Thế giới: Bóng đen vẫn ám ảnh
Bán đảo Triều Tiên vẫn chưa hạ nhiệt khi Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Triều Tiên lại hai lần phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung ngày 28-4. Hai vụ phóng thử tên lửa diễn ra lúc 6 giờ 40 phút và 19 giờ 26 phút, gần bờ biển phía đông thành phố Wonsan. Theo phía Hàn Quốc và quân đội Mỹ, cả hai vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung của CHDCND Triều Tiên ngày 28-4 đều thất bại.
Quân đội Hàn Quốc nhận định, nhiều khả năng CHDCND Triều Tiên sẽ tiếp tục phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan sau nhiều lần thất bại. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tuyên bố, CHDCND Triều Tiên đang làm gia tăng các mối đe dọa an ninh khi liên tiếp tiến hành các vụ phóng thử tên lửa. CHDCND Triều Tiên sẽ phải gánh chịu các lệnh trừng phạt mạnh hơn và ngày càng bị cô lập nếu tiếp tục thử hạt nhân.
Để đối phó với các vụ phóng thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu đàm phán về khả năng triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga đã phản đối kế hoạch này. Ngày 29-4, phát biểu tại cuộc họp báo chung ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và Nga đã yêu cầu Mỹ không triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa mới tại Hàn Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho rằng, không được sử dụng hành động của CHDCND Triều Tiên như một cái cớ để thực hiện những hành động khác có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Trong khi đó, ngày 29-4, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) bắt đầu thảo luận dự thảo tuyên bố kêu gọi thực thi các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với CHDCND Triều Tiên, sau khi nước này liên liên tiếp tiến hành thử tên lửa tầm trung trong những ngày qua. Dự thảo tuyên bố đang được HĐBA thảo luận yêu cầu tất cả các nước thành viên LHQ chậm nhất tới ngày 31-5 phải đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện nghị quyết 2270 thông qua ngày 2-3-2016 của HĐBA về việc gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên.
Về phía Trung Quốc, nước này kêu gọi cộng đồng quốc tế cần xem xét đề xuất mới của CHDCND Triều Tiên: “sẽ tạm ngừng chương trình hạt nhân nếu Mỹ và Hàn Quốc ngừng tập trận chung”, đồng thời cần tiếp cận đa chiều đối với tình hình tại bán đảo Triều Tiên. Các biện pháp trừng phạt và các nghị quyết của HĐBA không đủ để có thể giải quyết vấn đề CHDCND Triều Tiên.
Chảo lửa Trung Đông vẫn nóng với những cuộc xung đột, đấu súng tại một số khu vực. Cuộc khủng hoảng tại Syria tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế sau hàng loạt vụ tấn công ác liệt liên tiếp từ ngày 22-4 làm hàng trăm người chết và bị thương tại thành phố Aleppo (trung tâm kinh tế ở miền Bắc Syria) trong những ngày qua. Ngày 29-4, tại Geneva (Thụy Sĩ), Mỹ và Nga nhất trí sẽ tạm dừng các cuộc không kích tại hai mặt trận chính ở Syria, nhằm cứu vãn lệnh ngừng bắn hòa bình đang có nguy cơ bị đổ vỡ.
Video đang HOT
Theo thỏa thuận, quân đội Nga và Mỹ sẽ ngừng các cuộc không kích ở tỉnh Ghouta, phía đông thủ đô Damascus, tỉnh Latakia. Lệnh ngưng chiến có hiệu lực kể từ 1 giờ ngày 30-4 và kéo dài trong 24 giờ. Đây là lệnh ngừng bắn thứ 2 đạt được trong năm nay theo sáng kiến của Nga và Mỹ sau khi lệnh ngừng bắn đầu tiên có hiệu lực từ hôm 27-2 bị đổ vỡ, dẫn tới tình trạng leo thang căng thẳng trong những ngày qua, đặc biệt là tại Aleppo. Tuy nhiên, dù thừa nhận tình trạng xung đột tại Aleppo là không thể chấp nhận và đáng lo ngại, song Nga và Mỹ không thể đi tới một thỏa thuận ngừng bắn tại khu vực này.
Trước thực trạng hiện nay, ngày 2-5, ông Kerry có cuộc gặp với Đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura và các Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia và Jordani để bàn về thỏa thuận ngừng bắn và quá trình chuyển tiếp chính trị tại Syria nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 5 năm qua tại quốc gia này. Theo Ngoại trưởng Mỹ, ưu tiên hàng đầu của ông trong chuyến thăm Geneva lần này là chấm dứt tình hình bạo lực tại Aleppo, cùng sự hợp tác với Nga. Thực tế, hy vọng về một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Syria dường như vẫn mong manh khi các bên tham gia đàm phán còn mâu thuẫn về vai trò chính trị của Tổng thống Bashar al-Assad cũng như thành phần của chính phủ chuyển tiếp.
