 4km. Không ngại nắng mưa, ngày nào mẹ cũng dậy sớm, miệt mài đưa em đến trường suốt 3 năm cấp 3.
Ở ngôi trường Trung học phổ thông Thuận Thành III, Bắc Ninh, không ai không biết đến hình ảnh một người mẹ gầy gò còng lưng đẩy xe lăn đưa đứa con tật nguyền đến lớp.
Các thầy cô trong trường, ai cũng cảm phục tấm lòng vì con và nghị lực vượt khó của người mẹ nghèo.
Nhiều thầy cô ở trường nhìn thấy cô Tâm gầy gò, không khỏi ái ngại, sợ cô không còn đủ sức để đưa em Hải học hết cấp 3.
"Được cái trời thương, tôi gầy gò nhưng ít khi đau ốm"- cô Tâm chia sẻ với tôi.
Cô kể, có một lần, hôm ấy trời mưa to bão lớn, rét căm căm, trong người cảm thấy mệt mỏi, cô quay sang nói với Hải: "Trời mưa bão to quá, xin phép cô nghỉ buổi con nhé".
Nhưng Hải vẫn muốn đến trường: "Chờ ngớt thì đi mẹ ạ!". Cơn mưa mãi không dứt, nhưng con đã quyết tâm thế, mẹ cũng phải đi, ướt hết vẫn phải đi. Và hai mẹ con lại mặc áo mưa, xe lăn đưa Hải đến lớp.
Hải thương mẹ lắm nên em quyết tâm cố gắng học tập thi đỗ vào giảng đường đại học để bù đắp lại những hi sinh của mẹ dành cho em.
Suốt ngày, Hải chỉ cặm cụi với sách vở, tự học, tự ôn. Bao nhiêu nỗ lực cũng được đền đáp, em đã đậu vào khoa Thông tin thư viện, Đại học khoa học xã hội và nhân văn với số điểm 20.
Biết tin, mẹ Hải không biết nên mừng hay lo. Con đỗ đại học, niềm vui của mẹ ngắn chẳng tày gang, phải lo đủ thứ: chỗ ăn, chỗ ở cho con; lo kiếm tiền; lo cuộc sống sinh hoạt.
Ngày Hải trúng tuyển, bà con hàng xóm đến chia vui, không ít người ái ngại lo lắng: "Con yếu, mẹ mỗi ngày một tuổi, sức khỏe yếu đi, trăm thứ đổ cả lên vai, không biết mẹ nó có kham nổi không?".
Hải thương mẹ, hiểu những nỗi lo của mẹ, sợ mẹ không đủ sức theo mình trong 4 năm đại học, em không nghĩ mình sẽ đi học tiếp. Lại một lần nữa, mẹ tiếp sức cho Hải đứng dậy: "Lúc nào mẹ còn đi được, lúc ấy con còn được đến trường". Thế rồi, hai mẹ con khăn gói xuống Hà Nội trọ học, trong hành trang không thiếu chiếc xe lăn.
Kí túc xá của trường chỉ cho con ở, mẹ phải ở chỗ khác nên đành phải tìm chỗ trọ ở ngoài.
Mấy ngày trời ròng rã, cô Tâm đi hết các ngõ ngách gần trường để tìm phòng trọ. Hai mẹ con chen chúc trong căn phòng vẻn vẹn 9m2 ở ngõ nhỏ trên đường Nhân Chính, Thanh Xuân, cách trường gần 3km.
Niềm vui hiếm hoi lại hiện lên trong đôi mắt người mẹ nghèo, khi nhắc đến ngày cậu con trai ra trường...
Ngày nào cũng vậy, cô Tâm đưa em Hải đi học từ lúc 6h sáng và đợi sẵn ngoài cửa lớp đến 11, 12 giờ trưa để đưa em về.
"Cô lo lắng, chăm chút chu đáo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ, từng lúc tan học về, không bao giờ phải để nó đợi, sợ nghĩ nó lại tủi thân" - cô Tâm chia sẻ.
