Thêm lực ly tâm đẩy Tehran xa bàn đàm phán
Một nghị quyết với nội dung khiển trách Iran vừa được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) thông qua có thể trở thành yếu tố thúc đẩy Tehran rời xa hơn các cuộc đàm phán hạt nhân và khởi động lại quá trình làm giàu uranium.
Sức ép lớn từ một nghị quyết
Hội đồng thống đốc gồm 35 quốc gia của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã thông qua một nghị quyết một lần nữa yêu cầu Iran phải khẩn trương cải thiện hợp tác với IAEA và yêu cầu một báo cáo “toàn diện” nhằm gây sức ép buộc Iran tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân mới.
Anh, Pháp, Đức và Mỹ, những nước đề xuất nghị quyết này, đã bác bỏ động thái vào phút chót của Iran về việc hạn chế trữ lượng uranium gần đạt cấp độ vũ khí, với nhận định là không đủ và không chân thành. Hãng tin Reuters dẫn nguồn từ các nhà ngoại giao tham dự cuộc họp cho biết Trung Quốc, Nga và Burkina Faso đã bỏ phiếu chống. 19 quốc gia bỏ phiếu thuận và 12 quốc gia bỏ phiếu trắng. Một quốc gia chậm nộp phí đã không bỏ phiếu.
Tổng giám đốc Rafael Grossi của IAEA, cơ quan vừa thông qua nghị quyết khiển trách Iran. Ảnh: Reuters
Nghị quyết vừa được thông qua lặp lại lời lẽ từ một nghị quyết tháng 11/2022 rằng Iran “cần thiết và cấp bách” phải giải thích về dấu vết uranium và để IAEA lấy mẫu khi cần thiết. Trong nghị quyết lần này, IAEA cũng yêu cầu “một đánh giá toàn diện và cập nhật về khả năng hiện diện hoặc sử dụng vật liệu hạt nhân chưa khai báo liên quan đến các vấn đề nổi cộm cũng như một báo cáo đầy đủ về sự hợp tác của Iran với IAEA về các vấn đề này”.
Các cường quốc phương Tây hy vọng rằng báo cáo kể trên, dự kiến công bố vào mùa xuân năm 2025, sẽ gây sức ép buộc Iran phải đàm phán về những hạn chế mới đối với các hoạt động hạt nhân của nước này. Dù những hạn chế sắp tới có thể không quá sâu rộng như trong thỏa thuận năm 2015 (vốn đã đổ vỡ vào năm 2018 sau khi người đứng đầu Nhà Trắng lúc đó là Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận).
Ông Trump sẽ trở lại Nhà Trắng vào tháng 1 năm sau và Iran đã làm giàu uranium vượt xa giới hạn của thỏa thuận năm 2015. Nhưng vẫn chưa rõ liệu tân tổng thống Mỹ có ủng hộ các cuộc đàm phán nhằm đặt ra các giới hạn mới với Iran trước khi các giới hạn của thỏa thuận năm 2015 bị dỡ bỏ theo kế hoạch vào tháng 10 năm sau hay không.
Nếu không có giới hạn mới nào được thống nhất trước thời điểm tháng 10/2025, báo cáo mà IAEA yêu cầu có thể được sử dụng để củng cố lập luận cho cái gọi là “biện pháp khôi phục”, một quá trình theo thỏa thuận năm 2015 mà trong đó vấn đề hạt nhân của Iran sẽ được chuyển đến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các lệnh trừng phạt đã dỡ bỏ có thể được áp dụng lại.
Các thanh sát viên của IAEA kiểm tra một cơ sở làm giàu uranium của Iran tại tỉnh Natanz. Ảnh: NPR
Video đang HOT
Phản ứng cứng rắn của Iran
Iran đã nhiều lần phản đối các nghị quyết của IAEA và có những phản ứng cứng rắn. Chẳng hạn, sau những chỉ trích trước đó của Hội đồng thống đốc IAEA, Tehran đã tăng cường các hoạt động hạt nhân và giảm sự giám sát của IAEA. Bây giờ, nước này cũng tuyên bố họ sẽ bắt đầu vận hành các máy ly tâm để làm giàu thêm uranium, qua đó có thể đưa họ đến gần hơn với việc sở hữu vũ khí nguyên tử.
Iran sẽ kích hoạt “một số lượng lớn các máy ly tâm tiên tiến với nhiều kiểu máy khác nhau”, có khả năng sản xuất nhiên liệu hạt nhân được làm giàu ở mức cao, theo tuyên bố chung của Bộ Ngoại giao Iran và Tổ chức Năng lượng Nguyên tử của nước này. Bộ Ngoại giao Iran cũng lên án sự chỉ trích của IAEA là “chính trị hóa và phá hoại”, nói rằng nó làm suy yếu “động lực tích cực” đạt được giữa Tehran và IAEA.
