“The pianist” bản đàn của tình yêu và cuộc sống
Bộ phim “ Nghệ sĩ dương cầm” là tiếng nói đầy thấu hiểu về giá trị và sức mạnh của âm nhạc đối với con người.
The Pianist là bộ phim của đạo diễn gốc Ba Lan Roman Polanski, chuyển thể từ hồi ký cùng tên rất nổi tiếng của nhà văn Wladyslaw Szpilman. Bộ phim là một lời kể lại chân thực của chính người trong cuộc về thảm họa diệt chủng do phát xít Đức gây ra, đồng thời cũng là phim hay nhất trong sự nghiệp đồ sộ của đạo diễn Roman Polanski về âm nhạc và sức mạnh của nghệ thuật.
The Pianist đã đạt được rất nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có giải Cành cọ Vàng cho Phim hay nhất; giải Oscar cho Đạo diễn xuất sắc nhất. Có lẽ thành công này đến từ tài năng và sự đồng cảm sâu sắc với số phận người Do Thái mà đạo diễn Roman Polanski cũng có gốc gác, nhưng hơn hết là sự thấu hiểu về tình yêu và niềm tin vào con người.
Bộ phim có bối cảnh là đất nước Ba Lan – nơi có hơn nửa triệu người Do Thái sinh sống trong Thế chiến thứ hai. Một trong những người Do Thái có may mắn sống sót sau đợt tàn sát của Hitler là nghệ sĩ dương cầm Wladyslaw Szpiman. The Pianist là một bản đàn rất cảm động kể về niềm tin, nghị lực sống mãnh liệt của người nghệ sĩ. Ngay cả trong những lúc cùng khổ nhất, chính âm nhạc là điều kỳ diệu giúp đẩy lùi chiến tranh, xóa bỏ hận thù, mang con người lại gần nhau.
Nghệ sĩ dương cầm Wladyslaw Szpiman rất nổi tiếng trước chiến tranh với tiếng đàn êm dịu và có sức cuốn hút mãnh liệt. Tuy vậy, tiếng đàn yên bình của anh không được chiến tranh buông tha. Szpiman và gia đình cùng hàng triệu người Do Thái khác bị đưa vào trại tập trung và bị đối xử tàn tệ. Người nghệ sĩ này phải lao động khổ sai, bị chà đạp quyền sống.
The Pianist sẽ kể lại cho người xem về tội ác của phát xít Đức trong những cảnh bắt bớ lúc đêm khuya, lúc hành hình những người vô tội. Trên phim, người Do Thái chết đói, chết cóng, chết vì bị đánh đập… Chính trong hoàn cảnh ấy, nghị lực sống của người nghệ sĩ dương cầm trở nên phi thường hơn bao giờ hết. Từ một nghệ sĩ hào hoa vẫn chơi những bản nhạc đẹp đẽ của Chopin, Szpilman sẵn sàng ăn cả những lát khoai tây thối và bị ngộ độc. Anh lang thang trong những khu phố đổ nát, chui lủi trong các gác mái, uống nước thải của bệnh viện… Anh làm tất cả, chỉ cần được sống, và thèm khát được chơi đàn.
Video đang HOT
Điểm nhấn nhiều ý nghĩa nhất của bộ phim là cảnh nghệ sĩ Szpilman chơi đàn cho một sĩ quan Đức nghe vào lúc gần cuối phim. Khi biết được mình đang gặp một nghệ sĩ dương cầm, viên sĩ quan Đức thay vì tặng anh một viên đạn vào đầu, đã yêu cầu anh chơi nhạc. Szpilman đã chơi đàn với tất cả những lo lắng, sợ hãi và cũng là say mê, thanh thản. Anh đã chọn chơi một bản của Chopin về tình yêu nước của những người dân Ba Lan, những ngón tay điêu luyện lướt trên phim đàn như được chơi lần cuối.
Sau khi nghe tiếng đàn, viên sĩ quan đã say đắm trước tài năng của Szpilman, thậm chí còn mang thức ăn, áo khoác giúp người nghệ sĩ vượt qua mùa đông buốt giá. Không còn ranh giới về quốc gia, dân tộc, tư tưởng, nhiệm vụ hay bất cứ rào cản nào, trước âm nhạc và nghệ thuật, giữa hai con người xa lạ chỉ còn tình yêu. Chiến tranh không thể xóa bỏ những giá trị nhân văn của con người – có lẽ đây là thông điệp đẹp đẽ nhất mà bộ phim mang lại.
Đạo diễn Polanski muốn bộ phim trở nên chân thực nhất có thể, nên bất cứ cảnh chơi đàn nào của nhân vật Szpilman cũng đều do chính diễn viên Adrien Brody biểu diễn. Để đạt tới trình độ của nghệ sĩ Wladyslaw Szpilman, chàng diễn viên Brody đã khổ luyện trong nhiều tháng. Chính vì thế, tiếng đàn và cảnh chơi đàn trong phim đã thuyết phục được người xem, thực sự khiến khán giả rung động và ấn tượng.
Sau năm 1945, Ba Lan được giải phóng, nghệ sĩ Szpilman được sống thanh thản trong hòa bình đến hết phần đời còn lại. Ông mất năm 2000 sau một cuộc đời tận hiến cho nghệ thuật. Còn viên sĩ quan Đức yêu âm nhạc năm xưa đã mất từ năm 1952 trong trại tù nhân chiến tranh, để lại một nhật ký đầy hoài nghi về chiến tranh và con người.
Theo Afamily
"Thảm họa sóng thần": Sức mạnh của tình thương
Đây là một bộ phim rất đáng xem không phải vì đạo diễn tài ba, cũng không phải vì dàn diễn viên danh tiếng - mà vì ở đó, có những bài học về tình thương, sự hy sinh và ý chí sinh tồn của con người.
Những bộ phim về thảm họa luôn có những lối mòn mà bất kỳ nhà làm phim nào cũng không thể tránh được. Đó là những cảnh tượng hãi hùng khi thiên tai ập đến, những con người bỗng chốc nhỏ bé dắt díu đến tội nghiệp trong cơn phẫn nộ của thiên nhiên. Impossible - Thảm họa sóng thần cũng không phải là câu chuyện nằm ngoài những quy luật ấy nhưng cách kể đầy lay động của đạo diễn Juan Antonio Bayona lại vô cùng ám ảnh, khiến người xem bị cuốn vào từng cung bậc cảm xúc của các nhân vật.
Mở đầu phim là khung cảnh của "thiên đường trên mặt đất" Phuket Thái Lan với những rặng dừa xanh bạt ngàn bên bờ biển thơ mộng. Nơi đó, hai vợ chồng Maria và Henry cùng 3 cậu con trai đang tận hưởng kỳ nghỉ tuyệt vời bên nhau. Nhưng rồi trong tích tắc, khi cơn sóng dữ tràn bờ cũng là lúc gia đình ấy bị xé nhỏ, chới với trong biển nước và chới với cả trong cả những sợ hãi.
Lúc mà Henry sợ nhất không phải khi ông bị nước đánh vào mà là khi tỉnh dậy và chỉ có 1 mình. Nhưng chỉ cần nhìn thấy hai đứa con trai và tin rằng ở nơi nào đó, vợ và cậu con trai lớn cũng đang ở vật lộn trong biển nước thì ông nhất định sẽ đi tìm cho bằng được. Tôi nhớ, trước ngày 12/12/2012, khi những tin đồn về ngày tận thế trở nên ám ảnh loài người, rất nhiều nơi đã sản xuất hàng loạt chiếc bong ke để con người trú ngụ qua thảm họa. Nhưng tôi tự hỏi, sau khi thảm họa qua đi, bạn sẽ sống thế nào sau khi mất gia đình, người thân? Với tôi, sống trong cô đơn mới là điều thật sự đáng sợ, hơn bất kỳ trận động đất, sóng thần nào.
Không có bóng dáng của những anh hùng, những nhân vật trong phim đều mang trong mình nỗi sợ hãi rất thật từ sợ chết cho đến sợ mất người thân. Từ "sợ" cứ lặp đi lặp lại như một điệp khúc đầy ám ảnh nhưng không hề bi lụy. Vì ở những con người đó, có một ngọn lửa của tình yêu với gia đình với đồng loại soi sáng.
Tình thương trong phim không chỉ gói gọn trong giới hạn gia đình mà còn mở ra rộng lớn hơn là cả nhân loại. Maria, trong cơn đau thể xác lẫn tinh thần, vẫn nhất quyết cứu bằng được đứa trẻ bị trôi lạc, cậu con trai Lucas của cô dù chưa tìm được cha nhưng vẫn giúp bao người khác tìm lại người thân và một người đàn ông mới mất vợ và con gái hai tuổi vẫn tình nguyện giúp Henry tìm vợ và con dù ông đang phải chống nạng với đôi chân bị thương...
"Còn gì đẹp trên đời hơn thế. Người với người sống để yêu nhau", vì chúng ta là đồng loại, chúng ta trao yêu thương cho người khác cũng là cách để mạnh mẽ hơn lên và sưởi ấm chính trái tim mình. Hãy nhớ dạy những đứa con mình như cách mà Henry và Maria đã dạy 3 đứa trẻ nhà họ. Khi chúng ta no đủ, xòe tay cho đi một chút lòng tốt, chưa hẳn bạn đã là người tốt. Nhưng khi chúng ta cũng đang khốn khổ như ai mà vẫn cho đi hết mình thì đó lại điều vô cùng đáng quý.
Xem phim, tôi bị ấn tượng mạnh bởi những cậu bé nhà Maria. Tôi nhìn được trong 3 cậu con trai ấy một lối giáo dục Tây phương vô cùng hoàn hảo với những đứa trẻ ngay từ khi còn rất nhỏ. Với bản năng sinh tồn vô cùng mạnh mẽ, cộng thêm việc được cha mẹ trang bị đầy đủ những kỹ năng sống dù nhỏ nhặt như việc tập bơi, khả năng tự xoay xở khi chỉ có 1 mình... đã giúp những đứa trẻ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chúng sợ hãi hơn bất cứ ai nhưng chúng không kêu khóc, không nản lòng và đôi khi lại trở thành những điểm tựa cho người lớn chúng ta.
Gia đình Maria và Henry đã tự viết nên một kết thúc có hậu cho chính câu chuyện của mình từ niềm tin, nghị lực và ý chí vô cùng mạnh mẽ. Kết thúc phim là nụ cười đầy hạnh phúc của gia đình nhỏ nhưng tôi biết đằng sau những nụ cười ấy, sẽ có rất nhiều giọt nước mắt của những người không có được may mắn đoàn viên. Đã có những gia đình mãi mãi phân ly trong trận sóng thần kinh hoàng năm 2004 tại Đông Nam Á ấy...
Impossible - Thảm họa sóng thần được công chiếu rộng rãi trên toàn quốc từ ngày 4/1/2013.
Theo TTVN
5 nam diễn viên lãng phí tài năng nhất Hollywood Họ có tài, không ai có thể phủ nhận điều đó. Nhưng họ lại lãng phí tài năng của mình bằng việc tham gia hàng loạt những bộ phim dở tệ. 1. Adam Sandler Những bộ phim tệ nhất: Little Nicky (2000), Mr. Deeds (2002), Grown Ups (2010), Just Go With It (2011), Jack and Jill (2011), That's My Boy (2012) Bằng chứng...