Thế giới vượt 192,4 triệu ca mắc; biến thể Delta lây lan ra 124 quốc gia và vùng lãnh thổ
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 21/7 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 192.433.634 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.137.233 ca tử vong.
175.083.616 bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục, trong khi vẫn còn 13.212.785 bệnh nhân đang được điều trị.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế ở California, Mỹ, ngày 11/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 21/7 đánh giá biến thể Delta, được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ, tới nay đã lây lan ra 124 quốc gia và vùng lãnh thổ. Biến thể này cũng được phát hiện trong hơn 75% số mẫu bệnh phẩm được đưa đi phân tích chuỗi gen tại nhiều quốc gia lớn. Trong báo cáo dịch bệnh hằng tuần công bố ngày 20/7, WHO cho rằng biến thể này sẽ lấn át tất cả các biến thể khác và trở thành biến thể gây bệnh chính trong những tháng tới.
Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới về số ca mắc và ca tử vong với 35.082.232 ca, trong đó 625.402 ca tử vong. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, số ca nhiễm biến thể Delta đã gia tăng đáng kể và hiện chiếm tới 83% các mẫu được giải trình tự gen tại Mỹ. Tổng thống Joe Biden cũng thừa nhận rằng vẫn còn một chặng đường dài ở phía trước trong bối cảnh số ca mắc mới đang gia tăng do biến chủng Delta.
Xét theo khu vực, hiện châu Á có số ca bệnh cao nhất với 59.570.881 ca nhiễm, trong đó dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại khu vực Đông Nam Á. Bộ Y tế và Thể thao Myanmar đã mở rộng diện áp dụng yêu cầu người dân ở trong nhà, bổ sung 12 thị trấn, trong đó có Magway và Kachin, do số ca nhiễm tiếp tục tăng nhanh. Như vậy, hiện tổng cộng 86 thị trấn phải áp dụng quy định này. Theo số liệu của bộ trên, Myanmar đã ghi nhận 5.860 ca nhiễm mới và 286 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 240.570 ca và số ca tử vong lên 5.567 ca.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Tangerang, Indonesia ngày 17/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Video đang HOT
Indonesia ngày 21/7 ghi nhận 1.383 ca tử vong, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay. Cũng trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 33.772 ca nhiễm mới. Tính đến nay, Indonesia ghi nhận tổng cộng gần 3 triệu ca nhiễm, trong đó có 77.000 người không qua khỏi. Do số ca nhiễm và tử vong tiếp tục tăng cao, nước này đã gia hạn lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp từ ngày 20 – 25/7 và sẽ dần nới lỏng từ ngày 26/7 nếu số ca mắc COVID-19 bắt đầu giảm.
Tại Thái Lan, số ca mắc mới theo ngày lại lập mốc mới với 13.002 ca được ghi nhận vào ngày 21/7, nâng tổng số các ca bệnh lên 439.477 ca. Bộ Y tế Thái Lan cũng xác nhận nước này có thêm 108 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 3.610 người, trong đó có 3.516 trường hợp được ghi nhận kể từ khi làn sóng dịch bệnh thứ ba bùng phát từ đầu tháng 4. Trước bối cảnh này, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) ngày 21/7 cho biết nước này sẽ yêu cầu đóng cửa thêm nhiều cơ sở kinh doanh khác nhằm nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Những cơ sở bổ sung này bao gồm thẩm mỹ viện, bể bơi, công viên và bảo tàng tại Bangkok cùng 12 tỉnh, thành khác được xếp loại là những khu vực chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất. Tuy nhiên, thời gian đóng cửa các cơ sở trên chưa được thông báo cụ thể.
Trong khi đó, tại Lào, đại diện Bộ Y tế khẳng định các chuỗi lây nhiễm ở thủ đô Viêng Chăn và tỉnh Viêng Chăn cơ bản đã được cắt đứt, trong khi đó vẫn ghi nhận một số cụm dịch ở tỉnh Champasak do số lượng người nhập cảnh từ Thái Lan mỗi ngày vẫn ở mức cao. Ngày 21/7, Lào ghi nhận 153 ca mắc mới, đều là người nhập cảnh được cách ly ngay. Hiện Lào đã ghi nhận tổng cộng 3.863 ca mắc, trong đó có 5 người tử vong. Chính phủ Lào kêu gọi công dân Lào ở Thái Lan không về nước bất hợp pháp vì có thể làm lây lan dịch bệnh cho gia đình và cộng đồng. Ngoài ra, người trong khu cách ly cũng được yêu cầu thực hiện cách ly đủ thời gian quy định để tránh việc nhiễm virus SARS-CoV-2 không có triệu chứng, từ đó làm lây lan ra cộng đồng.
Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại ga tàu hỏa ở tỉnh Bắc Jeolla, Hàn Quốc, ngày 8/7/2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (KDCA) sáng 21/7 thông báo số ca mắc mới ở Hàn Quốc là 1.784 ca, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước tới nay, do các vụ lây nhiễm tập thể tiếp tục lan rộng trên toàn quốc với sự xuất hiện của biến thể Delta rất dễ lây lan. Theo KDCA, trong số ca mắc mới, có tới 1.726 ca lây nhiễm trong nước và số ca bệnh mới đã liên tục ở mức trên 1.000 ca trong 2 tuần qua. Cũng theo KCDA, đã có thêm một ca tử vong ở Hàn Quốc, nâng số người tử vong bởi đại dịch lên 2.060 người. Để đối phó với sự gia tăng các ca bệnh và tử vong mới, Hàn Quốc đã thắt chặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Ở Nhật Bản, thủ đô Tokyo ngày 21/7 thông báo ghi nhận thêm 1.832 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ ngày 16/1 vừa qua. Giới chuyên gia cảnh báo Nhật Bản có thể sẽ hứng chịu làn sóng lây nhiễm thứ 5, với số ca nhiễm mới tăng mạnh trước thềm lễ khai mạc Olympic Tokyo, dự kiến vào ngày 23/7 tới. Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo tình huống “nghiêm trọng” ở Tokyo, khi số ca nhiễm mới có thể tăng cao hơn vào đầu tháng 8 tới.
Cùng ngày, Trung Quốc ghi nhận thêm 22 ca mắc mới, gồm 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng đều ở tỉnh Vân Nam và 20 ca nhập cảnh. Như vậy, đến nay Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 92.364 ca mắc, trong đó có 4.636 ca tử vong. Do lo ngại sự lây lan của dịch bệnh, Chính quyền đặc khu Hong Kong (Trung Quốc) thông báo sẽ duy trì phần lớn các biện pháp giãn cách xã hội đang áp dụng hiện nay thêm hai tuần nữa, đến ngày 4/8. Thông báo này có hiệu lực kể từ 0h ngày 22/7.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Moskva, Nga, ngày 16/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Tại châu Âu, ngày 21/7, Anh ghi nhận 44.104 ca nhiễm mới, giảm từ mức 46.558 ca thông báo một ngày trước đó, trong khi có 73 ca tử vong, cũng giảm so với mức 96 ca của một ngày trước đó. Đến nay, 46,4 triệu người dân nước này đã được tiêm chủng ít nhất 1mũi vaccine, trong đó 36,4 triệu người đã được tiêm đủ liều 2 mũi.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nga Tatiana Golikova cùng ngày cho biết 80% dân số nước này có thể có miễn dịch vào tháng 11 tới. Theo bà, 33,6 triệu người dân nước này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, trong đó 22,6 triệu ca đã được tiêm đủ 2 mũi.
Ở Trung Đông, Israel áp dụng một loạt quy định phòng dịch mới, trong đó có các quy định về đeo khẩu trang và chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm kèm theo nhằm ngăn chặn sự lây lan của Delta – biến thể siêu lây nhiễm và gây biến chứng nặng ở người bệnh. Số liệu của Bộ Y tế Israel cho thấy số ca mắc mới trong ngày đã tăng lên 1.400 ca hôm 20/7, tức ngày thứ 2 liên tiếp ở mức trên 1.000 ca. Trong ngày cũng có thêm 2 ca bệnh nặng, nâng tổng số bệnh nhân nặng lên 63 ca.
Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Algiers, Algeria, ngày 7/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại châu Phi, Bộ Y tế Algeria cho biết nước này đã ghi nhận thêm 1.298 ca mắc mới và 23 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh ở quốc gia này lên 155.784 người và 3.979 ca tử vong. Đây là những con số kỷ lục được ghi nhận trong một ngày tính từ khi quốc gia Bắc Phi này ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 25/2/2020 đến nay. Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Chính phủ Algeria đã quyết định gia tăng các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 và áp đặt lệnh giới nghiêm.
Trong một động thái nhằm đạt được quyền tiếp cận công bằng đối với vaccine, hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech cho biết đã tìm được đối tác sản xuất vaccine ngừa COVID-19 tại Nam Phi đó là công ty dược phẩm Biovac có trụ sở tại Cape Town. Đây là thỏa thuận sản xuất vaccine đầu tiên tại châu Phi, với sản phẩm được dành riêng cho Lục địa đen. Tuy nhiên, dự án này sẽ mất nhiều thời gian để triển khai, do đó dự kiến vaccine của hãng Pfizer/BioNTech được đóng gói tại châu Phi sẽ chưa thể lưu hành trước năm 2022.
Biến thể Delta lây lan khó lường tại nhiều nước
Dịch bệnh COVID-19 tại nhiều nước đang trở nền trầm trọng hơn do sự lây lan khó lường của biến thể Delta.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Shah Alam, ngoại ô Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN
Malaysia ngày 21/7 ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 trong 1 ngày cao chưa từng thấy, với 199 ca, nâng tống số bệnh nhân không qua khỏi tại nước này lên tới 7.440 ca. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 11.985 ca nhiễm mới, trong đó chỉ có 7 ca nhập cảnh và còn lại 11.978 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này đã lên tới 951.884 ca.
Cùng ngày, Nga thông báo có thêm 23.704 ca nhiễm do biến thể Delta tiếp tục lây lan tại nước này. Đến nay, Nga ghi nhận tổng số ca mắc COVID-19 là 6.030.240 ca. Thủ đô Moskva hiện vẫn là tâm dịch COVID-19 với số ca nhiễm mới ghi nhận trong 24 giờ qua là 3.254 ca. Trong bối cảnh đó, Nga chủ trương mở rộng sản xuất vaccine trong nước như một biện pháp để phòng ngừa và ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2.
Còn tại Đức, Bộ trưởng Y tế nước này, ông Jens Spahn cho rằng trong 7 ngày tới, Đức sẽ ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức 400 ca/100.000 dân.
Sau 2 tháng số ca nhiễm mới liên tục giảm, từ đầu tháng 7 Đức bắt đầu ghi nhận số ca nhiễm mới gia tăng, với 11,4 ca/100.000 dân vào ngày 21/7 mà nguyên nhân là do sự lây lan của biến thể Delta.
Tính đến nay, hơn 50 triệu người tại Đức, tương ứng 60% dân số nước này, đã được tiêm chủng ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19. Khoảng 47% dân số đã hoàn thành tiêm chủng 2 mũi.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Nội các Đức ngày 21/7 đã gia hạn quy định cách ly đối với người nhập cảnh đến từ các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao, đến giữa tháng 9. Nội các Đức cũng đã thông qua một kế hoạch chi tiết với chi phí lên tới hàng chục triệu euro trong 1 năm nhằm củng cố các nguồn lực y tế nhằm ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai.
WHO cảnh báo Delta sẽ trở thành biến thể chủ đạo trong vài tháng tới Ngày 21/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 sẽ trở thành biến thể chủ đạo, gây ra phần lớn các ca bệnh COVID-19 trên toàn thế giới chỉ trong vài tháng tới. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tại cuộc họp ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN...