Thế giới hướng tới những mục tiêu tham vọng về năng lượng tái tạo
Nhằm hướng tới mục tiêu tham vọng về khí hậu, các quốc gia trên thế giới đã đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng sạch và tăng mạnh tỷ trọng nguồn năng lượng này.
Mặc dù đã có những bước tiến lớn về công nghệ giúp chi phí giảm mạnh trong những năm gần đây, quá trình chuyển đổi năng lượng vẫn đối mặt với những rào cản và cần những hỗ trợ về chính sách.
Nhà máy điện mặt trời tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Những mục tiêu tham vọng
Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, ông Sultan Al Jaber đã kêu gọi các nước tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Ông nhấn mạnh cần phải tăng cường hành động trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, phải tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030 và tăng gấp đôi vào năm 2040.
Tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) và Nghị viện châu Âu đã nhất trí đến năm 2030 sẽ nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo từ các nguồn như gió và Mặt Trời trong tổng năng lượng khối này sử dụng lên 42,5%, tăng hơn gấp đôi so với mức 22% hiện tại, cũng như vượt mục tiêu đề ra trước đó cho năm 2030 là 32%. Thỏa thuận còn kêu gọi các thành viên nỗ lực hơn nữa để đạt tỷ lệ 45% vào thời điểm nêu trên.
Để đạt được những mục tiêu mới đề ra, châu Âu cần đầu tư quy mô lớn cho các cơ sở năng lượng gió và Mặt Trời, mở rộng quy mô sản xuất khí đốt tái tạo và củng cố mạng lưới điện để có thể tích hợp nhiều năng lượng tái tạo hơn.
Ủy ban châu Âu ước tính khối này sẽ cần các khoản đầu tư bổ sung trị giá 113 tỷ euro (123 tỷ USD) cho cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo và hydro đến năm 2030, nếu các nước thành viên muốn chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu từ Nga.
Trong khi đó, Chính phủ Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ sản xuất 15 GW điện gió ngoài khơi, đủ để cung cấp điện cho hơn năm triệu hộ gia đình.
Trước đó, trong ạo luật Giảm lạm phát được ban hành hồi tháng 8/2022, Mỹ quyết định dành khoảng 370 tỷ USD để thúc đẩy các sáng kiến chống biến đổi khí hậu và sản xuất năng lượng sạch.
Video đang HOT
Trung Quốc đặt mục tiêu đưa tỷ trọng năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời lên 28% trong sản lượng điện vào năm 2030 và 81% vào năm 2060, tăng từ mức 13% năm 2022.
Tại Trung Quốc, ba công ty năng lượng quốc doanh lớn là China Petroleum and Chemical, China National Offshore Oil Co. và PetroChina dự định sẽ đầu tư tổng cộng ít nhất 100 tỷ NDT (14,5 tỷ USD) vào năng lượng tái tạo đến hết năm 2025, nhằm đa dạng hóa hoạt động kinh doanh trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực hướng đến mục tiêu đến năm 2060 lượng khí thải CO2 ròng bằng 0.
Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) cho rằng đầu tư vào công nghệ năng lượng tái tạo đã đạt mức kỷ lục 1.300 tỷ USD trong năm 2022, nhưng con số đó cần phải tăng lên khoảng 5.000 tỷ USD mỗi năm mới có thể đáp ứng mục tiêu chính của Hiệp định Paris về hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở 1,5 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp.
Tổng cộng, thế giới cần khoảng 35.000 tỷ USD cho công nghệ chuyển đổi vào năm 2030, bao gồm nâng cao hiệu quả, điện khí hóa, mở rộng lưới điện và tính linh hoạt.
IRENA cho biết công suất năng lượng tái tạo phải tăng từ khoảng 3.000 GW/năm hiện nay lên hơn 10.000 GW vào năm 2030, đồng thời cho biết thêm rằng cần có sự bình đẳng hơn trong việc phát triển năng lượng tái tạo giữa các nước công nghiệp và các nước đang phát triển.
