Thế giới đang chứng kiến đợt tẩy trắng san hô lớn thứ 2 trong thập kỷ
Ngày 15/4, Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cảnh báo thế giới đang trải qua đợt tẩy trắng san hô lớn thứ hai trong vòng 10 năm qua, trong đó hệ thống rạn san hô trải dài từ Australia đến Florida (Mỹ) đang đứng trước bờ vực thảm họa sau nhiều tháng nắng nóng kỷ lục ở đại dương.
Hiện tượng tẩy trắng tại rạn san hô Great Barrier, Australia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Đợt tẩy trắng hiện tại là đợt thứ tư được ghi nhận, sau các đợt trước đó vào năm 1998, 2010 và 2016. Chuyên gia Derek Manzello làm việc tại NOAA cho biết: “Trong bối cảnh các đại dương trên thế giới tiếp tục ấm lên, hiện tượng tẩy trắng san hô ngày càng trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Khi tình trạng này đến mức nghiêm trọng hoặc kéo dài, chúng có thể khiến san hô chết đi, gây tổn hại đối với những người phụ thuộc vào các rạn san hô để kiếm sống”.
San hô là động vật biển tồn tại dưới dạng các thể polip nhỏ giống hải quỳ, thường sống thành các quần thể gồm nhiều cá thể giống hệt nhau. San hô có mối quan hệ cộng sinh với tảo sống trong mô của chúng và cung cấp nguồn thức ăn chính cho chúng. Tẩy trắng là hiện tượng xảy ra khi nhiệt độ nước biển tăng cao, khiến san hô đẩy tảo ra ngoài. Quá trình này khiến màu sắc rực rỡ của san hô biến mất, chỉ còn lại duy nhất màu trắng.
Kể từ đầu năm 2023, tình trạng tẩy trắng hàng loạt các rạn san hô đã diễn ra trên khắp các vùng nhiệt đới, bao gồm cả Florida, vùng Caribe, Brazil và phía Đông Thái Bình Dương.
Video đang HOT
Theo Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), khoảng 850 triệu người trên toàn thế giới dựa vào các rạn san hô để mưu sinh, trong khi các rạn san hô cũng bảo vệ bờ biển khỏi bão và xói mòn. Ngoài ra, các hệ sinh thái này cũng cung cấp nơi trú ẩn cho hơn 1/4 loài sinh vật biển trên thế giới.
NOAA ước tính thế giới đã mất từ 30 đến 50% số rạn san hô và con số này có thể lên tới 100% vào cuối thế kỷ, nếu nhân loại không có sự can thiệp đáng kể. Theo NOAA, bản thân cơ quan này đã đạt được “những bước tiến đáng kể” trong các nỗ lực can thiệp chống tẩy trắng san hô, như “di chuyển các vườn ươm san hô đến vùng nước sâu hơn, mát hơn và triển khai các tấm che nắng để bảo vệ san hô ở các khu vực còn lại”.
Yếu tố kích thích tình trạng tẩy trắng san hô toàn cầu
Hai cơ quan khoa học đã lên tiếng cảnh báo rằng các rạn san hô trên khắp thế giới đang trải qua hiện tượng tẩy trắng hàng loạt, do khủng hoảng khí hậu khiến nhiệt độ đại dương tăng kỷ lục.
Rạn san hô Great Barrier ở ngoài khơi bang Queensland, Australia bị tẩy trắng trên diện rộng, ngày 7/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo kênh CNN (Mỹ), một số chuyên gia quan ngại đây có thể là thời kỳ tẩy trắng tồi tệ nhất được ghi nhận trong lịch sử.
Cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) và Sáng kiến Rạn san hô quốc tế (ICRI) ngày 15/4 cảnh báo hơn 54% diện tích rạn san hô trên thế giới đã bị tẩy trắng trong năm qua, ảnh hưởng đến ít nhất 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm các khu vực rộng lớn ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Ông Derek Manzello tại NOAA nhận định: "Có khả năng sự kiện này sẽ sớm vượt qua mức đỉnh 56,1% trước đó. Tỷ lệ các khu vực rạn san hô gặp phải căng thẳng nhiệt ở mức độ trắng đã tăng khoảng 1% mỗi tuần"
Khi san hô chịu áp lực từ các đợt nắng nóng ở biển, chúng sẽ thải ra tảo sống trong mô của chúng. Tảo góp phần tạo ra cả màu sắc và phần lớn năng lượng của san hô, dẫn đến tình trạng tẩy trắng. Nếu nhiệt độ đại dương không trở lại bình thường, hiện tượng tẩy trắng có thể dẫn đến cái chết hàng loạt của san hô, đe dọa đến nhiều loài và chuỗi thức ăn phụ thuộc vào chúng.
Đây cũng được coi là sự kiện tẩy trắng toàn cầu lần thứ tư trên thế giới và là lần thứ hai trong thập niên qua. Những lần tẩy trắng được ghi nhận trước đây là vào năm 1998, 2010 và giữa những năm 2014-2017.
Cá mập sống tại rạn san hô ở Khu bảo tồn biển Hol Chan, Ambergris Cay, Belize, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong năm qua, tẩy trắng hàng loạt đã được ghi nhận ở các khu vực bao gồm Florida và vùng Caribe, Mexico, Brazil, Australia, Nam Thái Bình Dương, Biển Đỏ, Vịnh Ba Tư, Indonesia và Ấn Độ Dương bao gồm bờ biển phía Đông Châu Phi và Seychelles.
Giáo sư Ove Hoegh-Guldberg tại Đại học Queensland (Australia), đã dự đoán về sự kiện tẩy trắng hàng loạt này từ nhiều tháng trước. Ngày 15/4, ông chia sẻ: "Vấn đề đáng lo ngại là chúng ta không nắm được thay đổi nhiệt độ lớn này có thể kéo dài bao lâu"
12 tháng vừa qua là thời điểm nóng nhất được ghi nhận trên Trái Đất và nhiệt độ đại dương đã tăng vọt. Theo dữ liệu từ Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), nhiệt độ bề mặt nước biển toàn cầu đạt mức cao kỷ lục vào tháng 2 và một lần nữa vào tháng 3.
Vào tháng 2, các nhà khoa học tại chương trình Theo dõi Rạn san hô thuộc NOAA đã bổ sung ba cấp độ mới vào bản đồ cảnh báo tẩy trắng san hô, tạo điều kiện để các nhà khoa học đánh giá quy mô mới của hiện tượng tăng nhiệt dưới nước.
Hiện tượng El Nino, đã góp phần làm tăng nhiệt độ đại dương chưa từng có. NOAA dự đoán La Nina có thể đến từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay, sẽ mang lại "tia hy vọng" cho các rạn san hô. Tuy nhiên, ông Manzello của NOAA lưu ý rằng hiện tượng tẩy trắng vẫn xảy ra trong giai đoạn La Nina của vài năm qua.
Các nhà khoa học dự đoán rằng khi nhiệt độ tăng lên 2 độ C- mức mà thế giới có thể đạt vào năm 2050 - khoảng 99% san hô trên Trái Đất sẽ chết. Ngoài việc là môi trường sống thiết yếu cho sinh vật biển, các rạn san hô còn đóng vai trò quan trọng đối với các cộng đồng ven biển trên thế giới bởi chúng hoạt động như một hệ thống phòng thủ chống lại mối đe dọa từ lũ lụt do bão và mực nước biển dâng, đồng thời cung cấp sinh kế và nguồn thực phẩm quan trọng cho khoảng một tỷ người trên toàn cầu.
Nhiệt độ đại dương cao kỷ lục, giới khoa học ráo riết đi tìm câu trả lời Nhiệt độ bề mặt đại dương đang ở mức cao kỷ lục. Xu hướng nhiệt bắt đầu tăng vào giữa tháng 3 và tăng vọt trong tháng 4 đã khiến các nhà khoa học phải nhanh chóng đi tìm lý do đằng sau hiện tượng này. Đại dương ấm lên có thể tẩy trắng san hô. Ảnh: CNN Theo đài truyền hình CNN,...