The Shadow Sun – Hiện tượng RPG trên iPhone lộ diện
Với những gì mà ngài Giám đốc điều hành của Ossian Studios đã giới thiệu, The Shadow Sun hứa hẹn sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong thể loại nhập vai trên iOS.
Hôm 06/10 vừa qua, Ossian Studios vừa công bố tựa game The Shadow Sun mang đậm phong cách game nhập vai phương Tây và sở hữu một nền đồ họa 3D đáng kinh ngạc. Được lấy cảm hứng từ những thương hiệu game nhập vai đã quá quen thuộc với game thủ như Fable, The Legend of Zelda…., The Shadow Sun được “nhào nặn” dưới bàn tay đầy kinh nghiệm của Alan Miranda – Giám đốc điều hành của Ossian Studios, người đã từng tham gia vào nhiều dự án game nhập vai của Bioware. Trong đó đáng chú ý là 2 bản mở rộng Mysteries of Westgate và Darkness over Daggerford của Neverwinter Nights và bản mở rộng Throne of Bhaal của Baldur’s Gate II.
The Shadow Sun đưa người chơi đến với thế giới trong tương lai, nơi mà con người đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt diệt sau thảm họa thiên nhiên hơn 1000 năm về trước. Trên bầu trời, ánh mặt trời cũng không còn rực rỡ như trước và đang có nguy cơ bị che mờ vĩnh viễn, báo hiệu thời khắc cuối cùng của nhân loại. Bắt đầu cuộc hành trình của mình từ Vương quốc phương Bắc, người chơi nhận được nhiệm vụ tìm đến thành phố hoang mạc Shar, trái tim của đế chế Sharian ở phía Nam trong nỗ lực nối lại quan hệ ngoại giao và buôn bán giữa 2 cường quốc này. Tuy nhiên, một biến cố bất ngờ xảy ra khi Shar bị tấn công bởi một bệnh dịch kỳ lạ và nhanh chóng bị chia cắt khỏi phần còn lại của thế giới.
Cơ chế tổ đội – một đặc trưng của thể loại nhập vai cũng được khai thác triệt để trong The Shadow Sun. Trong hành trình của mình, người chơi sẽ nhận được sự hỗ trợ từ bốn người bạn đồng hành với cá tính và tham vọng riêng của mình. Tuy nhiên do hạn chế của kích thước màn hình iPhone nên người chơi chỉ có tối đa một người đồng hành duy nhất trong các màn chơi, 3 người còn lại luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn bất kỳ lúc nào trong game.
Gameplay của The Shadow Sun dựa chủ yếu trên hệ thống chiến đấu theo thời gian thực. Ông Miranda tiết lộ cơ chế chiến đấu của The Shadow Sun học hỏi khá nhiều từ The Witcher – tựa game nhập vai có hệ thống chiến đấu động cho phép người chơi có thể chủ động tấn công, phòng thủ, né đòn một cách linh hoạt theo thời gian thực. Bên cạnh những đòn tấn công vật lý, người chơi còn có thể sử dụng các bùa phép như Bùa băng để làm đông cứng kẻ thù trong một thời gian ngắn hay Bùa lửa để thiêu cháy kẻ thù.
Video đang HOT
Với lượng điểm kinh nghiệm kiếm được từ nhiệm vụ chính hay tuyến nhiệm vụ phụ, người chơi có thể phát triển nhân vật của mình theo các hướng khác nhau: thiên về cận chiến hay tấn công từ xa, thiên về sức mạnh vật lý hay sử dụng ma thuật. Một yếu tố nổi bật khác trong gameplay của The Shadow Sun chính là hệ thống vật dụng rất đa dạng: từ áo giáp, vũ khí, bình máu – mana, đồ trang sức, phụ kiện… cùng cơ chế rương chứa đồ tương tự như trong Oblivion và Dragon Age..
Dự kiến The Shadow Sun sẽ ra mắt trên iOS vào cuối năm nay, và với những gì mà ngài Giám đốc điều hành của Ossian Studios đã giới thiệu, The Shadow Sun hứa hẹn sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong thể loại nhập vai trên iOS.
Theo gamek
Thực hư cuộc "nội chiến" của thể loại RPG
Từ lâu thể loại RPG đã quen thuộc với hai trường phái riêng biệt, đó là RPG Nhật (JRPG) và RPG phương Tây (WRPG). Hai trường phái này có những quan điểm khác nhau về cách làm game, và các nhà phát triển game đại diện của cả hai vẫn luôn tìm cách chứng tỏ quan điểm của mình là đúng đắn.
Những năm 90 của thế kỷ XX được xem như thời đại huy hoàng nhất của RPG Nhật. Người chơi được trải nghiệm những tựa game RPG hay nhất thời bấy giờ, và cái tên không thể không nhắc đến là Final Fantasy. Dòng game này đã có bước nhảy vọt khi giới thiệu đồ họa 3D trong Final Fantasy VII. Nhưng cho dù có thay đổi nhiều về mặt đồ họa, các nhà làm game JRPG vẫn giữ cho mình một quan điểm vô cùng nhất quán.
Đó là việc hình thành sẵn cốt truyện và các nhân vật, người chơi sẽ tham gia vào cuộc hành trình của nhân vật, nhìn nhận câu chuyện theo con mắt của nhân vật, hành xử theo tính cách của nhân vật đó. Nhưng giờ đây, người chơi rõ ràng muốn có nhiều sự tự do hơn trong mỗi game mà mình chơi.
Ngay trong những năm tháng thống trị thị trường RPG của các game Nhật, các nhà làm game phương Tây cũng đã bắt đầu có tiếng nói và hướng đi riêng. Hai đại diện tiêu biểu cho WRPG là Bethesda và Bioware. Năm 1994, Bethesda cho ra đời The Elder Scrolls: Arena, khởi đầu cho một series được rất nhiều người yêu thích. Trong khi đó, Bioware phát hành tựa game đầu tiên trong dòng game Baulder"s Gate vào năm 1998. Hai series nổi tiếng này đã đưa tên tuổi của Bathesda và Bioware lên một tầm cao mới, đồng thời chúng cũng mở đường cho sự thay đổi ở thể loại RPG của thế kỷ XXI.
Những năm gần đây, các game RPG Nhật đã nhận khá nhiều lời chỉ trích vì cách chơi không có nhiều đổi mới, đồ họa theo phong cách truyện tranh, cốt truyện phức tạp và nhân vật không thực sự thú vị. Những chỉ trích này chủ yếu đến từ thế hệ game thủ mới vốn ít có cảm tình với cách xây dựng câu chuyện theo những nhân vật có sẵn, ít sự lựa chọn cho người chơi và cả những nhân vật đáng yêu như trong truyện tranh. Nhiều người hướng đến các game WRPG bởi chúng có xu hướng cho phép người chơi tự do hơn và có nhiều yếu tố chiến đấu hơn.
Điều này cũng là dễ hiểu bởi thanh thiếu niên ngày nay - một bộ phận không nhỏ của cộng đồng game thủ - ít khi kiên nhẫn khi chơi game. Họ muốn trải qua thật nhiều trận đánh mang lại cảm giác dồn dập chứ không muốn ngồi hàng giờ để theo dõi những câu chuyện có tiết tấu tương đối chậm trong các game RPG của Nhật. Đó là chưa kể đến yếu tố chiến đấu của JRPG thường mang tính chiến lược cao, các đoạn phim cắt cảnh khá dài với nhiều đoạn hội thoại.
Nhìn chung, doanh số các game RPG của Nhật đã sụt giảm. Với các máy console ngày càng thể hiện đồ họa tốt hơn, các game RPG phương Tây trở nên chân thực và hấp dẫn hơn trong mắt người chơi. Đó là lí do giúp Bethesda và Bioware vượt qua doanh số của nhiều hãng phát triển JRPG với các tựa game đình đám của mình: The Elder Scrolls, Mass Effect, Baulder's Gate, Fallout 3, hay Dragon Age: Origins.
Nhưng câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Với những lợi thế hiện tại, các nhà làm game WRPG đang muốn chứng tỏ rằng quan điểm làm game của mình chính xác và hiệu quả hơn. Trong một lần đề cập đến Final Fantasy XIII, đại diện của Bioware đã chỉ trích rằng đây hoàn toàn không phải là một game RPG dù được gắn mác như vậy. Trong game người chơi không có lựa chọn, không được tạo nhân vật, và không thể thực sự nhập vai vào nhân vật.
Nhận xét này ngay lập tức gặp phải những phản ứng trái chiều từ phía người chơi. Nhiều người đồng ý, nhưng cũng không ít người hâm mộ thể loại JRPG cảm thấy bị xúc phạm. Họ phản bác rằng sản phẩm "con cưng" của Bioware là Mass Effect cũng chẳng khá hơn thế là bao. Mặc dù người chơi có thể đưa ra các lựa chọn, nhưng kết quả cuối cùng của game thì lại vẫn như vậy. Nói cách khác, dù cho người chơi có xây dựng nhân vật theo cách khác nhau đến mấy thì cũng sẽ trải qua một cốt truyện giống nhau.
Bên cạnh đó, còn một điều không thể phủ nhận là đã từng có các game JRPG với nhiều cái kết dành cho một game. Vì vậy đại diện của WRPG không thể khẳng định rằng họ là người tìm ra và áp dụng những cốt truyện nhiều hồi kết, chỉ là JRPG không muốn làm những tựa game như vậy mà thôi.
Về phần mình, Bethesda cũng có những động thái riêng. Trong một quảng cáo mới đây dành cho Fallout: New Vegas, đã có một hình ảnh mang tính giễu cợt dành cho các game JRPG. Trong tấm poster quảng cáo, các người mẫu Nhật Bản cầm trên tay các tấm biển có ghi: "Tại sao bạn phải xem game thay vì chơi game?", "Chơi một tựa game mà chỉ đi theo một cốt truyện thì chẳng khác nào cuộc đời trên một đường ray buồn tẻ", "Có lẽ nhân vật trong game sẽ có nhiều thứ để làm hơn là chỉ lo diệt sạch cái xấu", ...
Động thái của Bethesda đã gây phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng những người hâm mộ JRPG gạo cội. Họ cho rằng việc áp dụng quảng cáo "bẩn" này không những không giúp doanh số các sản phẩm của hãng tăng lên, mà ngược lại còn làm tổn hại đến danh tiếng của chính những tựa game đỉnh cao như Fallout 3 hay Oblivion.
Những người hâm mộ JRPG dù bảo thủ đến mấy cũng phải thừa nhận đó là những tựa game hay, nhưng tình cảm của họ dành cho Bethesda sẽ sớm trở về con số không nếu nhà phát triển này tiếp tục hành xử như vậy.
Cả Bioware và Bethesda đều phần nào muốn "xóa sổ" JRPG. Nhưng họ không biết rằng dù có thế nào thì JRPG cũng sẽ tiếp tục tồn tại. Cho dù JRPG gặp phải sự sụt giảm về số lượng người chơi và doanh số các game bán ra, nhưng điều đó không có nghĩa là quan điểm làm game của họ là sai lầm. Thị hiếu của khách hàng thì luôn có thể thay đổi, và giờ đây vẫn có những người chơi rất trung thành với JRPG.
Vì vậy, thay vì tìm cách hạ thấp JRPG vì không có những yếu tố như WRPG, các nhà phát triển phương Tây nên cố gắng chung sống một cách hòa thuận. Xét cho cùng, khái niệm RPG đủ rộng để bao quát cả hai trường phái này. Hơn nữa, cả hai có thể giao thoa và học hỏi lẫn nhau, từ đó đưa thể loại RPG lên một bước phát triển mới. Có lẽ đó sẽ là kịch bản dẫn đến một cái kết có hậu nhất cho thể loại game này.
Theo GameK
Game và game thủ - Ai đang đánh mất chính mình? Ngày nay, thế giới game đang có sự thay đổi chóng mặt so với chính bản thân nó khoảng vài thập niên trước. Hãy cùng nhìn nhận sự chuyển mình chóng mặt đó dưới con mắt của một game thủ. Ngay từ khi còn bé, game đã trở thành một phần không thể thiếu đối với nhiều người. Đó là cảm giác vui...