Thêm hàng trăm ca nhiễm nCoV mới ở Đông Nam Á
Indonesia ghi nhận số ca nhiễm tăng kỷ lục trong 24 giờ qua, nhiều quốc gia trong khu vực thắt chặt các biện pháp hạn chế để ngăn dịch.
Giới chức y tế Indonesia cho biết nước này ghi nhận số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua tăng 247, mức kỷ lục từ khi Covid-19 xuất hiện tại nước này. Tổng số ca nhiễm là 2.738, trong đó 221 người chết, tăng 12 so với hôm trước. Indonesia đã làm xét nghiệm cho hơn 14.300 người.
Truyền thông đưa tin Bộ Y tế Indonesia đã phê duyệt yêu cầu áp các hạn chế cộng đồng quy mô lớn tại thủ đô Jakarta để ngăn đại dịch. Tuy nhiên, một quan chức Bộ Y tế Indonesia sau đó nói rằng các yêu cầu của Jakarta chưa được chấp thuận.
Malaysia thông báo thêm 170 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 3.936. Bộ Y tế Malaysia cho biết số người chết tại nước này là 63, tăng thêm một so với hôm qua.
Malaysia ghi nhận nhiều ca nhiễm nCoV nhất Đông Nam Á, song nước xác nhận nhiều người chết nhất là Indonesia.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nCoV tại trạm lưu động ở thành phố Tangerang, Indonesia ngày 6/4. Ảnh: AFP.
Philippines thông báo 177 người chết, tăng 14 so với hôm qua. Thêm 104 ca nhiễm tại Philippines, nâng tổng số lên 3.764, Bộ trưởng Y tế Francisco Duque nói trong cuộc họp báo hôm nay tại thủ đô Manila.
Video đang HOT
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã gia hạn lệnh phong tỏa và cách ly tại nhà với hơn một nửa dân số, dự kiến kéo dài đến 30/4. Lệnh hạn chế đi lại và tập trung đông người được ban hành tại Manila và vùng lân cận hồi tháng trước sau khi Philippines phát hiện ca nhiễm nội địa đầu tiên.
Singapore chưa thông báo số liệu mới về tình hình Covid-19, quốc đảo thường công bố báo cáo sau 23h mỗi ngày. Bộ Y tế Singapore ngày 6/4 cho biết thêm 66 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số lên 1.375, trong đó 25 bệnh nhân nguy kịch, 5 người chết và 344 người đã hồi phục.
Lệnh đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu tại Singapore bắt đầu từ hôm nay và kéo dài đến ngày 4/5, các trường học tại Singapore sẽ đóng cửa vào ngày mai. Khu vực trung tâm của Singapore được mô tả giống “thành phố chết” khi gần như toàn bộ dân chúng đều ở nhà.
Thái Lan xác nhận 38 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 2.258, trong đó 16 ca ngoại nhập, 17 ca nội địa và 5 ca chưa xác định được nguồn lây. Một người đàn ông 54 tuổi chết vì nCoV chiều nay, nâng số người chết tại Thái Lan lên 27, theo phát ngôn viên Trung tâm Kiếm soát Tình hình Covid-19 Taweesin Wisanuyothin.
Campuchia cho biết thêm một ca nhiễm nội địa là người phụ nữ quốc tịch Việt Nam, nâng tổng số ca nhiễm lên 115. Trong số ca nhiễm có 49 người Campuchia và 66 người nước ngoài, chưa có ca tử vong.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định Covid-19 đang được kiểm soát và nước này chưa cần tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, ông Hun Sen nói chính phủ Campuchia quyết định dừng Choul Chnam Thmey, lễ mừng năm mới của người Khmer, dự kiễn diễn ra ngày 14-16/4, để ngăn đại dịch lan rộng.
Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc vào tháng 12/2019, đã xuất hiện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 1,3 triệu người nhiễm nCoV, hơn 75.000 người chết và hơn 293.000 người đã hồi phục.
