Thế giới sẽ ra sao nếu không có nhiên liệu hóa thạch?
Thế giới mỗi năm sản xuất lượng nhiên liệu hóa thạch đáng kinh ngạc, với khoảng 36,5 tỉ thùng dầu và hơn 8 tỉ tấn than, theo báo The Washington Post.
Khi những nhiên liệu hóa thạch được đốt cháy, các khí làm hành tinh nóng lên sẽ được thải ra. Tất cả than, dầu và khí đốt là nguyên nhân khiến tháng 9 chứng kiến nhiệt độ cao kỷ lục và thế giới có thể sẽ không đạt được mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C, theo bài phân tích do The Washington Post đăng ngày 30.9.
Khi những nhà hoạt động vì khí hậu tuần hành hoặc biểu tình ngồi, họ thường kêu gọi chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tại Tuần lễ Khí hậu ở thành phố New York (Mỹ) từ ngày 17-24.9, những người biểu tình đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới “chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch ngay bây giờ” và gửi thư cho Tổng thống Joe Biden, đề nghị ông cam kết loại bỏ dần việc khai thác nhiên liệu hóa thạch ở Mỹ.
Hạ nghị sĩ Mỹ Alexandria Ocasio-Cortez nói chuyện với các nhà hoạt động khi họ bắt đầu Tuần lễ Khí hậu ở thành phố New York ngày 17.9 nhằm kêu gọi chính phủ Mỹ hành động về biến đổi khí hậu và dừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch
Reuters
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu. Những quốc gia được mời là những nước sẵn sàng cam kết “không có than, dầu và khí đốt mới”.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu thế giới đột ngột dừng khai thác nhiên liệu hóa thạch? Và tình trạng đó có ý nghĩa như thế nào đối với những nỗ lực loại bỏ thứ mà nhân loại đã phụ thuộc trong nhiều thế kỷ?
Sẽ là thảm họa?
Hầu hết mọi người đều nhất trí rằng việc ngừng sản xuất nhiên liệu hóa thạch một cách đột ngột, chẳng hạn như nếu Mỹ, Ả Rập Xê Út và những nhà sản xuất lớn khác cùng lúc đóng cửa các giếng dầu của họ, sẽ là một thảm họa, theo The Washington Post.
Nếu việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch bị ngừng vào ngày mai, thế giới sẽ bị đình trệ nhanh chóng. Ngay cả ở những khu vực có phần lớn điện được sử dụng từ nguồn năng lượng tái tạo, nhiên liệu hóa thạch thường được sử dụng để cung cấp nguồn điện “cố định” bất cứ lúc nào trong ngày hay đêm. Nếu không có nguồn điện đó, các mạng lưới điện sẽ bị mất điện trên diện rộng.
Một cơ sở của tập đoàn dầu khí đa quốc gia BP ở Vịnh Mexico ngày 11.5.2017
Reuters
Trong vòng vài tuần, tình trạng thiếu dầu sẽ cản trở việc vận chuyển thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác, vì dầu vẫn là nhiên liệu chính được sử dụng cho vận tải đường bộ và vận chuyển hàng hóa trên toàn thế giới.
Video đang HOT
“Ngay cả khi tôi có thể đi bộ đến cửa hàng tạp hóa thì ở đó cũng sẽ không có thực phẩm”, chuyên gia Samantha Gross, giám đốc sáng kiến khí hậu và an ninh năng lượng tại Viện Brookings (Mỹ), cho hay.
Chính phủ các nước có thể sẽ nỗ lực hạn chế nhu cầu và phân bổ các kho nhiên liệu hóa thạch còn lại, nhưng những nguồn dự trữ đó cũng chẳng kéo dài được bao lâu. Chẳng hạn, kho dự trữ xăng dầu chiến lược của Mỹ hiện chứa khoảng 347 triệu thùng dầu, nhưng chỉ đủ cho nước này sử dụng trong 17 ngày với mức độ sử dụng hiện tại, và cho cả thế giới chỉ trong 3 ngày rưỡi.
Yêu cầu của các nhà hoạt động vì khí hậu
Tất nhiên, việc loại bỏ nguồn nhiên liệu hóa thạch một cách đột ngột như trên không phải là điều mà các nhà hoạt động thực sự yêu cầu. Nhiều nhóm đang tập trung vào việc ngăn chặn việc khai thác dầu khí mới, phù hợp với các mô hình cho thấy rằng bất kỳ hoạt động sản xuất dầu khí mới nào cũng sẽ khiến thế giới không đạt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C.
Trong đó, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), tổ chức làm gương trong việc chuyển đổi năng lượng theo hướng giảm phát thải carbon, cho rằng thế giới không cần phải mở các mỏ than mới hoặc phát triển các dự án dầu khí có thời gian thực hiện dài, nhưng “cần tiếp tục đầu tư vào một số tài sản dầu khí hiện có và các dự án khác đã được phê duyệt”.
Tuy nhiên, các giếng dầu và khí đốt mới vẫn tiếp tục xuất hiện trên khắp thế giới. Theo một báo cáo gần đây của tổ chức Oil Change International (Mỹ), Mỹ chịu trách nhiệm cho khoảng 1/3 quy mô mở rộng nhiên liệu hóa thạch đã được lên kế hoạch từ nay đến năm 2050.
Các nhà hoạt động đánh dấu sự khởi đầu của Tuần lễ Khí hậu ở thành phố New York (Mỹ) ngày 17.9 nhằm kêu gọi chính phủ Mỹ hành động về vấn đề biến đổi khí hậu và từ chối sử dụng nhiên liệu hóa thạch
Reuters
Các nhà hoạch định chính sách và nhà nghiên cứu lâu nay tranh luận về việc liệu các nước phát triển có nên ngừng sản xuất nhiên liệu hóa thạch trước tiên hay không, vì tính đến nay, họ đã thải ra nhiều lượng khí thải carbon nhất, hay họ tiếp tục sản xuất để đảm bảo cung cấp nhiên liệu hóa thạch ổn định cho phần còn lại của thế giới.
Khi thế giới chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, việc xây dựng năng lượng tái tạo cần được cân bằng với việc giảm dần nhiên liệu hóa thạch, nhưng việc xác định thời điểm cho hai quá trình đầy khó khăn và phức tạp này không phải dễ. Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol, đang dẫn đầu nỗ lực toàn cầu nhằm loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới vào năm 2050, cho hay ông lo lắng về việc chuyển đổi sang năng lượng sạch có thể khiến các lao động làm việc tại các mỏ than, dầu và khí đốt thất nghiệp như thế nào.
Các nhà hoạt động vì khí hậu và giới hoạch định chính sách lâu nay đã tranh luận về việc nên tập trung vào hành động vì khí hậu là cắt giảm nhu cầu bằng cách xây dựng năng lượng tái tạo, loại bỏ dần xe chạy bằng xăng dầu… hay cắt giảm nguồn cung bằng cách ngừng sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Cho đến nay, chính phủ các nước vẫn chưa tập trung nhiều vào việc cắt giảm nguồn cung, khiến các nhà hoạt động thất vọng, theo The Washington Post.
Tham vọng năng lượng hạt nhân của Kazakhstan và tác động địa chính trị
Hiện tại, Kazakhstan phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, khiến ngành năng lượng của nước này dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường và thay đổi địa chính trị.
Xây dựng nhà máy điện hạt nhân là một chủ đề đang nóng lên ở Kazakhstan. Ảnh: Astana Times
Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev mới đây tuyên bố nước này sẽ tổ chức trưng cầu dân ý để quyết định có nên xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên hay không.
Khi các cuộc thảo luận về những giải pháp năng lượng bền vững đang có đà phát triển trên toàn cầu, cuộc tranh luận về năng lượng hạt nhân của Kazakhstan diễn ra vào thời điểm được cho là rất thuận lợi, theo Giáo sư Emil Avdaliani tại Đại học châu Âu ở Tbilisi và Giám đốc tổ chức tư vấn Geocase.
Giáo sư Avdaliani lưu ý, dự án được đề xuất có thể có tác động vượt xa biên giới của quốc gia Trung Á này. Từ an ninh năng lượng và tăng trưởng kinh tế đến quản lý môi trường và ảnh hưởng địa chính trị, những tác động này rất lớn.
Giải quyết tình trạng thiếu hụt trong nước
Mong muốn hướng tới năng lượng hạt nhân của Kazakhstan chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu về an ninh năng lượng.
Là nước sản xuất uranium hàng đầu thế giới, nước này đang "ngồi trên một mỏ vàng" năng lượng. Việc phát triển một nhà máy điện hạt nhân không chỉ đơn thuần là một dự án kinh tế mà còn có thể đóng vai trò như một chính sách bảo hiểm trước những bất ổn về năng lượng trong tương lai.
Đặc biệt, Kazakhstan phải đối mặt với tình trạng thiếu điện dự kiến ở miền Nam nước này và một cơ sở hạt nhân có thể đóng góp 2.800 MW vào lưới điện của họ.
Đây không chỉ là đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước; đó là việc định hình lại toàn bộ danh mục năng lượng của Kazakhstan.
Hiện nay, Kazakhstan phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, khiến ngành năng lượng nước này dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường và những thay đổi địa chính trị.
Bằng cách bổ sung thêm năng lượng hạt nhân, quốc gia này sẽ không chỉ đa dạng hóa các nguồn năng lượng mà còn củng cố chủ quyền và vị thế quốc gia của mình trên trường toàn cầu.
Tham vọng trung hòa carbon
Lợi ích kinh tế của nhà máy hạt nhân là một phần hấp dẫn khác của câu chuyện. Ngoài những lợi ích rõ ràng của việc tạo việc làm trong một lĩnh vực có chuyên môn - Kazakhstan đã tuyển dụng gần 18.000 người trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình - nhà máy sẽ tạo ra sản lượng năng lượng cao với đầu vào tương đối thấp.
Hơn nữa, trong một thế giới ngày càng lo lắng về biến đổi khí hậu, Kazakhstan đã báo hiệu tầm quan trọng của việc chuyển sang nền kinh tế xanh hơn.