Các dự án năng lượng tái tạo mới ở Trung Quốc, EU và Mỹ chiếm hơn 70% công suất lắp đặt vào năm 2022, trong khi châu Phi chỉ chiếm 1% công suất tái tạo được lắp đặt.
Và những khuyến nghị chính sách
Nhà máy điện gió ở Eaglesham Moor, Scotland. Ảnh: AFP/TTXVN
Dù đạt một số tiến triển, quá trình chuyển đổi năng lượng vẫn chưa đạt được những kết quả đáng kể. Vẫn có một số rào cản chính đối với quá trình phát triển năng lượng tái tạo, từ những rủi ro về công nghệ và tài chính ở một số thị trường mới đến những thách thức ở các thị trường mà các nguồn năng lượng tái tạo không liên tục chiếm tỷ lệ cao. Thêm vào đó, dù có những tiến triển lớn đạt được trong lĩnh vực điện, việc sử dụng năng lượng tái tạo trong việc sưởi ấm, làm mát và giao thông diễn ra chậm hơn. Điều cần thiết là thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo trong tất cả các lĩnh vực.
Kể từ năm 2018, IRENA đã đánh giá các chính sách trong giai đoạn chuyển đổi, đưa ra các khuyến nghị chính sách toàn diện cho các nhà hoạch định chính sách có thể áp dụng với việc phát triển năng lượng tái tạo trong từng lĩnh vực, bao gồm sản xuất điện và sưởi ấm, làm mát. Các phân tích về chính sách năng lượng tái tạo trong giai đoạn chuyển đổi nhằm vào tình trạng phát triển và lộ trình chuyển đổi dựa trên năng lượng tái tạo trong mỗi lĩnh vực.
Báo cáo chung của IRENA, Cơ quan Năng lượng Quốc tế và Mạng lưới Chính sách Năng lượng Tái tạo trong thế kỷ 21 khuyến nghị các chính sách năng lượng tái tạo phải tập trung vào các lĩnh vực sử dụng cuối cùng, không chỉ là sản xuất điện, sử dụng năng lượng tái tạo cho sưởi ấm và làm mát đòi hỏi sự chú ý lớn hơn về chính sách, trong đó có các mục tiêu riêng, các nhiệm vụ về công nghệ, các sáng kiến về tài chính, thuế carbon và năng lượng, các chính sách về lĩnh vực điện phải phát triển hơn để giải quyết các thách thức mới, các biện pháp hỗ trợ cần tính tới các đặc tính cụ thể của năng lượng Mặt Trời và gió.
Để thúc đẩy năng lượng tái tạo cho phù hợp với tiềm năng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và các mục tiêu về khí hậu đòi hỏi đầu tư lớn hơn nhiều so với dự kiến hiện nay. Trong khi phần lớn các khoản đầu tư sẽ là từ lĩnh vực tư, các nguồn tài trợ công như các tổ chức phát triển quốc gia và quốc tế đóng một vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn vốn tư nhân. Mặc dù các xu hướng đầu tư vào năng lượng tái tạo khá tích cực, có những rào cản thường trực cản trở đầu tư tư nhân trong việc tiếp cận nhiều cơ hội đầu tư.
Các quy định về hợp đồng hiện nay đối với các dự án năng lượng tái tạo là quá phức tạp và vốn dành cho việc sản xuất điện quy mô lớn và yêu cầu cao về kỹ thuật. Các yêu cầu quá nhiều về hồ sơ khiến chi phí giao dịch lớn và thời gian tài trợ cũng như phát triển các dự án kéo dài, cản trở việc tăng mạnh công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu.
Những hạn chế về năng lực để triển khai các dự án và tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo đã gây trở ngại trong việc tăng cường dòng chảy vốn cho các dự án năng lượng tái tạo. IRENA đã thực hiện các chương trình nâng cao năng lực cho các tổ chức tài chính trong việc phát triển và tài trợ dự án dựa trên năng lực trong nước và hợp tác quốc tế, khu vực và quốc gia, nhằm khai thác các kinh nghiệm và thực tiễn tối ưu nhất trên toàn cầu.
