Thế giới tuần qua: Các đầu tàu kinh tế gặp khó; Mỹ-Trung căng thẳng vì COVID-19
Nhiều đầu tàu kinh tế lớn của thế giới đối diện với nguy cơ khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỉ và khẩu chiến giữa Mỹ -Trung Quốc về COVID-19 là hai sự kiện quốc tế nổi bật trong tuần qua.
Các đầu tàu kinh tế gặp khó
Giao thông thưa thớt tại một tuyến phố ở New York, Mỹ do dịch COVID-19 ngày 6/5/2020.
Ảnh: AFP/TTXVN
Báo cáo việc làm do Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) công bố ngày 8/5 cho thấy tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã tăng lên 14,7%. Trong tháng, đã có tới 20,5 triệu người Mỹ mất việc làm. Tỉ lệ thất nghiệp tới 14,7% ở Mỹ vượt xa mức đỉnh vào cuối năm 2009 khi khủng hoảng tài chính toàn cầu và tăng mạnh so với 4,4% hồi tháng 3.
Đây là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ Đại suy thoái, đồng thời phá kỷ lục mức 10,8% vào tháng 11/1982. Nó cũng đã xóa bỏ toàn bộ thành quả về tạo việc làm mà Mỹ đạt được trong 10 năm qua.
Cũng theo BLS, năng suất lao động của Mỹ ở khu vực phi nông nghiệp giảm 2,5% trong quý 1 và mức giảm ở khu vực chế biến, chế tạo là 3,8%. Số liệu cập nhật này phản ánh tác động nghiêm trọng mà COVID-19 gây ra đối với kinh tế Mỹ, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump buộc phải thực hiện các biện pháp đóng cửa, giãn cách xã hội.
Để phục hồi kinh tế, Tổng thống Trump ngày 7/5 cho biết Nhà Trắng cân nhắc triển khai thêm các biện pháp kích thích kinh tế, có thể thông qua sắc lệnh hành pháp mà không cần đến can thiệp của Quốc hội. Biện pháp có thể bao gồm việc cho phép hoãn nộp thuế thu nhập của năm 2019, vốn đã được gia hạn thêm 3 tháng đến ngày 15/7. Trước đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua các gói giải cứu kinh tế trị giá gần 3.000 tỷ USD.
Tình hình tại châu Âu cũng rất ảm đạm. Ủy ban châu Âu (EC) ngày 6/5 cho biết, nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ giảm ở mức đáng báo động 7,7% trong năm 2020 do hậu quả của đại dịch COVID-19. Ủy viên phụ trách kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni gọi đây là “tỷ lệ suy giảm kinh tế lịch sử”, bởi tại thời điểm đỉnh khủng hoảng tài chính năm toàn cầu năm 2009, GDP của EU cũng chỉ giảm 4,5%.
Video đang HOT
Italy và Tây Ban Nha, hai nước châu Âu chịu thiệt hại nặng nề vì dịch bệnh, nhiều khả năng sẽ ghi nhận mức suy giảm 9% trong năm 2020. Hy Lạp sẽ là nước chịu thiệt hại lớn nhất, với GDP giảm 9,7% trong năm nay.
Đức, nền kinh tế lớn nhất trong EU, sẽ trải qua thời kỳ suy thoái tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, với GDP giảm 6,5%, nhưng được dự đoán là sẽ hồi phục tương đối nhanh. GDP của Pháp, đầu tàu kinh tế thứ hai trong EU, được dự báo sẽ giảm 8,5%.
Tại Anh, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) ngày 7/5 cảnh báo nền kinh tế nước này có thể rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 300 năm qua do các biện pháp phong tỏa. BoE cho rằng nền kinh tế Anh đang trên đà suy giảm 25% trong quý II/2020 và tỷ lệ thất nghiệp có thể lên tới hơn 9%.
Nhìn sang châu Á, kinh tế Ấn Độ đang đối diện với thử thách lớn. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (MIS) ngày 8/5 đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Ấn Độ xuống 0% trong năm tài chính 2020 – 2021 (từ 1/4/2020 đến 31/3/2021). Cảnh báo trên tương tự những gì một cơ quan xếp hạng khác là Fitch đưa ra cho Ấn Độ trước đó.
Chính sách giãn cách xã hội đã dẫn đến tình trạng trì hoãn hoạt động và suy giảm sản lượng kinh tế lớn tại đây. Số liệu mới nhất do Trung tâm Theo dõi Kinh tế Ấn Độ công bố cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia này đã tăng lên mức cao 27,1% trong tuần tính đến ngày 3/5 và khoảng 121,5 triệu người Ấn Độ mất việc làm trong tháng Tư.
Trước các diễn biến kinh tế không mấy khả quan, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 8/5 cho rằng, dự báo trước đây của IMF về mức suy giảm 3% của kinh tế thế giới trong năm 2020 là “quá lạc quan”. Người đứng đầu IMF nói rằng, những số liệu kinh tế xấu đi tại nhiều quốc gia có thế sẽ khiến IMF buộc phải cân nhắc lại về mức dự báo kinh tế vốn đã kém lạc quan trong năm nay.
Mỹ, Trung Quốc chưa dứt tranh cãi về nguồn gốc COVID-19
COVID-19 nổi lên là điểm mâu thuẫn mới, có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng Mỹ-Trung khi hai bên tiếp tục tìm cách quy kết, đổ lỗi cho nhau.
Ngày 3/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rằng có bằng chứng cho thấy virus SARS-CoV-2 xuất phát từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. Ông cũng chỉ trích Trung Quốc “có lịch sử lây bệnh cho thế giới”.
Trên một hướng khác, một nhóm nghị sĩ đảng Cộng hòa ngày 4/5 đã thư tới Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Betsy DeVos, cáo buộc Trung Quốc đổ tiền để gây dựng ảnh hưởng đối với những thiết chế giáo dục đại học tại Mỹ, tìm cách ngăn cản mọi nghiên cứu liên quan đến nguồn gốc của COVID-19. Số này cho rằng việc Trung Quốc che giấu thông tin đã cản trở biện pháp đối phó toàn cầu đối với đại dịch COVID-19.
Từ trái sang: Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tại cuộc đàm phán ở Thượng Hải, ngày 31/7/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Đáp lại, hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc ngày 5/5 bình luận rằng những tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo là vô lý và cho rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang khơi mào một cuộc chiến tuyên truyền chưa từng có nhằm vào Trung Quốc để che giấu thất bại của Mỹ trong giải quyết đại dịch COVID-19.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gọi cáo buộc của Mỹ là một chiến lược chính trị nhằm “bôi nhọ Trung Quốc” của phe Cộng hoà trước thềm cuộc bầu cử 2020. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh bình luận phe Cộng hòa khuyến khích tấn công Trung Quốc dưới vỏ bọc virus SARS-CoV-2.
Bà Hoa Xuân Oánh kêu gọi Mỹ ngừng lan truyền những thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm cho cộng đồng quốc tế, “nên đối mặt với những vấn đề của chính mình và đối phó với đại dịch ở trong nước”. Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nói rằng ông Pompeo không cung cấp được bất cứ bằng chứng rõ ràng nào củng cố cho cáo buộc.
Hai bên chưa thể tìm đến điểm cân bằng để hạ nhiệt việc đổ lỗi lẫn nhau, nhất là khi cá nhân ông Trump cũng có ý chỉ trích Trung Quốc. Tổng thống Mỹ ngày 6/5 đã đề cập đến tính khốc liệt của dịch COVID-19, cho rằng đây là cuộc tấn công tồi tệ nhất mà Mỹ phải gánh chịu, nghiêm trọng hơn cả trận Trân Châu Cảng hay vụ tấn công khủng bố 11/9.
Ông bình luận nhẽ ra dịch bệnh có thể được ngăn chặn từ nơi khởi phát Trung Quốc. Trước đó, Tổng thống Mỹ cũng nói: “Những gì đã xảy ra không bao giờ nên xảy ra. Trung Quốc nên thông báo cho chúng tôi rằng họ có vấn đề trong xử lý dịch bệnh”.
Căng thẳng Mỹ-Trung liên quan đến COVID-19 có nguy cơ lan cả sang lĩnh vực thương mại. Ngày 3/5, ông Trump tuyên bố Mỹ cân nhắc khôi phục các chính sách thuế và doạ sẽ quay lưng với thoả thuận thương mại giai đoạn 1 nếu Trung Quốc không tuân thủ cam kết.
Trên kênh truyền hình Fox News ngày 8/5, tổng thống Trump một lần nữa để ngỏ khả năng này khi nói rằng ông vẫn “chưa quyết định” có nên duy trì thỏa thuận hay không. Nhận xét trên được đưa ra chưa đầy 12 giờ sau khi đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin có cuộc trao đổi với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và đưa ra tuyên bố chung rằng họ lạc quan Trung Quốc sẽ đáp ứng các cam kết mua hàng.
IMF bớt lạc quan hơn vào triển vọng kinh tế thế giới
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva ngày 8/5 cho rằng, ước tính trước đó của IMF rằng kinh tế thế giới sẽ suy giảm 3% trong năm 2020 là "quá lạc quan".
Người dân mua hàng trong siêu thị tại Jena, Đức ngày 6/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN
Tại cuộc họp trực tuyến mới nhất ở Florence, người đứng đầu IMF nói rằng, những số liệu kinh tế xấu đi tại nhiều quốc gia có thế sẽ khiến IMF buộc phải cân nhắc lại về mức dự báo kinh tế vốn đã kém lạc quan trong năm nay.
Nhấn mạnh về việc cần có giải pháp y tế cấp bách, bà Georgieva cho rằng nền kinh tế thế giới sẽ chỉ phục hồi khi tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả dịch COVID-19 và vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 trước đầu năm 2021. Đồng thời, bà cũng cảnh báo việc Mỹ và Trung Quốc tái diễn cuộc chiến thương mại có thể làm suy yếu thêm khả năng phục hồi kinh tế từ đại dịch.
Hồi giữa tháng Tư vừa qua, IMF đã công bố báo cáo cho biết nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm 3% trong năm 2020, trái ngược hoàn toàn so với mức dự báo tang trưởng 3,3% được chính IMF đưa ra trong tháng Một. Cũng trong tháng trước, IMF nhận định rằng, với điều kiện đại dịch giảm bớt cường độ trong nửa cuối năm 2020, tăng trưởng toàn cầu sẽ tăng trở lại ở mức 5,8% vào năm 2021 Tuy nhiên, diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19 đã khiến các dự báo trở nên thiếu chắc chắn.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h30 sáng 9/5 (giờ Việt Nam), trên thế giới ghi nhận 4.012.841 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 276.216 ca tử vong. Trong số hơn 270.000 ca tử von g trên toàn cầu, số bệnh nhân ở châu Âu và Mỹ chiếm tới gần 85%.
Phố Wall tiếp tục khởi sắc bất chấp tỷ lệ thất nghiệp cao nhất kể từ Thế chiến II, Dow Jones bứt phá gần 500 điểm Kết thúc phiên 8/5, chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng điểm bất chấp thông tin tiêu cực về số liệu việc làm, khi nhà đầu tư đặt kỳ lớn rằng diễn biến và tác động tồi tệ nhất của dịch Covid-19 đã đi qua. Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã tăng 455,43 điểm, tương đương 1,9%, lên 24.3331,32...