Thèm ăn tóc, bé gái 5 tuổi bị tắc ruột do ‘búi tóc khổng lồ’
Bé gái 5 tuổi ở TP.HCM có sở thích ăn tóc, nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) trong tình trạng đau bụng từng cơn dữ dội, bí trung đại tiện kèm theo ói dịch xanh nhiều.
Theo mô tả của người nhà, bé bị đau bụng quặn cơn, âm ỉ trong khoảng 5 ngày trước nhập viện. ThS.BS Hồ Trần Bản, trưởng kíp trực ngoại, cùng các cộng sự chẩn đoán bệnh nhi bị tắc ruột nghi do búi tóc (trichobezoar) và cần phải phẫu thuật khẩn cấp.
TS.BS Trần Quốc Việt (Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Nhi đồng 2) cho biết, tình trạng tắc ruột của bé xuất phát từ hội chứng Rapunzel (Rapunzel syndrome); còn được gọi là hội chứng ” công chúa tóc mây” dựa theo nhân vật hư cấu trong truyện với mái tóc dài cùng tên.
Tuy nhiên, không lung linh như truyện cổ tích, hội chứng này ngoài đời thực là một vấn đề rất đáng lưu ý và gây ra biến chứng nguy hiểm như tắc ruột. Người bệnh có xu hướng thèm ăn tóc.
“Tóc sẽ không thể tiêu hóa như thực phẩm khi dung nạp, dẫn đến tích tụ thành búi trong dạ dày hoặc trong ruột non và có thể kèm theo “một cái đuôi tóc dài” nằm dọc theo trong lòng ruột”, bác sĩ Việt chia sẻ.
Phần búi tóc được các bác sĩ lấy ra khỏi cơ thể bé gái. Ảnh BVCC
Video đang HOT
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, hằng năm bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp tương tự và đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Hầu hết các bé phải được phẫu thuật để lấy “búi tóc khổng lồ” ra khỏi đường tiêu hóa. Đặc biệt, tất cả các trường hợp bệnh nhi cần phải được theo dõi điều trị tâm lý lâu dài sau đó.
Theo bác sĩ Việt, bố mẹ, người thân và những người trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng bệnh nhi là nhân tố quan trọng để giúp phòng ngừa và tránh lặp lại tình trạng này cho con.
“Quý phụ huynh nên quan sát kỹ lưỡng khi chăm sóc bé nhằm phát hiện sớm vấn đề, đồng thời tham gia cùng nhân viên y tế trong việc hỗ trợ hạn chế hành vi nuốt tóc và nâng đỡ tinh thần cho con”, bác sĩ khuyến cáo.
Nhiều trẻ tắc ruột bẩm sinh, bác sĩ khuyến cáo gì?
Mới đây, các bác sĩ Khoa Ngoại nhi tổng hợp, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vừa thực hiện phẫu thuật thành công cho 2 bệnh nhi sơ sinh bị tắc ruột bẩm sinh.
1. Bé trai 3 ngày tuổi tắc ruột do xoắn trung tràng cấp
Bệnh nhi tắc ruột là con sản phụ B.T.C (35 tuổi, trú tại Lâm Thao, Phú Thọ). Bé trai chào đời khỏe mạnh bằng phương pháp sinh mổ tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ ngày 1/9/2021. Sau sinh, trẻ ăn sữa bình thường, đã đi ngoài hết phân sự. Tuy nhiên, đến khi được 3 ngày tuổi, trẻ đột nhiên xuất hiện tình trạng nôn ói, nôn ra dịch xanh - vàng, bụng chướng nhẹ nên gia đình thông báo ngay với bác sĩ chuyên khoa.
Khi tiến hành siêu âm ổ bụng, các bác sĩ phát hiện dấu hiệu xoáy nước ở ruột (whirlpool sign), đồng thời trên phim chụp X- quang cản quang đường tiêu hóa thấy được hình ảnh góc tá - hỗng tràng bên phải cột sống. Bệnh nhi được chẩn đoán bị xoắn trung tràng cấp và được chỉ định phẫu thuật nội soi cấp cứu.
Các bác sĩ thực hiện tháo xoắn các quai ruột, tải rộng mạc treo chung, cắt dây chằng ladd giải phóng tá tràng, cắt ruột thừa cố định manh tràng. ThS. BS Nguyễn Đức Lân - Trưởng khoa Ngoại nhi tổng hợp cho biết, với phương pháp phẫu thuật nội soi, trẻ sẽ hồi phục nhanh hơn, sẹo mổ nhỏ và nhanh lành, tỷ lệ xảy ra tai biến thấp. Tuy nhiên, để thực hiện mổ nội soi cần có các trang thiết bị hiện đại và phẫu thuật viên được đạo tạo chuyên sâu cùng với đội ngũ các bác sĩ gây mê và hồi sức chuyên khoa nhi và sơ sinh.
Sau phẫu thuật, trẻ được điều trị bằng kháng sinh và nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn. Sau mổ 3 ngày, bệnh nhi ổn định, được cho ăn qua đường miệng tăng dần theo nhu cầu, bé ăn tốt, đi ngoài phân vàng, bụng mềm, vết mổ nhỏ nên liền tốt và được cho xuất viện sau 7 ngày điều trị.
