Thế giới đã ghi nhận trên 427 triệu ca mắc COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 22/2, thế giới ghi nhận tổng cộng 427.087.644 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.912.871 ca tử vong.
Số người đã bình phục là 354.379.178 ca, trong khi vẫn còn 81.378 ca đang phải điều trị tích cực.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech cho trẻ em tại Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới, đến nay ghi nhận 80.145.282 ca nhiễm, trong đó 960.157 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ 2 với 42.851.929 ca nhiễm, trong đó 512.371 ca tử vong. Đứng thứ 3 là Brazil với 28.250.591 ca nhiễm, trong đó 644.695 ca tử vong.
Ở châu Á, Bộ Y tế Thái Lan đã nâng cảnh báo dịch COVID-19 lên cấp độ 4, ngay sát mức cao nhất, sau khi các ca nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 tăng mạnh trên toàn quốc. Theo cảnh báo mới, người dân được khuyến khích làm việc tại nhà, tránh việc đi lại liên tỉnh không cần thiết, tạm dừng các chuyến đi nước ngoài, đóng cửa các địa điểm có nguy cơ và tránh tụ tập đông người.
Bộ Y tế Thái Lan đã nâng cảnh báo dịch bệnh lên cấp độ 4 ở một số tỉnh vùng đỏ vào đầu tháng trước, khi tình hình ít nghiêm trọng hơn hiện nay. Với thông báo mới nhất, cảnh báo cấp độ 4 sẽ được áp dụng cho tất cả các tỉnh, thành trên toàn quốc. Ngày 22/2, Thái Lan ghi nhận thêm 18.363 ca mắc COVID-19 cùng 35 ca tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 2.749.561 ca, trong đó có 22.691 ca tử vong.
Trong khi đó, Lào ghi nhận số ca mắc mới thấp nhất trong nhiều tháng. Bộ Y tế Lào cho biết nước này ghi nhận 140 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 141.441 ca, trong đó 613 ca tử vong. Mặc dù số ca mắc mới giảm xuống mức thấp, giới chức y tế Lào vẫn tỏ ra thận trọng và kêu gọi người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho đến khi đại dịch được kiểm soát tốt hơn nữa.
Video đang HOT
Trung tâm Xét nghiệm và Dịch tễ học Quốc gia Lào cho biết để giảm thiểu số ca nhiễm mới do các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây ra, người dân vẫn cần đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn thường xuyên, đồng thời duy trì biện pháp giãn cách phù hợp ở nơi công cộng. Bộ Y tế Lào cũng kêu gọi người dân đi tiêm đủ liều cơ bản vaccine ngừa COVID-19 và tiêm mũi tăng cường để tăng khả năng phòng, chống bệnh; khuyến nghị người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 không nên tự ý mua thuốc điều trị mà nên nhờ sự hỗ trợ từ các bác sĩ.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bandung, Tây Java, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN
Indonesia xem xét miễn cách ly cho du khách quốc tế từ tháng 4. Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia Sandiaga Uno cho biết hiện bộ này đang rà soát và soạn thảo hướng dẫn. Nếu mọi việc suôn sẻ, du khách nhập cảnh Indonesia sẽ không phải cách ly từ tháng 4 tới. Chính phủ Indonesia sẽ căn cứ vào dữ liệu y tế và khoa học để quyết định chính sách trên, đồng thời vẫn duy trì cảnh giác về nguy cơ lây lan các biến thể của virus SARS-CoV-2.
Tại Hong Kong (Trung Quốc), Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cho biết người dân vùng lãnh thổ này phải trải qua 3 vòng xét nghiệm bắt buộc trong bối cảnh nơi đây ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 gia tăng với hàng nghìn ca/ngày trong khi các bệnh viện và khu cách ly chật kín chỗ. Tuy nhiên, chưa có thời điểm bắt đầu thực hiện quy định. Ngoài ra, các trường học và nhiều cơ sở kinh doanh như phòng tập thể dục, quán bar, thẩm mỹ viện sẽ vẫn phải đóng cửa cho đến cuối tháng 4 trong khi các cơ sở giáo dục được trưng dụng làm các trung tâm xét nghiệm. Bên cạnh đó, chính quyền Hong Kong vẫn cấm các chuyến bay đến từ 9 nước, trong đó có Anh và Mỹ.
Số ca mắc mới COVID-19 tại Hàn Quốc đã tăng trở lại mức gần 100.000 ca, trong bối cảnh có nhiều quan ngại số ca mắc có thể gia tăng hơn nữa do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron trên toàn quốc. Ngày 22/2, Hàn Quốc ghi nhận 99.573 ca mắc mới, trong đó có 99.444 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc tại Hàn Quốc lên 2.157.734 ca.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Nhật Bản đã ghi nhận số ca tử vong trong một ngày cao nhất từ trước đến nay với 319 ca thông báo ngày 22/2. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới lại giảm so với một tuần trước đó với 69.525 ca nhiễm mới. Hiện 31 trong tổng số 47 tỉnh ở Nhật Bản, trong đó có Tokyo, vẫn áp dụng các biện pháp gần như khẩn cấp vì dịch bệnh COVID-19 cho đến ngày 6/3 tới.
Tại châu Âu, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí mở cửa biên giới cho các du khách đến từ ngoài khối đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt, đồng thời nới lỏng hạn chế đối với những du khách tiêm các vaccine của Ấn Độ và Trung Quốc. Quy định này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/3. Theo đó, những hạn chế sẽ được dỡ bỏ đối với du khách tiêm mũi vaccine cuối cùng của các mũi vaccine cơ bản ít nhất 14 ngày và không quá 270 ngày trước khi nhập cảnh vào các nước EU. Những du khách đã tiêm mũi vaccine tăng cường cũng sẽ được phép nhập cảnh vào EU.
Thế giới đã ghi nhận trên 414,7 triệu ca mắc COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 15/2 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới ghi nhận tổng cộng 414.744.104 ca mắc COVID-19 và 5.847.971 ca tử vong.
Số ca hồi phục là 336.763.047 ca.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở bang Miami, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 79.520.665 ca mắc và 946.180 ca tử vong. Sau Mỹ là Ấn Độ với 42.692.943 ca mắc và 509.388 ca tử vong, Brazil với 27.541.131 ca mắc và 638.913 ca tử vong, Pháp với 21.735.302 ca mắc và 135.189 ca tử vong.
Tại Mỹ, chính quyền thành phố New York thông báo đã sa thải 1.430 nhân viên chính phủ do không tuân thủ quy định bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19. Trong số này, có tới 914 nhân viên thuộc Bộ Giáo dục, 36 cảnh sát và 25 lính cứu hỏa.
Theo Thị trưởng thành phố, Eric Adams, các nhân viên nhà nước là những người làm việc ở tuyến đầu chống đại dịch COVID-19. Do đó, tiêm vaccine là cách chứng tỏ họ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ để bảo vệ bản thân và người dân. Tại New York có 13.044 viên chức đã nộp đơn xin miễn tiêm vaccine vì lý do sức khỏe và tôn giáo, trong đó hơn 70% số đơn đã bị từ chối và 2.118 đơn đã được tiếp nhận. Tại New York, hiện có khoảng 400.000 người lao động đang làm việc trong các cơ quan nhà nước của thành phố.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Rome, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Italy, tất cả những người lao động trên 50 tuổi, cả trong khu vực nhà nước và tư nhân, bắt buộc phải có siêu thẻ xanh, được cấp cho những người đã tiêm vaccine hoặc đã khỏi COVID-19, mới được đến nơi làm việc. Theo quy định tiêm chủng bắt buộc mới, được áp dụng cho tất cả người dân trên 50 tuổi tại Italy, bao gồm cả công dân nước ngoài, lao động tự do và người thất nghiệp, những người lao động chưa tiêm vaccine sẽ bị đình chỉ công tác mà không được trả lương, còn những người đi làm mà không có siêu thẻ xanh có nguy cơ bị phạt từ 600 - 1.500 euro (680 - 1.701 USD). Những người sử dụng lao động cũng có nguy cơ bị phạt 400 - 1.000 euro nếu vi phạm các quy định mới này.
Ngoài những người trên 50 tuổi, từ ngày 15/2, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cũng trở thành quy định bắt buộc tại Italy đối với nhân viên các trường đại học và những người làm việc trong các học viện đào tạo âm nhạc, nghệ thuật và khiêu vũ. Người lao động dưới 50 tuổi vẫn chỉ cần thẻ xanh, được cấp cho những người có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, để được đến nơi làm việc.
Trong khi đó, Kuwait nới lỏng các biện pháp hạn chế, cho phép tổ chức các sự kiện đông người như mít tinh, hội nghị, hội thảo, đám cưới, hòa nhạc kể từ ngày 20/2 tới, kể cả trong nhà hay ngoài trời. Tuy nhiên, các sự kiện trên vẫn phải tuân thủ các quy định về y tế. Những người chưa tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 phải có xét nghiệm PCR âm tính khi tham gia các sự kiện trong nhà như trung tâm thương mại, hòa nhạc, rạp chiếu phim, trừ những người dưới 16 tuổi.
Liên quan đến hạn chế đi lại, Chính phủ Kuwait cũng bãi bỏ yêu cầu phải có xét nghiệm PCR trước và sau khi đặt chân xuống sân bay đối với những công dân nước này đã tiêm đủ liều cơ bản, đồng thời hủy bỏ quy định cách ly tại nhà sau khi nhập cảnh. Tuy nhiên, những người chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đầy đủ chỉ được giảm một phần quy định, tùy trường hợp.
Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Trung Quốc, chính quyền thành phố Tô Châu - trung tâm công nghiệp công nghệ cao ở miền Đông nước này, đã hạn chế việc tiếp cận một số tuyến đường cao tốc, sau khi phát hiện các ca mắc mới COVID-19. Tô Châu đã tạm ngừng hoạt động của một số dịch vụ xe buýt đường dài, đóng cửa một số tòa nhà liên quan và khuyến cáo người dân không nên rời nơi ở trong trường hợp không cấp thiết. Thành phố này đã đóng cửa lối vào 15 cao tốc và yêu cầu cả tài xế lẫn hành khách di chuyển qua những tuyến đường còn lại phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN
Còn chính quyền thành phố Phnom Penh của Campuchia đã tính đến phương án ngừng tạm thời hoạt động trong một số ngành, cơ sở kinh doanh có nguy cơ lây nhiễm cao do thành phố này là địa phương có số ca nhiễm biến thể Omicron cao nhất. Các ca nhiễm biến thể Omicron tại Campuchia đã tăng gấp 4 lần trong tuần qua, gây sức ép nặng nề đối với công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Các chuyên gia y tế Campuchia lo ngại tình trạng số ca nhiễm biến thể Omicron tiếp tục tăng do người dân không thực hiện nghiêm các biện pháp y tế sẽ gây ảnh hưởng đến toàn bộ kế hoạch phục hồi của nước này.
COVID-19 tới 6h sáng 13/2: Mỹ hoãn tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi; Ca mắc mới ở Hàn Quốc cao kỷ lục Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,8 triệu ca ca mắc COVID-19 và trên 7.100 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 410,5 triệu ca, trong đó trên 5,82 triệu ca tử vong. Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở Moskva, Nga. Ảnh:...