Thế giới ghi nhận trên 80,8 triệu người mắc COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 27/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận hơn 80.818.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có hơn 1.766.000 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là hơn 57.000.000 người.
Một nhân viên y tế được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Turin, Italy ngày 27/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại châu Âu, một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) gồm Italy, Tây Ban Nha, CH Séc đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 của hai hãng Pfizer/BioNTech. Theo Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, nước này bắt đầu tiêm cho các nhân viên y tế và những nhóm dễ bị tổn thương nhất, sau đó mở rộng để tiêm chủng cho toàn dân nhằm đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng và tiêu diệt dứt điểm SARS-CoV-2.
Còn Tây Ban Nha chọn những người cao tuổi và điều dưỡng trong viện dưỡng lão Los Olmos, tại tỉnh Guadalajara, miền Trung nước này là những đối tượng đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm phòng vaccine COVID-19. Trong khi đó, Thủ tướng CH Séc Andrej Babis trở thành người đầu tiên được tiêm phòng vaccine, ngay trước khi các bệnh viện khác tại thủ đô Praha và thành phố lớn thứ hai nước này là Brno bắt đầu phân phối tổng cộng 9.750 liều vaccine mà cả nước nhận được.
Tại châu Á, Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc sáng 27/12 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 970 ca nhiễm, chấm dứt chuỗi ngày 10 ngày liên tiếp ghi nhận trên 1.000 ca/ngày. Nguyên nhân là do công tác xét nghiệm vào thời điểm cuối tuần giảm so với ngày thường. Do đó, điều này không phản ánh diễn biến dịch bệnh tích cực tại Hàn Quốc.
Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định gia hạn quy định giãn cách xã hội ở cấp độ 2,5 – mức cao thứ hai trong hệ thống cảnh báo của nước này, tại khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận cho đến ngày 3/1/2021, theo đó không nâng cấp độ giãn cách xã hội lên mức cao nhất bất chấp số ca mắc COVID-19 tăng mạnh. Tại các khu vực khác, mức giãn cách xã hội ở cấp độ 2 sẽ được áp dụng cho đến ngày 3/1/2021. Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Hàn Quốc Noh Young-min cho biết nước này sẽ bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 cho nhân viên y tế và người cao tuổi từ tháng 2/2021.
Ủy ban Y tế Trung Quốc thông báo Trung Quốc đại lục có 22 ca nhiễm mới, trong đó có 12 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 10 ca nhập cảnh. Trong số 12 ca lây nhiễm trong cộng đồng, có 7 ca tập trung tại tỉnh Liêu Ninh và 5 ca tại thủ đô Bắc Kinh. Tính đến hết ngày 26/12, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 86.955 ca nhiễm, nhưng hiện chỉ còn 334 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị. Chính quyền thành phố Bắc Kinh cũng vừa siết chặt các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19 do lo ngại hoạt động đi lại ồ ạt của người dân trong dịp lễ có nguy cơ khiến số ca mắc bệnh tại thủ đô tăng vọt.
Bộ Y tế Indonesia công bố thêm 6.528 ca mắc trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 713.365 ca. Số ca tử vong tại Indonesia tăng thêm 243 ca lên 21.237 ca. Trong khi đó, số ca bình phục và xuất viện tại nước này tăng thêm 6.983 người lên 583.676 người.
Chính phủ Thái Lan xác nhận có 121 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 94 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 18 lao động nhập cư Myanmar ở tỉnh Samut Sakhon. Đến nay, Thái Lan ghi nhận 6.141 ca mắc COVID-19, trong đó có 60 ca tử vong, 4.161 ca đã hồi phục và được xuất viện.
Video đang HOT
Tình hình dịch bệnh tại Philippines có dấu hiệu tích cực khi nước này ghi nhận số ca mắc mới trong ngày ở mức thấp nhất trong hơn 5 tháng qua. Cụ thể, Bộ Y tế cho biết Philippines đã ghi nhận thêm 883 ca mắc mới cùng ngày 27/12, số ca mắc mới trong ngày thấp nhất kể từ ngày 14/7 khi quốc gia Đông Nam Á này công bố 634 ca mắc mới. Theo đó, tổng số ca mắc tại Philippines tăng lên 469.886 ca. Số ca tử vong thêm 42 ca lên 9.109 ca trong khi số ca bình phục tăng thêm 7.635 ca lên 438.678 ca.
