Thế giới ngầm của dân lô đề
Sau bao đợt truy quét của cơ quan chức năng, các ông trùm lô đề Hà Nội đã cho thiết lập hẳn một mạng lưới đường dây với nhiều cấp bậc khác nhau, được rải khắp mọi ngóc ngách…
Những bảng ghi lô đề – Ảnh: Hà An
Cấp thấp nhất là tổ dân phố, cấp phường. Ở đó có một người đứng ra làm cái, phân chia nhân lực đi thu bảng của các đại lý lớn đặt trong khu vực mình quản lý rồi về tổng hợp lại. Nhóm cấp quận, huyện làm nhiệm vụ tổng hợp, thống kê các bảng gồm những con số lô đề của đại lý mình gửi lên, trước khi được chuyển về cho chủ ôm bảng ở cấp cao hơn.
“Địa bàn nào thằng nào thằng đó thu”
Trong những ngày thâm nhập mạng lưới lô đề Hà Nội, tôi gặp Hưng, được coi là “cánh tay phải” của một trùm cờ bạc thủ đô. Hưng bảo khoảng thời gian bận bịu nhất trong ngày là cuối chiều và tối. Hưng phụ trách nhóm “chân rết” chuyên đi thu gom bảng của các đại lý về nộp lại cho người đứng cái tổng hợp, rồi gửi cho chủ ôm qua fax, trước khi ôm ti vi theo dõi kết quả mở thưởng…
Hưng đồng ý để tôi theo chân đám đàn em đi gom bảng, nhưng không cho mang theo điện thoại có chức năng quay phim, chụp hình. Ngày đầu tiên, Hưng đón tôi bằng xe máy lúc 17 giờ 30, chở đảo qua các quán trà đá vỉa hè ở khu vực trung tâm Q.Hà Đông. “Chỉ có 20 phút để gom bảng và tổng hợp số trước giờ quay nên mỗi phường phải có hai thằng đi thu bảng mới kịp. Địa bàn nào thằng nào thằng đó thu, tuyệt đối không được lấn sân của nhau, vì đó còn là miếng cơm của mỗi người”, Hưng tiết lộ.
Trước khu vực cổng chợ Hà Đông, đám “chân rết” do Hưng quản lý lao xe ầm ầm ghé từng quán trà đá thu bảng. Từng xấp giấy khổ A4 chi chít những con số được trao tay. Hưng liếc nhanh qua bảng số thu về từ khu cuối chợ rồi quay sang tôi: “Gần 30 triệu đồng, vẫn chưa thấm tháp gì với đất Hà Đông này đâu. Ở khu trung tâm, hay trong làng Triều Khúc, làng Lụa, làng Đa Sĩ… có những bảng lên đến cả trăm triệu ấy chứ”.
Sau một hồi loanh quanh thu bảng, Hưng chở tôi đến một ngôi nhà khá khang trang. Tại đây, 5 thanh niên dáng vẻ thư sinh đang miệt mài nhập những con số từ bảng lô đề vào máy tính xách tay. Theo lời Hưng, đó là đám con cháu trong nhà đang là sinh viên, được chủ đại lý gom bảng phụ trách khu vực của hắn thuê về làm với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Hưng nói tiếp:
“5 cậu này làm nhiệm vụ tổng hợp tất cả các con số trong nhiều bảng thành một bảng lớn, nhưng phải sao cho thật nhanh, thật chính xác. Sai một con số, có khi biến người thua thành người trúng, như vậy phải đền cả chục triệu, trăm triệu như chơi. Mỗi cậu này phụ trách 2 đầu số, người thứ nhất tổng hợp các số có đầu là 00 đến 19 và người thứ hai phụ trách tổng hợp từ số 20 đến 39… cứ thế cho tới đầu số 99″.
Sau khi tổng hợp thành một bảng lớn, Hưng fax gửi ông trùm ở Q.Hà Đông mà không phải ai cũng biết mặt. “Cả Hà Nội này cũng chỉ có vài ông trùm lô đề như vậy”, Hưng tiết lộ.
