Thế kẹt của Saudi Arabia khi Mỹ, Anh không kích Houthi ở Yemen
Giới phân tích nhận định các cuộc tấn công trong đêm của Mỹ, Anh nhằm vào Houthi ở Yemen đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với Saudi Arabia – quốc gia đang mong muốn giảm căng thẳng ở nước láng giềng để có thể tập trung vào cải cách trong nước.
Saudi Arabia mong mỏi nối lại tiến trình chính trị toàn diện tại Yemen. Trong ảnh: Thái tử Saudi Arabia Muhammad Bin Salman phát biểu tại Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai (FII) diễn ra ở thủ đô Riyadh ngày 24/10/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN
Theo hãng tin AFP, Mỹ và Anh đã sử dụng hơn 100 tên lửa dẫn đường để tấn công vào 28 địa điểm và 60 mục tiêu Houthi ở Yemen.
Washington cho hay các cuộc tấn diễn ra nhằm đáp trả việc Houthi nhắm vào hoạt động vận chuyển trên Biển Đỏ.
Trong một tuyên bố chung trước đó, chính phủ các nước Anh, Mỹ, Australia, Bahrain, Canada, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, New Zealand và Hàn Quốc cũng nêu rõ mục đích của cuộc không kích là “giảm căng thẳng và khôi phục sự ổn định ở Biển Đỏ”.
Tuyên bố nhấn mạnh liên minh này sẵn sàng hành động để đảm bảo dòng chảy thương mại tự do tại một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới.
Video đang HOT
Về phần mình, Saudi Arabia đã lãnh đạo một liên minh chống Houthi kể từ năm 2015, tiến hành hàng nghìn cuộc không kích nhằm vào lực lượng này trong những năm qua. Tuy nhiên, Saudi Arabia đang tìm cách để đạt được một lệnh ngừng bắn và rút lui quân sự khỏi quốc gia nghèo nhất Bán đảo Arab.
Trước diễn biến ngày 11/1, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia đã công bố một tuyên bố bày tỏ mối quan ngại sâu sắc và kêu gọi các bên tự kiềm chế để tránh leo thang.
Anna Jacobs, nhà phân tích cấp cao vùng Vịnh của tổ chức nghiên cứu Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cho biết Saudi Arabia đang rơi vào tình thế ngặt nghèo.
Theo nữ chuyên gia này, Saudi Arabia đang cân bằng giữa dư luận về Mỹ và Israel ở mức thấp kỷ lục với những lo ngại về an ninh ở Biển Đỏ và mong muốn ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo của Houthi.
Các cuộc tấn công chưa từng có của Hamas nhằm vào Israel vào ngày 7/10 và phản ứng quân sự mạnh mẽ của Israel đã làm tiêu tan hy vọng của Saudi Arabia về hòa bình bền vững trong khu vực – một yếu tố được coi là rất quan trọng đối với chương trình nghị sự Tầm nhìn 2030 về cải cách kinh tế và xã hội của Thái tử Mohammed bin Salman.
Biển Đỏ là điểm mấu chốt trong Tầm nhìn, khi các nhà phát triển đang để mắt tới hàng loạt khu nghỉ dưỡng có thể giúp biến vương quốc từng bị đóng cửa thành một điểm nóng du lịch.
Điều đó thúc đẩy việc chấm dứt các hoạt động quân sự ở Yemen trở thành mục tiêu chính sách đối ngoại trọng tâm của Riyadh. Đặc biệt kế hoạch này khả thi hơn sau thỏa thuận bất ngờ nối lại quan hệ do Trung Quốc làm trung gian giữa Saudi Arabia và Iran được công bố vào tháng 3.
Tháng 12/2023, Hans Grundberg – đặc phái viên Liên hợp quốc tại Yemen – miêu tả đã có những bước tiến hướng tới một lộ trình giải quyết các vấn đề tồn đọng tại quốc gia như trả lương cho khu vực công và nối lại xuất khẩu dầu.
Thành tựu quan trọng nhất sẽ là lệnh ngừng bắn trên toàn quốc, được xây dựng dựa trên lệnh ngừng bắn lần đầu tiên có hiệu lực vào tháng 4/2022 và phần lớn được duy trì mặc dù đã chính thức hết hiệu lực từ tháng 10.
Nhưng hàng loạt vụ tấn công của Houthi nhằm vào các tàu đi qua eo biển Bab al-Mandeb, cửa ngõ phía Nam Biển Đỏ, đã làm phức tạp quá trình đó.
Washington, đối tác an ninh quan trọng nhất của Saudi Arabia, trong tháng trước cũng đã công bố sáng kiến an ninh hàng hải có tên gọi Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng nhằm bảo vệ Biển Đỏ với sự ủng hộ của hơn 20 quốc gia.
Ali Shihabi, một nhà phân tích thân cận với chính phủ Saudi Arabia, cho biết Riyadh đã không ký kết tham gia Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng.
“Tôi nghĩ Saudi Arabia không có lựa chọn nào khác ngoài việc đứng ngoài hoạt động của liên minh do Mỹ dẫn đầu do các cuộc đàm phán hòa bình với Yemen. Nhưng bản thân Saudi Arabia cũng lo ngại về vấn đề hàng hải. Vì vậy, đây là một tình thế khó khăn”, ông Ali nhận định.
Ai Cập và Saudi Arabia quan ngại tình trạng leo thang xung đột ở Biển Đỏ
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 12/1, Ai Cập đã bày tỏ quan ngại về tình trạng leo thang các hoạt động quân sự ở khu vực Biển Đỏ sau khi Anh và Mỹ tiến hành các cuộc không kích nhằm vào nhiều mục tiêu của lực lượng Houthi ở Yemen.
Tàu thuyền chuẩn bị di chuyển qua Kênh đào Suez, Ai Cập. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo tuyên bố ngày 12/1 của Bộ Ngoại giao Ai Cập, Cairo kêu gọi thúc đẩy các nỗ lực chung của khu vực và quốc tế nhằm giảm căng thẳng và tránh gây bất ổn trong khu vực, đặc biệt là tuyến hàng hải ở Biển Đỏ. Bộ Ngoại giao Ai Cập nêu rõ những diễn biến nguy hiểm và ngày càng leo thang ở phía Nam Biển Đỏ và Yemen rõ ràng cho thấy những cảnh báo trước đây của Ai Cập về nguy cơ tiềm tàng của một cuộc xung đột ngày một lan rộng trong khu vực do các cuộc tấn công hiện nay của Israel ở Dải Gaza.
Kể từ khi cuộc xung đột Hamas-Israel bắt đầu nổ ra vào ngày 7/10/2023, Ai Cập đã nhiều lần kêu gọi chấm dứt giao tranh, đồng thời cảnh báo về mối nguy hiểm của việc mở rộng xung đột trong khu vực rộng lớn hơn. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập cho hay Cairo đã nêu rõ rằng một lệnh ngừng bắn đầy đủ và việc chấm dứt cuộc xung đột ở Gaza là "điều chắc chắn phải diễn ra" để tránh gây thêm bất ổn, xung đột và mối đe dọa trong khu vực.
Cùng ngày, Saudi Arabia cũng kêu gọi kiềm chế và tránh leo thang xung đột trong khu vực, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì an ninh và ổn định ở khu vực Biển Đỏ. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cho biết nước này đang theo dõi chặt chẽ với sự quan ngại sâu sắc các hoạt động quân sự diễn ra ở khu vực Biển Đỏ, cũng như các cuộc không kích nhằm vào một số địa điểm ở Yemen. Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, các cuộc tấn công của Mỹ và Anh đã nhắm vào các địa điểm liên quan đến máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo và hành trình cũng như các hệ thống giám sát trên không và radar ven biển của Houthi ở Yemen. Theo nguồn tin này, Mỹ có thể sẽ thực hiện các hành động tiếp theo để bảo vệ lực lượng Mỹ trong trường hợp cần thiết.
Trong khi đó, lực lượng Houthi cùng ngày tuyên bố sẽ trả đũa các cuộc không kích do quân đội Mỹ và Anh nhằm vào các khu vực do lực lượng dân quân này kiểm soát. Theo người phát ngôn của lực lượng Houthi, Yahya Sarea, Anh và Mỹ đã thực hiện 73 cuộc không kích vào các địa điểm khác nhau ở thủ đô Sanaa và các tỉnh Hodeidah, Taiz, Hajjah và Saada, khiến 5 binh sĩ của họ thiệt mạng và 6 người khác bị thương. Houthi tuyên bố sẽ tấn công trả đũa các mục tiêu của Mỹ và Anh ở Biển Đỏ hoặc trên đất liền.
Liên quan đến căng thẳng ở khu vực chiến lược Bab-el-Mandeb trên Biển Đỏ, Chủ tịch Cơ quan Quản lý kênh đào Suez (SCA) của Ai Cập Osama Rabie ngày 12/1 bác bỏ các báo cáo về việc tạm dừng hoạt động hàng hải qua Kênh đào Suez.
Trong tuyên bố, ông Rabie cho biết hoạt động lưu thông hàng hải qua tuyến kênh đào này của Ai Cập vẫn diễn ra thường xuyên theo cả hai hướng. Ông lưu ý mọi dịch vụ vẫn được Ai Cập triển khai bình thường, đồng thời tiết lộ rằng 44 tàu với tổng trọng tải 2,3 triệu tấn sẽ lưu thông qua kênh này theo cả hai chiều trong ngày 13/1.
Ông Rabie nhấn mạnh sự quan tâm của SCA trong việc mở các kênh liên lạc trực tiếp và phối hợp với các công ty vận tải cũng như hãng tàu nhằm cung cấp các dịch vụ vận tải biển tốt hơn và đảm bảo tính bền vững của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngày 11/1, Chủ tịch SCA cho biết lưu lượng tàu thuyền qua Kênh đào Suez đã giảm 30% kể từ đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, do những căng thẳng gần đây trên Biển Đỏ. Ngoài ra, nguồn thu bằng USD từ Kênh đào Suez đã giảm 40% trong khoảng thời gian từ ngày 1-11/1 so với cùng kỳ năm 2023. Kênh đào Suez là một trong những nguồn ngoại tệ chính của Ai Cập.
Phản ứng của Nga, Saudi Arabia về cuộc không kích của Mỹ, Anh tại Yemen Ngày 11/1, quân đội Mỹ và Anh đã không kích các địa điểm của lực lượng Houthi tại Yemen. Saudi Arabia đã lên tiếng về diễn biến này, trong khi xuất hiện thông tin Nga đề nghị Liên hợp quốc họp khẩn cấp. Tên lửa phóng từ tàu HMS Diamond của quân đội Anh nhắm đến mục tiêu Houthi trên Biển Đỏ. Ảnh:...