Thế giới đã ghi nhận trên 112,3 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 23/2, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 112.360.167 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 2.487.501 người đã tử vong.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế ở Houston, Texas, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Mỹ chiếm 1/4 số ca nhiễm (28.827.404 ca) và gần 1/5 số ca tử vong (512.595 ca). Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm, hiện đã lên tới trên 11 triệu ca, trong khi Brazil đứng thứ ba với trên 10 triệu ca. Tuy nhiên, số ca tử vong tại Brazil (247.276 ca) cao hơn nhiều tại Ấn Độ (156.498 ca).
Châu Âu hiện là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, với trên 33,3 triệu ca nhiễm và gần 800.000 ca tử vong. Trong khu vực này, Nga có số ca nhiễm cao nhất (4.189.150 ca). Anh ghi nhận số ca nhiễm tương đương Nga (4.126.150 ca) nhưng số ca tử vong cao hơn nhiều (120.757 ca) so với ở Nga là 84.047 ca. Pháp và Tây Ban Nha đều đã có trên 3,1 triệu ca nhiễm. Italy có số ca nhiễm thấp hơn (2,8 triệu ca) nhưng là nước ghi nhận số ca tử vong cao thứ hai châu lục với 95.992 ca.
Tại Pháp, số bệnh nhân mắc COVID-19 phải điều trị trong khu chăm sóc đặc biệt đã tăng lên 3.407 người, lần đầu tiên kể từ ngày 3/12/2020, con số này vượt quá 3.400 người. Trong khi đó, số ca nhiễm mới theo ngày trung bình trong một tuần lại tăng lên mức cao nhất trong 17 ngày qua.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran c ảnh báo dịch bệnh có xu hướng diễn biến tồi tệ hơn trong những ngày gần đây. Đặc biệt, ngày 23/2, tình trạng y tế tại thành phố Dunkirk đã xấu đi nghiêm trọng khiến Chính phủ Pháp phải cân nhắc áp dụng các biện pháp bổ sung để hạn chế tốc độ lây lan của virus. Trong khi đó, vùng Alpes-Maritimes, gần thành phố Nice ở miền Nam nước Pháp, đã thông báo lệnh phong tỏa một phần trong 2 cuối tuần tới tại khu vực ven biển giữa Menton và Theoule.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Prague, CH Séc. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại CH Séc, Thứ trưởng Bộ Y tế Vladimir Cerny cảnh báo các khu chăm sóc đặc biệt của nước này sắp trở nên quá tải trong khi số ca nhiễm tiếp tục tăng mạnh trong khi thiếu đội ngũ nhân viên y tế có năng lực ngay ở tuyến đầu. Theo quan chức này, Séc hiện không thể duy trì các tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe và dịch vụ điều trị các bệnh ngoài COVID-19 bị ảnh hưởng.
Ngày 23/2, Séc ghi nhận hơn 1.300 bệnh nhân phải điều trị trong các khu chăm sóc đặc biệt, trong đó có 660 người đang phải thở máy. Séc là nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ lây nhiễm trên 100.000 dân trong 14 ngày qua. Kể từ đại dịch bùng phát, quốc gia 10,7 triệu dân này có hơn 1,16 triệu ca mắc và hơn 19.500 ca tử vong.
So với châu Âu, khu vực Bắc Mỹ cũng ghi nhận số ca nhiễm gần tương đương (33.051.293 ca). Trong khi đó, khu vực Nam Mỹ ghi nhận 17.481.247 ca nhiễm và 455.439 ca tử vong. Các nước Mexico, Colombia và Argentina đã ghi nhận trên 2 triệu ca nhiễm. Peru trên 1,2 triệu ca trong khi Canada và Chile trên 800.000 ca nhiễm.
Châu Á hiện đã có trên 24,6 triệu ca nhiễm và 392.937 ca tử vong vì COVID-19. Ngày 23/2, thủ đô của Campuchia phong tỏa 47 địa điểm liên quan đến “sự kiện cộng đồng ngày 20/2″ trong khi tất cả các bảo tàng, rạp chiếu phim và nhà hát tại Phnom Penh và tỉnh Kandal được yêu cầu đóng cửa trong 2 tuần để ngăn chặn dịch.