“Đánh con nào trúng con đấy”
Video đang HOT
Hải “rỗ”, chủ một đại lý bảng ở khu vực H.Từ Liêm, nói “luật bất thành văn” buộc đám “chân rết” khi gom bảng chỉ biết cầm bảng chứ không một ai dám thu tiền ngay. Số tiền ghi lô đề một ngày của “thư ký bảng” sẽ được giữ lại. Sau khi có kết quả, chính “thư ký bảng” sẽ phải tự cân bằng tiền thu được. Cụ thể, sau khi trừ phần trăm ghi số (từ 20 – 20%), “thư ký bảng” sẽ lấy chính số tiền thu được này trả cho khách trúng thưởng. Sau khi trả thưởng cho khách mà dương so với số tiền thu được, tự động ngày hôm sau sẽ có người của chủ đại lý ôm bảng khu vực đó đến thu lại số dư này. Nếu trả bị âm, ngày hôm sau cũng khắc có người đến đưa tiền tận tay “thư ký”. Hải cho rằng, lô đề tồn tại được là cũng “có luật lá hết đấy”. Bất kể người nào cũng có thể được làm “thư ký bảng”, nhưng phải có sự giới thiệu, đồng ý của chủ đại lý phụ trách khu vực đó. Trường hợp không được phép, hoặc làm sai sẽ bị “xử” ngay.
Không chỉ xử rắn nhằm quy thuận, lôi kéo đám “chân rết”, “thư ký”, những tay chủ đại lý, chủ ôm bảng còn sẵn sàng áp dụng các chiêu công nghệ cờ bạc bịp để triệt hạ đối thủ, nhằm mở rộng địa bàn. Hùng “mốc”, chủ bảng ôm lô đề khu vực khu công nghiệp Bắc Thăng Long được biết đến với chiêu thức “đánh con nào trúng con đấy”. Hùng “mốc” luôn vỗ ngực, lớn tiếng tự đắc, với chiêu thức này hắn có thể dễ dàng hạ gục những bảng nào không chịu nhường địa bàn làm ăn cho hắn, hoặc chịu ăn chia, “sang” bảng.
Hùng “mốc” cũng từng mò vào tận Sài Gòn bỏ ra ngót trăm triệu đồng để lùng mua bằng được bản quyền công nghệ chỉnh sửa giọng nói qua điện thoại. Hôm gặp tôi, Hùng “mốc” cũng lấy điện thoại gọi vào máy tôi và nói “em báo 1.000 điểm con lô 44 nhé” rồi tắt máy, đầu bên này máy tôi vẫn bật ghi âm. Sau đó Hùng “mốc” lấy thẻ nhớ trong máy điện thoại của hắn rồi nhét vào đầu đọc nối với chiếc máy tính, hí hoáy chỉnh sửa đoạn ghi âm. Lắp thẻ nhớ vào điện thoại, Hùng “mốc” vẻ mặt khoái trá bật lại để tôi nghe “em báo 1.000 điểm con lô 77 nhé”.
Không những thế, Hùng “mốc” còn cho biết, chiếc điện thoại báo số của hắn được cài phần mềm làm nhiễu nội dung ghi âm cuộc gọi đến của máy “thư ký bảng”. Do vậy muốn triệt hạ bảng nào, hắn sai lính báo đánh con lô, con đề lên tới hàng nghìn điểm, sau đó mang thẻ nhớ ghi nội dung cuộc điện đàm đã được chỉnh sửa tới lĩnh thưởng. Nhưng để đòi được tiền, đôi khi Hùng “mốc” vẫn phải cần tới đám dao búa. (Còn tiếp)
Theo TNO
Báo nước ngoài viết về nạn 'lô đề' ở Việt Nam
Chìm ngập trong nợ nần và bị các chủ nợ săn lùng gắt gao, một người đàn ông Việt Nam đã phải đào một căn hầm ở sau bếp và trốn ở đó trong 2 tháng. Theo AFP, đây chỉ là một trong những ví dụ về hoàn cảnh bi đát của các con nghiện cờ bạc bất hợp pháp ở Việt Nam.