Nguyễn Tiến
Từ dịch Corona 2019 nghĩ về vị bác sĩ chết để nhân loại được sống
Vào ngày này 17 năm về trước, thế giới đã trải qua một trong những giai đoạn đen tối và hoang mang nhất bởi một dịch bệnh.
Đó chính là SARS, và một trong những người anh hùng đã hi sinh để kéo nhân loại khỏi hố đen năm ấy, chính là Carlo Urbani, vị bác sĩ đã chết để nhân loại được sống.
Sars là hội chứng hô hấp cấp tính nặng và do một loại virus có tên là Coranavirus gây ra (cùng họ với virus Vũ Hán hiện tại). Sars được ghi nhận ở 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với 8.422 người mắc. Trong đó, có 916 người chết (tỷ lệ tử vong là 10.87%). Sars gây ra thiệt hại nghiêm trọng tới du lịch, kinh tế, chính trị và xã hội của nhiều nước. Kinh tế thế giới ước tính bị thiệt hại tới 150 tỷ USD, trong đó riêng các nước Đông Á và Đông Nam Á thiệt hại tới 28,4 tỷ USD. Tất cả những con số này sẽ không dừng lại ở đây nếu không có sự xuất hiện của vị bác sĩ đáng kính Carlo Urbani.
Ngày 6 tháng 1 năm 2000, Carlo Urbani nhận công việc mới tại WHO, và nhiệm vụ lần này của ông là ở Việt Nam. Ông và gia đình đến Hà Nội vào khoảng tháng 5 năm 2000. Tại Việt Nam, vị trí công tác của ông là chuyên gia tư vấn cho WHO về kiểm soát bệnh do ký sinh trùng ở khu vực Tây Thái Bình Dương, kỳ hạn công tác là 3 năm.
Vào ngày 28 tháng 2 năm 2003, bác sĩ Carlo Urbani được mời tới Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội) để theo dõi bệnh của Johny Chen, doanh nhân người Mỹ đã bị ốm và được các bác sĩ chẩn đoán là bị bệnh cúm nặng. Ông nhận thấy Johny Chen không phải bị cúm mà có thể là một căn bệnh mới rất dễ lấy nhiễm. Ngay lập tức ông đã thông báo tới WHO, từ đó bắt đầu một chiến dịch phản ứng hữu hiệu nhất trong lịch sử trong việc phòng chống bệnh dịch nghiêm trọng. Ông cũng đã thuyết phục Bộ Y tế Việt Nam cho cách ly và theo dõi khách du lịch, do đó làm chậm sự lây lan của căn bệnh này.
Bác sĩ Carlo cũng được cảnh báo về sự nguy hiểm về căn bệnh này, ông hoàn toàn có quyền và có lý do về nước để đảm bảo sự an toàn cho bản thân. Nhưng không, ông thường xuyên túc trực bên giường bệnh, an ủi động viên và tìm cách chữa trị cho bệnh nhân. Nhờ sự kiên trì, lòng nhiệt huyết cộng thêm kiến thức của một chuyên gia truyền nhiễm, bằng những nghiên cứu đầu tiên của mình tại Việt Nam, bác sĩ Carlo đã giúp đồng nghiệp nhanh chóng xác định virus gây bệnh.
Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) do virus coronavirus gây ra. Trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh năm 2002 là người Trung Quốc.
Tháng 3/2003, bác sĩ đi dự hội nghị khoa học ở Thái Lan. Vừa đặt chân xuống sân bay, ông thấy người mệt mỏi và sốt. Là người tiếp xúc trực tiếp và đối phó với căn bệnh SARS, Carlo hiểu rất rõ điều gì đang đến với mình. Một đồng nghiệp là bạn thân lao đến ôm, nhưng Carlo gạt đi, yêu cầu người bạn tránh xa, rồi kiên nhẫn đợi xe cứu thương đến. Bà Giuliani Chiorrini đưa các con đến Bangkok, phòng bệnh của ông dược cách ly tuyệt đối, do đó vợ của ông, bà Chiorrini, chỉ có thể nhìn qua cửa và nói chuyện với ông qua bộ đàm, Carlo kịp nhìn mặt vợ con lần cuối, trong đó có đứa con út vừa tròn 4 tuổi.
Trong một khoảnh khắc tỉnh táo, đồng nghiệp thông báo cho Carlo biết cơn sốt của ông đã hạ. Nhưng Carlo không hề ảo tưởng, biết SARS đã không tha mạng sống của mình. Tâm nguyện trước khi nhắm mắt, Carlo đề nghị các bác sĩ cắt lá phổi của mình để lại làm tiêu bản nghiên cứu. Và ông mãn nguyện: "Công việc liên quan đến tôi, dù nguy hiểm nhưng tôi thấy thoải mái, giờ đây tôi đã có tất cả". Sau 18 ngày được điều trị đặc biệt, Carlo Urbani đã qua đời vào lúc 11:45 sáng ngày 29 tháng 3 năm 2003. Sau khi ông mất 2 tuần, một loại virus chủng corona (sau được đặt tên là virus SARS) đã được nhận diện là nguyên nhân gây bệnh và đại dịch SARS được khống chế.
Tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet viết: Biết công việc của mình đang làm là nguy hiểm, nhưng Carlo Urbani nói với vợ "Nếu không làm những công việc này thì chúng ta đến đây để làm gì? Chẳng lẽ ngồi đọc thư điện tử, ký văn bản giấy tờ, đi dự tiệc? Chúng ta không được ích kỷ, mà phải suy nghĩ và hành động vì sự sống của người khác. Nhiệm vụ của bác sĩ là đến bên người bệnh"".
Trong thời gian ở Việt Nam, bác sĩ Carlo tự đi xe máy, thỉnh thoảng ông đưa vợ con về các làng quê, sống cùng những người nông dân chân lấm tay bùn. Ngày 7 tháng 4 năm 2003, bác sĩ Carlo Urbani được truy tặng Huân chương công trạng vì Y tế cộng đồng hạng Vàng, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ các vấn đề xã hội Ý.
Nhờ có bác sĩ Carlo Urbani cùng sự hi sinh của 6 y bác sĩ cả trong và ngoài nước, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố đã tiêu diệt được bệnh SARS. Ngày 9 tháng 5 năm 2003, Bộ Y tế Việt Nam đã truy tặng ông Huân chương Hữu nghị và Huy chương Vì sức khỏe nhân dân. Để tưởng nhớ công lao và sự hi sinh của ông, WHO và các nhà nghiên cứu đã dành tặng ông các kết quả nghiên cứu về virus SARS.
"Khi xảy ra một sự việc, một khi bắt tay làm sẽ có thể hình thành một "thế" lớn mạnh. Đây chính là "thời thế". Mà người nằm trong "thời thế" và có thể thay đổi thời thế sẽ là anh hùng mà chúng ta nói đến." Cũng như hiện tại khi virus Vũ Hán đang hoành hành và không có dấu hiệu suy giảm, thì hãy bình tĩnh, chọn lọc thông tin và hãy đặt niềm tin vào những người đang ở tuyến đầu của bệnh dịch để chiến đấu. Đừng tự hại mình và đồng bào vì sự thiếu hiểu biết và cả tin.
Trần Mạnh Kiên
Theo canhco.net
Myanmar e dè, không ký thỏa thuận lớn với Trung Quốc Trung Quốc và Myanmar ký hàng chục thỏa thuận để tăng tốc các dự án cơ sở hạ tầng ở quốc gia Đông Nam Á, nhưng không một dự án lớn nào được thống nhất trong chuyến thăm 2 ngày của Chủ tịch Tập Cận Bình. Theo các nhà phân tích, Myanmar nhìn chung khá thận trọng với các khoản đầu tư của...