Thế lực nào đứng sau trường gà nổi tiếng xứ Nghệ?
Ngoài việc tổ chức sới đá, chủ trường gà còn tổ chức nấu ăn phục vụ con bạc, “thượng đế” hết sức tận tình. Ước tính mỗi ngày, chủ trường gà thu về bạc triệu từ các sới đá độ này. Thế lực nào đứng phía sau để trường gà này hoạt động một cách công khai, bất chấp dư luận và pháp luật?
Chủ sới hốt tiền triệu mỗi ngày
Một ngày cuối tuần, tôi lại tiếp tục theo chân N., chủ của con “thần kê” đến trường gà nằm trên khối An Thịnh, phường Quỳnh Thiện, TX Hoàng Mai. Lần này, do đã quen mặt từ trước nên người phụ nữ ghi vé xe không dò hỏi, tra xét nữa.
Dù mới sáng sớm nhưng các con bạc đã đổ về chật kín sới gà, xe cộ xếp từ trong ra ngoài không còn một chỗ trống. Ghi số vé xong, tôi dẫn xe vào trong căn nhà thứ 2 tìm chỗ trống để gửi. Chưa kịp đá chân chống, một thanh niên mặt mày dữ tợn, xăm trổ đầy mình quát: “Mày đưa xe ra ngoài kia để, chỗ này xe anh em thân quen mới được gửi”.
Tôi lẳng lặng dẫn xe vòng lại, thực tình lúc này, tìm được một chỗ để xe còn khó khăn hơn cả ở siêu thị, chung cư thành phố. Sau một hồi vật vạ lui tiến, tôi cũng tìm được một khe trống để đẩy “con ngựa sắt” vào.
Giá vé gửi xe 5000 đồng/lượt, nếu tính qua, mỗi ngày chủ trường gà này cũng đã kiếm được gần triệu bạc. Ngoài tiền gửi xe, việc bán cơm ăn, nước uống cho hàng trăm con bạc mỗi ngày cũng kiếm về cho chủ sới một lợi nhuận không nhỏ. Đến giữa trưa, hàng chục tay độ không về nhà mà chọn cách mua cơm ngay tại sới đấu để ăn cho tiện. Ăn xong, cơm chưa kịp xuống bụng lại lao vào sới tiếp tục sát phạt, bắt độ. Như vậy không chỉ thu tiền sới của các chủ gà, chủ trường đấu còn có hai nguồn thu nữa đó là tiền gửi xe và phục vụ ăn uống. Con bạc kéo về càng đông thì chủ sới càng “hốt” được nhiều bạc.
Từ sáng sớm đã có rất đông người kéo đến trường gà này.
Khi được hỏi về thu nhập “khủng” của chủ trường gà này, ông Hoàng Nguyên T., một người dân ở phường Quỳnh Thiện không ngần ngại “tiết lộ”: “Thu nhập như thế thì chẳng ai ở cái phường này theo kịp. Vốn ban đầu chỉ bỏ ra tầm vài chục triệu xây 2 sới gà, còn lại chẳng mất chi phí gì nữa. Trường gà hoạt động suốt ngày đêm, đặc biệt là thứ 7 và chủ nhật có hàng trăm con bạc kéo về thì tiền thu lại không biết bao nhiêu mà đếm. Nhưng phải thu nhập như thế thì mới “nuôi” được trường gà tồn tại chứ? Ở đây dễ mà người ta để cho ăn không à?”. Câu hỏi của ông T. mang hàm ý chua chát.
Giữa trưa cuối tuần nên hai sới đấu này lại một đông thêm, các con bạc từ khắp nơi tiếp tục kéo về. Được biết, ngoài các con bạc tại địa phương thì còn có các phường lân cận như Quỳnh Dị, Quỳnh Phương, Quỳnh Xuân; có những “thượng đế” từ các xã Quỳnh Giang, Quỳnh Đôi, Quỳnh Thạch, Quỳnh Thanh (huyện Quỳnh Lưu), hay các huyện Diễn Châu, Yên Thành và cả tỉnh Thanh Hóa lân cận. Thành phần kéo về đây đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi. Từ bác nông dân “chân lấm tay bùn” cho đến học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, cán bộ công chức, thầy giáo, các đối tượng giang hồ, bất hảo… Bất kể ai, miễn là có tiền và có “máu” đá độ gà chọi đều tìm đến đây.
Những “thần kê” được tuyển khắp nơi về đây đá độ. Có con giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.
Theo N., người bạn đi cùng chúng tôi thì sau khi nhiều trường gà ở Diễn Châu, Nam Đàn, Hưng Nguyên, TP Vinh (Nghệ An) bị triệt phá, các kê thủ, đá độ gà đều kéo về đây. Đây cũng là vùng giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa nên các con bạc từ xứ Thanh cũng thường mang “thần kê” qua “giao lưu”, học hỏi. “Không biết thật hay giả nhưng tau nghe mấy tay đá độ truyền tai nhau là trường gà này có đồng chí làm bên cơ quan nọ “bảo kê” nên công an, chính quyền không bao giờ ngó ngàng tới. Dân đá độ cứ mang gà tới đá thoải mái. Mi nhìn đó, giữa khu dân cư này đông đúc, la hét ỏm tỏi như thế mà không bị nhắc nhở, kiểm tra là biết rồi” – N. đắc chí lên giọng với chúng tôi.
Video đang HOT
Trời về chiều, do đói bụng nên chúng tôi vào ngôi nhà thứ nhất để mua cơm. Mặc dù là phục vụ dân đá gà nhưng nhìn sơ qua đã thấy rất nhiều món ăn trông bắt mắt. Cơm không phải dạng thường như “cơm bụi” của học sinh, sinh viên hay công nhân, thợ hồ nên giá cả cũng không rẻ chút nào.
Bắt chuyện với một thiếu niên tên Q. ngồi ăn cơm cùng bàn, mới hay em này đang học lớp 11. Khi được hỏi vì sao còn ít tuổi mà đã đến trường gà, sao không sợ bị bố mẹ la mắng, Q nói: “Hôm nay là ngày cuối tuần nên không phải đến trường. Em thế này là lớn chứ có mấy đứa đi cùng mới học lớp 8, lớp 9. Tiền bắt đá gà em xin mẹ chứ bố không biết. Bố mà biết thì em no đòn”. Cùng đi với Q. còn có 3 – 4 cậu học sinh, mặt còn non nhưng xem chừng hết sức máu me đá gà.
Ai đứng sau bảo kê cho trường gà hoạt động?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chủ hai sới đấu này là cặp vợ chồng tên X. Và P. Hai người này đã xây trường gà, tổ chức đá độ lâu nay nhưng điều lạ lùng là cơ quan chức năng phường Quỳnh Thiện, TX Hoàng Mai chưa “phát hiện” được.
Bà Nguyễn Thị T, một người dân ở khối An Thịnh, phường Quỳnh Thiện bức xúc: “Đá gà, hò hét từ sáng sớm cho đến chập tối khiến người dân chúng tôi mất ăn, mất ngủ. Trường gà nằm sờ sờ ra đó nhưng có lẽ chính quyền, công an không thấy” (?!)
Bà T. cho biết thêm, mặc dù người dân ở khối An Thịnh rất bức xúc nhưng không ai dám ra mặt phản đối, trình báo với công an, chính quyền địa phương.
Trường gà hoạt động ngày đêm gây mất trật tự trong khu dân cư.
Để tìm hiểu thêm, chúng tôi đã tìm đến UBND phường Quỳnh Thiện, TX Hoàng Mai. Tuy nhiên một nhân viên văn phòng ở đây bảo “Sếp đi họp”. Ngày thứ hai đến, PV gặp một nhân viên khác nhưng vẫn nhận được câu trả lời tương tự.
Chúng tôi tìm đến Công an phường Quỳnh Thiện nhưng không gặp được đồng chí trưởng CA phường vì đang “bận họp”. Tuy nhiên tại đây chúng tôi được gặp một trung công an phụ trách khối. Người này hỏi ngay: “Có vấn đề gì anh cứ nói với tôi, có khi lãnh đạo lại không rõ bằng lính đâu” (!?) Khi PV bảo muốn được trao đổi trực tiếp với lãnh đạo công an phường, không qua cấp dưới, người này tỏ ý không hài lòng và nói: “Có việc gì anh cứ nói thẳng, có gì đâu mà phải giấu giếm. Để trả lời báo chí, lãnh đạo cũng phải “thông qua” chúng tôi mới trả lời được”(?!)
Được biết, người này là Trung úy Hồ Duy B., cảnh sát khu vực phụ trách khối An Thịnh – nơi đặt trường gà đá độ của vợ chồng X, P.
Là một thị xã mới thành lập, lại nằm ráp gianh với tỉnh Thanh Hóa, địa bàn rộng, dân cư vùng bãi ngang ven biển với nhiều ngành nghề khác nhau, tình hình an ninh – trật tự ở địa bàn TX.Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) trong thời gian vừa qua hết sức phức tạp. Việc trường gà ở khối An Thịnh, phường Quỳnh Thiện ngang nhiên hoạt động trong thời gian dài khiến người dân hết sức bức xúc, dư luận bất bình.
NHÓM PVMT
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Đột kích trường gà lớn nhất xứ Nghệ nằm ngay trung tâm thị xã
Nằm giữa trung tâm thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) trong khu dân cư đông đúc nhưng nhiều năm nay, một trường gà đá độ ăn tiền với quy mô lớn vẫn ngang nhiên hoạt động giữa ban ngày.
Theo chân "thần kê" đến trường gà
Để xâm nhập vào được trường gà nằm tại khối An Thịnh, phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) chúng tôi đã phải năn nỉ nhiều lần mới được Nguyễn Văn N., một tay đá độ có con "thần kê" (gà đá thắng nhiều trận - PV) đồng ý.
Trước khi đi, N dặn dò kỹ càng: "Đây là trường gà có "số má" ở Nghệ An, các ông muốn vào thì tui đưa đi. Nhưng tuyệt đối chỉ được xem, nếu có chuyện gì tui không chịu trách nhiệm".
Đường vào trường gà đi qua nhà văn hóa khối An Thịnh, phường Quỳnh Thiện, TXHoàng Mai (Nghệ An).
Đúng 8h sáng một ngày thứ 7, chúng tôi cùng "thần kê" đến trường gà. Từ Quốc lộ 1A đi khoảng 500m rồi rẽ tay phải vào nhà văn hóa khối Tân Hương, phường Quỳnh Thiện, đi vòng vèo qua một vài con hẻm hẹp, chúng tôi đến được trường gà.
Trong con hẻm nhỏ, xe máy để chật kín đường đi, tiếng cổ vũ đá gà vang lên. Nhìn tôi một lượt từ đầu đến chân, người phụ nữ trạc 50 tuổi hất hàm hỏi N.: "Đứa mô (nào - PV) mà thấy lạ ri (thế - PV), bạn mi à?" N. đáp: "Hắn bạn tui, mới từ Hà Nội về chơi". Sau màn "sát hạch" nhanh chóng, chúng tôi được đi thẳng vào sới đá gà.
Trong con hẻm rộng chừng 1,5m này có 3 ngôi nhà sát nhau. Ngôi nhà thứ nhất vừa ghi số xe, vừa tổ chức nấu ăn, bán thức uống cho các kê thủ. Ngôi nhà thứ 2 dùng để xe, cửa luôn khóa im lìm. Ngôi nhà thứ 3 với vạt đất trống bên hông là nơi làm hai sới đấu rộng khoảng 100m2, xung quanh nhốt hàng chục con gà chiến chuẩn bị vào sới đấu.
Muôn kiểu đá độ!
Khi chúng tôi đến, hàng chục người từ già đến trẻ vây tròn 2 sới đấu. Tiếng hò hét, cá cược đinh tai nhức óc. N. nói như hét vào tai chúng tôi: "Mấy ông cứ vào mà xem, tuyệt đối không được quay phim, chụp hình đấy nhé! Để bị phát hiện thì tui không lo được mô". Dứt lời, N. ôm "thần kê" biến mất.
Hàng trăm người tập trung quanh 1 sới đá.
Chúng tôi bắt đầu len vào vòng người chật kín đang kích thích cực độ, hò hét ỏm tỏi. Mùi mồ hôi, mùi khói thuốc xộc vào mũi đến nghẹt thở. Phía dưới là 2 chú gà chọi (loại gà đòn khoảng 2,7 - 2,9kg) đang hăng máu đá nhau kịch liệt. Sới này được xây bê tông vòng tròn, cao chừng 60cm, dưới rải cát và quây tròn bằng lốp ô tô quanh tường để tránh gà bị va chạm, gây thương tích khi thi đấu.
Thường thì gà đá phải bằng nhau về trọng lượng, ví dụ gà 2,7 kg thì phải đấu với gà có trọng lượng tương đương. Tuy nhiên cũng có trường hợp là gà có trọng lượng lớn hơn "chấp" gà nhỏ hơn. Hoặc có trường hợp ngoại lệ là gà đá hay (thần kê) trọng lượng nhỏ hơn nhưng đá ngang với gà hơn trọng lượng.
Có nhiều hình thức đá độ với nhau trong trường gà này. Đó là chủ gà với chủ gà bắt độ với nhau, từ vài trăm ngàn cho đến vài chục triệu đồng/trận, miễn "thóc" nhiều hay ít. Còn với khán giả, có thể bắt theo trận, theo hồ (1 hiệp đấu). Trên cột mái sới đấu, luôn treo một chiếc đồng hồ, cứ 30 phút cho một hiệp.
Một con bạc đang ra giá bắt độ với một đối tượng khác.
Đá gà đòn khác gà cựa trong các tỉnh phía Nam là nghiêng về thế, võ thuật, không phải sát thương tức thì. Vì vậy gà được bịt cựa bằng keo dán, mỏ được nẹp chỉ xung quanh nhằm tránh gà bị tấn công bởi các đòn chí tử, trận đấu nhanh kết thúc.
Khi gà đang đá nhau, tuyệt đối không ai được xuống hồ, ngoại trừ hai chủ gà. Những con gà chiến với thân hình vạm vỡ, cặp đùi cao ráo, chắc nịch; da, cổ đỏ au, mắt long sòng sọc nhìn nhau như muốn xơi tái kẻ thù. Mới thả ra, con Nổ lao vào con Tía (cách gọi theo màu lông của gà - PV) tung những đòn cước đòn chí mạng. Con Tía cũng không phải dạng vừa, nó vừa lách vừa phản pháo những đòn uy lực không kém. Hai con gà chọi quần nhau tơi tả, tiếng hò reo, cổ vũ khiến sới đấu như vỡ bung.
Gà bắt đầu đá, hàng chục con bạc chỉ trỏ, thách đấu nhau tới tấp. Cách bắt độ, ra giá nếu không phải dân chuyên nghiệp, tìm hiểu sâu thì rất khó hiểu. Một con bạc tên H., người phường Quỳnh Thiện, TX Hoàng Mai chỉ tay vào một người tên K., người xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu ra độ: "Nổ - Tía, 2 triệu - 1 triệu". Ý của H. muốn ra giá với K. là: Nếu Nổ thắng thì K. đưa cho H. 2 triệu đồng, còn nếu Nổ thua thì H. đưa cho K. 1 triệu đồng. Sau khi nhất trí, H. và K. đưa hai tay vỗ vào nhau rồi lấy tờ giấy nhỏ xíu trong túi ra ghi tên người mình bắt. Cứ như thế, người này bắt với người kia, mức tiền tùy theo "hầu bao" cũng như con mắt tinh tường nhìn gà chiến của mình.
Mỗi người có thể bắt nhiều độ, nhiều hồ khác nhau, có khi một người bắt độ với nhiều người, số tiền lên tới vài chục triệu trong một trận đấu. Nếu hàng chục, hàng trăm con bạc sát phạt, thách đố nhau thì số lượng tiền độ trong một sới bạc lên cả trăm triệu đồng...
NHÓM PVMT
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Phá đường dây "đặt hàng" mỗi bé trai sơ sinh giá 50 triệu đồng Quen biết nhau bên Trung Quốc, Hoa đặt vấn đề với Thắm về Việt Nam tìm xem ai đẻ con trai không nuôi thì mua lại rồi mang bán cho Hoa. Hoa sẽ trả cho Thắm mỗi đứa trẻ khoảng 40 - 50 triệu đồng. Bé trai sơ sinh được lực lượng công an giải cứu khỏi bàn tay của những kẻ "buôn...