Thế giới đã ghi nhận trên 347 triệu ca mắc COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 22/1 (giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng trên 347 triệu ca mắc COVID-19 và 5,6 triệu ca tử vong.
Số ca hồi phục là 276,9 triệu ca.
Hình ảnh từ kính hiển vi do Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ cung cấp cho thấy virus SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân mắc COVID-19 ở Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Cơ quan An ninh y tế Anh (UKHSA) cho biết đang theo dõi một dòng phụ của biến thể Omicron là BA.2, được cho là có khả năng phát triển nhanh hơn so với dòng Omicron ban đầu là BA.1. Theo UKHSA, đến nay 40 quốc gia đã báo cáo ca nhiễm BA.2, trong đó nhiều nhất ở Đan Mạch, tiếp theo là Ấn Độ, Anh, Thụy Điển và Singapore. Ở Đan Mạch, BA.2 đã phát triển nhanh chóng, chiếm 20% tổng số ca COVID-19 trong tuần cuối cùng của năm 2021, sau đó tăng lên 45% vào tuần thứ hai của năm 2022. Tuy nhiên, phân tích ban đầu do Viện Huyết thanh Statens (SSI) của Đan Mạch thực hiện cho thấy không có sự khác biệt về tỷ lệ nhập viện vì BA.2 so với BA.1.
Nhà dịch tễ học người Mỹ Eric Feigl-Ding cho biết các biến chủng mới vẫn tiếp tục xuất hiện, nhưng không có nghĩa chúng sẽ trở nên nguy hiểm hơn. Mức độ nguy hiểm của biến chủng mới sẽ được xác định sau khi các nhà khoa học tiến hành tìm hiểu thêm về cách thức hoạt động của nó.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN
Về tình hình dịch bệnh COVID-19, biến thể Omicron vẫn đang gây ra các làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng trên thế giới, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á. Ngày 22/1, Bộ Y tế Singapore thông báo ca mắc COVID-19 đầu tiên tử vong do biến thể Omicron. Trường hợp này là một cụ bà 92 tuổi, tử vong vào ngày 20/1, sau 10 ngày bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Được biết, cụ bà này chưa tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 và không có tiền sử bệnh tật.
Video đang HOT
Indonesia cùng ngày ghi nhận hai trường hợp tử vong do biến thể Omicron, trong đó 1 trường hợp là người nước ngoài và 1 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi cho biết cả hai trường hợp đều được điều trị tại bệnh viện với các triệu chứng nghiêm trọng. Bà Siti yêu cầu người dân nâng cao ý thức phòng dịch như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, tránh tụ tập đông người và hạn chế đi lại trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tăng cao trở lại những tuần qua. Tính đến chiều ngày 22/1, Indonesia ghi nhận thêm 1.161 ca nhiễm biến thể Omicron từ khi xuất hiện ca nhiễm đầu tiên ngày 15/12/2021.
Tại Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), cơ quan y tế cảnh báo nguy cơ xảy ra một đợt bùng phát dịch lớn khi số ca mắc và nghi ngờ mắc COVID-19 đang tăng lên từng ngày. Hong Kong đã phong tỏa một tòa chung cư, với 3.000 người, trong 5 ngày. Trước đó, Hong Kong đã tiêu hủy theo hình thức nhân đạo đối với hàng nghìn con chuột hamster sau khi có nhiều mẫu cho kết quả dương tính với virus SASR-CoV-2.
