Thế giới đã tiêm được 6 tỷ liều vaccine
Số liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho thấy hơn 6 tỷ liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm trên toàn thế giới kể từ khi đại dịch bùng phát.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Selongor, Malaysia ngày 12/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Cụ thể, tính đến đầu giờ chiều 25/9 (theo giờ Mỹ), khoảng 6,6 tỷ người đã được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19. Cột mốc quan trọng này đạt được ghi dấu một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết khoảng 60 triệu người Mỹ đủ điều kiện để tiêm các mũi vaccine tăng cường. Ông kêu gọi những người Mỹ đủ điều kiện hãy đi tiêm mũi tăng cường, đồng thời cho biết bản thân cũng sẽ tiêm sớm nhất có thể. Tổng thống Mỹ cho biết thêm: “Giống như mũi tiêm thứ nhất và thứ hai, mũi tiêm tăng cường này miễn phí và dễ dàng tiếp cận.”
Đây là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ ở các cấp quốc tế cũng như từng quốc gia. Trên phạm vi quốc tế, hoạt động hợp tác, chia sẻ vaccine, đặc biệt thông qua cơ chế toàn cầu COVAX, đang được thúc đẩy mạnh mẽ.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về COVID-19, diễn ra ngày 22/9 tại New York (Mỹ) nhân tuần lễ cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), Mỹ thông báo sẽ ủng hộ thêm 500 triệu liều vaccine của hãng Pfizer/BioNTech cho các nước trên thế giới, nâng tổng số vaccine nước này viện trợ cho quốc tế lên 1,1 tỷ liều. Nhật Bản cũng cam kết sẽ cung cấp bổ sung 30 triệu liều vaccine phòng COVID-19, qua đó nâng tổng số vaccine viện trợ cho các nước lên 60 triệu liều. Italy tuyên bố cung cấp 45 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trước cuối năm nay, gấp 3 lần cam kết ban đầu.
Video đang HOT
Tại kỳ họp ĐHĐ LHQ khóa 76, các nhà lãnh đạo thế giới đặt mục tiêu tham vọng, theo đó đến thời điểm tổ chức khóa họp ĐHĐ LHQ năm 2022 sẽ có 70% dân số thế giới được tiêm vaccine. Theo Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, thế giới chỉ có thể đạt được mục tiêu này nếu có ý chí chính trị và tinh thần hợp tác để có thể cùng nhau thích ứng an toàn với COVID-19.
Mỹ và Bỉ hỗ trợ hàng triệu liều vaccine cho nhiều nước
Ngày 3/8, Nhà Trắng cho biết Mỹ đã tài trợ và vận chuyển hơn 110 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 tới trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống lại đại dịch này trên toàn cầu.
Vaccine ngừa COVID-19 của Moderna. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, động thái trên diễn ra 2 tháng sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố kế hoạch chia sẻ vaccine trên toàn cầu trong bối cảnh áp lực từ cộng đồng y tế công cộng và một số nhà lập pháp ở Mỹ về việc tặng vaccine có sẵn.
Nhà Trắng cho biết phần lớn trong số 110 triệu liều nói trên được chia sẻ thông qua COVAX. Các quốc gia nhận được số lượng vaccine lớn nhất bao gồm Indonesia (8 triệu liều), Philippines (hơn 6,2 triệu liều), Colombia (6 triệu liều), Nam Phi (hơn 5,6 triệu liều), Pakistan (5,5 triệu liều), Bangladesh (5,5 triệu liều) và Việt Nam (5 triệu liều). Phần còn lại của vaccine được chia sẻ trực tiếp với các đối tác khu vực do chính quyền lựa chọn, chẳng hạn như Mexico và Canada.
Nhà Trắng cho rằng 110 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 như một khoản "trả trước" cho cam kết lớn hơn của Tổng thống Biden trong việc chia sẻ vaccine với các quốc gia có nhu cầu. Vào tháng 6, Tổng thống Biden đã cam kết tài trợ 500 triệu liều vaccine của hãng Pfizer cho 92 quốc gia có thu nhập thấp hơn, trong đó 200 triệu liều sẽ được cung cấp trong năm nay, trong khi 300 triệu liều còn lại sẽ được phân phối trong nửa đầu năm 2022.
