Thêm cổ đông lớn muốn ông Nguyễn Bá Dương rời ghế Chủ tịch Coteccons
Sau Kusto, cổ đông lớn The8th Pte.Ltd. cũng đã gửi yêu cầu bãi nhiệm tư cách thành viên HĐQT Coteccons của ông Nguyễn Bá Dương và ông Nguyễn Sỹ Công.
Trong lúc căng thẳng nội bộ tại Công ty CP Xây Dựng Coteccons giữa 2 nhóm cổ đông lớn Kusto và ban lãnh đạo doanh nghiệp lên cao, quỹ đầu tư The8th Pte.Ltd. cổ đông ngoại nắm giữ 10,42% vốn công ty xây dựng này cũng chính thức yêu cầu Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Coteccons rời vị trí lãnh đạo doanh nghiệp.
Cụ thể, trong văn bản bổ sung nội dung vào chương trình họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Coteccons, quỹ đầu tư The8th yêu cầu bãi nhiệm ông Nguyễn Bá Dương (Chủ tịch HĐQT) và ông Nguyễn Sỹ Công (Tổng giám đốc) với tư cách thành viên HĐQT của Coteccons.
“Chúng tôi yêu cầu Chủ tịch HĐQT với tư cách là người triệu tập ĐHĐCĐ thường niên đưa các vấn đề yêu cầu vào chương trình họp ĐHĐCĐ thường niên thành 2 mục riêng biệt độc lập và không gộp chung với các nội dung khác trong chương trình họp.
Các vấn đề yêu cầu phải được công bố công khai đến tất cả cổ đông và được đăng trên website của công ty theo quy định không chậm hơn ngày 15/6″, cổ đông này cho biết.
Phía quỹ đầu tư đến từ Singapore cũng yêu cầu chủ tịch kiêm người đại diện pháp luật của doanh nghiệp mời các cơ quan thẩm quyền bao gồm Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM tới tham dự và giám sát cuộc họp thường niên.
Theo đại diện The8th việc bổ sung nội dung chương trình họp thường niên là quyền của quỹ này với tư cách cổ đông lớn nắm trên 10% vốn doanh nghiệp trong ít nhất 6 tháng liên tiếp.
Cũng trong thông báo gửi đi, cổ đông lớn của Coteccons cho rằng kết quả hoạt động của công ty thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng thực sự của doanh nghiệp và giá cổ phiếu thể hiện cơ hội đầu tư giá trị rất tốt cho các nhà đầu tư có tầm nhìn trung và dài hạn.
“Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất đang làm xói mòn Coteccons là quản trị doanh nghiệp”, cổ đông này cho biết.
Video đang HOT
Quỹ ngoại này cũng cho biết, chỉ là công ty nắm giữ các khoản đầu tư tài chính và không có ý định thâu tóm để trực tiếp quản lý doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, trước những xung đột lợi ích tại doanh nghiệp xây dựng phía Việt Nam, The8th sẽ bảo vệ quyền của mình với tư cách là một trong những cổ đông quan trọng của Coteccons.
Ngoài ra, theo đánh giá từ phía cổ đông này, các vi phạm liên tục trong vấn đề quản trị doanh nghiệp của lãnh đạo Coteccons đã gây ra tổn thất đáng kể cho công ty và các cổ đông khi doanh thu và lợi nhuận tiềm năng bị chuyển vào các công ty khác do một số lãnh đạo sở hữu và kiểm soát.
Trong khi đó, dù các báo cáo tài chính đã được kiểm toán bởi một trong Big 4 tại Việt Nam, nhưng phạm vi kiểm toán chỉ giới hạn ở ý kiến của kiểm toán viên rằng liệu “báo cáo tài chính hợp nhất đã phản ánh trung thực và hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu, tình hình tài chính hợp nhất của Tập đoàn”. Phạm vi trách nhiệm của kiểm toán viên không bao gồm việc đưa ra ý kiến kiểm toán độc lập về các vấn đề quản trị doanh nghiệp hoặc xung đột lợi ích của một số thành viên lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp.
“Trách nhiệm đó thuộc về Ban kiểm soát và Ban kiểm toán nội bộ của Coteccons. Tuy nhiên, cả Ban kiểm soát và Ban kiểm toán nội bộ đều bị ban lãnh đạo hiện tại của doanh nghiệp cản trở hoàn toàn khiến cho họ khó có thể thực hiện nhiệm vụ của mình”, phía The8th nói.
Thậm chí, cổ đông nắm giữ hơn 10% vốn này cũng công khai ủng hộ các hành động của Kustocem Pte. Ltd. (cổ đông nắm 17,55% vốn Coteccons) để bảo vệ doanh nghiệp trước các hành vi tham nhũng trong quản lý và điều hành của một số lãnh đạo cao cấp hiện nay của Coteccons.
Liên quan tới tranh chấp lợi ích tại doanh nghiệp xây dựng lớn nhất cả nước này, trước đó, cổ đông lớn Kusto của Coteccons cũng đã yêu cầu bãi nhiệm tư cách thành viên HĐQT của ông Nguyễn Bá Dương và ông Nguyễn Sỹ Công.
Hiện phía Coteccons chưa có phản hồi nào sau yêu cầu từ phía The8th.
Vì sao Kusto yêu cầu Chủ tịch Coteccons Nguyễn Bá Dương từ chức?
Động thái này được thực hiện sau nhiều năm nỗ lực không thành công của Kusto trong việc đối thoại với HĐQT hiện tại của Coteccons để giải quyết các vấn đề một cách nội bộ.
Công ty Kustocem Pte. Ltd. (Kusto), một trong những cổ đông lớn và lâu dài của CTCP Xây Dựng Coteccons (Coteccons, CTD) hiện nắm giữ 17,55% vốn.
Vừa qua, Kustocem đã đề nghị Coteccons tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để bàn về việc thay đổi Hội đồng quản trị hiện tại, bầu ra HĐQT mới và thực hiện kiểm toán đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh của Coteccons liên quan tới các vấn đề về xung đột lợi ích, các giao dịch với các bên liên quan, đặc biệt là các giao dịch giữa Coteccons và các công ty còn lại trong cái gọi là "Coteccons Group" từ thời điểm năm 2017.
Kusto Group cho biết đã đầu tư và hỗ trợ cho sự phát triển của Coteccons trong suốt 8 năm qua. Tuy nhiên, các hành vi quản trị, quản lý và điều hành liên quan tới xung đột lợi ích của đội ngũ lãnh đạo Coteccons giữa các công ty trong "Coteccons Group" đã gây thiệt hai cho khoản đầu tư của Kusto khi giá cổ phiếu giảm đáng kể và quyền cổ đông bị vi phạm nghiêm trọng.
Căn cứ vào Điều 114.3 của Luật Doanh nghiệp Việt Nam và Điều 11.3 của Điều lệ Coteccons, Kusto đã gửi yêu cầu bằng văn bản đề ngày 23/4 tới HĐQT và Ban kiểm soát của Coteccons vào ngày 24/4 để yêu cầu tổ chức một cuộc họp ĐHĐCĐBT để các cổ đông của Coteccons có thể đưa ra quyết định cho các vấn đề được nêu trên.
Theo Kusto, HĐQT đã không tổ chức ĐHĐCĐBT theo yêu cầu của cổ đông trong thời hạn quy định. Mặc dù BKS đã xác nhận HĐQT đã không tổ chức ĐHĐCĐBT theo yêu cầu của cổ đông trong thời hạn quy định và đồng thời cũng xác nhận nghĩa vụ của BKS trong việc tổ chức ĐHĐCĐBT theo yêu cầu của cổ đông, BKS đã quyết định không tự tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐBT do không nhận được sự hợp tác, thậm chí là do việc cản trở từ HĐQT và Ban Giám đốc.
Vì vậy, Kusto có toàn quyền hợp pháp để thay mặt Coteccons triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐBT theo quy định tại Điều 136.5 và 136.6 của Luật Doanh nghiệp và Điều 13.4 của Điều lệ Coteccons.
Vì lý do đó, vào ngày 1/6, Kusto đã gửi thông báo đến Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam yêu cầu cung cấp danh sách cổ đông của Coteccons tại ngày 22/6 để tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐBT như đã yêu cầu. Kusto cũng công bố các thông tin liên quan tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.
Động thái này được thực hiện sau nhiều năm nỗ lực không thành công của Kusto trong việc đối thoại với HĐQT hiện tại của Coteccons để giải quyết các vấn đề một cách nội bộ.
