Thêm cựu nhân viên muốn điều trần về Facebook
Sophie Zhang nói cảm thấy như “bàn tay dính máu” sau khi làm việc ở Facebook và sẵn sàng điều trần trước Quốc hội Mỹ về mạng xã hội này.
“Tôi đã cung cấp tài liệu chi tiết về những hành động phạm pháp tiềm tàng cho một cơ quan hành pháp Mỹ. Theo tôi biết thì cuộc điều tra đang diễn ra”, Zhang, cựu chuyên viên khoa học máy tính của Facebook, chia sẻ trên CNN .
Zhang quyết định lên tiếng vì nhận thấy sự ủng hộ từ Quốc hội Mỹ trong nỗ lực bảo vệ trẻ em trên mạng, sau khi cựu quản lý Facebook Frances Haugen ra điều trần tại Thượng viện hồi đầu tháng 10.
Sophie Zhang xuất hiện trên truyền hình hôm 11/10.
Bà từng làm nhà khoa học máy tính của mạng xã hội lớn nhất thế giới từ năm 2018 nhưng bị sa thải năm ngoái với lý do không đáp ứng yêu cầu công việc. Bà sau đó chia sẻ một bài viết dài trong nội bộ công ty, mô tả việc Facebook biết các nhà lãnh đạo của các quốc gia trên thế giới đang sử dụng nền tảng của họ để thao túng cử tri, nhưng không hành động. Mạng xã hội cũng phớt lờ hoặc chậm chạp trong việc ngăn nội dung thù ghét và tin giả, đặc biệt là ở các quốc gia nhỏ và đang phát triển.
Phát ngôn viên Cục Điều tra liên bang Mỹ FBI từ chối bình luận về thông tin.
Video đang HOT
Người phát ngôn Facebook bác bỏ cáo buộc của Zhang, khẳng định công ty đã đầu tư hàng tỷ USD để bảo đảm an toàn và an ninh trên mạng xã hội những năm qua.
“Chúng tôi đã xóa hơn 150 mạng lưới tìm cách tác động đến dư luận Mỹ tính từ năm 2017, phần lớn đều nằm ngoài nước Mỹ. Các bằng chứng cho thấy chúng tôi cũng trấn áp tình trạng lạm dụng nền tảng ở nước ngoài với mức độ như ở Mỹ”, người phát ngôn nói.
'Văn hóa' phớt lờ nhân viên của Facebook
Trước Frances Haugen, một số nhân viên Facebook cũng lên tiếng về cách hoạt động của mạng xã hội, nhưng hầu hết thất bại và rời đi trong im lặng.
Đầu năm nay, khi Frances Haugen đang tải xuống hàng nghìn trang tài liệu nội bộ của Facebook, một nhân viên khác cũng nộp đơn xin nghỉ việc vì không còn hy vọng sau nhiều nỗ lực muốn thay đổi công ty. Người đó là Brian Waismeyer.
Frances Haugen điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 5/10. Ảnh: Reuters
Cũng giống như Haugen, Waismeyer là thành viên đội ngũ kiểm soát công bằng của Facebook. Ông bày tỏ sự không hài lòng của mình lên Workplace - nơi nhân viên công ty thường bày tỏ ý kiến - thông qua một bài đăng chia tay. Trong đó, ông nói Facebook đã gây ra "khó khăn đặc biệt" cho những người có công việc như ông. Ông nhấn mạnh áp lực đã "đến mức cản trở sự tiến bộ và thiêu rụi những người phải vật lộn với nó".
Washington Post đã thu thập nội dung của Waismeyer và những bình luận rò rỉ trong bài viết, cũng như ý kiến của nhiều nhân viên cũ và rút ra điểm chung: Facebook bị ám ảnh bởi sự tăng trưởng, không sẵn sàng thực hiện cải cách hệ thống dù biết rõ chúng gây tác hại, và sẵn sàng đáp ứng các quyền lực chính trị.
Những cựu nhân viên Facebook được phỏng vấn mô tả về "quá trình đau khổ" của họ tại mạng xã hội lớn nhất thế giới: từ sự lạc quan ban đầu rằng họ có thể đóng một vai trò nào đó trong việc thay đổi Facebook, cho đến sự thất vọng về những gì thấy bên trong công ty, và cuối cùng là từ chức vì nỗ lực thất bại. Một số ít đã chọn tiết lộ với truyền thông, trước các nhà lập pháp hoặc công bố tài liệu "nhạy cảm", nhưng họ dường như bị cô lập sau đó.
Trên Workplace, nơi có khoảng 60.000 nhân viên Facebook hoạt động, thường xuyên là nơi "trút bỏ" sự bức bối khi làm việc. Họ nói về sự mất tinh thần trước niềm tin rằng mình đang ở tuyến đầu trong việc bảo vệ người dùng khỏi sự thù ghét và tổn thương trực tuyến, hay chỉ để chia sẻ những dự án nội bộ tâm huyết hàng năm trời bị ban quản lý gạt sang một bên.
Mạng xã hội này hiện đối mặt với số lượng khiếu nại ngày càng tăng. Điều này có thể đưa công ty tới bờ vực nguy hiểm: có thể bị Mỹ và các cơ quan quản lý trên thế giới điều tra. Giới quan sát cho rằng, một công ty liên tục gây tranh cãi 17 năm như Facebook cần được kiểm soát để hạn chế những nội dung gây chia rẽ và gây hại cho cá nhân trên nền tảng.
Một số người coi lời khai của Haugen và hàng loạt tài liệu mà bà đã chia sẻ với phóng viên và các nhà lập pháp là bước tiến tới mục tiêu đó. "Tôi rất vui vì tài liệu này đã đến nơi mà nhiều người mong muốn. Đó là cách đưa tiếng nói của các cựu nhân viên đến Quốc hội và nhà lập pháp để kiểm tra thông tin sai lệch trong quảng cáo chính trị của Facebook", Yael Eisenstat, một cựu giám đốc của Facebook, nói.
"Việc chọn lọc các giai thoại từ nhân viên cũ không nói lên câu chuyện về sự thay đổi đang diễn ra như thế nào tại Facebook. Đội ngũ của chúng tôi có những chuyên gia tuyệt vời, là người làm cho nền tảng tốt hơn", Joe Osborne, phát ngôn viên của Facebook, cho biết sau báo cáo của Washington Post . "Các dự án luôn trải qua những cuộc đánh giá và tranh luận nghiêm ngặt, do đó không thể thiếu sự tranh luận và ý kiến trái chiều".
Lo ngại Facebook sẽ không thay đổi càng được củng cố sau phản ứng của Mark Zuckerberg trước lời khai của Haugen. Người đứng đầu Facebook thường xuyên xin lỗi về sai lầm của công ty trong quá khứ, nhưng lần này có lập trường cứng rắn hơn hẳn. Ông cho rằng Haugen tạo "bức tranh sai lệch về công ty" và khẳng định công ty đã xây dựng trải nghiệm đáp ứng nhu cầu của những người trẻ tuổi trong khi vẫn giữ an toàn cho họ.
Những cựu nhân viên từng cảnh báo Facebook
Không nhiều người dám đứng lên tố cáo Facebook một cách công khai và mạnh mẽ như Haugen, một số chọn cách giấu tên hoặc chia sẻ ở mức cầm chừng. Lý do họ đưa ra là tránh bị trả thù và tôn trọng các đồng nghiệp vẫn đang làm việc. Với Waismeyer, ông mô tả những gì mình trải nghiệm là chính xác, nhưng từ chối bình luận thêm "vì tôn trọng nhiều người tuyệt vời vẫn đang chiến đấu cho cuộc chiến tốt đẹp" tại Facebook.
Khi Waismeyer từ chức vào tháng 3, ông là một trong những nhà nghiên cứu phục vụ lâu nhất trong bộ phận mình đảm trách. Trong 3 năm làm việc, ông có 1 năm đảm nhận dự án giúp nạn nhân trước các nội dung khiêu dâm. Tuy nhiên, dự án đột ngột bị loại bỏ trong quá trình tái cơ cấu và không bao giờ được triển khai trở lại, khiến toàn bộ nhóm khó chịu.
Trong bài viết trên Workplace, ông cho biết những người làm công việc như ông phải đối mặt với hàng loạt áp lực. "Giá trị công việc được cân nhắc dựa trên rủi ro pháp lý và nguy cơ tiềm ẩn, cũng như phải được xem xét về lợi nhuận bị tổn hại nếu người dùng giảm tương tác trên nền tảng", Waismeyer viết.
Một cựu nhân viên giấu tên mô tả việc phát hiện và xử lý vấn đề nghiêm trọng trong các nhóm riêng tư hoặc chứa nội dung thù địch liên tục gặp rào cản từ chính Facebook. "Họ không quan tâm đến những thứ tôi đề xuất", cựu nhân viên này nói. "Mỗi lần như vậy, họ ghi nhận nhưng để đó và liên tục bị trì hoãn".
Tháng 11/2020, Lindsay Blackwell, một nhà nghiên cứu về kiểm soát công bằng trên nền tảng Facebook, cũng gửi một lá thư từ chức dài. Trước khi nghỉ, bà làm việc trong WoW - dự án điều chỉnh thuật toán phát hiện phát ngôn thù ghét. Tuy nhiên, sau khi nhóm dành hơn một năm tạo giải pháp nhằm định hướng lại các thuật toán này, dự án bị hủy bỏ.
Một số cựu nhân viên và nhân viên Facebook khác cho biết các nhóm như của Haugen thường được tái cơ cấu nhiều lần trong năm. Cuối cùng, đa số bị giải tán, gây nên sự bất mãn cho không ít người. Hầu hết sau đó chọn cách tời công ty trong lặng lẽ.
"Chúng tôi gia nhập Facebook vì hâm mộ công ty", một người nói. "Chúng tôi muốn Facebook tốt hơn, nhưng theo thời gian, bản thân tự nhận ra rằng các lãnh đạo hết sức thờ ơ, hoặc thiếu hiểu biết. Đôi khi, họ không ưu tiên cho công việc".
Facebook đứng trước làn sóng bị tẩy chay dữ dội: 10.000 tài liệu bị rò rỉ cho thấy công ty chỉ quan tâm lợi nhuận, bỏ mặc lợi ích của người dùng Các thượng nghị sỹ Mỹ phẫn nộ: Chúng tôi không có một chút niềm tin nào vào Facebook. Tờ Bloomberg đưa tin, một nhân viên cũ của Facebook có tên Frances Haugen khẳng định rằng mạng xã hội này ưu tiên lợi nhuận lên trên lợi ích của người dùng. Haugen cũng chính là người vừa gửi hàng nghìn tài liệu nội bộ...