Tuy nhiên, trong khi Mỹ dành sự quan tâm đối với cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch COVID-19, quốc gia này đang phải đối mặt với các ca nhiễm tăng trở lại. Chính quyền Tổng thống Biden đang cố gắng thuyết phục người dân Mỹ tăng cường tiêm phòng, với lý do biến thể Delta dễ lây lan hơn.
* Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Brussels, từ nay đến cuối năm, Bỉ sẽ tài trợ 4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hậu thuẫn. Số vaccine này sẽ chủ yếu dành cho các nước Tây Balkan, các nước lân cận ở Đông Âu, Nam Âu và châu Phi.
Mười bốn quốc gia đối tác hợp tác phát triển của Bỉ cũng là một phần trong các ưu tiên được nhận vaccine. Đây là số vaccine được lấy từ nguồn dự trữ mà Bỉ mua từ các công ty dược phẩm và sẽ được gửi trực tiếp đến các nước thứ ba, chủ yếu thông qua cơ chế COVAX. Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng dịch bệnh, Bỉ đã hỗ trợ cơ chế COVAX 4 triệu euro và hiện nay là tài trợ vaccine.
Dự kiến, trong thời gian đầu, 168.000 liều sẽ được chuyển đến Ukraine, sau đó là 225.000 liều tới Kosovo, Armenia và Gruzia. Theo Cơ quan ngoại giao liên bang Bỉ, hoạt động này sẽ bắt đầu trong những ngày tới.
Chiến dịch tiêm chủng ở Bỉ đang tiến triển tốt. Bỉ là quốc gia có ngành công nghệ sinh học và dược phẩm lớn, đã tạo thành một hệ sinh thái quan trọng cho chuỗi dược phẩm sinh học, cho phép phát triển vaccine chống lại COVID-19.
Bỉ đã đầu tư đáng kể vào nghiên cứu và phát triển cho lĩnh vực dược phẩm sinh học và cũng đóng vai trò chiến lược trong việc sản xuất và phân phối vaccine ngừa COVID-19. Do đó, Bỉ muốn hỗ trợ và khuyến khích việc phân phối và sản xuất vaccine giữa các đối tác.
Đến cuối tháng 7 vừa qua, 4 nhà sản xuất vaccine được Liên minh châu Âu (EU) phê duyệt, gồm Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Janssen, đã cung cấp cho Bỉ 14 triệu liều trong tổng số 20 triệu liều mà quốc gia này đặt hàng. Ngoài ra, Bỉ cũng mua bổ sung 10 triệu liều từ Pfizer.
Mục tiêu của Liên minh châu Âu (EU) là tài trợ ít nhất 100 triệu liều vaccine vào cuối năm nay cũng như giúp tăng cường năng lực sản xuất địa phương. Tổng cộng, COVAX có kế hoạch cung cấp 2 tỷ liều vào cuối năm 2022, trong đó 1,8 tỷ liều cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. EU là nhà đóng góp nhiều thứ hai cho cơ chế này với 2,4 tỷ euro. Kể từ khi việc cung cấp vaccine bắt đầu vào tháng 2 năm nay, mới chỉ có 179 triệu liều đã được chuyển đến 138 quốc gia, 66% trong số đó thông qua cơ chế COVAX.
Tiếp tục có hàng trăm người Việt Nam tại Malaysia được tiêm vaccine ngừa COVID-19 Trân trọng tình cảm mà chính phủ Malaysia dành cho, Tham tán Nguyễn Hồng Sơn, người thứ 2 của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia căn dặn bà con lao động sau khi tiêm ngừa COVID-19 giữ gìn sức khoẻ, tiếp tục tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch, luật pháp sở tại, đóng góp nhiều hơn cho nỗ lực...