Thế giới chạy đua khống chế biến chủng Omicron “chưa từng có tiền lệ”
Sự xuất hiện của biến chủng Omicron mới với số lượng đột biến nhiều chưa từng thấy có thể gây ra những thách thức lớn với các quốc gia trên thế giới.
Nhiều người xếp hàng để lên chuyến bay của hãng hàng không Air France từ Johannesburg, Nam Phi đến Paris, Pháp hôm 26/11 khi WHO xác nhận biến chủng Omicron “đáng lo ngại” (Ảnh: AP).
Theo hãng tin Straits Times, nỗi sợ hãi đang bao trùm châu Âu và nhiều khu vực trên thế giới khi biến chủng Omicron mới có xu hướng lan rộng. Điều đáng lo ngại là, hiện vẫn chưa có nhiều thông tin cũng như biện pháp để ứng phó với biến chủng này.
Việc phát hiện biến chủng mới đã làm dấy lên mối lo ngại toàn cầu, thúc đẩy làn sóng cấm hoặc hạn chế đi lại và bán tháo trên thị trường tài chính trong những ngày qua, khi các nhà đầu tư lo ngại rằng Omicron có thể ngăn chặn sự phục hồi toàn cầu sau đại dịch kéo dài gần 2 năm.
Nhiều nước châu Âu liên tiếp ghi nhận các trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron. Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết 2 ca mắc Omicron được phát hiện ở Anh có liên quan đến việc đi lại đến khu vực phía nam châu Phi.
Cơ quan y tế bang Bavaria của Đức cũng công bố 2 trường hợp được xác nhận mắc biến chủng Omicron. 2 người này đã nhập cảnh vào Đức tại sân bay Munich vào ngày 24/11, trước khi Đức khoanh vùng Nam Phi là khu vực bùng dịch.
Viện Y tế Quốc gia Italy cho biết một trường hợp biến chủng mới đã được phát hiện ở Milan ở một người trở về từ Mozambique.
Cơ quan y tế Séc cũng cho biết họ đang kiểm tra một trường hợp nghi nhiễm biến chủng mới ở một người từng sống ở Namibia.
Các nhà chức trách Hà Lan cho biết 61 người trên 2 chuyến bay từ Nam Phi đến Amsterdam đã có kết quả xét nghiệm Covid-19 dương tính hôm 27/11, nhưng hiện chưa rõ họ có bị nhiễm biến chủng mới hay không.
Trước đó, Bỉ là quốc gia châu Âu đầu tiên ghi nhận ca nhiễm biến chủng mới, sau các ca nhiễm ở Botswana, Hong Kong, Israel.
Tại Mỹ, khi được hỏi liệu ông có tin rằng biến chủng Omicron đã đến Mỹ hay không, nhà dịch tễ học Anthony Fauci, giám đốc Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm, cho biết ông “sẽ không ngạc nhiên” nếu chuyện đó xảy ra.
Cho đến nay hơn 30 ca nhiễm biến chủng mới đã được ghi nhận, với 22 trường hợp được báo cáo ở Nam Phi hôm 25/11.
Video đang HOT
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Omicron dường như đang gia tăng ở tất cả các tỉnh của Nam Phi, sau khi được xác định lần đầu tiên ở tỉnh Gauteng. WHO đã xếp Omicron vào nhóm biến chủng “đáng lo ngại”, cùng nhóm với Delta – biến chủng gây ra hàng loạt ổ dịch trên khắp thế giới trong những tháng qua.
Trong khi thông tin về Omicron vẫn còn nhiều bí ẩn, các chuyên gia y tế cho rằng chủng Covid-19 mới nhất có thể cho thấy khả năng lây nhiễm cao hơn và làm cho vaccine kém hiệu quả hơn.
Sanjaya Senanayake, phó giáo sư y khoa tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết Omicron đáng lo ngại vì số lượng đột biến cao, chưa từng có tiền lệ. Nghiên cứu chỉ ra rằng nó có 32 đột biến, so với 13-17 đột biến được tìm thấy ở biến chủng Delta phổ biến hơn.
“Một số đột biến này có thể làm tăng khả năng lây nhiễm của biến chủng, trong khi những đột biến khác có thể giúp nó né tránh hệ thống miễn dịch – một sự kết hợp đáng lo ngại”, ông Senanayake nói.
