Thêm 17 trạm thu phí QL 1A, tái diễn cảnh “phí chồng phí”?
2-3 năm tới, quốc lộ 1A sẽ có thêm 17 trạm thu phí dựng lên dọc tuyến, xe lưu thông lại gánh 2 lần phí, cước vận tải cũng đội lên vì phí nặng…? Nhiều câu hỏi đặt ra tại phiên giải trình về chấp hành pháp luật về phí và lệ phí chiều 11/4.
Câu chuyện về phí chồng phí được đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nhắc đến trong câu chuyện đang rất thời sự về phí bảo trì đường bộ. Theo ông Sơn, việc thu phí bảo trì đường bộ tính trên đầu phương tiện thực hiện thời gian qua vẫn chưa tạo được sự đồng thuận trong dư luận.
Phí thu đối với ô tô tạo thêm gánh nặng không nhỏ với cả đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh trong khi phí áp dụng với xe máy lại dường như khó khả thi. Theo báo cáo, năm 2013, cả nước mới thu được 500 tỷ đồng tiền phí sử dụng đường bộ với xe máy.
Đại biểu Trần Đình Nhã: “Thêm 17 trạm thu phí BOT trên quốc lộ 1A, tình trạng phí chồng phí lại tái diễn?”.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường được yêu cầu giải đáp băn khoăn của ông Sơn. Ông Trường cho biết, sơ kết 1 năm thực hiện việc thu phí bảo trì đường bộ, chuyển việc thu phí qua các trạm thu phí đường bộ sang biện pháp thu tiền trên đầu phương tiện, hầu hết các trạm đã dừng thu, chỉ còn một số trạm BOT duy trì hoạt động thu phí.
Tổng số phí thu được từ ô tô xấp xỉ 5.500 tỷ đồng (trong đó 65% nộp ngân sách TƯ, 35% để lại các quỹ địa phương). Tiền thu từ xe máy được để lại 100% cho địa phương nhưng thực tế, cả năm 2013 việc thu phí với xe máy mới đạt 2% kế hoạch (dự kiến thu 6.000 tỷ đồng nhưng mới chỉ được 500 tỷ).
Phó Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Đinh Văn Nhã ghi nhận kết quả xóa bỏ phần lớn trong tổng số 57 trạm thu phí đường bộ khi triển khai thu phí bảo trì đường trên đầu phương tiện nhưng ông Nhã cũng lo thời gian tới, khi quốc lộ 1A hoàn thành sẽ lại có rất nhiều trạm thu phí BOT dựng lên. Tình trạng “phí chồng phí” như vậy lại tiếp diễn?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường phân trần, việc kêu gọi các nguồn đầu tư ngoài ngân sách là cứu cánh cho dự án nâng cấp quốc lộ 1A. Ngân sách sẽ mất ít nhất 100.000 tỷ đồng nếu “ôm” trọn dự án, còn kêu gọi đầu tư BOT thì số tiền phải chi chỉ khoảng 20.000 tỷ đồng nhưng sẽ có 17 trạm thu phí BOT chạy dọc tuyến với khoảng cách 70km/trạm. Mà đầu tư bằng ngân sách thì cũng phải thu phí.
Video đang HOT
Với số trạm thu phí sẽ hình thành khi quốc lộ 1A thông suốt, theo tính toán của Bộ GTVT một xe tải 20 tấn đi từ TPHCM ra Hà Nội mất khoảng từ 1,5-1,7 triệu đồng tiền phí đường bộ. Mức thu như vậy, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng không lớn, có thể chấp nhận được.
Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển thêm một câu hỏi: “Người dân vẫn kêu tình trạng thu phí chồng lên phí vì hiện phí bảo trì đường bộ được thu theo đầu xe nhưng các xe lăn bánh với những quãng đường khai thác, sử dụng khác nhau nhưng lại thu đồng đều nhau. Có nhiều xe đã phải nộp tiền quỹ bảo trì đường bộ rồi nhưng vẫn phải đi qua các vùng có công trình BOT, thậm chí nhiều vùng trạm thu rất dày?”.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) “bồi” thêm: “Cử tri đặt câu hỏi, giá cước vận tải tăng mạnh thời gian qua, áp lực chở quá khổ quá tải có phải do gánh nặng phí quá lớn?”.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường tại phiên giải trình trước UB Tài chính Ngân sách.
Việc này, ông Trường cũng khẳng định không phải là “phí chồng phí” vì tiền thu vào Quỹ bảo trì đường bộ chỉ dùng cho những đoạn đường không đầu tư bằng BOT còn những đoạn BOT, nhà đầu tư phải bỏ tiền bảo trì trong suốt quá trình khai khác.
Còn việc tăng giá cước vận tải, theo ông Trường là do chủ trương kiên quyết chặn xe quá tải. Việc bắt buộc phải hạ tải khiến chi phí vận chuyển tăng lên chứ không phải do phí nặng. Còn chủ trương chặn xe quá tải là tất yếu để cứu những con đường cả nghìn tỷ đồng đầu tư mà chỉ sau nửa năm là “đi tong” vì tình trạng xe quá tải trọng thiết kế hoạt động.
Đại biểu Trần Đình Nhã chuyển băn khoăn sang vấn đề quản lý, sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ. Theo ông Nhã, thực tiễn quản lý và theo dõi, hoạt động duy tu bảo dưỡng đường bộ cho thấy, việc kinh phí được cấp theo dự toán ngân sách hàng năm, yêu cầu đảm bảo công khai minh bạch tốt hơn là chỉ dồn cho mội Hội đồng quản lý quỹ như cách tổ chức thu phí trên đầu phương tiện như hiện nay. Ông Nhã muốn biết, một năm qua áp dụng phương thức mới, chỉ qua một Hội đồng quản lý “ít tai ít mắt” hơn, sự công khai minh bạch có bị giảm đi?
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng giải thích, mô hình quản lý Quỹ bảo trì đường bộ được áp dụng như quản lý ngân sách nên mọi hoạt động thu chi của quỹ đều thực hiện đồng bộ, chặt chẽ. Hội đồng quản lý quỹ có thành viên của 15 Bộ, ngành, cơ quan liên quan, họp định kỳ hàng quý, công bố công khai tài chính trên website Bộ Tài chính và các phương tiện, Kiểm toán nhà nước thường xuyên hoạt động… Ông Dũng nhấn mạnh, có rất nhiều cơ quan kiểm soát.
P.Thảo
Theo Dantri
Mệt mỏi vì lạm thu phí
Chiều 11-4, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về chấp hành pháp luật về phí và lệ phí đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính và đại diện một số bộ, ngành liên quan. Nhiều ĐBQH quan tâm đến tình trạng phí chồng phí, ban hành phí, lệ phí trái luật.
Phí trông giữ xe là nỗi bức xúc thường trực của người dân đô thị
Bức xúc vì phí chồng phí
Ngay đầu phiên giải trình, ĐB Trần Ngọc Vinh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng hỏi: "Tình trạng phí chồng phí, lạm thu phí, lệ phí diễn ra phổ biến trên mọi lĩnh vực. Nhiều loại phí không phù hợp đang chất tải lên vai người dân và doanh nghiệp. Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của ngành trước tình trạng này?". ĐB Nguyễn Sỹ Cương, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp: "Dư luận bức xúc có hàng trăm loại phí đè lên người dân. Đây cũng là gánh nặng đối với doanh nghiệp. Áp lực này là do một số bộ, ngành địa phương còn tự đặt ra một số phí, lệ phí. Bộ Tài chính có biện pháp gì kiểm soát phí, lệ phí trái luật?".
Trước bức xúc của các vị ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện tại có 301 khoản phí và lệ phí. Pháp lệnh về phí và lệ phí đã có quy định rõ cơ quan nào được ban hành cũng như các loại phí, lệ phí nào được ban hành. Bộ trưởng giải thích: "Như vậy, không nhiều đến mức 400- 500 loại như báo chí nói. Qua nhiều lần kiểm tra, rà soát, có 340 khoản ban hành không đúng quy định đã được bãi bỏ, nhiều khoản trước đây có thu, hiện đã được miễn, như phí an ninh, trật tự, phòng chống thiên tai...". Bộ trưởng cũng thông tin, hiện nay, một số địa phương tổ chức áp dụng một số khoản thu thực chất không phải là phí, lệ phí (nhưng vẫn bị hiểu nhầm là phí) như "phí" giao thông, bến bãi...