Người bán vé số kiêm lô đề ở vỉa hè Hà Nội đang soát các "đơn đặt hàng" đánh lô đề.
Chỉ trừ dịch vụ xổ số do các công ty Nhà nước cung cấp cùng một số sòng bạc chỉ dành cho người nước ngoài, còn lại Việt Nam cấm tất cả các hình thức cá cược, đỏ đen. Nhưng hiện nay, nhiều người dân Việt Nam vẫn coi thường qui định của pháp luật về cờ bạc và cảnh sát cho biết cứ đến mùa World Cup và giải vô địch bóng đá của các quốc gia châu Âu thì tình trạng cá cược lại nở rộ.
Dịch vụ xổ số hợp pháp đã trở thành cơ sở cho một trò chơi trúng thưởng mới bất hợp pháp ra đời mà người dân Việt Nam gọi là "Lô đề", theo đó người chơi sẽ dự đoán về 2 con số cuối cùng của giải xổ số đặc biệt hàng ngày.
Chỉ vì lô đề mà anh Nguyễn Văn Thịnh, một công nhân xây dựng 41 tuổi đã mất 1,3 tỷ đồng và cuối cùng đã phải bán ngôi nhà của mình ở Hà Nội để trả nợ.
"Tôi đã phải sống y như một du kích", anh Thịnh kể về những ngày tháng phải sống dưới hầm của mình khi anh sống nhờ thức ăn và nước uống mà vợ anh mang cho.
Và câu chuyện của anh Thịnh không phải là hiếm gặp ở Việt Nam, quốc gia có dân số hơn 86 triệu dân. Toàn bộ 63 tỉnh thành của Việt Nam đều có công ty xổ số và đi kèm theo đó là dịch vụ lô đề bất hợp pháp.
"Lô đề đã hủy hoại hàng trăm nghìn gia đinh và đang phá hỏng nền tảng của xã hội", ông Võ Quang Hưng, trưởng lực lượng phòng chống tội phạm của cảnh sát Hà Nội nhận xét và cho biết thêm rằng lô đề cũng là nguyên nhân của nhiều vụ tự tử và li hôn.
Bất chấp qui mô ngày càng gia tăng của vấn nạn này, hiện Việt Nam vẫn chưa có các nhóm như nhóm Những người đánh bạc vô danh (Gamblers Anonymous) để giúp những người nghiện cờ bạc có thể tìm đến để được trợ giúp.
Kể từ khi chính phủ Việt Nam áp dụng các biện pháp để siết chặt tín dụng nhằm kiềm chế tình trạng lạm phát 2 con số thì người chơi lô đề rất khó vay tiền từ ngân hàng để trả cho các chủ nợ.
Hậu quả là, nhiều người chơi quay sang vay mượn từ thị trường tín dụng "đen" nơi mà những chủ nợ thường thuê các thành phần "đầu gấu" đến lấy đồ đạc quí giá hoặc chiếm nhà của những con nợ khi họ bỏ chạy vì không trả nổi các khoản vay của mình.
Con đường dẫn đến tự sát
Một số con nợ khác tự nguyện đầu thú trước cảnh sát, chấp nhận đóng tiền phạt thậm chí là đi tù còn hơn là chịu những vụ siết nợ đầy bạo lực của những kẻ cho vay nặng lãi hoặc chủ nợ.
"Mùa hè năm nay, hơn chục người hàng xóm của tôi đã bỏ trốn. Một số người sau khi tuyên bố phá sản đã bỏ chạy ra nước ngoài. Họ không thể quay trở lại cho đến khi giải quyết ổn thỏa các khoản nợ của mình", chị Nguyễn Thị Thu, chủ một tiệm cà phê, cho biết.
