Thế giới trải qua Giáng sinh trầm lắng nhất trong nhiều thập kỷ
Với đại dịch COVID-19 vẫn đang tàn phá khắp mọi nơi, cả thế giới đã phải đón lễ Giáng sinh trong không khí ảm đạm với những buổi tiệc tùng và đoàn tụ gia đình bị dẹp bỏ do các biện pháp hạn chế.
Các đường phố ở Hàn Quốc vắng vẻ trong đêm Giáng sinh. (Ảnh: Anh Nguyên/TTXVN)
Các gia đình thường đoàn tụ vào dịp Giáng sinh hằng năm, cùng nhau thưởng thức một bữa ăn thịnh soạn trong không khí đầm ấm, rộn tiếng cười vui. Thế nhưng, do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, hoạt động truyền thống ấy đã không thể thực hiện trong năm nay, khi người dân phải tuân thủ các quy định giãn cách xã hội để phòng dịch, các dịch vụ đã chuyển sang hình thức trực tuyến trong khi những món quà tặng cũng thưa đi đáng kể.
Bà Patricia Hager, 60 tuổi, đã gửi những chiếc bánh cuộn caramel mà bà tự làm cho bữa điểm tâm tới gia đình và các bạn bè ở Bismarck, thuộc bang North Dakota (Mỹ) – một bang đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19.
Về phần mình, hầu như mỗi lần mở cửa nhà, bà lại thấy ai đó đã gửi tặng bà cá hồi hun khói, những giỏ các loại hạt hoặc bánh quy. Bà Hager chia sẻ: “Giáng sinh năm nay tình yêu được thể hiện ngay ở cửa nhà bạn. Tôi rất vui vì mọi người có thể sẽ đến với chúng tôi vào năm tới khi đã có vắcxin. Tôi có thể từ bỏ mọi thứ để có được điều ấy.”
Với các nền kinh tế đang quay cuồng vì đại dịch, đây không phải là một năm của những món quà xa xỉ. Bà Robin Sypniewski sống tại hạt Middlesex, thuộc bang New Jersey (Mỹ) đã hai lần bị buộc phải chấm dứt công việc phục vụ bữa trưa ở trường học và hiện bị giảm giờ làm, trong khi chồng bà – một người thu gom rác – cũng sẽ mất việc làm từ tuần tới do công ty cắt giảm nhân sự và con gái của bà vật lộn với khoản học phí đại học.
Giáng sinh năm nay, bà Sypniewski chỉ có thể mua tặng con gái một bộ đồ ngủ, trong khi món quà dịp này hồi năm ngoái là một chiếc vòng tay gắn kim cương. Trong khi đó, món quà bà dành tặng chồng là một vật lưu niệm trị giá 20 USD – trị giá đã giảm đi rất nhiều so với chiếc máy tính bảng của năm ngoái.
Tại Sao Paulo (Brazil), tài xế Dennys Abre đã phải chạy xe taxi khắp thành phố suốt đêm để có tiền trang trải khoản tiền trả góp 300 USD/tháng cho chiếc ôtô mà anh mua sau khi mất việc làm. Tại Brazil, ước tính có khoảng 14 triệu người cũng rơi vào tình trạng mất việc làm như ông Abreu.
Với đứa con sắp chào đời vào tháng 2/2021, cô Song Ju-hyeon sống tại Paju (Hàn Quốc) cho biết nhà là nơi duy nhất cô cảm thấy an toàn. Giới chức y tế Hàn Quốc đã xác nhận nước này có thêm 1.241 ca mắc COVID-19 trong ngày 25/12 – mức ghi nhận theo ngày cao nhất tại đây.
Tờ Daily Nation của Kenya thì chơi chữ khi gọi lễ Giáng sinh năm nay là “Christmask”, ám chỉ đến quy định rằng mọi người dân cần phải đeo khẩu trang để phòng chống dịch. Số các ca mắc COVID-19 tăng đột biến tại quốc gia châu Phi này.
Video đang HOT
Thậm chí đã khiến các bác sỹ tại đây phải “bất đắc dĩ” chấm dứt cuộc đình công đang tiến hành trong đêm Giáng sinh để hợp sức cứu chữa cho các bệnh nhân. Hoạt động mừng ngày Giáng sinh trở nên im lìm tại quốc gia Đông Phi này do lệnh giới nghiêm đã khiến người dân không thể tới thực hành nghi lễ tại các nhà thờ suốt đêm như mọi năm.