Hiện Hong Kong vẫn duy trì chiến lược “Zero-COVID”, tiến hành phong tỏa, truy vết và xét nghiệm ngay khi phát hiện ca mắc mới. Các trường học, phòng tập thể dục tạm thời đóng cửa; nhà hàng đóng cửa từ 18h cho đến sau Tết Nguyên đán. Nhiều chuyến bay đến và đi từ Hong Kong bị hủy hoặc gián đoạn nghiêm trọng. Theo giới chức Hong Kong, đặc khu này khó có khả năng nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội sau Tết Nguyên đán.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 21/1/2022. Ảnh:THX/TTXVN
Tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng cao kỷ lục trong ngày thứ 4 liên tiếp, với 11.227 ca trong ngày 22/1. So với trước đó một tuần, số ca mắc mới tại thành phố này tăng gần gấp 2,5 lần và cao hơn nhiều so với mức 9.699 ca ghi nhận trước đó một ngày. Ngoài ra, thêm 3 ca tử vong vì COVID-19 và 12 ca chuyển nặng. Do tình hình dịch diễn biến phức tạp, ngày 20/1, chính quyền thành phố Tokyo đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại và hoạt động kinh doanh đến ngày 13/2. Cùng với Tokyo, nhiều khu vực khác tại Nhật Bản đang chật vật dối phó với làn sóng dịch thứ 6. Tính đến ngày 22/1, tổng số ca mắc COVID-19 tại Nhật Bản đã vượt 2,07 triệu ca.
Trong khi đó, ngày 22/1, Nga thông báo 57.212 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, vượt mức cao kỷ lục trước đó là 49.513 ca ghi nhận cách đây một ngày, do sự lây lan biến thể Omicron. Theo lực lượng chuyên trách chống dịch COVID-19 của Chính phủ Nga, số ca tử vong trong 24 giờ qua là 681 ca. Như vậy, đến nay nước này có hơn 10,8 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 318.000 ca tử vong – mức tử vong cao nhất tại châu Âu.
Số ca mắc mới COVID-19 trên toàn nước Nga tăng mạnh trong những ngày gần đây do sự lây lan nhanh của biến thể Omicron. Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo nước này có 2 tuần để chuẩn bị cho sự gia tăng mạnh số ca mắc COVID-19 và kêu gọi tăng cường xét nghiệm và đẩy nhanh hơn nữa các chiến dịch tiêm chủng. Cho dù có sẵn 4 loại vaccine, nhiều người dân Nga vẫn chủ quan không muốn tiêm vaccine và mới chỉ có gần 50% dân số Nga tiêm đủ liều cơ bản vaccine.
Thế giới đã ghi nhận trên 340,1 triệu ca mắc COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 20/1 (giờ Việt Nam), trên thế giới ghi nhận tổng cộng 340.120.476 ca mắc COVID-19 và 5.586.044 ca tử vong.
Số ca hồi phục là 273.396.004 ca.
Chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tới bệnh viện ở New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 trên thế giới với 69.808.350 ca mắc và 880.976 ca tử vong. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố số liệu cập nhật cho thấy trên toàn nước Mỹ hiện ghi nhận trung bình 755.000 ca mắc và gần 1.700 ca tử vong mỗi ngày trong một tuần qua, tăng đáng kể so với một tuần trước đó. Số ca mắc mới COVID-19 tại Mỹ đã tăng vọt kể từ giữa tháng 12/2021 do biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh.
Trên toàn châu Mỹ nói chung, số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng mạnh và lập mốc cao kỷ lục mới với 7,2 triệu ca và trên 15.000 ca tử vong trong tuần qua. Phát biểu họp báo ngày 19/1, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne cảnh báo dịch bệnh đang lây lan mạnh hơn bao giờ hết. Bắc Mỹ, Mỹ và Canada tiếp tục chứng kiến tình trạng gia tăng số ca nhập viện, trong khi khu vực Caribe ghi nhận số ca mắc mới tăng mạnh nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Tại Nam Mỹ, Brazil, Mexico và Chile đều ghi nhận các ca mắc mới cao kỷ lục trong ngày 19/1, lần lượt ở mức 204.854 ca, 60.552 ca và 9.509 ca.
Tại châu Âu, Thụy Điển và Ba Lan ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 theo ngày cao nhất từ đầu dịch với 39.938 ca và 30.586 ca. Tại Pháp, ngày 19/1 là ngày thứ hai liên tiếp Pháp ghi nhận hơn 400.000 ca mắc mới, đẩy số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày qua tại nước này lên mức cao chưa từng có kể từ đầu dịch, với hơn 320.000 ca/ngày.
