Thế giới ‘giằng xé’ giữa Covid-19
Các nước đang vật lộn để tìm ra điểm cân bằng giữa khôi phục nền kinh tế trì trệ vì Covid-19 và ngăn bùng phát đợt dịch thứ hai.
Vũ Hán, nơi từng là tâm dịch Covid-19, hôm nay đổi cách tính số ca tử vong và ghi nhận thêm 1.290 người so với số liệu được báo cáo trước đây, tương đương tăng thêm 50%. Động thái diễn ra trong lúc Trung Quốc đang bị nhiều nước chỉ trích vì cách xử lý đại dịch, gây thêm nhiều nghi ngại rằng nước này không minh bạch trong nỗ lực ngăn chặn nCoV.
Covid-19 đã xuất hiện tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ kể từ khi bùng phát tại Vũ Hán hồi tháng 12/2019, khiến hơn 140.000 người chết, hủy hoại nền kinh tế toàn cầu và khiến một nửa cư dân thế giới phải ở trong nhà.
Trump họp báo tại Nhà Trắng hôm 16/4. Ảnh: AFP.
Lãnh đạo Anh và Pháp cũng ủng hộ những lời công kích của Trump nhằm vào Trung Quốc sau khi truyền thông Mỹ đặt giả thuyết nCoV “lọt” ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định sẽ rất “ngây thơ” khi cho rằng Trung Quốc đã giải quyết tốt Covid-19. “Rõ ràng có nhiều thứ xảy ra mà chúng ta không biết”, ông nói thêm.
Bắc Kinh khẳng định Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng nói không có bằng chứng nCoV xuất phát từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng “đây là nỗ lực của một số người nhằm bôi nhọ Trung Quốc”.
Các lãnh đạo thế giới đang đau đầu với câu hỏi về thời điểm ngừng cách biệt cộng đồng, tìm ra cân bằng giữa khôi phục nền kinh tế và ngăn chặn đợt dịch thứ hai. Hậu quả kinh tế thể hiện rất rõ ràng tại Trung Quốc khi GDP nước này lần đầu tiên tăng trưởng âm kể từ năm 1992 với mức -6,8% trong quý đầu năm nay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16/4 công bố kế hoạch nhiều bước nhằm khôi phục kinh tế sau thời gian trì trệ vì nCoV, tuyên bố “đã đến lúc bắt đầu mặt trận mới gọi là ‘mở cửa nước Mỹ trở lại’”, dù số ca tử vong vì nCoV tại nước này đã tăng hơn 4.500 trong 24 giờ, nâng tổng số người chết lên gần 33.000.
Cách tiếp cận của Trump cẩn trọng hơn dự đoán khi ông cho biết việc mở cửa trở lại sẽ “diễn ra theo từng bước”, tùy thuộc vào tình hình và quyết định của thống đốc từng bang. Bang New York, nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất vì Covid-19 tại Mỹ với hơn 11.500 người chết, đã gia hạn lệnh phong tỏa đến ngày 15/5.
Video đang HOT
Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ Anthony Fauci trước đó cũng khẳng định nước Mỹ có thể nới lỏng các biện pháp ứng phó Covid-19 theo từng phần vào tháng 5, nhưng cảnh báo mở cửa sẽ không diễn ra đồng loạt như “bật công tắc đèn”.
Thêm 5,2 triệu người lao động mất việc tại Mỹ, nâng tổng số người thất nghiệp kể từ giữa tháng 3 lên hơn 22 triệu. John Williams, quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, cho biết Mỹ có thể mất ít nhất một đến hai năm để hồi phục sau đại dịch này.
Jamie O’Reilly, một chủ doanh nghiệp tại New York, tỏ ra thấu hiểu câu hỏi đang giằng xé các lãnh đạo thế giới hiện nay.
“Nền kinh tế còn ý nghĩa gì nếu chúng ta không còn sống để mà tiêu tiền”, anh nói.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo dịch bệnh có thể gây ra một “thập kỷ đã mất” nữa ở châu Mỹ Latinh, trong khi các chuyên gia cảnh báo đóng băng nợ cho các nước nghèo không cứu được nhiều nền kinh tế đang phát triển.
Tại châu Âu, ngành bán ô tô giảm 55% trong tháng 3, theo hiệp hội thương mại của ngành này.
Nhiều nước như Nhật Bản, Anh và Mexico chọn hướng đi ngược lại với Mỹ khi kéo dài thời hạn phong tỏa.
Mỗi quốc gia cũng áp dụng cách riêng để thực thi lệnh phong tỏa, trong đó Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đề xuất áp dụng thiết quân luật và trừng phạt nghiêm khắc những người vi phạm biện pháp cách biệt cộng đồng. Người đàn ông 63 tuổi ở tỉnh Agusan del Norte, miền nam Philippines, đã bị cảnh sát bắn chết sau khi đe dọa nhân viên y tế vì bị nhắc không đeo khẩu trang.
Một số nước châu Âu, bao gồm cả tâm dịch Italy và Tây Ban Nha, còn một chặng đường dài trước khi trở lại cuộc sống bình thường. Thụy Sĩ, Đức, Đan Mạch và Phần Lan đang dần mở cửa trường học và các cơ sở kinh doanh. Anh quyết định kéo dài phong tỏa thêm 3 tuần.
Ba Lan thông qua điều luật mới, yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài. Biện pháp này nhận được phản ứng lẫn lộn từ người dân. “Thật tồi tệ. Kính tôi mờ hết và tôi chẳng thấy gì, nhưng bạn phải đeo nó”, Natalia, nhân viên bưu điện, cho hay.
Khắp thế giới, người dân sáng tạo ra các cách mới để cố gắng đưa một vài điều bình thường trở lại cuộc sống đang bị ngưng trệ.
Luciano Romoli, 80 tuổi, mở lớp kéo giãn người vào buổi trưa mỗi ngày cho những người hàng xóm cao tuổi trên ban công nhà họ ở thành phố Turin, miền bắc Italy.
“Chúng tôi nảy ra ý tưởng này bởi chúng tôi bị mắc kẹt trong nhà. Nếu không tập thể dục, khi dịch qua đi, chúng tôi sẽ cứng người lại”, cụ ông đã về hưu ưa hoạt động nói.
Vũ Anh
Macron nói Covid-19 là khủng hoảng y tế lớn nhất thế kỷ
Macron thừa nhận nước Pháp bắt đầu bước vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do Covid-19 và ra lệnh đóng cửa trường học toàn quốc.
"Bất chấp tất cả nỗ lực ngăn chặn của chúng ta, chủng virus này vẫn tiếp tục lây lan và tăng tốc", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 12/3, trong bối cảnh nước này đã ghi nhận gần 2.900 ca nhiễm nCoV và hơn 60 người tử vong.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia hôm 12/3. Ảnh: AFP.
Macron cho rằng nước Pháp đang bắt đầu bước vào cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất trong vòng một thế kỷ do Covid-19 gây ra, nên ông quyết định tất cả trường học trên cả nước sẽ đóng cửa từ ngày 16/3 "cho đến khi có thông báo mới".
Tổng thống Pháp cũng đề nghị những người trên 70 tuổi, mắc các bệnh mạn tính, vấn đề về hô hấp và người khuyết tật cố gắng ở nhà lâu nhất có thể. Đây là nhóm người có nguy cơ bị tổn thương cao nhất trong dịch bệnh.
"Tất nhiên họ có thể rời khỏi nhà để đi mua sắm, hít thở không khí, nhưng họ nên hạn chế tiếp xúc với người khác càng nhiều càng tốt", Macron cho hay.
Tuy nhiên, đối với cuộc bầu cử địa phương trên toàn quốc dự kiến vào ngày 15/3, Macron cho biết ông đã tham vấn giới chuyên gia và họ nhận định "không có gì ngăn người Pháp, thậm chí đối tượng dễ tổn thương nhất, đi bỏ phiếu", miễn là mọi người tuân thủ các quy tắc chống lây nhiễm cơ bản.
Giới chức Pháp đã công bố một loạt biện pháp bảo vệ, bao gồm khuyến cáo giữ khoảng cách an toàn với người khác, cung cấp nước rửa tay sát khuẩn tại trạm bỏ phiếu. "Thời điểm này, điều quan trọng là đảm bảo duy trì cuộc sống dân chủ cho người dân và các thể chế của đất nước", Macron cho hay.
Tổng thống Pháp còn đề cập tới nỗi lo lắng của các chủ doanh nghiệp nhỏ, cũng như ngành công nghiệp du lịch và văn hóa vốn đóng góp quan trọng cho nền kinh tế đất nước. Ông cho biết chính phủ sẽ "chịu trách nhiệm bồi thường cho những người lao động buộc phải ở nhà".
Thêm vào đó, các công ty có thể hoãn nộp thuế và các khoản đóng góp công cộng khác mà không bị phạt. Các chủ lao động cũng nên cho phép nhân viên làm việc từ xa, Macron nói thêm.
Ông cho biết giao thông công cộng sẽ không bị gián đoạn, "bởi việc đình chỉ chúng sẽ khiến tất cả bị tê liệt, bao gồm cả công tác chăm sóc sức khỏe", nhưng khuyên người dân nên hạn chế sử dụng tàu hay xe buýt nếu có thể.
Cho rằng nCoV "không cần hộ chiếu", ông hối thúc châu Âu phản ứng "nhanh chóng và quyết liệt" để "tái khởi động" nền kinh tế khi đối mặt với đại dịch, nhấn mạnh bất cứ biện pháp đóng cửa biên giới nào cũng đều phải được thống nhất ở "cấp độ châu Âu".
Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 12/2019, đến nay đã xuất hiện tại 127 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến hơn 134.000 người mắc bệnh và gần 5.000 ca tử vong. Dịch bệnh gần đây ngày càng nghiêm trọng ở châu Âu, với tâm điểm là Italy, nơi đã ghi nhận hơn 15.000 ca nhiễm và hơn 1.000 người chết.
Ánh Ngọc (Theo AFP)
Theo vnexpress.net
Nghịch lý người già mùa Covid-19: Chính phủ khuyên ở nhà, con cái nhờ trông cháu Người già Italy thành bảo mẫu bất đắc dĩ mùa Covid-19 trong khi Chính phủ phong toả toàn quốc để chống dịch Covid-19. Người già Italy trở thành bảo mẫu bất đắc dĩ Trong nghị định có hiệu lực từ ngày 5/3, Chính phủ Italy thúc giục người già ở tại gia, hạn chế ra ngoài để ngăn chặn sự lây lan của...