Thẻ Visa đã báo khóa nhưng vẫn bị đòi nợ?
Từ khi cấp đổi thẻ Visa mới, chủ thẻ không hề phát sinh bất kỳ giao dịch nào nhưng vẫn liên tục nhận được tin nhắn thông báo phát sinh dư nợ hằng tháng.
Mới đây, bà Phạm Thị Phương Liên (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM những rắc rối mà bà phải gánh chịu từ khi được cấp thẻ mới đến khi khóa thẻ Visa tại Ngân hàng Citibank (Citibank).
Không chi tiêu, thẻ vẫn phát sinh dư nợ
Bà Liên cho biết ngày 29-12-2018, khi đang đi công tác ở nước ngoài, bà bị móc túi xách, trong đó có hai thẻ Visa của Citibank. Ngay lập tức, bà báo về Citibank chi nhánh tại TP.HCM và đề nghị khóa các thẻ khẩn cấp.
“Ngày 9-1-2019, Citibank cấp lại cho tôi hai thẻ mới. Lúc này tôi yêu cầu ngân hàng kiểm tra dư nợ tài khoản hai thẻ bị mất thì ngân hàng trả lời dư nợ bằng 0″ – bà Liên cho biết.
Theo bà Liên, từ ngày được cấp lại hai thẻ mới, bà không sử dụng phát sinh thêm bất kỳ giao dịch nào nhưng hằng tháng đều nhận được tin nhắn yêu cầu thanh toán tiền dư nợ phát sinh từ hai thẻ tín dụng này.
“Ban đầu thấy số tiền không nhiều, chỉ hơn 500.000 đồng nên tôi vẫn đóng và bỏ qua. Những tháng tiếp theo, tin nhắn nhắc nợ vẫn tiếp tục gửi tới và số dư nợ ngày càng tăng thêm. Không muốn vì số tiền nhỏ mà để ngân hàng liệt vào nhóm nợ xấu, ảnh hưởng đến công việc nên tôi chấp nhận đóng và đến ngày 28-6-2019, tôi đã yêu cầu khóa vĩnh viễn hai thẻ Visa tại Citibank” – bà Liên cho biết thêm.
Tuy nhiên, đến ngày 25-8-2019, tức là gần hai tháng sau ngày khóa thẻ, bà Liên lại tiếp tục nhận được tin nhắn thông báo dư nợ với số tiền là 6,5 triệu đồng.
“Tôi khiếu nại với nhân viên tổng đài và yêu cầu tra soát tất cả giao dịch. Theo tôi, thẻ Visa mà ngân hàng cấp có trục trặc, tại sao tôi không sử dụng nhưng thẻ vẫn phát sinh dư nợ? Một lần nữa, tôi chấp nhận đóng đủ số tiền dư nợ trong thời gian chờ đợi giải quyết khiếu nại. Cũng tại thời điểm này, nhân viên Citibank cho biết là thẻ Visa của tôi đã khóa từ ngày 28-6″.
Bà Liên cho biết đỉnh điểm của sự việc là đến ngày 25-9-2019, điện thoại của bà lại nhận được tin nhắn nhắc nợ cho những giao dịch phát sinh mới với số tiền là hơn 6 triệu đồng.
Bà Phạm Thị Phương Liên đã khóa thẻ Visa Citibank từ giữa năm nhưng đến nay vẫn nhận được tin nhắn thông báo thanh toán dư nợ phát sinh. Ảnh: THÙY LINH
Nhiều lần khiếu nại nhưng không được giải quyết
Bà Liên cho hay từ nhiều tháng qua bà đã nhiều lần phản ánh, khiếu nại nhưng không được Citibank giải quyết mà chỉ có người tiếp nhận thông tin.
“Cứ mỗi lần phản ánh, gặp một người thì chủ thẻ lại một lần tường trình đầu đuôi sự việc” – bà Liên kể.
Video đang HOT
Ngày 1-10, bà Liên trực tiếp đến ngân hàng và trình bày lý do để được gặp người có trách nhiệm giải quyết các khiếu nại. Sau đó bà được gặp một nhân viên của Citibank yêu cầu điền vào chỗ trống của tờ đơn đề nghị cung cấp dịch vụ.