Kusto cho biết, trong những năm qua đã nhiều lần đặt ra câu hỏi cho HĐQT và BGĐ về các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến xung đột lợi ích, giao dịch với các bên liên quan.
Tuy nhiên, đã không có câu trả lời thỏa đáng nào được đưa ra bởi HĐQT và BGĐ và tất cả các nỗ lực hợp pháp của BKS để thực hiện việc kiểm toán độc lập trên các hoạt động kinh doanh của Coteccons đã không nhận được bất kỳ sự hợp tác nào từ HĐQT và BĐH.
"Lấy một ví dụ điển hình, một số thành viên của HĐQT và BGĐ hiện đồng thời nắm giữ các chức vụ quản lý quan trọng tương tự tại CTCP Đầu Tư Xây dựng Ricons (Ricons), bao gồm cả vị trí chủ tịch và đại diện theo pháp luật. Chính họ và/hoặc những người liên quan có sở hữu số cổ phần đáng kể trong Ricons trong khi đồng thời là những người có quyền quyết định các hoạt động hàng ngày tại Coteccons" - văn bản nêu rõ.
Ricons, ngoài việc là nhà thầu phụ của Coteccons, cũng là đối thủ cạnh tranh của Coteccons. Ricons cung cấp dịch vụ tổng thầu, thiết kế & thi công, đây cũng là những hoạt động kinh doanh chính của Coteccons, và cạnh tranh trong cùng phân khúc thị trường. Lợi nhuận ròng sau thuế của Ricons năm 2015 mới chỉ bằng 11% lợi nhuận ròng sau thuế của Coteccons và đã tăng lên thành 51% trong năm 2019.
Điều này đặt ra câu hỏi về xung đột lợi ích của một số lãnh đạo cấp cao nhất của Coteccons trong các vấn đề sau:
1. Các lãnh đạo cấp cao của Coteccons quyết định chọn công ty nào đấu thầu cho dự án nào khi họ đồng thời quản lý cả hai công ty cạnh tranh trực tiếp với nhau?
2. Các lãnh đạo cấp cao của Coteccons và Ricons quyết định phân bổ lợi nhuận cho từng bên như thế nào trong các hợp đồng giữa hai bên
Nếu lãnh đạo cấp cao của Coteccons hành động vì lợi ích tốt nhất của Coteccons, thì họ đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình đối với cổ đông của Ricons, và ngược lại.
Do các lý do nêu trên, Kusto không thể tiếp tục đặt niềm tin vào HĐQT và BGĐ hiện tại, đặc biệt là các thành viên điều hành chủ chốt bao gồm ông Nguyễn Bá Dương (Chủ tịch và đại diện pháp luật của Coteccons), ông Nguyễn Sỹ Công (thành viên HĐQT và Tổng giám đốc Coteccons), và ông Trần Quang Quân (Phó Tổng Giám đốc). Kusto yêu cầu họ ngay lập tức từ chức khỏi tất cả các vị trí trong Coteccons .
"Đây không phải là sự mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông mà là mâu thuẫn giữa tất cả các cổ đông của Coteccons và đội ngũ quản lý cấp cao hiện tại của Coteccons, những người không hành động vì lợi ích cao nhất của Coteccons" - Kusto cho biết.
Kusto đang thực hiện quyền của mình theo đúng Điều lệ của Coteccons và pháp luật Việt Nam để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các cổ đông trong và ngoài nước tại Coteccons. Kusto rất mong nhận được sự ủng hộ tích cực từ các cổ đông khác của Coteccons để đảm bảo đội ngũ quản lý tiếp theo của Coteccons sẽ hành động vì lợi ích cao nhất của Coteccons.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu CTD giảm kịch sàn trong ngày 2/6 trước thông tin về mâu thuẫn này xuất hiện.
Kusto, cổ đông lớn nhất của Coteccons yêu cầu ông Nguyễn Bá Dương và các lãnh đạo chủ chốt phải từ chức Kusto cho rằng, nếu lãnh đạo cấp cao của Coteccons hành động vì lợi ích tốt nhất của Coteccons, thì họ đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình đối với cổ đông của Ricons, và ngược lại. Ảnh minh họa. Ngày 2/6, Công ty Kustocem Pte. Ltd. (Kusto), cổ đông lớn nhất nắm giữ 17,55% cổ phần CTCP Xây Dựng Coteccons...