Chị Thu năm nay 36 tuổi tự nhận mình là một người nghiện trò "đỏ đen" và bản thân chị cũng sa vào khó khăn về tiền bạc do cá cược.
"Tôi bị các chủ nợ dồn đến chân tường. Tôi đã định tự tử để cứu gia đình mình nhưng may là ông trời đã rủ lòng thương", chị Thu tâm sự và cho biết bố mẹ chồng chị đã cho chị vay hơn 120.000 USD để trả nợ.
Mặc dù trò cờ bạc đỏ đen không phải là điều gì mới mẻ ở Việt Nam, nhưng tình trạng kinh tế sa sút, mà hậu quả là hàng chục nghìn doanh nghiệp bị phá sản, đã khiến tệ nạn này trở nên tồi tệ hơn.
"Đã từ lâu hoạt động cờ bạc ăn sâu vào xã hội chúng ta và nó đã khiến nhiều gia đình tan vỡ", nhà xã hội học Nguyễn Thị Kim của trường Đại học khoa học xã hội nhân văn Hà Nội nhận xét.
"Tệ nạn đó gia tăng khi cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Ngày càng nhiều người bị hấp dẫn bởi viễn cảnh kiếm tiền dễ dàng, nhanh chóng nhờ cờ bạc", bà Kim nói.
Với lô đề, người chơi có thể thu được mức tiền lớn gấp 70 lần số tiền mà họ đặt cọc.
Những người chơi trò đỏ đen này có thể đặt cược từ 1.000 đồng (5 cent) cho tới hàng nghìn USD. Thông thường, người chơi đặt cược thông qua những người bán lô đề vỉa hè, những người được chủ đề trả hoa hồng.
Tệ nạn xã hội không thể ngăn chặn nổi
Để giải quyết "tệ nạn xã hội" đã ảnh hưởng đến mọi người từ học sinh cho đến người nghỉ hưu này, các nhà chức trách Việt Nam đã sử dụng các biện pháp cứng rắn.
Vấn đề này được chính quyền nhìn nhận là rất nghiêm trọng và đã được đưa vào luật. Hàng năm, có tới hàng nghìn người nghiện lô đề bị bắt giữ.
Cảnh sát Việt Nam cũng tập trung trấn áp các "chủ xị" đằng sau đường dây lô đề chứ không tập trung vào các cá nhân người chơi. Tuy nhiên, qui mô của tệ nạn này giờ đã quá lớn khiến biện pháp đó không còn có tác dụng nữa.
"Anh có thể thấy tệ nạn này có mặt ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam, tại mỗi làng quê và mỗi tỉnh thành, ở cả miền bắc và miền nam", ông Trần Thanh Lâm, một cảnh sát tại Hà Nội, cho biết.
Không thể đưa ra con số chính thức, ông Lâm cho rằng ước tính thị trường cờ bạc bất hợp pháp có trị giá hàng trăm triệu đô la mỗi năm.
"Điều không may là chúng tôi không thể chặn hoàn toàn tệ nạn này", ông Hưng, trưởng lực lượng phòng chống tội phạm Hà Nội, chia sẻ.
"Lô đề giống như một sòng bạc khổng lồ phủ trên khắp cả nước và kết quả của cuộc chiến chống lại tệ nạn này còn rất hạn chế do tệ nạn đó dựa vào hoạt động xổ sổ hợp pháp đang thu nhiều tiền về cho Nhà nước", ông Hưng nói.
Theo Infonet
Thương nhầm "con nghiện" lô đề Thương cảm cho cảnh buôn thúng bán bưng của Nguyễn Thị Thanh (SN 1983), trú tại Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh, chị Nguyễn Thị Nhung đã nhiều lần cho Thanh mượn xe để về quê. Nhưng chị không ngờ, lòng tốt của mình đã bị lợi dụng. Nguyễn Thị Thanh tại trụ sở cơ quan công an Sáng 24-10, sau thời gian...