Chạy đua kiểm soát nguy cơ lây nhiễm
Hành khách nước ngoài xếp hàng chờ rời khỏi sân bay ở Nam Phi (Ảnh: Reuters).
Các nước trên thế giới đang chạy đua để khống chế nguy cơ bùng phát dịch sau khi biến chủng mới xuất hiện.
Hàng loạt quốc gia, từ Mỹ, Anh, Nga cho tới Liên minh châu Âu (EU), Đông Nam Á (Malaysia, Thái Lan, Philippines, Singapore), đã siết lệnh hạn chế du khách từ các nước ở phía nam châu Phi. Oman, Kuwait, Hungary, Sri Lanka, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Iran, Brazil và Canada cũng áp dụng biện pháp tương tự. Israel ngày 27/11 thông báo cấm toàn bộ người nước ngoài nhập cảnh, trở thành nước đầu tiên đóng hoàn toàn biên giới để đối phó biến chủng Omicron.
Hàng loạt chuyến bay từ Nam Phi đã bị hủy, trong khi giá vé của những chuyến bay còn chỗ tăng chóng mặt. Nam Phi lo ngại việc hạn chế đi lại sẽ ảnh hưởng đến du lịch và các lĩnh vực khác của nền kinh tế nước này, đồng thời cho biết chính phủ Nam Phi đang làm việc với các quốc gia đã áp đặt lệnh cấm đi lại để thuyết phục họ xem xét lại.
WHO cho biết các nghiên cứu đang được tiến hành ở Nam Phi và các quốc gia khác để hiểu rõ hơn về biến chủng mới, bao gồm khả năng lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng và bất kỳ tác động nào về chẩn đoán, điều trị và sử dụng vaccine. Các nhà sản xuất vaccine Covid-19 cũng đang vào cuộc để kiểm soát biến chủng mới.
Moderna cho biết họ sẽ phát triển một mũi tiêm tăng cường cho biến chủng mới, trong khi BioNTech dự kiến sẽ có thêm dữ liệu trong 2 tuần tới để giúp xác định liệu vaccine do họ sản xuất với đối tác Pfizer có cần bào chế lại hay không. Johnson & Johnson và AstraZeneca cũng cho biết họ đang điều tra và thử nghiệm vaccine chống lại biến chủng mới.
WHO cho biết các nhà khoa học đang làm việc để tìm hiểu biến chủng mới và kêu gọi các quốc gia tăng cường các nỗ lực giám sát và giải trình tự gene, đồng thời chia sẻ thông tin. WHO nói thêm rằng các xét nghiệm chẩn đoán PCR hiện vẫn phát hiện ra biến chủng mới.
Omicron xuất hiện khi nhiều quốc gia ở châu Âu đang phải vật lộn với làn sóng Covid-19 mới. Một số nước đã áp đặt lại các biện pháp hạn chế để cố gắng ngăn dịch lây lan. Áo và Slovakia đã bắt đầu phong tỏa để kiểm soát dịch.
Thêm 2 quốc gia châu Âu phát hiện "siêu biến chủng" Omicron
Anh thông báo nước này đã ghi nhận 2 ca mắc biến chủng Omicron, trong khi Đức cũng phát hiện 2 ca nghi nhiễm chủng virus mới.
Người mua sắm chật kín trên đường phố London, Anh ngày 20/11 (Ảnh: Reuters).
"Tối qua, tôi đã được Cơ quan An ninh Y tế Anh liên lạc. Họ thông báo đã phát hiện ra 2 trường hợp mắc biến chủng mới Omicron ở Anh. Một trường hợp ở Chelmsford và một trường hợp ở Nottingham", Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết ngày 27/11.
Bộ Y tế Anh cho biết 2 ca nhiễm trên và tất cả thành viên trong gia đình đang được xét nghiệm lại và được yêu cầu tự cách ly, trong khi các xét nghiệm và truy vết tiếp xúc đang được tiến hành.
"Chúng tôi đã hành động nhanh chóng và người bị nhiễm đang tự cách ly, trong khi truy vết tiếp xúc tiếp tục được thực hiện", Bộ trưởng Javid cho biết thêm.
Cả 2 ca nhiễm biến chủng mới ở Anh đều có liên quan với nhau và liên quan đến hoạt động đi lại từ khu vực phía nam châu Phi - nơi bùng phát biến chủng Omicron.
Theo Bộ trưởng Javid, Angola, Mozambique, Malawi và Zambia sẽ được thêm vào "danh sách đỏ" hạn chế đi lại của Anh từ 4 giờ sáng 28/11.
Bất kỳ ai từng đến 4 quốc gia trên hoặc bất kỳ quốc gia nào khác gần đây trong "danh sách đỏ" của Anh trong vòng 10 ngày qua đều phải tự cách ly và thực hiện các xét nghiệm PCR. Danh sách này còn bao gồm Nam Phi, Botswana, Lesotho, Eswatini, Zimbabwe và Namibia.
Ông Javid nói thêm rằng đây là "biến chủng mới đáng lo ngại" và "vaccine vẫn rất quan trọng".
"Đây là một lời nhắc nhở rõ ràng đối với tất cả chúng ta rằng đại dịch này còn lâu mới kết thúc và nếu có một điều mà mọi người có thể làm ngay bây giờ là nếu họ đủ điều kiện, vui lòng tiêm vaccine, cho dù đó là mũi đầu tiên, mũi thứ hai hay mũi tăng cường", ông Javid kêu gọi người dân tiêm chủng.
Omicron được giới chức y tế Anh mô tả là biến chủng "đáng lo ngại nhất từng thấy". Biến chủng này lần đầu tiên được xác định ở phía nam châu Phi.
Nhấn để phóng to ảnh
Bảng hiện thị cho thấy nhiều chuyến bay bị hủy tại sân bay quốc tế ở Nam Phi ngày 27/11 sau khi xuất hiện biến chủng mới (Ảnh: EPA).
Anh và xứ Wales ngày 25/11 đã thông báo cấm các chuyến bay từ 6 quốc gia ở phía nam châu Phi trong nỗ lực ngăn chặn biến chủng mới lây lan. Ca mắc biến chủng Omicron đầu tiên ở châu Âu được ghi nhận ở Bỉ vào ngày 26/11.
Cơ quan y tế bang Hesse của Đức ngày 27/11 cũng xác định ca nghi nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên ở nước này, là người trở về từ Nam Phi.
"Đêm qua, một số đột biến điển hình của Omicron đã được phát hiện ở một du khách trở về từ Nam Phi", Kai Klose, quan chức phụ trách các vấn đề xã hội ở Hesse, nơi có sân bay Frankfurt - điểm trung chuyển lớn nhất của Đức và là một trong những sân bay nhộn nhịp nhất châu Âu, thông báo trên Twitter.
Ông Klose cho biết quá trình giải trình tự gene đầy đủ đang được hoàn tất và người bị nghi nhiễm đang được cách ly tại nhà. Quan chức Đức kêu gọi bất kỳ ai từng đến Nam Phi trong vài tuần qua hạn chế tiếp xúc và đi xét nghiệm.
Biến chủng mới xuất hiện trong bối cảnh Đức và nhiều nước châu Âu khác đang vật lộn với sự gia tăng số ca mắc Covid-19.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cảnh báo tình hình tồi tệ hơn bao giờ hết. "Chúng ta phải giảm mọi tiếp xúc, chúng ta đang ở trong tình huống nghiêm trọng hơn trước đây", ông Spahn nói.
Nhà nghiên cứu miễn dịch học Leif Erik Sander tại bệnh viện Charite ở Berlin cho biết, các loại vaccine hiện tại có thể vẫn có tác dụng bảo vệ chống lại biến thể Omicron.
"Tôi lạc quan rằng chúng ta sẽ không phải bắt đầu lại từ đầu", ông Sander nói, đồng thời khẳng định cần thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa về biến chủng mới.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 26/11 đã xếp Omicron vào biến chủng "đáng lo ngại" do khả năng lây nhiễm cao hơn biến chủng Delta. Các nhà chức trách Anh ngày 25/11 gọi B.1.1.529 là biến chủng "tồi tệ nhất". Với 32 đột biến, B.1.1.529 được phát hiện là biến chủng nhiều đột biến nhất từ trước đến nay của virus SARS-CoV-2.
WHO cảnh báo về Omicron, Đông Nam Á siết đi lại với các nước châu Phi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, dù ca Covid-19 đang có xu hướng giảm ở hầu hết các nước Đông Nam Á, nhưng khu vực này vẫn cần cảnh giác, tăng cường các biện pháp phòng dịch, tăng độ phủ vaccine. Nhiều nước trên thế giới đã siết quy định đi lại với một số nước châu Phi do lo...