Năng lượng tái tạo chưa thể giúp châu Âu thoát khỏi khủng hoảng khí đốt
Châu Âu đã quyết liệt theo đuổi tương lai với năng lượng sạch, hướng đến chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Nhưng xung đột tại Ukraine và hệ quả đi kèm đã làm phát lộ những điểm hạn chế của năng lượng tái tạo.
Đường ống dẫn khí đốt tại trạm khí đốt ở Werne, miền tây nước Đức, ngày 24/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Giá các mặt hàng kim loại chủ chốt tăng cùng với thời hạn thực hiện các dự án năng lượng tái tạo kéo dài đang khiến châu Âu phải quay trở lại với nhiên liệu hóa thạch để xử lý cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Liên minh châu Âu (EU) đang có kế hoạch thay thế nguồn khí đốt của Nga bằng khí hóa lỏng (LNG), than đá và thậm chí là cả dầu thô nhập từ nước khác. Trong khi đó, tỉ lệ thay thế khí đốt bằng năng lượng gió, năng lượng mặt trời gần vẫn chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ.
Chính phủ Đức đã lên kế hoạch sử dụng khí đốt luân phiên. Nhà vận hành hệ thống truyền tải điện tại Pháp khuyến nghị khách hàng cắt giảm tiêu thụ điện. Còn tại Anh, xuất hiện ngày một nhiều các cuộc biểu tình phản đối giá điện tăng, đẩy hàng triệu hộ gia đình rơi vào tình cảnh căng thẳng nhiên liệu. Châu Âu thực sự đang gặp phải vấn đề năng lượng nghiêm trọng.
Tình trạng này khởi nguồn từ nhiều năm trước, dẫn tới luồng quan điểm phổ biến trong chính phủ nhiều nước cho rằng bất luận mọi việc ra sao, dòng khí đốt từ Nga sẽ không ngừng chảy. Ngay cả trong thời kỳ căng thẳng của Chiến tranh Lạnh, Nga vẫn bơm hàng tỉ m3 khí đốt sang châu Âu. Nhưng giờ mọi chuyện đã khác và nguyên nhân không phải chỉ bởi cuộc chiến tại Ukraine.
Châu Âu trong vài năm gần đây ráo riết tìm cách giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nói chung, mà khí đốt của Nga chỉ là một phần. EU từng đề ra mục tiêu đến năm 2022 năng lượng tái tạo sẽ chiếm 37,5% tổng tiêu thụ điện năng, trong đó năng lượng gió và năng lượng hydro chiếm 2/3 tổng sản lượng năng lượng tái tạo.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Đức lại vội vàng lên kế hoạch sử dụng khí đốt luân phiên và yêu cầu người dân giảm tiêu thụ điện năng? Đó là do ảnh hưởng của cuộc chiến Ukraine. Xung đột dường như giáng đòn mạnh, bất ngờ vào chính phủ nhiều nước EU, khiến họ tìm cách đứng tách biệt với Nga theo mọi cách có thể, trong đó có việc dừng nhập khẩu khí đốt từ Nga.
Việc Tổng thống Vladimir Putin nêu yêu sách buộc các nhà nhập khẩu phải thanh toán hợp đồng mua khí đốt bằng đồng rúp dường như chỉ làm tăng động lực cho châu Âu trong từ bỏ nguồn năng lượng này của Nga. Ba nước vùng Baltic là Latvia, Estonia và Litva mới đây đã thông báo dừng mua khí đốt của Nga từ ngày 2/4. Trước mắt, ba nước này sẽ sử dụng nguồn khí đốt từ kho dự trữ, về lâu dài họ có thể nhận khí hóa lỏng nhập khẩu qua kho LNG ở Litva, hoặc là nguồn cung đấu nối với Ba Lan. Litva thậm chí còn kêu gọi phần còn lại của châu Âu thực hiện bước đi tương tự. Điểm đáng chú ý là cả ba nước vùng Baltic đều không có ý định thay thế khí đốt nhập khẩu bằng nguồn năng lượng gió, năng lượng mặt trời.
