Thêm hơn 2.800 ca mắc Covid-19 trong ngày 6.5
Chiều nay 6.5, Bộ Y tế thông báo trong nước ghi nhận thêm 2.804 ca mắc Covid-19, 686 ca khỏi bệnh. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu.
Theo thông báo của Bộ Y tế về dịch bệnh Covid-19, hôm nay 6.5, trong nước ghi nhận thêm 2.804 ca mắc Covid-19.
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11,57 triệu ca mắc Covid-19, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ 116.963 ca/triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hôm nay 6.5, trong nước ghi nhận 2.804 ca mắc Covid-19 mới. Ảnh BỘ Y TẾ
Các sở y tế báo cáo, ngày 6.5, có 686 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, không có ca tử vong do Covid-19. Từ đầu dịch đến nay, hơn 10,626 triệu bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam đã được điều trị khỏi. Tại các cơ sở điều trị có 141 bệnh nhân đang thở ô xy. Trong đó, 95 ca thở ô xy qua mặt nạ, 12 ca thở ô xy dòng cao HFNC, 1 ca thở máy không xâm lấn và 33 ca thở máy xâm lấn.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam từ đầu dịch đến nay là 43.196 trường hợp, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Video đang HOT
Về tiến độ tiêm vắc xin Covid-19, Bộ Y tế cho biết, ngày 5.5 có thêm 5.008 liều được tiêm. Từ đầu chiến dịch tiêm chủng đến nay, có 266,27 triệu liều đã tiêm cho người dân trên cả nước. Trong đó, 223,64 triệu liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, gần 24 triệu liều tiêm cho trẻ từ 12 – 17 tuổi và 18,66 triệu liều tiêm cho trẻ từ 5 – 11 tuổi.
Ngày 5.5, Tổng giám đốc WHO đã tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu. Tin tức này có nghĩa là đã đến lúc các quốc gia chuyển từ chế độ khẩn cấp sang quản lý Covid-19 cùng với các bệnh truyền nhiễm khác.
Trong hơn 1 năm nay, đại dịch đang có xu hướng giảm, khả năng miễn dịch của người dân tăng lên nhờ tiêm chủng. Tình trạng lây nhiễm và tỷ lệ tử vong giảm và áp lực đối với các hệ thống y tế cũng giảm bớt.
Xu hướng này đã cho phép hầu hết các quốc gia trở lại cuộc sống như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO lưu ý: “Điều đó không có nghĩa là Covid-19 không còn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu. Tuần trước, cứ 3 phút Covid-19 lại cướp đi sinh mạng của một người và đó chỉ là những trường hợp tử vong mà chúng tôi được biết”.
Hàng nghìn người trên khắp thế giới đang chiến đấu để giành lấy mạng sống của mình tại các đơn vị chăm sóc tích cực. Hàng triệu người khác tiếp tục sống với những hậu quả gây suy nhược cơ thể của tình trạng hậu Covid-19.
Virus gây dịch Covid-19 vẫn còn, vẫn đang gây chết người và vẫn đang thay đổi. Nguy cơ vẫn còn ở các biến thể mới xuất hiện, gây ra các đợt gia tăng mới về số ca mắc và tử vong.
Điểm chung của 2 ca Covid-19 tử vong trong tháng 4
Việt Nam đã ghi nhận 2 bệnh nhân tử vong liên quan Covid-19 sau 4 tháng. Hai ca bệnh chưa đến 60 tuổi nhưng đều có bệnh nền nặng.
Thông tin từ Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) ngày 27/4, những tuần gần đây, số ca mắc Covid-19 có xu hướng gia tăng trở lại, đã ghi nhận 2 ca tử vong sau gần 4 tháng không có trường hợp tử vong nào.
Hai trường hợp đều có bệnh lý nền nặng. Một người 47 tuổi, nữ, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội). Chị đã tiêm đủ mũi vắc xin, mũi cuối tiêm hồi tháng 11/2022. Cách đây 2 tháng, chị bị bệnh viêm phổi thùy, tràn dịch màng phổi.
Trường hợp còn lại là nam giới, 54 tuổi, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), có loạt bệnh lý tim mạch như cơ tim phì đại, rối loạn nhịp tim, suy tim, rối loạn sinh tủy (một dạng bệnh lý tiền ung thư huyết học). Thông tin từ Hội nghị trực tuyến về phòng chống dịch do Bộ Y tế tổ chức chiều 26/4 cho thấy bệnh nhân này chưa tiêm vắc xin Covid-19.
Chưa có bằng chứng biến chủng XBB có thể gây trốn miễn dịch, tăng nặng
Tính đến ngày 26/4, cả nước hiện có 123 bệnh nhân đang thở oxy, trong đó có 24 ca thở máy xâm lấn, 2 ca thở máy không xâm lấn. Số còn lại được chỉ định thở oxy dòng cao HFNC và oxy mặt nạ (mask). Riêng tại TP.HCM, báo cáo của 4 bệnh viện cho thấy có 24 bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng, trong đó 4 ca phải thở máy.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, kết quả giải trình tự gene của 72 mẫu (trong đó có 24 mẫu lấy trong tháng 4, 46 mẫu lấy tháng 3 và 2 mẫu tháng 2) cho thấy trong tháng 3 và 4, hầu hết mẫu phân lập được chủng XBB (1.11.1, 1.5, 1.9...).
Kết hợp với các đặc điểm lâm sàng của người bệnh điều trị trong giai đoạn này, cho thấy hầu hết người bệnh vẫn có các triệu chứng không đặc hiệu như sốt, ho, viêm long đường hô hấp trên, đau mỏi người...
Đặc biệt, phân tích thông tin của 25 trường hợp bệnh nặng, nguy kịch (có tình trạng suy hô hấp cần can thiệp oxy hỗ trợ như thở máy, HFNC, oxy mặt nạ/kính...), cho thấy 90% nhóm này đều mắc bệnh lý nền nặng trước đó. Tuy nhiên, nhóm bệnh nhân này khi được can thiệp điều trị phù hợp thì có tới 76% phục hồi hoàn toàn.
"Điều này cho thấy chưa có bằng chứng về các biến chủng XBB có thể gây tình trạng trốn miễn dịch và tăng tỷ lệ tiến triển nặng cho bệnh nhân", đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh nói với VietNamNet.
Ngoài việc đang cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, điều chỉnh ca bệnh, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng đang cập nhật sử dụng thuốc kháng virus, thuốc chống đông, corticoid, kháng thể đơn dòng theo khuyến cáo quốc tế.
Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài, nhu cầu đi lại gia tăng, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát công tác phòng dịch Covid-19. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Tại hội nghị chiều 26/4, Bộ Y tế và các chuyên gia dịch tễ, truyền nhiễm... tiếp tục đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiêm vắc xin Covid-19 cho người thuộc nhóm nguy cơ cao để bảo vệ chặt chẽ hơn nữa những đối tượng này trước diễn biến tăng về số ca mắc.
Các viện Pasteur, viện vệ sinh dịch tễ khu vực cũng được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành tăng cường giám sát, đánh giá thêm các ca nhập viện, ca nặng, từ đó có dữ liệu để tuyên truyền cho người dân về phòng chống dịch, tiêm vắc xin. Đồng thời tăng cường lấy mẫu, giải trình tự gene các mẫu ca bệnh để kịp thời có các thông tin về biến thể.
Các địa phương cần tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ phòng chống dịch, đảm bảo an toàn phòng dịch trong trường học, đặc biệt trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ kéo dài, nhu cầu đi lại dự báo gia tăng, sau kỳ nghỉ lễ sẽ diễn ra các kỳ thi quan trọng.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 mới nhất tại TP.HCM ngày 25.4 Tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM đang có xu hướng gia tăng khi xuất hiện nhiều biến thể mới của chủng Omicron. Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ 16 giờ ngày 23.4 đến 16 giờ ngày 24.4, TP.HCM ghi nhận 81 ca mắc mới Covid-19, trong đó có 77 ca nhập viện. Có 19 ca...