Và cô thuộc lòng lịch học, giảng đường Hải học mỗi ngày. Nhà trường cũng tạo điều kiện cho em học tầng 1 là chính, tiết nào học tầng 2, tầng 3 thì bạn cõng lên.
Lên Hà Nội, cô Tâm đi làm đủ mọi việc để kiếm sống, trang trải cuộc sống sinh hoạt cho 2 mẹ con. Mỗi tháng tiền nhà hết 1 triệu rưỡi, tiền điện 5.000đ/số; cả tiền ăn nữa cũng hết gần 3 triệu.
Hai mẹ con chi tiêu chắt chiu hết mức, vì ở đây cái gì cũng đắt đỏ. Nhiều hôm, hết tiền mẹ nhịn ăn sáng để dành dụm mua cho con gói xôi, cái bánh mì; mẹ ăn rau nhưng vẫn phải mua cho con ít thịt, vì "ăn mới có sức mà học".
Sau khi đưa con vào lớp, mẹ lại tất tả chạy đi lau nhà, dọn nhà thuê ở gần trường, làm bất cứ việc gì, miễn sao kiếm thêm được đồng nào hay đồng ấy.
12 năm ròng rã mẹ tất tả cõng con vào lớp, 4 năm theo bước chân mẹ đến giảng đường đại học, mẹ đưa con đi đã mòn ba chiếc xe lăn. Lau vội giọt mồ hôi trên khuôn mặt xám xịt, chằng chịt nhiều nếp nhăn, ngả chiếc nón mê trên chiếc xe đã mòn bánh, cô Tâm kể: "Cấp 1, cấp 2 đi 1 chiếc; cấp 3 đi 1 chiếc, bước vào đại học là chiếc thứ 3. Cái này, cô mua lại hơn 1 triệu, đi bốn năm mòn hết cả rồi".
Những vòng quay của chiếc xe lăn dài như chính cuộc đời nhiều nhọc nhằn, vất vả của người mẹ nghèo đưa con tật nguyền đến lớp!
Niềm vui hiếm hoi của mẹ
Khi nhắc đến chuyện học hành của Hải, đôi mắt của cô Tâm không giấu đi được những niềm vui, hi vọng khi cậu con trai của mình sắp tốt nghiệp đại học.
Trong suốt những năm cấp 2, cấp 3, Hải luôn luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Lên đại học, Hải chăm chỉ, tìm tòi sách vở để học; nhiều kì phấn đấu đạt được học bổng của nhà trường.
Thành tích học tập của Hải là niềm vui lớn nhất đối với mẹ, là động lực để người mẹ nghèo vượt lên những khó khăn, vất vả.
Ở trường, Hải luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ từ thầy cô và các bạn; cho em mượn sách, mượn tài liệu; cõng lên lớp khi học tầng 2, tầng 3... Nhà trường cũng tạo điều kiện miễn giảm 100% học phí cho em trong suốt bốn năm học, giúp đỡ mỗi một kì 500 ngàn đồng để mua sách, mua vở.
Chia sẻ về nghị lực của Hải, thầy Đồng Đức Hùng (chủ nhiệm khoa Thông tin- Thư viện) cho biết: "Em Hải là một tấm gương giàu nghị lực vượt lên số phận. Các thầy cô ở trường ai cũng hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh của em".
Niềm vui hiếm hoi lại hiện lên trong đôi mắt người mẹ nghèo, khi nhắc đến ngày cậu con trai ra trường: "Cô chỉ mong sao có được một công ti, tổ chức nhận em vào làm, cho nó đỡ thiệt thòi hơn so với các bạn".
Đó cũng là mong muốn của Hải, tìm được việc làm sao cho phù hợp với khả năng của mình.
Theo VietNamNet
"Vượt biên" mua "hàng nóng" Để "mục sở thị" chợ "hàng nóng" vùng biên, PV báo PL&XH đã thực hiện một chuyến "vượt biên" từ cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến chợ Karôn. Quả đúng như lời dân anh chị ở Quảng Trị thường rỉ tai nhau, dao, kiếm, mã tấu... Súng điện, dao, kiếm, mã tấu... cần bao nhiêu cũng có. Tự mang về hay là...