Thế giới đã ghi nhận trên 314,4 triệu ca mắc COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 12/1 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 314.489.465 ca mắc COVID-19 và 5.523.889 ca tử vong.
Số ca hồi phục là trên 261,92 triệu ca.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện tại thành phố Melbourne, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Với tốc độ lây lan mạnh biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, nhiều nước vẫn tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 theo ngày tăng cao chưa từng có. Australia ngày 12/1 ghi nhận 17.006 ca mắc mới, vượt xa mức đỉnh 15.809 ca được ghi nhận ngày 19/11/2021. Nhật Bản ghi nhận số ca mắc theo ngày vượt mốc 13.000 ca lần đầu tiên trong 4 tháng trở lại đây, trong bối cảnh nước này đang đối phó với làn sóng dịch thứ 6 với đà lây lan nhanh ở hai thành phố lớn nhất cả nước là thủ đô Tokyo và Osaka.
Các nước châu Âu cũng ghi nhận những dấu mốc buồn khi số ca mắc mới tăng cao kỷ lục. Đức ngày 12/1 thông báo có thêm 80.430 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát gần 2 năm trước đây, trong khi giới chức Pháp cũng thông báo số ca mắc mới cao nhất trong một ngày kể từ khi đại dịch bùng phát, với 368.149 ca. Thổ Nhĩ Kỳ, Slovenia cũng ghi nhận số ca mắc COVID-19 theo ngày cao nhất từ đầu dịch đến nay. Israel, nước đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm mũi vaccine thứ tư, cũng chứng kiến số ca mắc COVID-19 theo ngày ở mức cao nhất từ trước đến nay với 43.815 ca trong ngày 12/1. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước Nga có 2 tuần để chuẩn bị đối phó với làn sóng dịch COVID-19 mới do biến thể Omicron gây ra.
Tại Mỹ, một mô hình dự báo của Đại học Washington cũng cho thấy làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 tại nước này sẽ đạt đỉnh vào tuần tới.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại San Antonio, Texas, Mỹ, ngày 9/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Tại thời điểm hiện nay, khi số ca mắc COVID-19 trên thế giới tiếp tục tăng mạnh, vaccine vẫn là vũ khí chống COVID-19 hiệu quả nhất. Theo số liệu cập nhật từ Sở Y tế New York (Mỹ), tỷ lệ mắc COVID-19 sau tiêm phòng tính theo ngày ở cư dân thành phố này đã tăng gấp hơn 7 lần trong tháng 12, nhưng vẫn thấp hơn số ca nhiễm mới ở những người chưa tiêm. Thống kê cho thấy, số ca nhiễm mới trên 100.000 người đã tiêm phòng tăng 29,8% trong tuần đầu tiên của tháng 1, lên 222,3 ca vào tuần trước. Trong cùng thời gian này, tỷ lệ số ca nhiễm mới trên 100.000 người trưởng thành chưa tiêm tăng mạnh từ mức 239,6 ca lên 1.583,1 ca.Số liệu cũng cho thấy hiệu quả của vaccine trong việc ngăn bệnh trở nặng vẫn khá cao, chỉ 4,59 trên 100.000 người đã tiêm đầy đủ phải nhập viện trong tuần kết thúc vào ngày 27/12. Dù con số này tăng trong tháng 12, nhưng tỷ lệ nhập viện của cư dân New York chưa tiêm phòng cao gấp gần 13 lần.
Hiện nhiều nước đang tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19. Ngày 12/1, Indonesia đã triển khai chương trình tiêm đại trà mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19, trong bối cảnh quốc gia có dân số lớn thứ 4 trên thế giới này ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao nhất trong gần 3 tháng qua do biến thể Omicron lây lan nhanh. Trong khuôn khổ chương trình được thực hiện tại các trung tâm y tế địa phương trên cả nước, những công dân cao tuổi và các trường hợp suy giảm miễn dịch sẽ được ưu tiên tiêm trước. Chính phủ Colombia cũng thông báo quyết định sẽ tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho người trên 18 tuổi khoảng 4 tháng sau các mũi cơ bản, rút ngắn so với thời gian chờ quy định hiện nay là 6 tháng.
Video đang HOT
Nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, Mỹ và Canada đang cân nhắc các biện pháp đối với người không tiêm chủng để đảm bảo sức khỏe cộng đồng và hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết các cơ quan công quyền liên bang cần đưa ra quy định bắt buộc tiến hành xét nghiệm tối thiểu 1 lần/tuần đối với các nhân viên chính phủ làm việc tại các khu vực hoặc có sự tiếp xúc gần gũi với công chúng mà chưa tiêm vaccine. Quy định này không có hiệu lực với những nhân viên làm việc từ xa. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn các cơ quan chính phủ sẽ triển khai thực hiện quy định này từ ngày 15/2.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Toronto, Canada. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Canada, chính quyền tỉnh Quebec – địa phương đông dân thứ 2 của Canada, đang xây dựng kế hoạch tiến tới buộc người trưởng thành từ chối tiêm chủng vì những lý do không chính đáng, phải nộp một khoản tiền được xem như “thuế y tế”. Ngoài việc xây dựng biểu phí, tỉnh bang này đang xem xét hành động pháp lý đối với những người từ chối tiêm chủng mà không có lý do chính đáng. Người đứng đầu tỉnh Quebec khẳng định vaccine là “vũ khí” chủ chốt chống lại virus gây bệnh COVID-19.
Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cho rằng sự lây lan nhanh của biến thể Omicron có thể khiến COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu mà con người có thể sống chung. Người phụ trách chiến lược vaccine của EMA Marco Cavaleri nhận định với số ca lây nhiễm trong cộng đồng ngày một gia tăng và sự xuất hiện của biến thể Omicron, miễn dịch tự nhiên cùng với sự miễn dịch do vaccine tạo ra, sẽ giúp thế giới tiến nhanh hơn tới kịch bản COVID-19 là bệnh đặc hữu.
Thế giới ghi nhận trên 306,2 triệu ca mắc, 5,5 triệu ca tử vong do COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 21h30 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng trên 306,26 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có trên 5,5 triệu ca tử vong.
Số ca hồi phục là 259,09 triệu ca.
Mỹ và châu Âu là hai khu vực đang chứng kiến số ca mắc COVID-19 mới tăng vọt do sự lây lan của biến thể Omicron. Số ca nhiễm mới hằng ngày tại 2 khu vực này chiếm gần 64% trong tổng số hơn 2,2 triệu ca nhiễm mới trên toàn thế giới Tuy nhiên, diễn biến trong 2 ngày qua cho thấy dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng tại châu Á.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 5/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Ấn Độ, quốc gia chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 thứ 2 thế giới sau Mỹ, nước này thông báo ghi nhận 159.632 ca nhiễm, tăng gấp 5 lần kể từ đầu Năm mới. Hiện Omicron đang lây lan với tốc độ chưa từng thấy tại nước này, và có 27 bang của Ấn Độ đã ghi nhận ca nhiễm biến thể này.
Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, giới chức nhiều bang như Delhi, Uttar Pradesh, Punjab, Tamil Nadu, West Bengal và Karnataka đã siết chặt các biện pháp phòng dịch như giới nghiêm ban đêm hoặc hạn chế số lượng người tập trung tại các sự kiện, đóng cửa các trung tâm thương mại và các khu vực giải trí.
Khu vực Đông Nam Á cũng đang cảnh giác cao độ trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Philippines tiếp tục ghi nhận số ca mắc COVID-19 ở mức cao mới với 28.707 ca sau con số kỷ lục 26.458 ca mắc mới một ngày trước đó.
Theo Bộ Y tế Philippines (DOH), tỷ lệ số ca dương tính với COVID-19 trên tổng số người tiến hành xét nghiệm cũng đã tăng lên mức cao kỷ lục 44%. Kể từ đầu dịch đến nay, quốc gia Đông Nam Á này đã có tổng cộng 2.965.447 ca nhiễm, bao gồm 52.150 bệnh nhân không qua khỏi.
Vùng thủ đô Manila và các tỉnh phụ cận có số ca mắc mới và bệnh nhân COVID-19 tập trung đông nhất. Nhiều cơ quan nhà nước và văn phòng tư nhân phải ngừng hoạt động do có nhiều nhân viên xét nghiệm dương tính. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chính phủ Philippines đã chỉ đạo các bệnh viện tại vùng thủ đô Manila và khu vực lân cận tăng số giường bệnh và đảm bảo có sẵn các cơ sở điều trị tạm thời trong trường hợp bệnh nhân COVID-19 nhập viện điều trị tăng đột biến.
Tại Thái Lan, Chính phủ nước này cũng đã ban hành lệnh cho tất cả các cơ sở y tế của nhà nước chuẩn bị nhân viên để đáp ứng sự gia tăng số lượng bệnh nhân mới có thể cần điều trị nội trú. Những bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ sẽ được cách ly tại nhà hoặc trong cộng đồng với sự hỗ trợ của Cơ quan Bảo hiểm Y tế Quốc gia (NHSO) thông qua chương trình cách ly tại nhà và tại cộng đồng dành cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Hiện một số tỉnh ở Thái Lan đã bắt đầu tăng cường các biện pháp ngăn chặn COVID-19. Tại thủ đô Bangkok, chính quyền thành phố ngày 9/1 mở 41 trung tâm cách ly với tổng công suất có thể đáp ứng 5.158 bệnh nhân. Bangkok còn thiết lập 4 bệnh viện dã chiến cấp thành phố cùng 7 bệnh viện dã chiến cấp quận với tổng số 4.974 giường bệnh. Trong trường hợp xấu nhất khi các ca mắc mới gia tăng nhanh chóng, sẽ có các đội y tế lưu động cho lo cho bệnh nhân cách ly tại nhà.