Tại Trung Đông, Iran ghi nhận số ca tử vong trong một ngày thấp nhất trong hơn 3 tháng. Cụ thể, Iran công bố thêm 119 ca tử vong trong ngày 27/12, mức thấp nhất kể từ ngày 12/9 khi nước này ghi nhận 116 ca, nâng tổng số ca không qua khỏi tại quốc gia Trung Đông lên 54.693 ca. Trong khi đó, tổng số ca mắc tại quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất khu vực do dịch bệnh tăng thêm 5.502 ca trong 24 giờ qua lên 1.200.465 ca.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại trung tâm xét nghiệm tạm thời ở ngoại ô Seoul, Hàn Quốc ngày 26/12/2020. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Từ 17h giờ địa phương (22h giờ Việt Nam), Israel bắt đầu thực hiện đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ ba trong năm nay để phòng dịch COVID-19. Đợt phong tỏa lần này dự kiến kéo dài ít nhất 2 tuần. Trong thời gian phong tỏa, người dân không được đến nhà người khác, không được đi ra ngoài bán kính 1.000 mét cách nơi sinh sống, ngoại trừ các mục đích như đi tiêm phòng dịch, khám chữa bệnh, tập thể dục cá nhân, đi làm hoặc đi học ở những địa điểm được cấp phép…, với điều kiện tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội. Mức phạt cho mỗi trường hợp vi phạm là 500 NIS (khoảng 155 USD).
Trong ngày, thế giới đã lần đầu tiên kỷ niệm Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh (International Day of Epidemic Preparedness) 27/12. Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh 27/12 được kỷ niệm theo Nghị quyết vừa được Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) thông qua các đây 20 ngày. Đây là nghị quyết đầu tiên của ĐHĐ LHQ trong lĩnh vực an ninh y tế toàn cầu, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công tại cơ quan duy nhất của LHQ có đại diện của tất cả quốc gia thành viên.
Lý giải tỷ lệ tử vong cao chót vót ở Italy trong làn sóng COVID-19 thứ hai
Cuối tháng 11, bác sĩ Maurizio Cappiello thăm khám cho trên 130 bệnh nhân trong phòng cấp cứu bệnh viện Cardarelli ở thành phố Naples, miền nam Italy. Trên 2/3 trong số họ mắc COVID-19.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Rome, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Reuters, virus SARS-CoV-2 vốn chỉ hoành hành ở miền bắc Italy hồi mùa xuân trong làn sóng thứ nhất nay đang lây lan mạnh ở miền nam nghèo khó, làm quá tải hệ thống y tế công cộng mong manh.
Ông Cappiello, quan chức hàng đầu thuộc nghiệp đoàn bác sĩ quốc gia ANAAO-ASSOMED, nói: "Dù nỗ lực nhưng không thể giúp họ như chúng tôi muốn. Chúng tôi chỉ nhanh chóng tập trung vào những ca nặng nhất".
Campania là khu vực đông dân ở quanh thành phố Naples, chỉ có 430 ca tử vong vì COVID-19 tính tới 15/6. Tổng số ca tử vong giờ tăng lên trên 2.300 trong bối cảnh tổng ca tử vong của toàn Italy đã vượt Anh, khiến nước này trở thành nơi có nhiều người chết vì COVID-19 nhất châu Âu.
Italy là quốc gia phương Tây đầu tiên bị COVID-19 hoành hành hồi tháng 3. Nước này đã được ca ngợi vì kiểm soát được dịch bệnh vào mùa hè.
Điều trị cho bênh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Rome, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN
Giờ đây, một câu hỏi lại được đặt ra: Tại sao số người chết ở Italy lại nhiều hơn các nước châu Âu khác?
Một số giải thích thường là Italy có dân số già; người trẻ thường sống cùng người già và phát tán virus cho họ; hệ thống y tế không được đầu tư; thiếu sẵn sàng và tổ chức.
Bác sĩ Cappiello cho biết trong mùa hè, khi số ca bệnh hàng ngày thấp, họ không thể tuyển thêm nhân viên và không có kế hoạch tái tổ chức.
Theo dữ liệu của Worldometers.info, Italy đã có trên 1,8 triệu ca bệnh, trong đó 65.857 người tử vong. Trong khi đó, Anh có 64.908 ca tử vong, Pháp có 59.072 ca tử vong, Tây Ban Nha có 48.401 ca tử vong. Đây là ba quốc gia cũng bị COVID-19 hoành hành dữ dội.
Tính trên đầu người, Italy xếp thứ 37 thế giới về số ca mắc nhưng xếp thứ tư về số ca tử vong với tỷ lệ 1.076 ca tử vong/1 triệu người. Ở Anh, con số này là 943. Ở Pháp là 886 và ở Mỹ là 924.
Quốc gia Liên minh châu Âu duy nhất có tỷ lệ tử vong theo đầu người cao hơn Italy là Bỉ.
Các nước đếm số ca tử vong vì COVID-19 hơi khác nhau và các chuyên gia y tế cho rằng không nên vội vã kết luận, cần phải đợi có số liệu tử vong của cả năm mới biết rõ ràng.
Tuy nhiên, các quan chức thừa nhận Italy bị tác động nặng nề hơn hầu hết quốc gia và chủ yếu nguyên nhân là do Italy có nhiều công dân cao tuổi, đặc biệt dễ bị tổn thương.
Theo dữ liệu của Eurostat năm 2019, Italy có dân số già nhất châu Âu với tỷ lệ 22,8% người dân trên 65 tuổi. Italy cũng là một trong những nước có tuổi thọ cao nhất thế giới: 83 tuổi.
Theo các bác sĩ, dù người Italy sống thọ hơn nhưng họ lại không khỏe mạnh. Báo cáo năm 2017 của hiệp hội y tế Osservatorio Nazionale cho biết 71% người trên 65 tuổi mắc ít nhất hai bệnh lý nền. Gần một nửa trong nhóm tuổi này phải uống ít nhất 5 loại thuốc hàng ngày.
Nhân viên y tế nắm tay an ủi bênh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Bergamo, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Y tế Roberto Sperzanza cho biết Italy đang trả giá rất, rất đắt vì có nhiều người già mắc bệnh lý nền.
Làn sóng dịch bệnh thứ nhất, khiến 35.000 người chết, chủ yếu tập trung ở miền bắc, khiến các khoa cấp cứu nhanh chóng quá tải. Tình trạng quá tải đã đẩy số ca tử vong lên cao do bác sĩ buộc phải quyết định chữa trị cho ai, bỏ mặc ai.
Các bác sĩ hy vọng với những gì họ học được sau đợt dịch thứ nhất, họ sẽ có thể giảm mạnh số ca tử vong khi có đợt dịch mới xảy ra. Nhưng khi làn sóng thứ hai quét qua, ông Stefano Centani, Giáo sư bệnh hô hấp tại Đại học Milan, cho biết biết tỷ lệ tử vong vẫn tăng.
Theo ông, tình trạng thiếu ngân sách kéo dài của ngành y tế công cộng có thể là một nguyên nhân. Cách đây hơn 10 năm, ngân sách dành cho y tế đã bị cắt giảm để kiềm chế nợ quốc gia đang phình to. Italy đang trả giá vì liên tục cắt giảm nguồn lực y tế. Khi đại dịch này bùng phát, tất cả vấn đề của Italy bị phơi bày.
Ngoài ra, ông Centani nói: "Vấn đề lớn nhất là thiếu bác sĩ. Ta có thể mua khẩu trang, máy thở, quần áo bảo hộ trên thị trường quốc tế nhưng không thể mua bác sĩ, y tá, nhân sự".
Người phụ nữ âm tính nCoV vẫn có triệu chứng bệnh sau 3 tháng Dù được xác nhận khỏi Covid-19 nhưng Julie (người Mỹ) vẫn phải điều trị tiếp vì ho và khó thở giữa đêm. Một trong những điều khó hiểu về Covid-19 là virus tác động và có những biểu hiện khác nhau tùy từng bệnh nhân. Các bác sĩ bắt đầu nhận thấy một số người tiếp tục có những triệu chứng bệnh Covid-19...