Thế nào là mũ bảo hiểm đạt chuẩn?
- Mặc dù đã chỉ đạo các cán bộ chiến sỹ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nếu không xác định rõ được có phải mũ bảo hiểm đạt chuẩn hay không thì các đơn vị chỉ tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý theo hướng có lợi cho người vi phạm. Tuy nhiên, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cũng ban hành hướng dẫn cách nhận biết mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy…
Chưa phạt người đội mũ bảo hiểm không chuẩn
Theo quy định tại điểm i, k, khoản 3, Điều 6 Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ người điều khiển phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện có các hành vi vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông như: Người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy” hoặc “đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ; chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc “đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách thì bị xử phạt.
Nhưng, thế nào là mũ bảo hiểm đạt chuẩn?
Theo quy định về sản xuẩt, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy khi tham gia giao thông (gọi tắt là mũ bảo hiểm) là mũ đủ các tính năng:
Cấu tạo phải có đủ các bộ phận vỏ mũ, lớp đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo.
Mũ phải được chứng nhận hợp quy, được gắn dấu hợp quy CR (dấu hợp quy CR phải được thể hiện một cách rõ ràng, dễ đọc, được in trực tiếp lên mũ bảo hiểm hoặc được dán lên mũ bảo hiểm bằng chất liệu không thấm nước, không thể tẩy xóa, làm mờ dấu hợp quy) và có ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Nếu là mũ sản xuất trong nước thì nhãn của mũ phải bao gồm các thông tin: Tên sản phẩm. Phải có cụm từ “Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”; Tên địa chỉ và cơ sở sản xuất; Cỡ mũ; Tháng, năm sản xuất.
Nếu là mũ nhập khẩu thì tối thiểu phải bao gồm các thông tin: Tên sản phẩm (vẫn phải có cụm từ “Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”); Tê địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu và phân phối; Xuất sứ hàng hóa; Cỡ mũ; Tháng, năm sản xuất.
Video đang HOT
Mũ bảo hiểm đạt chuẩn sẽ có một số kiểu dáng như mũ che nửa đầu, mũ che cả đầu và tai, mũ che cả đầu, tai và hàm.
Trường hợp mũ bảo hiểm có lưỡi trai mềm gắn liền với vỏ mũ hoặc lưỡi trai rời tháo lắp được thì độ dài của lưỡi trai tính từ điểm kết nối với vỏ mũ đến điểm xa nhất của lưỡi trai không quá 70mm.
Trường hợp mũ bảo hiểm có lưỡi trai cứng gắn liền với vỏ mũ thì độ dài của lưỡi trai tính từ điểm kết nối với vỏ mũ đến điểm xa nhất của lưỡi trai không được lớn hơn 50mm.
Trường hợp mũ bảo hiểm có vành cứng xung quanh thì không được nhô quá 20mm.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, 60% mũ bảo hiểm hiện nay không đạt chuẩn. Trong năm 2013, các vụ tai nạn giao thông đã khiến 764 người chết và 336 người bị thương; trong đó gần 65% các vụ tai nạn có liên quan đến bảo hiểm, hầu hết trẻ em dưới 14 tuổi bị tai nạn giao thông là do ngồi trên xe máy.
Để hạn chế những tai nạn đáng tiếc từ mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, từ 1/7, lực lượng chức năng sẽ xử phạt người đi xe máy đội mũ không đủ 3 bộ phận bao gồm: vỏ mũ, lớp hấp thụ xung động và quai mũ.
Theo Thông tư liên tịch 06 (của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Công thương), mũ bảo hiểm rởm là những loại mũ có kiểu dáng bên ngoài giống mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy nhưng không có dấu hợp quy; không hoặc chưa có công bố tiêu chuẩn chất lượng, vi phạm về nhãn hàng hóa; các loại mũ làm giả, làm nhái mẫu mã của các thương hiệu mũ bảo hiểm xe máy đúng quy chuẩn chất lượng; các loại mũ bảo hiểm xe máy không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Điều 8, Thông tư 06: Trách nhiệm của người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy
Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe đạp máy khi tham gia giao thông có trách nhiệm:
1. Đội mũ bảo hiểm theo đúng quy định của pháp luật
2. Cài quai mũ theo quy định sau đây:
a. Kéo quai mũ bảo hiểm sang hai bên rồi đội mũ và đóng khóa mũ lại. Không được để quai mũ lỏng lẻo mà phải đóng khít với cằm.
b. Sau khi đội mũ bảo hiểm cần kiểm tra lại bằng cách: Dùng tay kéo mũ từ đằng sau ra đằng trước hoặc nâng phần trên trước trán (hoặc phần cằm đối với mũ cả hàm) lên rồi kéo ra đằng sau, mũ không được bật ra khỏi đầu.
Trúc Dân
Theo_VnMedia
Chọn mua mũ bảo hiểm an toàn: Đừng tiếc rẻ vài chục nghìn đồng!
Tiếc rẻ vài chục ngàn, nhiều người chọn mũ không phải mũ bảo hiểm (MBH)để đội.
Có không ít người, đã chọn đúng MBH đạt chuẩn, nhưng khi đội lại cài quai không đúng cách dẫn đến có đội mũ cũng như không và tính mạng của họ bị đe dọa khi tai nạn diễn ra.
Nói là chiếc MBH có thể bảo vệ được toàn thân của mỗi người khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy và xe máy là điều không thể nhưng chiếc MBH có thể bảo vệ phần đầu, chắn mưa gió và bụi... cho mỗi người khi tham gia giao thông là điều có thể. Đội MBH và cài quai đúng cách rồi, nếu bị ngã khi gặp tai nạn giao thông sẽ góp phần phòng tránh rất hiệu quả đối với phần đầu, phần mặt, tránh được chấn thương sọ não, bảo vệ hệ thần kinh trung ương tốt nhất.
Đội mũ bảo hiểm nhớ phải cài quai để đảm bảo an toàn tốt hơn. Ảnh minh họa
Trong Chương trình Dân hoi - Bộ trưởng trả lời cuối cùng của năm 2013, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ông Đinh La Thăng, kiêm Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã cho biết, trong năm 2013 xảy ra 29.385 vụ tai nạn giao thông làm chết 9.369 người, bị thương 29.500 người. Con số này, so với năm 2012, số vụ giảm 5,2%, số người chết giảm 0,6% và số người bị thương giảm 9,4%.
Thực tế, theo con số mà ông Thăng đưa ra, số người bị thương và tử vong đã giảm nhiều so với năm 2012. Đó là một tín hiệu vui đối với công tác an toàn giao thông trong năm qua nhưng nó vẫn là tín hiệu buồn khi những con số đó vẫn còn rất cao.
Theo TS. BS Dương Đại Hà - Bệnh viện Việt Đức, tỉ lệ tử vong do chấn thương sọ não nặng ở người không đội MBH là 33,8%, cao gấp 3 lần so với tỉ lệ tử vong do chấn thương sọ não ở người đội MBH (10,3%). Theo BS Hà, các loại MBH giả mạo, kém chất lượng hiện nay hầu như không có khả năng bảo vệ người đi xe máy khi bị tai nạn.
Trước đó, theo Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế), năm 2011 có 21% ca chấn thương sọ não do đã đội MBH không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. 12% và 3% ca chấn thương sọ não do không đội MBH hoặc đội mà không cài quai.
Một số liệu điều tra khác của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia công bố mới đây cũng cho thấy, số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân liên quan tới xe máy chiếm 70%, trong đó, khoảng 46% số vụ có nạn nhân bị chấn thương sọ não dẫn đến tử vong hoặc mang di chứng suốt đời, mà một trong những nguyên nhân đến từ việc sử dụng MBH kém chất lượng hoặc đội MBH nhưng không cài quai.
Từ những thực tế nêu trên cho thấy, tỷ lệ thương vong do đội mũ không phải MBH còn rất cao. Đặc biệt, khi người dân đã đội MBH rồi nhưng cài quai không đúng cách, không cài quai, đội mũ không đúng cách... sẽ dẫn đến việc đội MBH có cũng như không. Lý gải tại sao nhiều người khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe máy, đã có ý thức đội MBH rồi nhưng lại không cài quai dẫn đến hiệu quả của việc đội mũ đem lại không có, các chuyên gia Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, ý thức của người dân khi đội MBH như vậy vẫn chưa tới.
Không ít người, trong đó đa phần là người trẻ, đội MBH chỉ là đối phó với lực lượng chức năng. Nhiều bạn trẻ mua những chiếc mũ giá chỉ 20.000 - 30.000 đồng để đội và cho đó là MBH. Chỉ khi gặp tai nạn, chiếc mũ khẽ rơi nhẹ cũng có thể nứt vỡ và công dụng của chiếc "MBH" không có họ lại quay sang đổ lỗi cho cơ quan chức năng là không quản lý được chiếc MBH, để MBH rởm tràn lan nên họ mới mua phải.
Trong khi đó, những thương hiệu MBH có tên tuổi được chứng nhận, kiểm tra, kiểm định chất lượng nghiêm ngặt của các Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Trung tâm Quacert thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng... thì họ lại không quan tâm và chọn mua. Ngoài ra, trước khi mua MBH để dùng, không ít người bỏ qua ý thức, mua và đội MBH là để bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của mình mà chỉ tập trung vào việc đội MBH cho có và để đối phó với lực lượng chức năng.
Theo quy định mới tại Nghị định 171/2013/NĐ - CP của Chính phủ ngày 13/11/2013, quy định xử phạt vi phạm hàng chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tại điều 6 về xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ có nêu tại khoản 3, mục "i" và mục "k" như sau: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Người điều khiển, người ngồi trên xe không đội "MBH cho người đi mô tô, xe máy" hoặc đội "MBH cho người đi mô tô, xe máy" không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ; Chở người ngồi trên xe không đội "MBH cho người đi mô tô, xe máy" hoặc đội "MBH cho người đi mô tô, xe máy" không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Chất lượng Việt Nam
Sĩ quan đặc công thi phi dao trúng đích 100% Thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu năm 2014, từ ngày 20 đến 25/6, Lữ đoàn Đặc công bộ 198 (Binh chủng Đặc công) tổ chức Hội thi Cán bộ Đội giỏi năm 2014, nhằm đánh giá trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ cấp Đội trong toàn đơn vị. Nội dung thi thể lực chạy 3.000m vũ...