Video đang HOT
Bộ Y tế Campuchia cho biết các nghiên cứu cho thấy tình hình lây nhiễm trong cộng đồng hiện nay tại nước này nguy hiểm và diễn biến phức tạp hơn so với “sự kiện cộng đồng ngày 28/11 năm ngoái”.
Trước diễn biến xấu của đợt bùng phát dịch trong cộng đồng lần thứ ba, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã quyết định áp dụng các biện pháp mạnh tay với người nước ngoài vi phạm quy định phòng chống dịch của nước này. Khách nước ngoài có thể bị trục xuất và cấm trở lại Campuchia nếu trốn cách ly, xét nghiệm hoặc không phối hợp với nhà chức trách trong việc truy vết để ngăn chặn dịch bệnh.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, Thủ tướng Chung Sye-kyun tuyên bố những tập thể, cá nhân vi phạm các quy định về giãn cách xã hội sẽ không được nhận hỗ trợ khẩn cấp bằng tiền mặt trong thời gian tới. Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc liên tục ghi nhận báo cáo vi phạm các quy định về giãn cách xã hội của các cửa hàng, nhà hàng và doanh nghiệp trên toàn quốc.
Trước đó, chính phủ và đảng Dân chủ cầm quyền Hàn Quốc đã nhất trí phân bổ ngân sách bổ sung đầu tiên trong năm 2021 để hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là những đơn vị kinh doanh tự do và chủ các cửa hàng bán lẻ đang gặp khó khăn vì dịch COVID-19. Thời gian dự kiến cấp tiền hỗ trợ sẽ bắt đầu sớm nhất là vào tháng 3 tới.
Liên quan đến vaccine, ngày 23/2, một quan chức cấp cao Philippines cho biết nước này sẽ cho phép hàng nghìn nhân viên y tế, chủ yếu là các y tá, sang Anh và Đức làm việc nếu hai nước châu Âu nhất trí quyên góp vaccine ngừa COVID-19 cho Philippines – một trong số những nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất tại châu Á. Philippines đã nới lỏng lệnh cấm xuất cảnh đối với các nhân viên y tế, nhưng vẫn hạn chế số chuyên gia y tế rời nước này ở mức 5.000 người/năm.
Cục trưởng Cục Các vấn đề quốc tế thuộc Bộ Lao động Philippines, bà Alice Visperas cho biết nước này đang để ngỏ khả năng dỡ bỏ hạn chế đó để đổi lấy vaccine của Anh và Đức. Số vaccine này sẽ được dùng để tiêm cho các lao động nước ngoài và hàng trăm nghìn người Philippines hồi hương.
Vaccine phòng COVID-19 do hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển. Ảnh:THX/TTXVN
Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo sẽ ngừng tài trợ vaccine cho Liban sau khi xuất hiện thông tin rằng một số nghị sĩ nước này sẽ được tiêm tại nghị viện. Bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh người dân và các bác sĩ ngày càng thất vọng vì tiến độ tiêm phòng diễn ra chậm chạp và có thể có những vi phạm quyền ưu tiên tiêm phòng.
Cùng ngày, hai cuộc nghiên cứu riêng rẽ ở vùng England và Scotland cho thấy vaccine ngừa COVID-19 có hiệu quả ngay từ mũi đầu tiên trong việc chặn chuỗi lây lan và giảm số bệnh nhân nhập viện điều trị ngay từ mũi đầu tiên.
Dữ liệu nghiên cứu của Cơ quan y tế England cho thấy vaccine do Pfizer/BioNTech sản xuất giảm nguy cơ lây nhiễm tới hơn 70% ngay từ mũi đầu tiên và tới 85% sau khi tiêm mũi thứ 2. Trường hợp người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 song vẫn nhiễm virus SARS-CoV-2 đều không xuất hiện triệu chứng nặng dẫn tới nguy cơ tử vong hay cần nhập viện điều trị. Đối với những người đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện và tử vong đã giảm tới 75%.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đánh giá những số liệu báo cáo trên đã cho thấy hiệu quả của vaccine và đây là bằng chứng thuyết phục cho thấy vaccine Pfizer có hiệu quả cao trong phòng chống dịch COVID-19.
Cùng ngày, một ủy ban chuyên gia của Hàn Quốc cho biết vaccine của công ty dược phẩm Mỹ Pfizer phối hợp với BioNTech của Đức sản xuất có hiệu quả hơn 95% trong việc phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và việc sử dụng vaccine này cho người trẻ tuổi không tạo ra vấn đề nào. Đánh giá của ủy ban này là bước đầu tiên trong 3 bước đánh giá riêng rẽ và độc lập trước khi bộ đưa ra quyết định cấp phép cuối cùng. Kết quả của lần đánh giá thứ hai sẽ được thông báo vào ngày 25/2 tới và lần cuối cùng sẽ vào ngày 26/2.
Liên quan đến các phản ứng phụ sau khi tiêm phòng, Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ khuyến nghị mọi người có thể uống thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen, aspirin, antihistamines hay acetaminophen sau khi tiêm để giảm bớt khó chịu, tuy nhiên nên tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi dùng thuốc. Mặc dù vậy, CDC lưu ý không dùng thuốc giảm đau trước khi tiêm vì như vậy sẽ làm giảm phản ứng của hệ miễn dịch.
Cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đối tác đã nhất trí khởi động chương trình bồi thường cho các trường hợp gặp phản ứng phụ nghiêm trọng do tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại 92 nước nghèo trên thế giới bao gồm các nước nghèo tại châu Phi và Đông Nam Á. Chương trình là cơ chế đầu tiên và duy nhất trên quy mô toàn cầu bồi thường các trường hợp chịu ảnh hưởng của vaccine.
Chương trình dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 30/6/2022, trong đó bồi thường một cách nhanh chóng, công bằng và minh bạch cho những cá nhân gặp phản ứng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm chủng, tránh các vụ kiện pháp lý mất nhiều thời gian và tốn kém tiền bạc. Hồ sơ yêu cầu bồi thường sẽ được tiếp nhận qua cổng điện tử www.covaxclaims.com từ ngày 31/3/2021.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới ngày 4/2
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 22h ngày 4/2 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 105.015.735 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 2.281.096 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 76.754.030 người.
Chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Marseille, Pháp, ngày 2/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Cho đến nay, Mỹ có 462.022 ca tử vong trong tổng số 27.155.394 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 154.742 ca tử vong trong số 10.791.123 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 227.592 ca tử vong trong số 9.339.921 bệnh nhân...
Tại châu Âu, do đà tăng số ca lây nhiễm chưa có dấu hiệu chững lại khiến châu lục này điêu đứng vì chưa thể nới lỏng được các biện pháp phong tỏa.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson cho biết có một số "dấu hiệu hy vọng", nhưng số ca nhiễm mới theo ngày vẫn quá cao để có thể xem xét nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Theo nhà lãnh đạo Anh, mặc dù số ca nhập viện có chiều hướng giảm, Cơ quan y tế quốc gia (NHS) của Anh hiện vẫn đang chịu áp lực lớn. Theo số liệu thống kê mới nhất, với 19.202 ca trong vòng 24 giờ qua, hiện nước Anh ghi nhận tổng cộng 3.871.825 ca, trong đó có 109.335 ca tử vong. Nước Anh hiện đứng thứ 5 trên thế giới và đứng thứ hai châu Âu về số ca nhiễm.
Còn Chính phủ Cyprus đã quyết định tăng cường các biện pháp kiểm soát nhập cảnh, theo đó, tất cả những người đến nước này bằng đường hàng không phải thực hiện tự cách ly trong vòng 72 giờ và tiến hành xét nghiệm PCR trong 72 giờ sau đó. Các biện pháp trên sẽ có hiệu lực từ ngày 6/2 và sẽ áp dụng với những người đến từ những quốc gia có nguy cơ lây nhiễm thấp, được xếp vào 2 nhóm A và B.
Các quốc gia thuộc nhóm A gồm Australia, New Zealand, Singapore và Thái Lan. Các quốc gia thuộc nhóm B là Đức, Hy Lạp và Phần Lan - thành viên Liên minh châu Âu (EU), cùng với Iceland và Na Uy - thành viên khu vực tự do đi lại Schengen và các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Rwanda. Riêng những hành khách đến từ các nước nhóm B sẽ vẫn phải thực hiện xét nghiệm PCR trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay.
Trong khi đó, quy định đối với những người đến từ nhóm C có nguy cơ lây nhiễm cao không thay đổi. Theo đó, chỉ những người có mục đích đặc biệt mới được phép nhập cảnh vào Cyprus, chủ yếu là công dân nước này trở về nước. Ngay sau khi về nước, họ phải thực hiện tự cách ly 14 ngày và phải tiến hành xét nghiệm PCR trong vòng 48 giờ trước khi hết hạn cách ly. Ngoài ra, tất cả các hành khách dù khởi hành từ bất kỳ quốc gia nào đều phải đăng ký Thẻ bay Cyprus trực tuyến.
Trong khi đó, chính quyền vùng Catalonia của Tây Ban Nha đã dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế do số ca nhiễm và nhập viện tại vùng này bắt đầu thuyên giảm. Theo đó, bắt đầu từ ngày 9/2 và kéo dài trong giai đoạn đầu là 14 ngày, các quán bar và nhà hàng sẽ có thể phục vụ khách hàng bữa sáng và bữa trưa trong hơn một giờ đồng hồ trong khi thời gian còn lại trong ngày, các cửa hàng này sẽ vẫn phải yêu cầu khách hàng mang đồ ăn về.
Lệnh phong tỏa cấm người dân rời khỏi vùng này, trừ lý do làm việc hay liên quan tới sức khỏe, sẽ được nới lỏng. Trong khi đó, các phòng tập thể dục đã bị đóng cửa trong 1 tháng qua, sẽ được phép mở cửa với công suất hoạt động là 30%... Trong khi đó, nhiều biện pháp hạn chế khác được áp đặt từ hồi đầu tháng 1 tại Catalonia sẽ vẫn có hiệu lực do vùng này chịu tác động của dịch bệnh lớn thứ hai tại Tây Ban Nha. Cụ thể, nhiều cửa hàng lớn và trung tâm mua sắm sẽ vẫn đóng cửa trong khi phần lớn các cửa hàng nhỏ bán đồ không thiết yếu chỉ được phép mở cửa từ ngày thứ Hai đến thứ Sáu. Lệnh giới nghiêm từ 22h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau vẫn có hiệu lực. Số ca nhiễm trung bình trên 100.000 người ở vùng Catalonia đã giảm xuống 494 ca vào ngày 3/2, giảm so với 589 ca của một tuần trước và kỷ lục 620 ca hồi giữa tháng 1/2021.
Tại Trung Đông, Saudi Arabia đã đóng cửa các cơ sở vui chơi, giải trí, trong đó có rạp chiếu phim, đồng thời cấm các nhà hàng phục vụ khách ăn tại chỗ trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tăng cao. Cụ thể, nước này đã tạm thời cấm mọi hoạt động tổ chức sự kiện, liên hoan, đám cưới tại các phòng tiệc lớn hoặc khách sạn trong 30 ngày.
Tất cả các hoạt động vui chơi, giải trí cũng bị cấm trong 10 ngày hoặc hơn. Các biện pháp bắt đầu có hiệu lực từ 22h ngày 4/2 (giờ địa phương) nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát làn sóng lây lan dịch COVID-19 thứ hai. Nước này hiện ghi nhận gần 369.000 ca mắc COVID-19 và 6.400 ca tử vong, mức cao nhất trong số các quốc gia vùng Vịnh.
Kuwait thông báo từ ngày 7/2 sẽ cấm nhập cảnh đối với những hành khách không phải là công dân nước này trong vòng 2 tuần tới, trong bối cảnh số ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng. Theo Nội các Kuwait, những người ruột thịt trong cùng một gia đình, như bố mẹ và con cái, và những người giúp việc đi cùng sẽ được miễn lệnh cấm trên. Tuy nhiên, tất cả những người nhập cảnh đều phải cách ly. Kuwait đã ra lệnh đóng cửa các phòng tập gym và thẩm mỹ viện, đồng thời yêu cầu các cơ sở kinh doanh khác phải đóng cửa từ 20h hằng ngày, ngoại trừ các hiệu thuốc, siêu thị và các cửa hàng thực phẩm.
Tại châu Á, giới chức Hàn Quốc cho rằng làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19 ở nước này vẫn đang tiếp diễn, chưa đến giai đoạn ổn định và người dân có thể sẽ lơ là cảnh giác khi việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 được triển khai từ trung tuần tháng 2, nên không thể loại trừ khả năng bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 4 trong thời gian tới.
Trong khi đó, số ca nhiễm và tử vong ở Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan tiếp tục tăng. Cụ thể, trong 24 giờ qua, Indonesia có thêm 11.434 ca nhiễm và 231 ca tử vong; Malaysia có thêm 4.571 ca nhiễm mới, Philippines ghi nhận thêm 1.590 ca nhiễm mới và 55 ca tử vong; Thái Lan phát hiện thêm 809 ca nhiễm mới.
Về chương trình tiêm phòng COVID-19, Campuchia đã chính thức phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Sinopharm (Trung Quốc) tại quốc gia Đông Nam Á này. Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cho biết lô vaccine đầu tiên của Sinopharm do Trung Quốc viện trợ sẽ đến Campuchia vào ngày 7/2 tới. Theo nhà lãnh đạo Campuchia, vaccine này sẽ được tiêm miễn phí cho những người có nguy cơ cao bị nhiễm virus SARS-CoV-2 như nhân viên y tế, giáo viên, vệ sĩ, thành viên lực lượng vũ trang, tài xế xe tuk-tuk và taxi, người thu gom rác và một số đối tượng người khác.
Malaysia thông báo sẽ hoàn tất chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 vào tháng 2/2022, với 80% trong tổng dân số 32 triệu người được tiêm phòng. Cụ thể, trong giai đoạn đầu từ tháng 2-4/2021, Malaysia sẽ tiêm phòng cho 500.000 nhân viên làm việc ở tuyến đầu, tiếp đó khoảng 9,4 triệu người có nguy cơ cao sẽ được tiêm phòng từ tháng 4-8/2021. Trong giai đoạn 3 và giai đoạn cuối cùng kéo dài đến tháng 2/2022, sẽ có hơn 16 triệu người từ 18 tuổi trở lên được tiêm phòng.
Trước đó, Chính phủ Malaysia cho biết lô vaccine đầu tiên của Pfizer/BioNTech sẽ được chuyển tới nước này vào ngày 26/2 tới. Malaysia đã ký 2 thỏa thuận với hãng dược phẩm Pfizer để mua 25 triệu liều vaccine, ngoài các thỏa thuận mua 18,4 triệu liều các loại vaccine khác do Viện Nghiên cứu Gamaleya của Nga và công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất.
Trong khi đó, lô vaccine phòng COVID-19 Sputnik V đầu tiên của Nga ngày 4/2 đã tới Iran, quốc gia Trung Đông bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Tuy nhiên, hãng thông tấn IRNA của Iran không thông báo số lượng cụ thể của lô vaccine này.
Nga thúc đẩy sản xuất vaccine Spunik V ở nước ngoài Ngày 3/2, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga đang nỗ lực thúc đẩy việc sản xuất vaccine Sputnik V phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của nước này tại nước ngoài. Dây chuyền sản xuất vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V tại nhà máy dược phẩm ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN Trao đổi với báo giới, ông...