Thế khó của tình báo Mỹ trong điều tra nguồn gốc Covid-19
Tình báo Mỹ khó đưa ra kết luận chắc chắn về nguồn gốc Covid-19, trong khi chính trị có thể ảnh hưởng đến cách nhìn nhận cuộc điều tra của họ.
Từng bị hầu hết chuyên gia y tế công cộng và quan chức chính phủ bác bỏ, giả thuyết Covid-19 rò rỉ từ một phòng thí nghiệm Trung Quốc đang được xem xét kỹ lưỡng trong cuộc điều tra mới của Mỹ. Tổng thống Joe Biden ngày 26/5 yêu cầu các cơ quan tình báo Mỹ tăng cường nỗ lực thu thập và phân tích thông tin rồi báo cáo lại cho ông trong vòng 90 ngày về khả năng virus truyền từ động vật sang người hay rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Trung Quốc đã phản đối cuộc điều tra này, nói rằng việc truy tìm nguồn gốc Covid-19 là câu hỏi khoa học và không nên để cơ quan tình báo của nước khác thực hiện.
Nhân viên bảo vệ dẫn các phóng viên rời Viện Virus Vũ Hán sau khi nhóm chuyên gia WHO đến thăm điều tra thực địa ở Vũ Hán ngày 3/2. Ảnh: AP .
Chia sẻ với VnExpress , giáo sư David Schultz, Khoa Khoa học Chính trị và Luật, Đại học Hamline, Mỹ, cho biết ông không lạc quan về cuộc điều tra. “Nội bộ nước Mỹ đã có những tranh cãi chính trị lớn về nguồn gốc và cách xử lý đại dịch. Ngay cả khi cuộc điều tra được thực hiện một cách công bằng và khách quan, yếu tố chính trị sẽ khiến nó không được đối xử hoặc tiếp nhận theo cách đó “, ông nói.
Hồi tháng 5/2020, Trump có những phát ngôn ẩn ý, như thể ông nắm trong tay một số thông tin về nguồn gốc virus. “Chuyện gì đó đã xảy ra. Nó xuất phát từ Trung Quốc. Đáng lẽ nó phải bị chặn lại. Nó có thể bị chặn ngay tại chỗ”, Trump nói, nhưng không đưa ra bằng chứng.
Tiến sĩ Robert Redfield, cựu lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ dưới thời Trump, cũng nói trong phim tài liệu phát hành vào tháng ba rằng virus “rất có thể lọt ra từ một phòng thí nghiệm”. Nhưng giống các quan chức khác trong chính quyền Trump, ông không thể chứng minh giả thuyết này.
Giờ đây, khi giả thuyết nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm nóng trở lại, phe Cộng hòa đang hả hê. Trump nói rằng ông đã đúng khi gọi nCoV là “virus Trung Quốc”. Trong một cuộc phỏng vấn trên Fox Newsvào tuần này, thượng nghị sĩ Lindsey Graham nói rằng giả thuyết nCoV lọt từ phòng thí nghiệm đã bị nhanh chóng bác bỏ nhằm hạ bệ Trump trong bầu cử năm ngoái.
Video đang HOT
Phe Cộng hòa cho rằng nếu giả thuyết rò rỉ được xác nhận, Trump sẽ được “minh oan”. Trong khi đó, phe Dân chủ nói rằng do Trump thường xuyên đưa ra các thuyết âm mưu hay thông tin tình báo sai để phục vụ mục đích chính trị của mình, ông đã không được coi là nguồn tin đáng tin cậy.
Họ đặt câu hỏi nếu đội ngũ của Trump có bằng chứng để chứng minh giả thuyết trên, tại sao họ không công bố với thế giới. Phe Dân chủ cũng nhấn mạnh Trump không thể “tẩy trắng” cách đối phó dịch bệnh bị coi là “tồi tệ” của mình.
Giáo sư Schultz cho rằng cuộc điều tra của tình báo Mỹ khó có thể mang lại đánh giá khách quan, vì “xét về bối cảnh chính trị toàn cầu, Mỹ và Trung Quốc đều có những lợi ích đáng kể khi không hợp tác và thực hiện một nghiên cứu khoa học và khách quan”.
Quan hệ Mỹ và Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, căng thẳng về một loạt vấn đề như Hong Kong, Tân Cương, Đài Loan, Biển Đông. Biden vốn được coi là sẽ mềm mỏng hơn với Trung Quốc, nhưng trong vài tháng cầm quyền qua, ông cho thấy Washington vẫn duy trì chính sách cứng rắn với Bắc Kinh được định hình dưới thời Trump.
Giả thuyết nCoV lọt ra từ phòng thí nghiệm nóng lên vào thời điểm Trung Quốc đang thể hiện mình là quốc gia đã chiến thắng virus. Trung Quốc được cho là đã phạm một số sai lầm trong giai đoạn đầu dịch bùng phát, nhưng nước này hiện kiểm soát được dịch ở trong nước và đang thực hiện chiến lược “ngoại giao vaccine”. Nếu phòng thí nghiệm Trung Quốc được chứng minh là nguyên nhân vấn đề, hình ảnh của Bắc Kinh sẽ bị tổn hại.
Trong khi đó, Mỹ dường như đang cố gắng lật ngược thế cờ ngoại giao vaccine của Trung Quốc, sau khi Washington bị chỉ trích tích trữ vaccine trong khi nhiều nước khác đang lao đao vì làn sóng dịch bệnh mới. Tổng thống Biden tuần này thông báo kế hoạch mua 500 triệu liều vaccine Pfizer để tặng cho hơn 90 quốc gia trong hai năm tới.
Tuy nhiên, Dan Garrett, cựu nhà phân tích tình báo của Lầu Năm Góc, bày tỏ lạc quan về cuộc điều tra của tình báo Mỹ. Ông cho rằng cuộc điều tra sẽ sử dụng toàn bộ nguồn lực của cộng đồng tình báo, bao gồm nhân lực, kỹ thuật và năng lực khoa học khi nguồn gốc của đại dịch đã trở thành một vấn đề an ninh quốc gia.
“Cộng đồng tình báo có hàng nghìn nhà khoa học làm việc cho họ. Trong vài thập kỷ, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống như đại dịch toàn cầu đã nằm trong chương trình nghị sự về an ninh quốc gia”, ông nói.
Ông bình luận thêm rằng các cơ quan tình báo Mỹ “có những chuyên gia và nhà khoa học có thể đưa ra đánh giá chính thức, có hệ thống, không thiên vị, bởi đánh giá tình báo này rốt cuộc sẽ đến tay Tổng thống Mỹ. Cộng đồng tình báo không có động cơ nào để thao túng dữ liệu hay thông tin”.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo rằng cuộc điều tra kéo dài 90 ngày khó có thể mang lại câu trả lời chắc chắn . Cơ quan tình báo Mỹ vốn gặp khó khăn trong việc thâm nhập mạng lưới an ninh Trung Quốc. Hiện cũng chưa rõ liệu Trung Quốc có hiểu đầy đủ về nguồn gốc virus hay không.
Yan Bennett, chuyên gia từ Trung tâm Paul và Marcia Wythes về Trung Quốc đương đại, thuộc Đại học Princeton, Mỹ, nhấn mạnh rằng thời điểm khởi phát đại dịch đã trôi qua quá lâu và sẽ ít khả năng xác định được nguồn gốc nCoV, trừ khi tìm thấy bằng chứng tài liệu hoặc nhận được lời khai nhân chứng. Bà cho rằng hầu hết các quốc gia đều nhận thức được rằng cơ hội xác định được nguồn gốc Covid-19 hiện rất thấp.
Bennett nhận định nếu tình báo Mỹ cuối cùng kết luận nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm, Trung Quốc chắc chắn sẽ phản đối, nhưng chưa rõ các nước khác sẽ phản ứng thế nào. “Cách cộng đồng quốc tế phản ứng như thế nào tùy thuộc vào hoạt động ngoại giao của Trung Quốc có hiệu quả ra sao”, bà nói. “Tình hình sẽ rất thú vị”.
Một câu hỏi được đặt ra là liệu Mỹ có thúc đẩy hình thức trừng phạt nào với Trung Quốc nếu tình báo kết luận nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm hay không. Trong bài phát biểu ngày 5/6 tại Hội nghị đảng Cộng hòa bang Bắc Carolina. Trump gợi ý Trung Quốc phải bồi thường 10.000 tỷ USD và chịu trách nhiệm trước thế giới vì những thiệt hại do Covid-19 gây ra.
“Nếu giả thuyết rò rỉ được chứng minh là đúng, nó sẽ gây ra rất nhiều áp lực chính trị đối với Trung Quốc, không chỉ từ Mỹ mà còn từ phần còn lại của thế giới. Trung Quốc sẽ bị đổ lỗi cho đại dịch, khiến họ phải rơi vào thế phòng thủ về mặt chính trị. Nhưng đó sẽ là cuộc chiến về ý thức hệ hơn là biện pháp trừng phạt thực sự”, Schultz bình luận.
Trung Quốc chỉ trích tình báo Mỹ điều tra nguồn gốc Covid-19
Trung Quốc chỉ trích việc Mỹ để tình báo điều tra nguồn gốc Covid-19 và cáo buộc Washington chính trị hóa đại dịch, hủy hoại hợp tác quốc tế.
"Nghiên cứu nguồn gốc là vấn đề khoa học không nên bị chính trị hóa. Thật không may, thời gian qua chúng ta đã chứng kiến những lời lẽ và hành động bêu xấu, dùng nghiên cứu nguồn gốc để đổ trách nhiệm sang các nước, chỉ trích chuyên gia WHO, thậm chí dựa vào bộ máy tình báo hơn là các nhà khoa học để dẫn dắt cuộc điều tra", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 31/5.
Bình luận được đưa ra sau khi tình báo Mỹ và Anh mở cuộc điều tra về nguồn gốc Covd-19, gồm cả thuyết nCoV bị lọt ra từ phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán. Nguồn tin chính phủ Anh tiết lộ tình báo nước này đang hợp tác với cuộc điều tra mới của Mỹ nhằm xác định sự thật về nguồn gốc đại dịch.
"Những hành động chính trị hóa nghiên cứu nguồn gốc Covid-19 của Mỹ đã làm gián đoạn và phá hoại nghiêm trọng hợp tác quốc tế bình thường trong nghiên cứu nguồn gốc, gây khó khăn và rào cản cho các nỗ lực quốc gia chống virus cũng như cứu người", ông Uông cho hay.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 31/5. Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc .
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh nước này ủng hộ nghiên cứu do các nhà khoa học dẫn đầu.
"Chúng tôi ủng hộ nghiên cứu do các nhà khoa học dẫn đầu về nguồn gốc, có sự đoàn kết và hợp tác, không phải cuộc điều tra do tình báo dẫn dắt nhằm gây đối đầu và gieo rắc chia rẽ. Quá trình này không nên bị sai khiến bởi ý chí của bất kỳ quốc gia nào", ông Uông nói.
Cựu giám đốc cơ quan tình báo Anh MI6 Richard Dearlove hôm 28/5 cho rằng tình hình hiện trở thành "vấn đề tình báo", khi lực lượng an ninh Anh có thể phải "khuyến khích những người Trung Quốc bỏ trốn tiết lộ thông tin" trong trường hợp Bắc Kinh từ chối điều tra giả thuyết nCoV lọt từ phòng thí nghiệm.
Tờ Wall Street Journal hôm 23/5 dẫn thông tin chưa được công bố trong báo cáo tình báo của Mỹ cho thấy ba chuyên gia Viện Virus học ở thành phố Vũ Hán, nơi dịch bệnh bùng phát cuối năm 2019, đã nhập viện điều trị vì các triệu chứng tương tự cả Covid-19 và bệnh cúm mùa. Trung Quốc bác thông tin này, tố Mỹ thổi phồng thuyết âm mưu về nguồn gốc dịch bệnh.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó lệnh cho các cơ quan tình báo trong vòng ba tháng phải báo cáo về việc nCoV có nguồn gốc từ động vật hay từ sự cố phòng thí nghiệm. Điều này khiến giới khoa học đang xem xét lại những câu hỏi về nguồn gốc nCoV, gồm cả những giả thuyết từng bị bác bỏ.
Viện Virus học Vũ Hán (WIV), cơ sở nghiên cứu SARS hàng đầu của Trung Quốc, nằm không xa chợ hải sản Hoa Nam, nơi được cho là ghi nhận virus lây từ động vật sang người hồi đầu đại dịch. Đây cũng là nơi ghi nhận sự kiện siêu lây nhiễm đầu tiên trong đại dịch Covid-19.
Khoảng cách gần giữa phòng thí nghiệm của WIV và chợ Hoa Nam gây nhiều ngờ vực về nguồn gốc nCoV. Trung Quốc đến nay chưa nhận diện được loài động vật mang chủng virus này, đồng thời từ chối điều tra toàn diện về kịch bản nCoV lọt từ phòng thí nghiệm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng 1 cử nhóm chuyên gia quốc tế đến Vũ Hán để tìm hiểu nguồn gốc Covid-19. Tuy nhiên, nhóm không đưa ra kết luận chắc chắn về nguồn gốc đại dịch, mà chỉ xếp hạng một số giả thuyết theo mức độ tin tưởng của họ. Báo cáo cho biết virus truyền từ dơi sang người thông qua động vật trung gian là kịch bản có thể xảy ra nhất, trong khi giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra".
Nhiều nhà khoa học vẫn tin rằng nCoV có nguồn gốc tự nhiên và không có bằng chứng ủng hộ giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Bất chấp thông báo của Biden và những thông tin trên truyền thông Mỹ, gần như chưa có thay đổi nào trong những bằng chứng ủng hộ kịch bản nCoV phát tán từ phòng thí nghiệm của WIV.
Chuyên gia WHO đề nghị Mỹ chia sẻ thông tin tình báo nguồn gốc COVID-19 Một chuyên gia y tế của WHO đã kêu gọi Mỹ chia sẻ bất kỳ thông tin tình báo nào mà họ có về nguồn gốc dịch COVID-19 với tổ chức và cộng đồng khoa học. Tuần trước, tờ Wall Street Journal dẫn thông tin từ các cơ quan tình báo Mỹ cho biết 3 nhân viên tại một phòng thí nghiệm ở...