Tỉnh Khon Kaen đã thành lập thêm 3 bệnh viện dã chiến và cấm bán đồ uống có cồn tại tất các huyện. Tại Ubon Ratchathani, tỉnh trưởng Phongrat Phiromrat đã đề nghị người dân hợp tác tránh ra khỏi nhà từ 11h đêm đến 4h sáng hôm sau và ra lệnh phong tỏa tại 5 ngôi làng ở các huyện Nam Khun và Na Yia trong 14 ngày sau khi các ca nhiễm COVID-19 gia tăng mạnh ở đó.
Cảnh sát và các quan chức đô thị ở thành phố Pattaya tại tỉnh Chon Buri đã bắt đầu tuần tra buổi tối để đảm bảo các quán ăn đêm và nhà hàng tuân theo các biện pháp kiểm soát COVID-19. Ngoài ra, lực lượng không quân Thái Lan đã mở một bệnh viện dã chiến ở khu vực sân bay Don Muang với 150 giường bệnh.
Thái Lan sáng 9/1 ghi nhận thêm 8.511 ca mắc mới COVID-19 cùng 12 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch lên 2.269.550 ca, trong đó có 21.825 người không qua khỏi.
Bộ Y tế Campuchia thông báo phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên trong cộng đồng tại nước này. Bệnh nhân nam, 23 tuổi, sinh sống tại phường Tuol Sangke, quận Russey Keo, thủ đô Phnom Penh. Bệnh nhân có lịch trình di chuyển phức tạp tại thủ đô và nhiều tỉnh như Siem Reap, Kompong Thom và Kampot trong thời gian từ 29/12/2021 đến 5/1/2022.
Còn tại Trung Quốc, ngày 9/1, nước này bắt đầu kế hoạch xét nghiệm 14 triệu dân thành phố Thiên Tân, gần thủ đô Bắc Kinh, sau khi phát hiện 20 ca nhiễm mới COVID-19, trong đó có 2 ca cộng đồng đầu tiên nhiễm biến thể Omicron. Ủy ban Giao thông vận tải thành phố Thiên Tân đã ban hành lệnh cấm các dịch vụ xe buýt liên tỉnh từ ngày 9/1.
Giới chức y tế lo ngại tình hình dịch bệnh ở Thiên Tân có thể gây rủi ro tới thủ đô Bắc Kinh do 2 thành phố nằm gần nhau và có lượng người di chuyển qua lại đông đúc. Ngoài ra, dịch bệnh lây lan cũng có thể đe dọa tới Thế vận hội mùa Đông 2022 dự kiến khai mạc ngày 4/2 tới ở thủ đô Bắc Kinh.
Trung Quốc đại lục thông báo ghi nhận 165 ca nhiễm COVID, tăng so với 159 ca ghi nhận ngày hôm trước. Trong 165 ca có 92 ca là lây nhiễm cộng đồng.
Tại châu Đại dương, giới chức y tế Australia cảnh báo trong những ngày tới sẽ có thêm nhiều ca mắc COVID-19, yêu cầu các gia đình chuẩn bị sẵn thuốc paracetamol cho việc điều trị tại nhà.
Australia cho biết số ca mắc mới COVID-19 trên hầu hết các địa phương ở Australia trong tuần qua tăng cao, tuy nhiên tình hình dịch bệnh ít nghiêm trọng hơn nhiều so với các đợt bùng phát trước do chủng Omicron gây bệnh nhẹ hơn. Cảnh báo trên được đưa ra sau khi hai bang đông dân nhất ở Australia là New South Wales và Victoria lần lượt ghi nhận thêm 30.062 ca và 44.155 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, giảm so với một ngày trước đó.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc ngày 9/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Khi nỗi lo do biến thể Omicron vẫn chưa qua đi, một biến thể mới của virus corona lại xuất hiện và vừa được xác nhận tại Cyprus. Biến thể mới có tên gọi Deltacron được xác định không đáng quan ngại. Sở dĩ biến thể có tên gọi này là do có chung nền tảng di truyền của biến thể Delta cùng với một số đột biến của Omicron.
CH Cyprus hiện đang trải qua làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ năm, với số ca mắc mới tăng vọt lên khoảng 5.500 ca/ngày. Báo cáo giám sát quốc gia Cyprus về dịch COVID-19 được công bố mới đây cho thấy độ tuổi trung bình của những người bị mắc COVID-19 là 28 tuổi, phản ánh tốc độ lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 trong giới trẻ.
WHO: Số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu giảm mạnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 6/1 cho biết số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu tăng sốc tới 71% trong tuần vừa qua so với tuần trước đó, nhưng số ca tử vong mới do dịch bệnh này giảm 10%. Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở ngoại ô Siliguri, Ấn Độ....