Trong khi đó, tình hình dịch tại Italy, Anh và Tây Ban Nha ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Bộ Y tế Italy thông báo 192.320 ca mắc mới và 380 ca tử vong vì COVID-19 trong ngày 19/1, giảm lần lượt so với các mức 228.179 ca và 434 ca trong ngày 18/1. Tại Tây Ban Nha, tỷ lệ mắc COVID-19 đã giảm trong ngày thứ hai liên tiếp sau 11 tuần liên tục tăng lên các mốc cao kỷ lục. Cùng ngày, Anh cũng ghi nhận 108.069 ca mắc mới. Như vậy, tổng số ca mắc trung bình trong 7 ngày qua tại đây đã giảm 37,2% so với một tuần trước đó.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Thành phố Mandaluyong, ngoại ô Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Đông Nam Á, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Philippines. Ngày 20/1, Bộ Y tế Philippines thông báo thêm 31.173 ca mắc mới và 110 người tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca mắc và tử vong ở nước này lên lần lượt 3.324.478 ca và 53.153 ca. Giáo sư Guido David tại Đại học Philippines cho biết số ca mắc mới COVID-19 vẫn gia tăng tại một số thành phố, trong đó có những thành phố gần khu vực thủ đô Manila.
Tại Ấn Độ, 317.532 ca mắc mới COVID-19 được ghi nhận trong 24 giờ qua, mức cao nhất theo ngày trong 8 tháng qua. Số ca tử vong mới là 491 ca, gần chạm tới mức cao nhất trong tháng này. Tuy nhiên, từ đầu tháng 1, làn sóng lây nhiễm COVID-19 tại Ấn Độ nhìn chung đã qua đỉnh dịch.
Tại Hàn Quốc, số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận theo ngày đã tăng lên mức trên 6.000 ca lần đầu tiên sau 27 ngày, trong bối cảnh có nhiều quan ngại dịch bệnh sẽ bùng phát mạnh trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán do sự lây lan của biến thể Omicron. Theo thông báo ngày 20/1 của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này có thêm 6.603 ca mắc mới COVID-19, trong đó 6.357 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc lên 712.503 ca. Trước đó, số ca mắc COVID-19 ghi nhận theo ngày ở Hàn Quốc đã duy trì ở mức dưới 6.000 từ ngày 24/12/2021. Ngày 20/1, Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 28 trường hợp tử vong do COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi đại dịch ở nước này lên 6.480 trường hợp.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Tunis, Tunisia. Ảnh: THX/TTXVN
Tại khu vực Bắc Phi, nhiều quốc gia đang đối mặt với làn sóng bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 khi số ca mắc mới mỗi ngày đang tăng nhanh. Trong vòng 24 giờ qua, Tunisia ghi nhận số ca mắc mới cao nhất khu vực Bắc Phi cũng như trên toàn châu Phi, với 12.436 ca, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 804.353 ca. Ngoài ra, với thêm 12 ca tử vong không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Tunisia lên tới 25.846 ca.
Trong khi đó, Maroc lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục kể từ khi đại dịch bùng phát, với 9.355 ca và 13 ca tử vong. Tổng số ca mắc tại nước này hiện tăng lên thành 1.068.941 ca, trong đó có 15.025 ca tử vong. Các quốc gia khác trong cùng khu vực ghi nhận số ca mắc mới tăng cao sau Tunisia và Maroc gồm có Ai Cập (1.379 ca), Algeria (1.359), Libya (1.173)...
Tính đến chiều 19/1, toàn châu Phi đã ghi nhận tổng cộng 10.373.362 ca mắc COVID-19, trong đó có 9.289.674 bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh và 234.821 ca tử vong. Nam Phi vẫn là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất "Lục địa Đen", tiếp đến là Bắc Phi và Đông Phi, trong khi Trung Phi chịu ít tác động nhất.
Toàn thế giới đã vượt 332 triệu ca mắc COVID-19 Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 18/1 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 332.086.308 ca mắc COVID-19 và 5.566.031 ca tử vong. Số ca hồi phục là 269.346.703 ca. Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh...