‘The Matrix: Resurrections’ – ma trận rời rạc
Phần mới nhất của loạt phim “ The Matrix” mang đến những cảnh quay đẹp mắt cùng đoạn tri ân ba phần trước. Song tác phẩm có cách khai triển nội dung nghèo nàn.
Ra mắt lần đầu năm 1999, The Matrix gây tiếng vang lớn với nội dung mới lạ, hấp dẫn, cùng những pha đánh đấm choáng ngợp. Khởi nguồn của loạt phim bắt đầu khi nhân vật chính Neo ( Keanu Reeves) nhận thức được cuộc sống của mình và mọi người xung quanh chỉ là giả lập.
Khi công nghệ AI lên cầm quyền, chúng tạo dựng một thực tế ảo để cầm chân và biến con người thành “pin năng lượng” theo đúng nghĩa đen. Để thoát ra khỏi thế giới mơ hồ ấy, loài người phải liều mình đấu tranh, tìm kiếm lỗ hổng trong những phương trình nhị phân đã được xây dựng sẵn.
Sau hơn 18 năm kể từ ngày phần 3 – The Matrix: Revolutions đóng máy, đạo diễn Lana Wachowski đã đưa thương hiệu đình đám quay trở lại. Đây cũng là cột mốc đánh dấu sự chia ly của chị em nhà Wachowski, khi người em Lilly Wachowski hiện bận tâm với nhiều dự án phim khác.
Song, trái ngược với trông đợi của người hâm mộ, The Matrix: Resurrections lại nhận được nhiều lời chê hơn khen. The New York Times không ngần ngại nhận xét tác phẩm: “Không có bất kỳ câu chuyện ẩn phía sau”, “chẳng có lý do gì nên tồn tại”, cũng như đánh giá “kịch bản non nớt”.
Chuyện gì xảy ra nếu Neo chọn viên thuốc màu xanh?
Với tham vọng tái thiết lập lại cốt truyện của loạt phim, The Matrix: Resurrections mở ra câu chuyện về Neo dưới vỏ bọc Thomas Anderson. Là một nhà thiết kế game, nhân vật trung tâm có cuộc sống nhàm chán, mắc phải vấn đề tâm lý nặng nề khi không thể phân biệt nổi đâu là thực tế đâu là ảo ảnh trong đầu mình.
Những dấu hiệu về một thế giới “thật” khác đang tồn tại liên tục xuất hiện, bắt buộc Anderson phải lựa chọn. Một là uống những viên thuốc tâm thần màu xanh để được an toàn trong mơ hồ, một là nhảy vào nguy hiểm nhằm tìm kiếm sự thật về cuộc đời mình trong chính trò chơi anh tạo dựng mang tên Ma trận.
Không thể phủ nhận kịch bản của The Matrix: Resurrections gây chú ý khi khai thác một khía cạnh mới mẻ hoàn toàn, đánh đúng vào thắc mắc “Chuyện gì xảy ra nếu Neo chọn viên thuốc màu xanh thay vì viên thuốc màu đỏ thoát khỏi thế giới giả lập?” gần 2 thập kỷ của người hâm mộ. Tuy nhiên, cách khai triển dài dòng, sự ủy mị và loạt diễn văn mang tính giảng đạo của bộ phim đã đem lại hiệu quả ngược.
Hơn nửa thời lượng phim được dùng chỉ để nhấn mạnh hàm ý con người đang sống một cuộc đời được lập trình sẵn bằng những vòng lặp nhàm chán của cuộc đời Anderson. Thời gian còn lại cũng không có thêm bất cứ bước ngoặt kịch tính hay đột phá đáng mong chờ nào.
Tất cả chỉ xoay quanh lý do hồi sinh Neo và Tritiny (Carrie-Anne Moss) cùng chuyện tình lãng mạn ở tuổi trung niên của hai nhân vật theo lối dẫn dắt lộ liễu, nhạt nhẽo cả về lời thoại lẫn diễn xuất.
Phim có nhiều câu thoại triết lý nhưng thiếu trọng tâm.
Những điều trên khiến tổng thể The Matrix: Resurrections hệt như một ma trận rời rạc, thiếu liên kết. Bộ phim hoàn toàn không khơi dậy được cảm xúc hồi hộp, sự kịch tính như kỳ vọng mà còn dễ khiến nhiều người lạc trong mơ hồ về mục đích thật sự của cốt truyện.
Dàn diễn viên trẻ lấn lướt tiền bối
Ngay cả Keanu Reeves – điểm sáng được nhiều người trông đợi của The Matrix: Resurrections cũng không thể cứu vớt nổi kịch bản tẻ nhạt, non tay.
Không còn là Neo với khả năng chiến đấu “như thần linh”, tài tử giờ đây phải đóng khung với hình tượng Thomas Anderson già nua, mệt mỏi đang lạc lối giữa thực và ảo. Đổi lại, anh phần nào cũng đã hoàn thành xuất sắc vai trò khi thể hiện rõ yếu tố tâm lý của một người hùng về vườn, hoài nghi với chính sự thật cuộc đời mình. Sự ngột ngạt, khó chịu ấy cũng chính là cuộc đời Reeves và cả chị em đạo diễn sau thành công của The Matri x.
Về phần Carrie-Anne Moss, cô là nữ chính của bộ phim. Tuy nhiên, hơn 2 tiếng trên màn ảnh, minh tinh trông như chỉ góp mặt ở hàng thứ khi xuất hiện chớp nhoáng, mờ nhạt và không để lại ấn tượng.
Đổi lại, các gương mặt mới trong bộ phim lại ghi dấu nhờ diễn xuất ấn tượng và lời thoại thú vị của mình. Đặc biệt là Bugs (Jessica Henwick) và Morpheus (Yahya Abdul-Mateen II). Cả hai có màn phối hợp xuất sắc từ những pha ra đòn đẹp mắt, đến loạt câu thoại tung hứng đầy hài hước, châm biếm.
Trong các phân đoạn nặng về tâm lý, Henwick cũng ăn điểm nhờ cách thể hiện có chiều sâu. Không thể phủ nhận, sức hút tự nhiên của bộ đôi nhân vật phụ phần nào khỏa lấp điểm yếu về kịch bản của The Matrix: Resurrections.
Món quà tri ân quý giá
Việc khéo léo biến thế giới thật thành một thứ trong cốt truyện, các nhân vật thành những người đang xem, màn bạc hệt như tấm gương phản chiếu lại hai thế giới của bộ phim chính là công cụ tuyệt vời nhất để tôn vinh di sản của thương hiệu đình đám.
Tuy bóp chết hướng đi mới trong kịch bản, The Matrix: Resurrections lại được đánh giá cao bởi tính gợi nhắc trong từng khung hình.
Các biểu tượng nổi bật như hai viên thuốc xanh đỏ, Neo nhìn thấy các phương trình nhị phân trong cuộc sống, các phân đoạn hành động đặc trưng của nhân vật chính dùng tay chặn đạn, bay lượn trên bầu trời… cũng được cài cắm khéo léo, đưa người xem sống lại một thế giới đầy hoài niệm kéo dài suốt gần 2 thập kỷ.
Các phân đoạn tri ân là tình tiết “cứu” nội dung phim.
The Matrix: Resurrections giống một bản phối lại của cuốn album cổ điển và phủ bụi suốt 18 năm qua. Không mới mẻ, táo bạo hay quá hay ho nhưng vừa đủ để làm hài lòng những ai đã yêu mến loạt phim này suốt thời gian qua.
Trailer The Matrix: Resurrections
'Ma trận: Hồi sinh' và những khác biệt đáng trông đợi so với những phần phim trước
Sau 18 năm, 'Ma trận: Hồi sinh' vẫn được nhào nặn bởi Lana Wachowski và có thêm những điều mới mẻ đáng mong chờ.
Mùa Giáng Sinh năm nay, khán giả Việt Nam có cơ hội gặp lại thương hiệu điện ảnh đình đám Ma Trận với phần phim thứ tư Ma Trận: Hồi Sinh (tựa gốc: The Matrix Resurrections). Sau 18 năm, bom tấn vẫn được nhào nặn bởi Lana Wachowski - một trong hai tác giả của ba phần trước, cùng sự tái xuất của cặp sao Keanu Reeves và Carrie-Anne Moss trong vai diễn đã làm nên tên tuổi của họ. Ở phần phim này, liệu khán giả sẽ có thể chờ đón những khác biệt thú vị nào?
Một 'cuộc cách mạng mới' của vũ trụ Ma Trận
Thông thường, khi một thương hiệu phim trở lại sau hàng chục năm vắng bóng, ê-kíp sẽ tập trung khai thác những điểm thân thuộc với khán giả, từng làm nên thành công quá khứ. Tuy nhiên, với Ma Trận: Hồi Sinh, các nhà sản xuất chọn một hướng đi cực kỳ táo bạo. David Mitchell - một thành viên thuộc đội biên kịch - mô tả phần bốn giống một sự khám phá của đoàn phim về vũ trụ Ma Trận, khai thác những tiềm năng còn bỏ ngỏ ở ba tập trước đó.
'Ma Trận: Hồi Sinh chắc chắn không phải tập tiếp nối đơn thuần, mà giống một tác phẩm độc lập nhưng chứa đựng cả ba phần trước một cách khéo léo. Nó là một tác phẩm sáng tạo tuyệt đẹp nhưng rất kỳ dị', Mitchell nói với tờ To Vima của Hy Lạp trong một bài phỏng vấn gần đây.
Sau ba phần đầu, Lana Wachowski đã ấp ủ ý tưởng về phần tiếp theo cho thương hiệu phim hành động tỷ đô. Tuy nhiên, đạo diễn thực sự cảm thấy cần kể tiếp câu chuyện về Neo và Trinity sau khi cha mẹ cô qua đời cùng lúc, chỉ trong vài tuần. 'Tôi nói với bản thân rằng hai người đã chết. Hãy đưa hai người khác trở lại. Tôi không thể ở bên cha mẹ nữa nhưng tôi đã có Neo và Trinity... Đó là công dụng của nghệ thuật. Chúng khiến ta cảm thấy được an ủi'. Wachowski nói tại sự kiện International Literature Festival Berlin hồi đầu năm.
Điều độc đáo của thương hiệu Ma Trận là lấy cảm hứng từ chính những tâm tư đầy tình cá nhân của các đạo diễn nhà Wachowski. Trong bài phỏng vấn với Vanity Fair giữa năm 2020, họ xác nhận kịch bản phim ẩn dụ cho khát khao được chuyển giới của hai anh em. Lana và Lily lần lượt công khai chuyển giới thành nữ năm 2010 và 2016. Một lý do khiến hai người ngừng sản xuất tiếp các phần tiếp theo của The Matrix dù được chào mời nhiều năm qua vì tác phẩm mang quá nhiều ý nghĩa với chính họ. Trở lại với phần bốn, chắc chắn Lana Wachowski sẽ không phụ lòng người hâm mộ khi mang đến một câu chuyện khác hứa hẹn giàu chiều sâu và mới mẻ.
Bước đột phá trong làng phim hành động
Phần đầu Ma Trận (1999) từng được giới chuyên môn đánh giá cao với các công nghệ, kỹ thuật mới cho dòng phim hành động - khoa học viễn tưởng, đoạt bốn giải Oscar ở các hạng mục kỹ xảo - âm thanh. Nhiều đạo diễn, nhà sản xuất phim từng ca ngợi cảnh quay chậm nam chính Neo né các đường đạn bay là phân đoạn thú vị, mới lạ nhất họ được xem trong nhiều năm.
Sau tác phẩm, làng điện ảnh cũng sinh ra một thuật ngữ mới có tên 'bullet time', chỉ các cú máy tương tự xuất hiện thường xuyên trong dòng phim hành động đến tận ngày nay. Kỹ thuật này cũng được đoàn phim tái sử dụng, phát triển trong các phần hai và ba của loạt phim, trở thành biểu tượng của thương hiệu 'Ma Trận'.
Sau buổi xem thử phim ở Berlin hồi tháng 9, biên kịch David Mitchell trầm trồ khen ngợi: 'Tác phẩm đạt được nhiều thành tựu mà ta chưa từng thấy ở thể loại hành động. Nó phá vỡ các quy luật của phim bom tấn'. Trong các đoạn trailer, êkíp hé lộ một số cảnh kỹ xảo đầy hứa hẹn như di chuyển xuyên không qua các mặt phẳng như gương, nước; những màn biến đổi dung mạo đầy kỳ ảo của điệp viên Ma Trận hay các pha hành động thách thức quy luật vật lý của Neo.
Những nhân vật hoàn toàn mới của vũ trụ Ma Trận
Ngoài sự tái xuất của Keanu Reeves và Carrie-Anne Moss, ê-kíp Ma Trận: Hồi Sinh giới thiệu hàng loạt nhân vật mới trong phần bốn. Ngay khi trailer đầu tiên ra mắt, người hâm mộ của loạt phim cùng chung câu hỏi về sự vắng mặt của Morpheus - từng được Laurence Fishburne thể hiện.
Theo Digital Spy, ngôi sao phim Aquaman Yahya Abdul-Mateen sẽ đóng một nhân vật cùng tên nhưng là phiên bản hoàn toàn khác. Nam diễn viên cho biết cũng giống Neo, Morpheus phải trải qua hành trình khám phá bản thân và tìm kiếm con đường riêng của mình. Nhân vật hứa hẹn không còn mang dáng vóc một nhà tiên tri hay thầy hướng dẫn của Neo như trong phiên bản cũ.
Liệu hướng phát triển mới này sẽ mang đến những điểm thú vị gì cho Morpheus, người nhận nhiều cảm tình từ fan của thương hiệu Ma Trận?
Đối mặt với một đội quân trí tuệ nhân tạo hùng mạnh hơn gấp nhiều lần bản cũ, Neo cũng có thêm nhiều đồng đội mới trong phần bốn. Trong đó, đả nữ trẻ tuổi Bugs do bóng hồng Anh quốc Jessica Henwick thủ vai hứa hẹn giữ vai trò quan trọng. Nhân vật xuất hiện cùng hình xăm 'thỏ trắng' và nhiều khả năng là chìa khóa lý giải nguyên nhân Neo được đưa trở lại thế giới Ma Trận ở phần này.
Loạt phim Ma Trận lần đầu ra mắt năm 1999, được xem là tượng đài trong dòng khoa học viễn tưởng. Kịch bản xoay quanh nhân vật Neo (Keanu Reeves đóng), mắc kẹt trong thế giới ảo bị các thế lực trí tuệ nhân tạo khống chế. Phần một thành công thương mại và giành bốn giải Oscar năm 2000 cho hạng mục kỹ xảo, dựng phim, âm thanh và chỉnh âm. Phần hai và ba - The Matrix Reloaded và The Matrix Revolutions - ra mắt cùng năm 2003, nâng tổng doanh thu của thương hiệu lên hơn 1,6 tỷ đô.
Phần 4 của loạt phim - Ma Trận: Hồi Sinh - tựa gốc The Matrix Resurrections - chính thức khởi chiếu vào dịp Giáng sinh 24/12, đánh dấu sự trở lại của Keanu Reeves trong vai Neo sau gần hai thập kỷ.
Trailer Ma Trận: Hồi sinh
Ma Trận: Hồi Sinh 'thả xích' trailer đầu tiên đầy mãn nhãn, Keanu Reeves tái xuất ấn tượng Tuy không hé lộ quá nhiều điều về cốt truyện của phần phim này, đoạn giới thiệu của 'Ma Trận: Hồi Sinh' vẫn kịp chiêu đãi khán giả môt bữa tiệc của những màn cháy nổ cực gắt, những pha hành động đã mắt và cả những kỹ xảo mới lạ, độc đáo cộp mác Ma Trận. Gần hai thập kỷ sau khi...