Thêm 2 người tử vong vì sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết vẫn tiếp tục bùng phát tại Hà Nội và đã ghi nhận thêm 1 ca tử vong. Trong khi đó, trên cả nước, sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp, ghi nhận 1 ca tử vong ở Gia Lai.
Ngày 23/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 13 đến 20/10), Thủ đô ghi nhận 2.766 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng 165 ca so với tuần trước đó), trong đó có 1 ca tử vong.
Trường hợp tử vong là một cụ bà 78 tuổi (trú tại huyện Đan Phượng) mắc sốt xuất huyết trên nền nhiều bệnh mạn tính như: Tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 và từng bị đột quỵ não.
Sau 2 ngày khi nhập viện, cụ bà mệt nhiều, đau đầu, đau mỏi người kèm theo xuất huyết dưới da dạng chấm rải rác. Kết quả xét nghiệm tiểu cầu trong máu giảm ở mức rất nghiêm trọng, còn 5 G/L. Ngoài ra, siêu âm có hình ảnh dịch tự do ổ bụng, dịch màng phổi phải. Sau đó, bệnh nhân được chỉ định truyền khối tiểu cầu.
Muỗi vằn lây bệnh sốt xuất huyết thường hoạt động vào lúc chập tối.
Sau truyền 1h, bệnh nhân khó thở nhiều, huyết áp tăng, nhịp tim nhanh… và được xử trí cấp cứu, đặt ống nội khí quản, chuyển đến Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Tuy nhiên, bệnh tiến triển ngày càng nặng, tiên lượng xấu nên gia đình đã xin đưa bệnh nhân về nhà. Sau đó, bệnh nhân tử vong tại nhà.
Video đang HOT
Từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 23.314 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 4 ca tử vong (số mắc tăng 3 lần và số tử vong giảm 5 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022).
Theo Bộ Y tế, sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương. Ngày 22/10, CDC tỉnh Gia Lai ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Đây là ca tử vong thứ 2 do sốt xuất huyết tính từ đầu năm đến nay tại tỉnh này.
Bệnh nhân tử vong là nữ. 22 tuổi, trú tại huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai. Bệnh nhân sốt và được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue điều trị tại nhà. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân không đỡ, mệt nhiều, ăn uống kém, đau bụng vùng thượng vị.
Sau đó, bệnh nhân nhập viện tại Trung tâm Y tế thị xã An Khê, nôn nhiều, đau hạ sườn phải, mệt nhiều, ăn uống kém, gan lớn 3 cm dưới bờ sườn và được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue ngày 5.
Bệnh nhân được chuyển viện đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, tuy được điều trị tích cực, song bệnh không thuyên giảm, được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 6, không đáp ứng bù dịch, nhiễm trùng huyết, suy đa tạng. Sau hơn 1 ngày điều trị, bệnh nhân không đỡ và tử vong.
Hà Nội ghi nhận 136 ổ dịch sốt xuất huyết trong một tuần
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua Thủ đô ghi nhận 2.601 ca mắc sốt xuất huyết, 139 ổ dịch mới - là tuần có nhiều ổ dịch nhất từ đầu năm tới nay.
CDC Hà Nội cho biết, trong tuần qua, cả 30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô đều ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết mới. Dẫn đầu là quận Hà Đông với 250 ca, tiếp đến là huyện Phú Xuyên với 200 ca, huyện Thanh Oai 171 ca, huyện Thanh Trì 163 ca...
Trong tuần qua ghi nhận 136 ổ dịch sốt xuất huyết tại 23 quận, huyện, thị xã. Đây cũng là tuần có nhiều ổ dịch nhất từ đầu năm 2023 cho đến nay.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có 20.548 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó đã có 3 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 568/579 xã, phường, thị trấn.
Kiểm tra và diệt ổ bọ gậy ngay trong chính gia đình để phòng sốt xuất huyết.
Như vậy, thống kê trong 3 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng mạnh, dao động trong khoảng từ 2.500 - 2.600 ca/tuần (tăng 1,5 lần so với tuần đầu tháng 9/2023).
Thủ đô cũng ghi nhận 1.305 ổ dịch sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay, hiện còn 258 ổ dịch đang hoạt động tại 26 quận, huyện, trong đó một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất) có 523 bệnh nhân; xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) có 396 bệnh nhân; thôn Đống, xã Cao Viên (huyện Thanh Oai) có 88 bệnh nhân; phố Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) có 42 bệnh nhân...
Theo Bộ Y tế, trong tuần qua, cả nước ghi nhận 5.666 ca mắc sốt xuất huyết, 1 ca tử vong tại Cà Mau. Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 99.639 trường hợp mắc, 27 trường hợp tử vong.
Sốt xuất huyết tăng mạnh tại Hà Nội khiến khoa truyền nhiễm tại nhiều bệnh viện quá tải, thậm chí phải nằm ghép. Theo khuyến cáo của CDC Hà Nội, người dân phải nâng cao ý thức phòng dịch như: Thường xuyên thau rửa dụng cụ chứa nước, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng; thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...
Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
2 người mắc sốt xuất huyết tử vong vì sai lầm nhiều người mắc phải khi hết sốt Nếu bệnh nhân không phát hiện được để diễn tiến sang sốc thì diễn biến vô cùng xấu, tỷ lệ cứu sống không được cao. Theo BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện Bệnh viện đang tiếp nhận 80 ca mắc sốt xuất huyết trong tình trạng rất nặng. Các bác sĩ vừa điều trị...