Nhà máy nhiệt điện chạy than thuộc diện lớn nhất thế giới đặt tại Bełchatow, Ba Lan. Ảnh: energytransition.org
Thực tế này cũng đúng với phần còn lại của EU. Hồi đầu năm nay, Bloomberg công bố báo cáo cho rằng năng lượng tái tạo trên khắp EU đang "thế chỗ" khí đốt tự nhiên. Charles Moore, chuyên gia tổ chức chuyên về tư vấn môi trường Ember và người đứng đầu nhóm nghiên cứu, khẳng định nguồn năng lượng tái tạo là sẵn có, giá thành rẻ hơn, cạnh tranh hơn so với khí đốt và năng lượng tái tạo là cơ hội, chứ không phải gánh nặng.
Vậy tại sao EU đến lúc này vẫn phải vật lộn với "mớ rối" khí đốt Nga? Tại sao các nước không đẩy nhanh xây dựng các trang trại điện gió, điện mặt trời và chứng minh cho Nga thấy châu Âu có sức mạnh ra sao? Câu trả lời nằm ở nhiều yếu tố. Giá đồng, sắt thép, polysilicon cùng nhiều kim loại, khoáng chất phục vụ xây dựng các dự án như vậy đang đắt đỏ. Kế đến, việc xây dựng những cơ sở như vậy mất nhiều thời gian, lâu hơn việc chuyển đổi sang sử dụng LNG hoặc than đá.
Trên thực tế, bản kế hoạch gần đây mà Ủy ban châu Âu (EC) xây dựng nhằm giảm tiêu thụ khí đốt Nga, kể đến là cả than đá và dầu mỏ, không đặt ưu tiên cho phát triển năng lượng điện gió, điện mặt trời, mà vẫn là tăng tiêu thụ khí đốt, than đá, nhưng với nguồn cung ứng ngoài Nga.
Theo thông tin mà tờ Die Welt (Đức) tiếp cận được, EU sẽ tìm cách thay thế 50 tỉ m3 khí đốt nhập khẩu hàng năm của Nga bằng LNG từ các nguồn khác, tìm kiếm nguồn cung bổ sung 10 tỉ m3 khí đốt vận chuyển qua đường ống ngoài Nga. Con số này tương đương với lượng khí đốt 60 tỉ m3 trong tổng số 155 tỉ m3 châu Âu nhập từ Nga. Châu Âu cũng có thể thay thế thêm 20 tỉ m3 nữa bằng nguồn than đá.
Mọi chuyện rồi lại rơi vào vòng luẩn quẩn. Bởi cũng chính châu Âu trước đó từng kêu gọi và cam kết hành động chấm dứt sử dụng than đá. Châu Âu từng lên kế hoạch đóng cửa mọi nhà máy nhiệt điện chạy than trước năm 2030 để đạt mục tiêu về giảm phát thải theo Thỏa thuận Paris. Cũng chính châu Âu lại cũng đang đặt cược vào việc thay thế khí đốt bằng dầu thô để giảm thêm 10 tỉ m3 khí đốt nhập từ Nga.
Nhìn nhận tổng quan, EC dường như theo đuổi ý định thay thế 50% khí đốt của Nga bằng các nguồn nhiên liệu hóa thạch khác. Trong khi đó, nguồn điện gió, điện mặt trời dự kiến đóng góp sản lượng tương đương với lượng thay thế 22,5 tỉ m3 từ Nga. Đó không phải là cách một khu vực muốn vươn lên vị thế "xanh nhất" về năng lượng trên hành tinh trong một thời gian ngắn.
Apple công bố tiến bộ đạt được trong thúc đẩy mục tiêu trung hòa khí thải Ngày 18/4, tập đoàn công nghệ Apple đã công bố những tiến bộ đạt được trong việc hướng tới mục tiêu trung hòa carbon cho mọi sản phẩm vào năm 2030. Biểu tượng Apple tại cửa hàng ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN Báo cáo về tiến độ bảo vệ môi trường năm 2023 đã nêu bật các hoạt động của...