Ông Behrouz Kamalvandi, phát ngôn viên của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran, cho biết nước này bắt đầu đẩy nhanh quá trình làm giàu uranium. Ảnh: IRNA
Behrouz Kamalvandi, phát ngôn viên của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran, cho biết nước này bắt đầu đẩy nhanh quá trình làm giàu uranium ngay sau khi nghị quyết của IAEA được công bố. “Chúng tôi đã khởi động ngay lập tức”, ông Kamalvandi nói. “Chúng tôi sẽ tăng đáng kể quá trình làm giàu uranium”.
IAEA và Iran từ lâu đã bất đồng quan điểm trong nhiều vấn đề, bao gồm việc Tehran không giải thích về dấu vết uranium tìm thấy tại các địa điểm không được công bố, việc năm ngoái nước này cấm hầu hết các chuyên gia hàng đầu về làm giàu uranium của IAEA tham gia nhóm thanh sát viên tới Iran và việc từ chối mở rộng hoạt động giám sát của cơ quan này.
Máy ly tâm tại cơ sở làm giàu uranium Natanz ở miền trung Iran. Nước này được cho rằng đã có uranium làm giàu tới 60% và đủ khả năng sản xuất 4 quả bom nguyên tử. Ảnh: Times of Israel
Giữa tháng 11, Tổng giám đốc Rafael Grossi của IAEA đã đến thăm Tehran với hy vọng thuyết phục Tổng thống mới của Iran, ông Masoud Pezeshkian – người được đánh giá khá ôn hòa – cải thiện sự hợp tác của Tehran với cơ quan này. Ông Grossi sau đó cho biết trong một báo cáo gần đây rằng “khả năng Iran không tiếp tục mở rộng kho dự trữ uranium làm giàu lên tới 60% đã được thảo luận” trong các cuộc họp của ông với giới chức Iran, và nước này đã “bắt đầu thực hiện các biện pháp chuẩn bị” cho việc đó.
Theo tiêu chuẩn của IAEA, Iran đã có đủ vật liệu làm giàu uranium lên mức 60%, tức là gần với độ tinh khiết khoảng 90% ở cấp độ vũ khí, để làm 4 vũ khí hạt nhân. Với những tuyên bố của Iran sau khi IAEA thông qua nghị quyết mới, không thể xác định được liệu Tehran có giữ nguyên mức dự trữ 60% hay tiếp tục tăng lên. Nhưng theo nhiều nhà phân tích, những phản ứng của Iran có thể chỉ là khởi đầu cho một sự leo thang đáng kể trong các động thái phản công giữa nước này đối với IAEA.
Liệu có “quá mù ra mưa”?
Iran đã đồng ý từ bỏ phần lớn kho uranium đã làm giàu của mình vào năm 2015 theo thỏa thuận nhưng đã tiến triển đáng kể chương trình hạt nhân kể từ sau khi Mỹ rút lui vào năm 2018. Và vào đầu năm 2021, nước này bắt đầu nâng mức độ làm giàu uranium lên 60%.
Mức độ đó được coi là khá đe dọa. Khi mức độ tinh khiết tăng lên, quá trình làm giàu uranium trở nên dễ dàng hơn nhiều và cần ít máy ly tâm hơn. Nói cách khác, việc đạt được độ tinh khiết 90% (mức độ đủ để chế tạo vũ khí) từ điểm khởi đầu là 60% ít phức tạp hơn hẳn so với từ 30 hoặc 20%.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo New York Times, ông David Albright, Chủ tịch Viện Khoa học và An ninh Quốc tế, một tổ chức tư nhân tại Washington chuyên theo dõi sự phổ biến vũ khí hạt nhân, cho biết Iran đã “xây dựng một năng lực rất lớn” để làm giàu uranium”.
Thước đo cơ bản về năng lực sản xuất nhiên liệu hạt nhân của Iran là số lượng máy ly tâm – những cỗ máy quay với tốc độ siêu thanh để tăng nồng độ của uranium hiếm lên mức đáp ứng cung cấp nhiên liệu cho lò phản ứng hoặc cao hơn nữa là chế tạo bom nguyên tử. Quá trình đó được gọi là làm giàu uranium.
Theo ông Albright, Iran đã lắp đặt 19.000 máy ly tâm tại các nhà máy chính đặt tại hai tỉnh Natanz và Fordo. Nhà máy tại Fordo nằm trong một ngọn núi để bảo vệ khỏi các cuộc không kích. Ông Albright cho biết thêm, tính đến đầu tuần này, 5.200 máy ly tâm được lắp đặt đang ở trạng thái chờ, tức là đã được triển khai và sẵn sàng hoạt động nhưng vẫn chưa làm giàu.
Ngoài việc tích trữ nhiên liệu, các quan chức Iran còn tuyên bố rằng họ đã nắm vững hầu hết các kỹ thuật chế tạo vũ khí hạt nhân. Giới tinh hoa Iran hiện đang công khai thảo luận về việc liệu đất nước có nên chuyển sang răn đe hạt nhân hay không. Trong bối cảnh ấy, việc IAEA gia tăng sức ép với Iran thông qua nghị quyết khiển trách có thể trở thành chất xúc tác thúc đẩy những cái đầu nóng ở Tehran hô hào đẩy nhanh phát triển vũ khí hạt nhân.