Chưa thể hài lòng về phần giải trình của Bộ trưởng, nhiều ĐBQH đã nêu câu tái chất vấn. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận, hiện nay, vẫn có tình trạng lạm thu. Nhiều khoản thu vẫn núp bóng phí, lệ phí. Bộ trưởng cam kết sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định để chấn chỉnh hoạt động này.
Điều chỉnh phí sử dụng đường bộ
Đề cập tới phí sử dụng đường bộ - loại phí được người dân rất quan tâm - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Đinh Văn Nhã phản ánh: "Khi áp dụng thu phí đường bộ thì đã xóa bỏ các trạm thu phí của nhà nước, nhưng riêng trên Quốc lộ 1 đã có khoảng 20 trạm thu phí BOT, có chuyện phí chồng phí không?".
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, vừa qua, Bộ đã tổ chức sơ kết 1 năm thực hiện phí bảo trì đường bộ. Theo đó, đã chuyển việc thu phí tại các trạm của Nhà nước thành thu theo đầu phương tiện, hiện chỉ còn các trạm BOT thực hiện thu phí. Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định, Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương họp theo quý, các khoản chi đều được công khai minh bạch, Bộ đang đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán để rút kinh nghiệm, làm tốt hơn. "Tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện đã phát hiện một số bất hợp lý, Bộ đang trình sửa đổi một số điều về mức thu, đối tượng thu... đầu tháng 6 tới đây sẽ trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt", thứ trưởng nói.
Ông Nguyễn Hồng Trường cho rằng, không có chuyện phí chồng phí: "Quốc lộ 1 ngân sách không đủ tiền làm nên kêu gọi xã hội hóa đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao). Cả tuyến có 17 trạm BOT. Giả sử không thu phí ở các trạm BOT thì cũng phải phân bổ vào phí thu qua đầu phương tiện". Tính ra, một xe container đi từ TP Hồ Chí Minh ra tới Hà Nội phải nộp phí 1,5 - 1,7 triệu đồng, là mức chấp nhận được.
Cũng tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, giải trình của Bộ Tài chính và các bộ ngành có liên quan tuy có nhiều thông tin, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục làm rõ: "Đã có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật về phí, lệ phí được ban hành, nhưng như vậy đã đủ chưa? Mới chỉ có các loại phí, lệ phí trong danh mục được rà soát, đã bỏ đi 340 loại, nhưng còn những loại không có trong Danh mục đã được ban hành một cách tùy tiện, không đúng pháp luật thì sao? Đặc biệt, trong tổ chức thực hiện, khâu thanh tra, kiểm tra, xử lý chưa được kịp thời và chưa đúng mức". Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các bộ ngành liên quan coi các vấn đề ĐBQH đã nêu như những "đề bài" cần giải quyết thấu đáo, từ đó tiến tới xây dựng luật về phí và lệ phí.
Bộ Tài chính đề xuất bỏ một số loại phí
Theo Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Pháp lệnh phí và lệ phí vừa được công bố, Bộ Tài chính đề xuất bỏ một số loại phí như phí xây dựng, phí an ninh trật tự hay phí phòng chống thiên tai, đồng thời Bộ Tài chính cũng cho rằng nên đưa một số khoản thu vốn là giá dịch vụ ra khỏi danh mục phí, lệ phí.
Bộ Tài chính đánh giá, trong danh mục phí và lệ phí đang có tình trạng một số loại phí trùng với khoản thu khác. Cơ quan này cũng cho rằng, hiện có thực tế là một số loại phí đang chuyển thành khoản thu không thuộc ngân sách Nhà nước hoặc giá dịch vụ nhưng vẫn có trong danh mục phí và lệ phí cũ như phí trông giữ xe, phí vệ sinh, phí qua đò, phí chợ, phí bến bãi...
Theo ANTD
Đường Trường Chinh... phải cong (!?) Ngồi sau vô lăng xe hơi hay khi cầm lái xe máy, nhiều lúc toát mồ hôi hột vì luôn luôn phải "vào cua" giữa dòng người, dòng xe như nêm cối suốt từ sáng sớm đến tối mịt, mới thấy các nhà làm đường Thủ đô hình như rất thích...đùa? Đường Trường Chinh được bẻ cong về phía Nam (ảnh: Quang Phong)...