Cũng theo bà Liên, chiều cùng ngày bà lại nhận được email xác nhận khiếu nại nội dung phản hồi sau bốn ngày làm việc. Đến tối bà Liên nhận được cuộc gọi từ một người xưng là Hà, cán bộ phụ trách thẻ của Citibank, cho biết theo quy định của Citibank, để được giải quyết khiếu nại, khách hàng phải lên web tải mẫu đơn khiếu nại, điền thông tin và đem nộp thì mới được xem xét. Ngay sau đó bà Liên đã lên trang web của Citibank để tải mẫu đơn và điền thông tin như yêu cầu.
Theo lời bà Liên, ngày 3-10, bà lại đến gặp trực tiếp người quản lý của Citibank Chi nhánh TP.HCM nhưng cũng như mọi lần, chỉ điền và nộp đơn.
Tính đến thời điểm hiện tại, bà Liên đã đóng số tiền nợ theo thông báo của Citibank là 13 triệu đồng, chưa kể số tiền hơn 6 triệu đồng mới phát sinh.
Thời gian gần đây, bà Liên muốn nâng hạn mức thẻ ở một ngân hàng khác nhưng không được chấp nhận. Theo ngân hàng này, mặc dù chất lượng tín dụng của bà Liên rất tốt, số tiền gửi tại ngân hàng lớn nhưng trên hệ thống CIC xếp hạng tín dụng thẻ Visa của Citibank, bà bị vào nợ xấu nhóm 3. Do vậy, phía ngân hàng không thể nâng hạn mức thẻ của bà lên thêm được.
“Điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến công việc kinh doanh và uy tín của tôi. Trách nhiệm của ngân hàng ở đâu trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng?” – bà Liên bức xúc.
Lãnh đạo Citibank Chi nhánh TP.HCM nói gì?
Để có thông tin đa chiều về câu chuyện mà bà Liên phản ánh, Pháp Luật TP.HCM đã liên lạc với bà Kim Anh, phụ trách quản lý Citibank tại TP.HCM. Bà Kim Anh cho biết về những khiếu nại thẻ và vay của Citibank thì kênh để giải quyết khiếu nại là khách hàng phải gọi đến tổng đài hoặc bộ phận nhận email trực tuyến, sau đó sẽ chuyển sang bộ phận xử lý thông tin. Hiện ngân hàng đang xử lý. Về phía ngân hàng thì không được quyền trao đổi thông tin liên quan đến khách hàng Citibank. Do đó, những thông tin liên quan đến sự việc xin không được cung cấp cho báo chí.
Ngân hàng phải giải quyết trong vòng 45 ngày!
Trước tình trạng khách hàng phải chờ đợi quá lâu mà vẫn chưa có câu trả lời chính xác từ phía Citibank Chi nhánh TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, cho biết ngân hàng thương mại khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng nếu sản phẩm, dịch vụ đó bị khách hàng khiếu nại về việc mất tiền trong tài khoản thẻ tín dụng của mình thì phía Citibank Chi nhánh TP.HCM cần có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, giải thích rõ ràng. Đồng thời, ngân hàng phải chứng minh được nguyên nhân số dư liên tục phát sinh ngay cả khi thẻ đã bị khóa là vì lý do gì, nguyên nhân khách quan, chủ quan ra sao và phải có trách nhiệm xử lý theo quy định của NHNN.
Bên cạnh đó, để tránh việc phải chờ đợi lâu, khách hàng nên gặp trực tiếp bộ phận tiếp dân của NHNN TP để trình bày sự việc. Sau đó NHNN TP sẽ làm việc với Citibank để làm sáng tỏ vấn đề này.
Ông Minh cho biết thêm: Tại Thông tư số 30 bổ sung một số quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán và dịch vụ trung gian thanh toán đã quy định về thời hạn xử lý, tra soát, khiếu nại của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là không quá 45 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề nghị tra soát, khiếu nại lần đầu của khách hàng. Nếu kết quả tra soát cho thấy khách hàng không có lỗi thì ngân hàng phát hành thẻ phải thực hiện bồi hoàn cho chủ thẻ theo thỏa thuận và quy định của pháp luật đối với những tổn thất phát sinh không do lỗi của chủ thẻ.
THÙY LINH
Theo PLO.vn
Khu 'tam giác vàng' của các băng nhóm móc túi
Tại khu vực giáp ranh TP.HCM và Bình Dương tồn tại băng móc túi 16 người, giở đủ chiêu trò để "vặt" tài sản của khách đi xe buýt.
Mạng xã hội vừa đăng clip ghi cảnh nhóm người móc túi ở khu vực trạm dừng xe buýt Suối Tiên (phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM) gây căm phẫn dư luận. Đây là băng nhóm đã lọt vào ống kính máy quay của phóng viên sau nhiều tháng thâm nhập khu vực này.
Với hàng trăm clip mà phóng viên ghi nhận cho thấy băng nhóm này gồm hơn chục thành viên, tổ chức phối hợp chặt chẽ để trộm đồ và sẵn sàng "sửng cồ", đánh nạn nhân nếu bị phát hiện... Nhóm móc túi này diễn đủ trò như giúp đỡ nạn nhân; "đốt phong long xả xui" khi không trộm được, dọa giết phóng viên cùng những chiêu trò không giống ai!
Khu vực Suối Tiên nằm giáp ranh giữa khu vực quận 9, quận Thủ Đức và tỉnh Bình Dương, gần khu du lịch Suối Tiên, Làng đại học... thường được gọi là "tam giác vàng" cho các băng nhóm hành nghề móc túi hoạt động lâu nay. Gọi là "tam giác vàng" vì nơi đây tập trung du khách, sinh viên... từ các nơi tụ về và khi bị "động", các nhóm móc túi dễ dàng thoát sang địa bàn Bình Dương hoặc quận khác.
Chỉ vài khách lên xe buýt nhưng có đến tám thành viên trong nhóm móc túi (khoanh tròn trong ảnh) vây quanh.
Băng nhóm có hàng chục thành viên
Sau nhiều tháng đeo bám, chúng tôi phát hiện nhiều băng nhóm móc túi tập trung tại trạm dừng xe buýt Suối Tiên, nơi tập trung đông khách du lịch, sinh viên, người dân lên xuống xe khách, xe buýt... để hành sự. Các băng nhóm móc túi tại khu vực này sẵn sàng gây sự đánh đập nạn nhân, khách nước ngoài gây hỗn loạn khu vực này.
Sau nhiều ngày quan sát, sáng 18/9, chúng tôi phát hiện một người đàn ông chừng 50 tuổi (tên Nhân), dáng người mảnh khảnh, luôn đội nón kết, áo nhạt màu và đeo khẩu trang, tay cầm một chiếc túi nhỏ thường đảo quanh khu vực. Thi thoảng đi cùng với ông Nhân là một nam thanh niên chừng 30 tuổi (tạm gọi là B.), dáng người cao, gầy, trên vai hoặc trong tay luôn có một áo khoác đen...
Hai người này giả như khách chờ xe buýt nhưng lại không hề lên một chuyến xe nào hoặc lên nhưng rồi nhanh chóng trở xuống.
Thi thoảng họ tách ra, đảo mắt nhìn nhau như ra hiệu rồi đuổi theo một chiếc xe buýt nào đó, xông vào những nhóm khách lên xuống xe buýt vừa tấp vào trạm hoặc tấp vào quán nước tạm bợ ở ven đường để nói chuyện.
Phải mất thời gian dài quan sát, phóng viên mới xác định băng nhóm này có khoảng 16 thành viên, hoạt động chuyên nghiệp nhiều năm nay. Họ phân công, phối hợp rất nhịp nhàng từ việc phát hiện "con mồi", ra tay lấy tài sản, chuyền tay làm "mất dấu" tài sản vừa trộm cũng như việc chia tiền...
Đầu tiên ông Nhân đảo ánh mắt sắc như dao vào "con mồi", dừng vài giây ở túi quần, giỏ xách... của nạn nhân để đánh giá "tiềm năng". Sau nhận định ban đầu, ông này sẽ bám đuổi, ra hiệu cho B. đến dàn cảnh để lấy tài sản.
Nạn nhân của băng nhóm móc túi này là bất kỳ ai nhưng thường là sinh viên, người già, phụ nữ, du khách, những người mang nhiều đồ đạc hoặc bồng con...
Khi một thành viên trong băng xác định được "con mồi" thì sẽ ra hiệu để có sự tiếp sức rồi cả nhóm sẽ diễn một điệp khúc đeo bám, giả chen chúc... để lấy tài sản.
Khu vực đón chờ xe buýt rất hẹp, nhóm móc túi liên tục hoạt động không ngừng nghỉ. Vừa "làm việc" họ vừa đảm bảo việc phối hợp dàn cảnh, cảnh giới, tẩu tán tàn sản...
Nhân và năm thành viên trong nhóm móc túi phối hợp trộm tài sản người phụ nữ bồng cháu bé.
Đeo bám nạn nhân đến cùng
Nhóm người này tổ chức phối hợp lấy tài sản tinh vi đến mức nhiều trường hợp nạn nhân sau đó không hề hay biết.
Đầu tiên, một thành viên trong nhóm bám sát nạn nhân rồi giả vờ lên xe. Khi tới cửa xe, kẻ này vờ nhìn lại phía sau, hỏi han vu vơ với mục đích là chặn cửa lên xe buýt của "con mồi".
Trong khi đó, thành viên còn lại phía sau tạo ra cảnh xô đẩy, chen lấn để đánh lạc hướng sự chú ý của nạn nhân rồi thò tay lấy tài sản trong túi xách, túi quần của họ. Tùy vào mức độ "khó" mà nhóm này huy động số người tham gia, có khi hai người, có khi năm sáu người bu bám vào "con mồi".
Sáng 18/9, xe buýt biển vừa dừng lại để đón khách, nhóm ông Nhân lập tức tiếp cận một người phụ nữ trẻ tuổi. Nhanh như chớp, B. chạy lên trước chắn cửa lên xe để ông Nhân áp sát, xô đẩy nhưng cả hai không thành công, họ quay qua nói chuyện để đánh lạc hướng.
Gần 10h cùng ngày, nhiều xe buýt cập trạm, nhóm ông Nhân liên tục đảo mắt tìm "con mồi". Khi một phụ nữ trung niên ẵm em bé chờ đón xe buýt thì nhóm này liền bám theo.
Khi xe đến, B. lại dùng chiêu chặn cửa xe cho ông Nhân luồn tay vào túi quần nạn nhân móc tài sản. Tuy nhiên, nạn nhân phát hiện, giật lại tài sản, níu áo kẻ móc túi và nhìn lên xe la lớn cầu cứu sự giúp đỡ nhưng không ai muốn dây vào với bọn móc túi nên họ vờ "không nghe, không biết". Ông Nhân lúc này vung tay lên dọa đánh người phụ nữ rồi bỏ đi, hướng về khu nhà trọ nằm gần nhà ga Metro Suối Tiên.
Đến 11h trưa 18/9, khu vực này xuất hiện thêm một thanh niên khoảng 39 tuổi (tạm gọi là C.) được một người đàn ông khoảng 60 tuổi chở đến. C. cao lớn trong trang phục quần jean, áo sơmi. Cả hai đến ngồi tạm ở quán nước bên đường quan sát, chừng 30 phút thì "làm việc".
Lúc này, xe buýt 33 tấp vào, một sinh viên vội chạy theo xe thì cả hai đeo bám. Người đàn ông 60 tuổi chen lấn, còn C mở ba lô của nữ sinh viên lấy tài sản.
Ngày 21/9, ngoài những gương mặt mà chúng tôi đã biết, khu vực này xuất hiện thêm bốn người khác và họ chen lấn, móc túi nhộn nhạo...
Đầu tiên là ông Nhân "vô mánh" khi bám theo đến cửa xe buýt, thò tay móc túi một phụ nữ khoảng 60 tuổi dẫn theo con nhỏ. Sau khi lấy tài sản, ông bình thản trở về quán nước ngồi.
Gần 11h, nhóm khoảng 8 người "chốt" ở khu vực trạm xe buýt, vây các hành khách, mắt láo liên tìm tài sản và xác định người sơ hở để chờ ra tay. Khi chiếc xe buýt vừa đến, khách lên xuống xe khá đông là lúc nhóm này áp sát, có lúc khách còn ít hơn cả những tay móc túi.
Ống kính chúng tôi ghi nhận: Một thanh niên trong nhóm tay cầm áo khoác đen phóng lên xe buýt rồi mau chóng trở xuống, giấu một chiếc túi vải khá lớn với họa tiết chấm bi vào áo khoác rồi lỉnh đi, các thành viên khác vẫn đứng chờ.
Theo Nguyễn Tân - Nguyễn Yên/Pháp Luật TP.HCM
Nhóm người đàn ông dàn cảnh, móc túi trộm điện thoại của nữ sinh viên tại trạm xe buýt khiến nhiều người bức xúc Qua tìm hiểu, sự việc diễn ra tại trạm xe buýt Suối Tiên (quận 9, TP.HCM) vào ngày 12/10. Nhóm người này lợi dụng lúc trạm dừng có đông người đợi xe buýt, áp sát nữ sinh và xô đẩy để đánh lạc hướng rồi nhanh tay móc túi, trộm điện thoại. Mới đây, trên Hội nhóm dành cho các bạn sinh viên...