Do đó, không ngạc nhiên khi Nga, một trong 3 nước bỏ phiếu chống, đã mô tả nghị quyết này là “hoàn toàn không phù hợp và không hiệu quả” trong việc thúc đẩy sự hợp tác mang tính xây dựng giữa phía Iran và IAEA.
Lá cờ Iran tại nhà máy điện hạt nhân Bushehr, trong một buổi lễ chính thức khởi công xây dựng lò phản ứng thứ hai tại cơ sở này. Bushehr được IAEA giám sát chặt chẽ. Ảnh: Al-Monitor
Ông Li Song, đại diện thường trực của Trung Quốc tại IAEA cũng nhận định rằng đối đầu sẽ không giải quyết được vấn đề hạt nhân Iran, đồng thời kêu gọi giải quyết thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao. “Sự thật đã chứng minh hết lần này đến lần khác, rằng việc tạo ra sự đối đầu, gia tăng xung đột sẽ không giải quyết được vấn đề, mà sẽ có nguy cơ làm xấu đi sự hợp tác giữa Cơ quan và Iran”, ông Li Song nói.
Đặc phái viên Trung Quốc lưu ý rằng giải pháp cơ bản để giải quyết các mối quan ngại về phổ biến vũ khí nằm ở các nỗ lực chính trị và ngoại giao, cũng như sự hợp tác mang tính xây dựng trên các nền tảng đa phương. Ông Li Song kêu gọi các bên liên quan xem xét vấn đề này theo “cách thận trọng và có trách nhiệm”, đồng thời nhấn mạnh rằng việc gây sức ép với Iran thông qua nghị quyết khiển trách của IAEA không phải là một hình thức ngoại giao.
Có thể nói, nghị quyết của IAEA được thông qua trong bối cảnh bế tắc kéo dài về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 khiến nó làm nổi bật sự chia rẽ ngày càng tăng giữa Tehran với các quốc gia phương Tây. Và, khi cả đôi bên đều đào sâu cách biệt, khả năng giải quyết bế tắc hạt nhân Iran bằng con đường ngoại giao cũng sẽ càng trở nên mong manh hơn.
Iran sẵn sàng đàm phán hạt nhân gián tiếp với Mỹ bên lề Đại hội đồng Liên hiệp quốc
Iran sẵn sàng đàm phán hạt nhân gián tiếp với Mỹ thông qua trung gian hòa giải bên lề khóa họp 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani. Ảnh: IRNA/TTXVN
Đây là tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 18/9.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ông Nasser Kanaani cho biết Tehran sẽ theo đuổi nỗ lực dỡ bỏ các lệnh trừng phạt thông qua đàm phán ngoại giao và cam kết đi theo lộ trình đàm phán. Nhà ngoại giao này khẳng định Iran sẽ tận dụng bất cứ cơ hội tiềm năng nào bằng con đường ngoại giao để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt "khắt khe" và chuẩn bị sẵn sàng cho việc các bên, kể cả Mỹ, cam kết quay trở lại tuân thủ Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ về việc khôi phục JCPOA đã khởi động lại từ tháng 4/2021 tại Vienna, Áo. Tuy nhiên, nỗ lực này vẫn chưa đạt được bất cứ đột phá đáng kể nào kể từ phiên họp gần đây nhất hồi tháng 8/2022.
Cùng ngày, các nước phương Tây gồm Mỹ, Pháp, Anh và Đức đã ra tuyên bố chung đã kêu gọi Iran hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và đảo ngược những bước đi làm giảm tính minh bạch của chương trình hạt nhân của Tehran.
Trong tuyên bố, đại diện thường trực của các nước nói trên tại IAEA nêu rõ Iran cần ngay lập tức đảo ngược quyết định của nước này về việc hạn chế các cuộc thanh sát của IAEA đối với những cơ sở hạt nhân của Tehran. Đồng thời, tuyên bố cũng kêu gọi Iran hợp tác với IAEA để đảm bảo Iran thực hiện chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình theo đúng các quy định của cơ quan nói trên.
Tuyên bố chung nhấn mạnh IAEA quan ngại sâu sắc về các hoạt động và vật liệu hạt nhân chưa được khai báo ở Iran, trong khi Tehran chưa giải đáp về vấn đề này trong hơn 4 năm qua.
Hôm 18/9, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi cũng kêu gọi Iran xem xét vấn đề trên, đồng thời cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng nếu Tehran không hợp tác với cơ quan này. Trước đó, ông Grossi cũng chỉ trích động thái "không cân xứng và chưa từng có" của Iran khi cấm nhiều thanh sát viên được giao nhiệm vụ đến giám sát các hoạt động hạt nhân của Tehran.
IAEA vẫn hi vọng về khả năng nối lại đàm phán hạt nhân Iran Tổng giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi ngày 10/12 nói rằng vẫn còn hi vọng cho việc khôi phục đàm phán về Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), tên chính thức của thỏa thuận hạt nhân hạt nhân Iran năm 2015. Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael...