Thế trận tên lửa Đông Bắc Á
Khi CHDCND Triều Tiên sắp phóng vệ tinh cũng là lúc các loại tên lửa của nhiều bên trong khu vực trong tư thế sẵn sàng khai hỏa.
Lực lượng Mỹ, Nhật, Hàn vây quanh bán đảo Triều Tiên – Đồ họa: Hoàng Đình
Theo Kyodo News, mấy ngày qua, lực lượng hải quân Hàn Quốc đang tích cực truy lùng 3 tàu ngầm của CHDCND Triều Tiên đã “biến mất” ngay sau khi rời khỏi căn cứ hồi tuần trước. Vì tàu ngầm chiếm ưu thế trong hải chiến, nên Hàn Quốc lo ngại 3 tàu trên sẽ bất ngờ xuất hiện, phá vỡ thế trận phòng thủ mà nước này đang triển khai cùng Mỹ và Nhật Bản để ứng phó việc miền Bắc phóng vệ tinh trong khoảng 12 – 16.4.
Giữa muôn trùng vây
Đầu tháng này, khi CHDCND Triều Tiên tỏ ra cương quyết với kế hoạch phóng vệ tinh, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhanh chóng bày binh bố trận ở Đông Bắc Á. Ngày 10.4, tờ The Japan Times đưa tin Tokyo quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trị giá 1.000 tỉ yen (12 tỉ USD) được đầu tư từ nhiều năm qua. Theo đó, 3 tàu khu trục trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis tối tân được điều động đến các vị trí nằm trên hành trình dự kiến của tên lửa đẩy vệ tinh của Bình Nhưỡng. Các tàu khu trục này sẵn sàng phóng tên lửa SM-3 mà Washington từng dùng bắn hạ thành công 1 vệ tinh ở độ cao gần 250 km ngoài bầu khí quyển hồi năm 2008. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nhật triển khai 7 hệ thống tên lửa đánh chặn PAC-3 ở thủ đô Tokyo và nhiều vị trí khác trên quần đảo Okinawa.
Video đang HOT
Tương tự, Hàn Quốc cũng đưa 2 tàu khu trục được trang bị hệ thống Aegis, lần lượt đến khu vực Hoàng Hải và vùng biển phía nam nước này, theo tờ Chosun Ilbo. Bên cạnh đó, Seoul điều động một số hệ thống tên lửa Patriot đến các vị trí chiến lược khác để sẵn sàng đánh chặn tên lửa mang vệ tinh của miền Bắc nếu cần. Về phía Mỹ, theo tờ JoongAng Ilbo, nước này triển khai 5 – 6 tàu chiến trang bị hệ thống Aegis đến vùng biển xung quanh bán đảo Triều Tiên nhưng không thông báo vị trí chính xác. Washington còn đặt lệnh báo động cho một số hệ thống PAC-3 tại các căn cứ quân sự ở Hàn Quốc.
Tất cả các hệ thống ứng phó và đánh chặn của 3 nước sẽ phối hợp chặt chẽ cùng vệ tinh cảnh báo sớm, radar SBX-1 có khả năng phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 2.000 km. Nếu tên lửa của Triều Tiên bay chệch khỏi hành trình dự kiến, thông tin sẽ lập tức được chuyển về hệ thống định vị khóa mục tiêu FPS-5 xử lý để các bệ phóng tên lửa khai hỏa truy kích.
“Đồ chơi” của Bình Nhưỡng
Ngược lại, lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un từng tuyên bố mọi sự can thiệp vào việc phóng vệ tinh của nước này đều là hành động gây chiến và ra lệnh cho quân đội sẵn sàng xung trận. Kèm theo đó, tất cả các hệ thống tên lửa của Bình Nhưỡng cũng được đặt trong tình trạng báo động. Theo chuyên trang quân sự Global Security, CHDCND Triều Tiên hiện có đủ các loại hỏa tiễn như tên lửa đạn đạo, tên lửa chống tàu chiến và cả tên lửa hành trình tầm xa.
Trong đó, KN-1 có tầm bắn từ 70 – 120 km, là tên lửa chống tàu chiến được phóng từ đất liền chủ lực của nước này. Ngoài ra, tàu chiến của Bình Nhưỡng cũng được trang bị một số loại tên lửa đối hạm tầm ngắn khác. Về tên lửa tầm trung, Triều Tiên được cho là sở hữu khoảng 200 tên lửa Hwasong-5, 400 tên lửa Hwasong-6 có tầm bắn 300 – 700 km. Nước này cũng không thiếu tên lửa tầm xa với Nodong-1 (tầm bắn 1.300 – 1.600 km), Nodong-2 (tầm bắn lên đến 2.000 km) cùng Taepodong-1, Taepodong-2 đạt tầm bắn từ 4.000 – 6.000 km.
Đổi chuyến bay để “né” tên lửa
Ngày 10.4, AP đưa tin Hãng hàng không Philippine Airlines sẽ thay đổi hành trình hàng chục chuyến bay xuất phát từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc để đảm bảo an toàn khi CHDCND Triều Tiên phóng vệ tinh. Hai hãng Japan Airlines và All Nippon Airways của Nhật cũng có động thái tương tự đối với các chuyến bay giữa nước này với Philippines, Indonesia và Singapore. Cùng ngày, Korean Air Lines và Cebu Air vừa được bổ sung thêm vào danh sách những hãng hàng không đổi hành trình các chuyến bay vì Bình Nhưỡng phóng tên lửa đẩy vệ tinh. Ngoài ra, theo Reuters, cổ phiếu một số công ty Hàn Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán New York (Mỹ) bị rớt giá từ 0,7 – 8,8% vì tâm lý nhà đầu tư bất ổn trước tình hình bán đảo Triều Tiên.
Theo Thanh Niên
Nhật cảnh báo tàu bè về mảnh vỡ tên lửa Triều Tiên
Ngày 10.4, lực lượng tuần duyên Nhật đã bắt đầu phát đi cảnh báo cho tàu bè trong khu vực về nguy cơ các mảnh vỡ trong vụ phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên rơi xuống, theo AFP.
Tên lửa sắp sửa được phóng của CHDCND Triều Tiên - Ảnh: AFP
Người phát ngôn lực lượng tuần duyên Yoshiyuki Terakado nói: "Chúng tôi sẽ thông báo qua sóng vô tuyến thời gian và địa điểm nơi những vật thể rơi có thể xuất hiện".
Các quan chức tuần duyên sẽ phát cảnh báo hằng ngày bằng tiếng Nhật và tiếng Anh cho đến khi vụ phóng được xác nhận.
CHDCND Triều Tiên bị quốc tế lên án sau khi thông báo kế hoạch phóng vệ tinh trong một thời điểm từ ngày 12 - 16.4, nhằm kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, theo AFP.
Bình Nhưỡng khẳng định vụ phóng có mục đích hòa bình song Mỹ và các đồng minh tố giác đó là vụ thử tên lửa trá hình vốn vi phạm các nghị quyết Liên Hiệp Quốc.
Nhật đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa để đánh chặn và tiêu diệt tên lửa nếu nó có khả năng rơi vào lãnh thổ nước này, một động thái tương tự biện pháp mà nước này chuẩn bị trước vụ phóng tên lửa tầm xa năm 2009 của Bình Nhưỡng.
Theo Thanh Niên
Kim Jong-un sẽ nhận hàng loạt vị trí lãnh đạo tuần này Triều Tiên đang đếm ngược đến ngày kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Kim Nhật Thành - người sáng lập ra nước này, với rất nhiều các hoạt động gặp gỡ cấp cao và cả một đợt phóng vệ tinh đầy tranh cãi trong vài ngày tới. Tên lửa màu trắng với hàng chữ màu xanh da trời của Triều Tiên đã...