Giáo hoàng Francis đã đọc thông điệp Giáng sinh trong tòa thánh Vatican, thay vì hoạt động truyền thống của Ngài là phát biểu từ ban công của Vương cung thánh đường Thánh Peter trước hàng chục nghìn người ở Quảng trường Thánh Peter.
Du lịch ở Italy hầu như đã bị “đóng băng” do những quy định hạn chế của chính phủ nước này nhằm ngăn chặn chuỗi lây lan của virus SARS-CoV-2. Cũng vì những quy định này, người dân đã không còn đổ xô đến các quảng trường như những năm trước nữa.
Măc dù vậy, Giáo hoàng Francis vẫn hướng mọi người tới sự lạc quan. Ông ví những tiến bộ trong công tác phát triển vaccine ngừa COVID-19 là “Ánh sáng của hy vọng” trên thế giới. Ông đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo, các doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế cần đảm bảo rằng những người dễ bị tổn thương và thiếu thốn nhất trong đại dịch sẽ là những người đầu tiên được tiêm phòng vắcxin.
Những hồi chuông vẫn ngân vang tại Bethlehem trong lễ Giáng sinh để kỷ niệm ngày Chúa Jesus chào đời. Tuy nhiên, việc Israel đóng cửa sân bay quốc tế đối với khách du lịch nước ngoài, trong khi chính quyền Palestine cấm đi lại liên tỉnh tại các khu vực họ quản lý ở Bờ Tây đã khiến du khách vắng bóng tại vùng đất thiêng này.
Tại Bắc Kinh (Trung Quốc), các nhà thờ đã đột ngột thông báo hủy bỏ thánh lễ sau khi khu vực thủ đô được đặt trong tình trạng báo động do phát hiện 2 trường hợp mắc COVID-19 vào tuần trước và tiếp đó là 2 trường hợp mắc bệnh không biểu hiện triệu chứng trong ngày 25/12.
Trên thế giới, hầu hết các nghi lễ nhà thờ đã chuyển sang hình thức trực tuyến. Tổng Giáo phận Công giáo Los Angeles (Mỹ) đã cử hành 5 thánh lễ tại Nhà thờ Đức Mẹ Thiên thần, với số người tham dự lên tới hơn 130 người. Tất cả các thánh lễ đều được phát trực tiếp trên nền tảng internet./.
Các quốc gia đón Giáng sinh như thế nào
Mỗi đất nước có một cách đón dịp lễ Giáng sinh khác biệt, mang đặc trưng riêng của từng quốc gia.
Đảo quốc Kiribati không những là địa điểm đón ánh mặt trời đầu tiên trên Trái Đất, mà còn được mệnh danh là "Đảo Giáng sinh". Cái tên này được vị thuyền trưởng người Anh James Cook khởi xướng khi ông hạ neo ở đây vào đúng dịp Giáng sinh năm 1777. "Kiribati" được phát âm tương tự "Christmas" trong ngôn ngữ bản địa. Tuy nhiên, người dân nơi đây không mấy mặn mà với ngày lễ này.
Trái lại, 12 ngày ăn mừng Giáng sinh là không đủ đối với người dân Samoa. Họ tổ chức trước lễ chính 13 ngày và cùng nhau hát thánh ca Giáng sinh khắp hòn đảo. Sự kiện ăn mừng còn được phát sóng hàng đêm trên truyền hình quốc gia trong nhiều năm, trừ năm 2019, khi dịch sởi bùng phát ở đảo quốc này.
Tại Mỹ, cách ăn mừng Giáng sinh ở mỗi vùng lại khác nhau: cây thông Noel làm bằng bèo tấm ở bang Arizona, ông già Noel lặn biển tại bang New Jersey hoặc lướt sóng ở California. Tại bang Missouri, Santa Claus được thay thế bằng các nàng tiên.
Giáng sinh ở New Zealand như một kỳ nghỉ hè thông thường, với tiệc nướng và món tráng miệng mát lạnh. Mọi quảng cáo đều bị cấm chiếu vào ngày Giáng sinh. Thay vì sử dụng cây thông để ăn mừng dịp lễ, người New Zealand ưa chuộng cây phutukawa và rt - hai loại thực vật nở hoa đỏ vào tháng 12. Trong văn hóa Maori, những bông hoa đỏ thắm này tượng trưng cho dòng máu của Tawhaki - người đã chết trên thiên đường để trả thù cho cha mình.
Đối với người Australia, Giáng sinh còn có nghĩa là thịt nướng, trận đấu cricket khổng lồ Boxing Day Test với hơn 90.000 cổ động viên cuồng nhiệt và xây "người tuyết" bằng cát trên bãi biển Bondi.
Ở châu Á, Lễ Giáng sinh gắn liền với những món ăn đặc sắc. Tại Nhật Bản, món gà rán KFC được đặc biệt ưa chuộng trong dịp lễ hội. Truyền thống kỳ lạ này bắt đầu từ một chiến dịch quảng cáo năm 1974 của hãng đồ ăn nhanh với khẩu hiệu: "Kurisumasu ni wa kentakkii!" (tạm dịch: "Kentucky cho Giáng sinh!"). Bên cạnh đó, người dân xứ Phù Tang món đồ ngọt kurisumasu keki - một loại bánh bông lan phủ kem và dâu tây - để mừng Giáng sinh. Về âm nhạc, thay vì các bài thánh ca, bản giao hưởng số 9 của Beethoven được biểu diễn trên khắp đất nước vào tháng cuối cùng của năm.
Vào dịp lễ Giáng sinh ở Trung Quốc, đừng ngạc nhiên khi ai đó đưa cho bạn một quả táo. Đó là cách người dân ở nước này chơi chữ - "Giáng sinh" và "quả táo" trong tiếng Trung Quốc đồng âm với nhau. Cách chơi chữ này cũng truyền cảm hứng cho câu chuyện kỳ bí liên quan đến quả táo mùa lễ hội: Nếu bạn thu thập đủ 24 quả táo vàng từ 24 người có tên khác nhau sống ở 24 địa điểm, chúng sẽ biến thành "Quả táo Hòa bình" thần kỳ.
Hàn Quốc nổi tiếng những sân trượt băng đông đúc dịp Giáng sinh. Thay vì ăn bánh nhân trái cây khô như phương Tây, người dân xứ sở kim chi ăn mừng dịp lễ với bánh bông lan, bánh kem lạnh hoặc bánh gạo hấp ăn kèm trái cây. Trong bữa tối, gà tây cũng được thay thế bằng mì, thịt nướng và kim chi.
Nước Nga tổ chức Lễ Giáng sinh vào ngày 7/1. Trong đó, người Nga thưởng thức 12 món ăn truyền thống vào đêm Giáng sinh, gọi là "Bữa tối truyền thống".
Châu Phi cũng có nhiều biến thể Giáng sinh. Ở Kenya, cây Giáng sinh được lựa chọn là cây bách, ở Madagascar là cây trạng nguyên, ở Zimbabwe là cây thường xuân. Khu vực Đông Phi như Ethiopia, Kenya và Tanzania, hay Botswana sử dụng thịt dê trong dịp lễ. Ở Nam Phi, pudding malva - một món tráng miệng dẻo phủ trong siro - được ưa chuộng.
Không có gì ngạc nhiên khi châu Âu có loạt kiểu nghi lễ trang hoàng rực rỡ nhân dịp Giáng sinh. Ở Đan Mạch, các hãng truyền hình đánh dấu mùa lễ hội bằng cách phát sóng lại Julekalender - một chương trình truyền hình nổi tiếng gồm 24 tập ra mắt năm 1991. Trong khi đó, trẻ em ở Cộng hòa Estonia thường đặt một chiếc tất hoặc dép trên bệ cửa sổ và hy vọng một con yêu tinh Giáng sinh sẽ cho kẹo vào bên trong.
Thưởng thức kịch câm, lá tầm gửi, bánh nướng nhân thịt, rượu ngâm, thiệp Giáng sinh và lắng nghe bài phát biểu thường niên của nữ hoàng trên sóng truyền hình vốn là truyền thống Giáng sinh của nhiều hộ gia đình nước Anh. Họ cũng có một ngày riêng để tặng và bóc quá, gọi là Boxing Day, thường diễn ra vào ngày 26/12. Một truyền thống còn "điên rồ" hơn cả đó là bơi lội ngoài trời trong thời tiết lạnh giá: Trò té nước ở London's Serpentine trở thành ngày hội thường niên tại xứ sở sương mù kể từ năm 1864.
Nhà thờ Huế lung linh trước lễ Giáng sinh Trước lễ Giáng sinh, nhiều nhà thờ ở Huế trang trí rực rỡ, thu hút người dân và du khách đến tham quan. Nằm trên đường Nguyễn Huệ, nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế là một trong những nhà thờ công giáo nổi tiếng ở Huế, được xây dựng từ năm 1959 đến 1962. Nhà thờ nổi bật với hệ thống tháp chuông...