Tổng thống Tokayev đã nhấn mạnh nhu cầu trên trong bài phát biểu gần đây của mình. Năng lượng hạt nhân, với lượng phát thải khí nhà kính tối thiểu, hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn này.
Dự án cũng không chỉ là bước nhảy vọt đáng kể hướng tới mục tiêu đầy tham vọng của Kazakhstan là trở thành quốc gia trung hòa lượng carbon vào năm 2060 mà còn là đóng góp cụ thể cho các mục tiêu bền vững toàn cầu.
Nhưng lợi ích không dừng lại ở yếu tố kinh tế hay môi trường; chúng còn "tràn sang" lĩnh vực địa chính trị.
Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev (phải) gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel vào tháng 10/2022. Ảnh: AP
Ảnh hưởng đến địa chính trị
Một chương trình hạt nhân thành công có khả năng giúp Kazakhstan phát triển từ nước tiêu dùng thành nhà cung cấp năng lượng Á-Âu, tăng cường ảnh hưởng địa chính trị của nước này.
Điều này đặc biệt có liên quan trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine và và mục tiêu của EU nhằm giảm sự phụ thuộc của khối vào các nguồn năng lượng của Moskva. Vì vậy, vấn đề năng lượng hạt nhân của Kazakhstan không chỉ là vấn đề xuất khẩu năng lượng mà là vấn đề ổn định khu vực và quan hệ đối tác chiến lược.
Theo nghĩa đó, châu Âu và Mỹ có thể coi các cuộc thảo luận của Kazakhstan về năng lượng hạt nhân là sự liên kết với các mục tiêu rộng lớn hơn về an ninh năng lượng, giảm thiểu biến đổi khí hậu và ổn định khu vực.
Với việc EU công nhận năng lượng hạt nhân là ngành công nghiệp then chốt để đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050, những nỗ lực của Kazakhstan có thể tìm được các đối tác hỗ trợ ở phương Tây.
Quan hệ đối tác có thể đặc biệt có lợi cho các công ty chuyên về công nghệ hạt nhân, hợp tác an ninh và các dịch vụ liên quan, thắt chặt mối quan hệ kinh tế giữa Kazakhstan và các nước phương Tây. Tuy nhiên, không phải tất cả các nước trong EU đều ủng hộ năng lượng hạt nhân. Ví dụ, trong khi Pháp ủng hộ hoàn toàn thì Đức vẫn phản đối.
Đương nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu Kazakhstan có thể đảm bảo an toàn và an ninh hay không nếu người dân nước này bỏ phiếu ủng hộ việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Mối quan tâm này có ý nghĩa đặc biệt đối với người dân Kazakhstan bình thường, vì nước này từng được sử dụng để thử nghiệm vũ khí hạt nhân trong thời kỳ Xô Viết.
Những cuộc thử nghiệm này đã có những tác động về sức khỏe và môi trường xung quanh khu thử nghiệm hạt nhân Semipalatinsk, nơi đã đóng cửa vào năm 1991 khi Kazakhstan độc lập. Có thể hiểu được, một số bộ phận dân số Kazakhstan vẫn lo lắng về ý tưởng phát triển các cơ sở hạt nhân.
Tuy nhiên, Kazakhstan đã chứng tỏ họ có thể đảm bảo sự an toàn. Quốc gia này hiện đã là chủ sở hữu của Ngân hàng Uranium làm giàu thấp của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cho thấy có một nguồn tin cậy quốc tế hiện có.
Kazakhstan đang đẩy mạnh điều này hơn nữa bằng cách tìm kiếm một ghế trong hội đồng IAEA, một động thái sẽ tăng cường sự tham gia của nước này vào việc định hình và tuân thủ các quy tắc an toàn hạt nhân toàn cầu.
Tóm lại, Giáo sư Avdaliani kết luận, khi Kazakhstan dự tính về tương lai năng lượng của mình, thế giới nên chú ý. Không chỉ bối cảnh năng lượng của Kazakhstan đang bị đe dọa - nó còn là một phần của vấn đề bền vững toàn cầu.
Một chương trình hạt nhân thành công chắc chắn sẽ nâng cao vị thế địa chính trị của Kazakhstan. Bằng cách trở thành nhà cung cấp năng lượng khu vực hoặc thậm chí toàn cầu, Kazakhstan có thể có nhiều ảnh hưởng hơn trên khắp Trung Á và xa hơn nữa.
Điều này có thể làm thay đổi cán cân quyền lực, đặc biệt là với nước láng giềng Nga và Trung Quốc, và có thể khiến Kazakhstan trở thành một bên tham gia quan trọng hơn trong địa chính trị năng lượng.
Tây Ban Nha ngày càng phụ thuộc vào khí đốt của Nga Trong 7 tháng đầu năm, nhập khẩu khí đốt từ Nga tăng 70%, chiếm 21% tổng lượng nhập khẩu khi Tây Ban Nha trở thành khách hàng lớn thứ hai của Nga. Tây Ban Nha không phải là khách hàng duy nhất mua khí đốt của Nga ở EU bất chấp mục tiêu độc lập với nhiên liệu hóa thạch từ Moskva trong...