Tái khám sau 1 tháng ra viện, sức khỏe trẻ hoàn toàn ổn định, trẻ ăn uống bình thường, tăng cân tốt, vết mổ đã liền sẹo.
2. Tắc ruột do viêm phúc mạc bào thai và teo đoạn ruột
Đó là trường hợp con sản phụ Đ.H (20 tuổi, trú tại Thanh Sơn, Phú Thọ). Chị H. cho biết trong lần siêu âm thai định kỳ ở tuần thai thứ 30, chị được bác sĩ chẩn đoán thai nhi có tắc ruột nghi do teo ruột bẩm sinh. Lo lắng tình trạng bệnh này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của con, từ thời điểm đó, chị H. thường xuyên đến khám, theo dõi thai kì tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho đến khi sinh bé an toàn.
Sau khi chào đời, em bé được làm các xét nghiệm, thăm dò chức năng và được chẩn đoán chính xác có tình trạng tắc ruột bẩm sinh nghi do teo ruột. Ngoài ra, bệnh nhi cũng được thực hiện tầm soát các bệnh lý kèm theo như các bệnh lý về sọ não, tim mạch, tiết niệu và các dị tật về chi. Sau khi có kết quả chẩn đoán, bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật khi được tròn 1 ngày tuổi.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi.
ThS.BS Nguyễn Đức Lân - Trưởng khoa Ngoại nhi Tổng hợp cho biết, ngoài tình trạng teo đoạn ruột, trẻ còn gặp thêm hội chứng viêm phúc mạc thời kỳ bào thai, các quai ruột giãn to và dính thành một khối nên các bác sĩ phải thực hiện gỡ dính toàn bộ ruột, cắt đoạn ruột non giãn to viêm dày trên vị trí teo ruột. Vì vị trí teo ruột chỉ cách góc hồi manh tràng khoảng 40 cm nên các bác sĩ quyết định tạo hình - khâu nối đoạn ruột tận - tận chéo, rửa sạch ổ bụng.
Sau phẫu thuật, trẻ được đưa về điều trị hồi sức 7 ngày tại khoa Sơ sinh. Khi tình trạng ổn định, sonde dạ dày dịch trong, đi ngoài được phân xanh, bé được chuyển đến khoa Ngoại nhi tổng hợp cho ghép mẹ và tập ăn qua sonde, rồi rút sonde cho tập ăn đường miệng tăng dần.
10 ngày sau khi sinh mới được gặp con, chị H. không giấu được sự xúc động chia sẻ: "Trước đây khi đi siêu âm thai được các bác sĩ chẩn đoán cháu bị tắc ruột, em rất lo lắng. May mắn khi đến khám tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ và được các bác sĩ động viên, tư vấn, em cũng yên tâm phần nào. Giờ được ôm con trong tay, được chăm sóc con hằng ngày, sức khỏe của cháu cũng ngày một tốt hơn, em thật sự rất hạnh phúc. Em không biết nói gì hơn, chỉ biết cảm ơn các bác sĩ rất nhiều đã quan tâm, chăm sóc, điều trị rất tốt cho cả hai mẹ con em trong suốt thời gian ở viện".
3. Nguyên nhân gây tắc ruột và khuyến cáo từ bác sĩ
- Tắc ruột sơ sinh do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có teo và hẹp bẩm sinh đường tiêu hóa. Tiên lượng tình trạng bệnh này ở trẻ sơ sinh rất nặng, nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời rất dễ dẫn đến tử vong.
- Các bác sĩ khuyến cáo gia đình, người chăm sóc trẻ cần lưu ý theo dõi trẻ, trong thời kì sơ sinh mà trẻ không đại tiện phân su, kèm theo xuất hiện tình trạng nôn trớ, nôn ra dịch xanh - vàng, bụng chướng,... cần thông báo ngay với bác sĩ chuyên khoa để theo dõi chặt chẽ và có hướng xử trí kịp thời.
- Tình trạng tắc ruột cũng có thể được phát hiện ngay từ thời kỳ bào thai nên các thai phụ cần thực hiện đầy đủ các mốc khám thai định kỳ và các xét nghiệm sàng lọc để có thể phát hiện sớm các bệnh lý (nếu có). Từ đó có kế hoạch theo dõi, quản lý thai kỳ chặt chẽ và kịp thời xử trí các bất thường có thể gặp phải, đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi.
Đau bụng âm ỉ sau bữa ăn: Coi chừng bệnh nguy hiểm! Ung thư tụy khó phát hiện ở giai đoạn đầu. Ở giai đoạn tiến triển bạn có thể thấy bị giảm cân, vàng da, đau đớn, tắc ruột. Ung thư tuyến tụy khó phát hiện sớm Tuyến tụy là một bộ phận trong các cơ quan của đường tiêu hóa, là cơ quan nằm sâu trong khoang bụng, nằm giữa dạ dày, ruột...