Còn tại thành phố Samawa (miền nam Iraq), Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thực hiện liên tiếp hai vụ đánh bom xe ngày 1-5, làm ít nhất 32 người thiệt mạng và 75 người bị thương. Mục tiêu của vụ tấn công là nhằm vào một khu vực quân sự và lực lượng an ninh Iraq. Samawa là nơi có đông người Hồi giáo dòng Shitte sinh sống. Trước đó một ngày, IS tiến hành hai vụ đánh bom ở phía Đông thủ đô Baghdad, làm 24 người thiệt mạng và 40 người bị thương. Bạo lực xảy ra liên tiếp tại Iraq từ khi IS chiếm nhiều khu vực ở miền tây và miền bắc nước này vào tháng 6-2014.
Hội nghị An ninh Quốc tế lần thứ 5 tại thủ đô Moscow (Liên bang Nga), ngày 27 và 28-4, với sự có mặt của hơn 500 đại biểu đến từ 80 quốc gia, trong đó có 14 Bộ trưởng Quốc phòng và 10 đoàn đại biểu của các quốc gia thành viên ASEAN, cũng là sự kiện đáng chú ý tuần qua. Nội dung chính của Hội nghị này là cuộc đấu tranh chống khủng bố, hợp tác quân sự vì mục đích củng cố an ninh toàn cầu, vấn đề an ninh ở châu Âu, Trung Đông, tình hình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Trung Á…
Quan hệ giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại đang có những dấu hiệu căng thẳng, khi ngày 27-4, hai siêu chiến đấu cơ tàng hình F-22 của Mỹ hạ cánh xuống Cộng hòa Lithuania nhằm “phô trương sức mạnh của NATO”. Hai chiến đấu cơ F-22 đã có mặt tại sân bay Siauliai cùng một nhóm các chiến đấu cơ Tây Ban Nha theo chính sách về không quân của NATO nhằm hỗ trợ các quốc gia vùng Baltic bảo vệ biên giới.
Chiến dịch tranh cử Tổng thống tại Mỹ vẫn đang diễn ra sôi động. Các ứng cử viên Tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ và Cộng hòa: Hillary Clinton và Donald Trump đã giành được những thắng lợi quan trọng có thể giúp họ tiến sát hơn tới mục tiêu lọt vào vòng cuối để tham gia cuộc đua giành chức Tổng thống nước Mỹ. Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton đã thu được những chiến thắng lớn ở Maryland, Pennsylvania và Delaware. Ứng cử viên Đảng Cộng hòa Trump cũng giành thắng lợi trong các cuộc đua tranh ở các bang Maryland, Delaware, Pennsylvania, Connecticut và Rhode Island. Đến nay, ông Trump đã tiến sát đến mục tiêu 1.237 phiếu đại biểu cần có để được đề cử trong cuộc bỏ phiếu nội bộ đảng Cộng hòa vào tháng 7-2016.
Cuộc tổng tuyển cử tại Iran tuần qua cũng được dư luận khu vực và thế giới quan tâm, với việc Quốc hội mới ở Iran lần đầu tiên có 17 nữ nghị sĩ trên tổng số 290 ghế Quốc hội. Đây không chỉ là số nữ nghị sĩ quốc hội nhiều nhất trong lịch sử Iran, mà còn là lần đầu tiên số phụ nữ vượt qua số giáo sĩ trong quốc hội. Quốc hội mới sẽ chính thức tuyên thệ nhận nhiệm vụ vào tháng tới. Các kết quả bầu cử chính thức công bố ngày 1-5 cho thấy, các nhà cải cách và nhóm chính trị gia ôn hòa ủng hộ Tổng thống Hassan Rouhani giành chiến thắng lớn trong vòng bầu cử Quốc hội lần hai. Kết quả cho thấy lần đầu tiên kể từ năm 2004, phe cải cách và ôn hòa giành được số ghế áp đảo so với phe bảo thủ. Nhiều người theo đường lối cứng rắn mất ghế.
Toàn cảnh thế giới vẫn đa sắc mầu. Vẫn còn đó những đám mây đen bạo lực và xung đột. Nguy cơ tấn công khủng bố vẫn tiềm tàng và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Người dân ở một số khu vực vẫn hằng ngày hằng giờ lo ngại nguy cơ bạo lực, xung đột. Song, hòa bình luôn là điều mong ước của tất cả mọi người.
Một phụ nữ Iran đi bỏ phiếu ở thủ đô Tehran (nguồn: EPA).
VĂN LONG
Theo_Báo Nhân Dân
Nga và Iran tham gia đàm phán về cuộc xung đột Nagorno-Karabakh
Trong bối cảnh Azerbaijan và Armenia cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Nga và Iran hôm nay đã có cuộc gặp với người đồng cấp Azerbaijan tại Thủ đô Baku. Cùng ngày, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã tới Thủ đô Yerevan của Armenia.
Cũng trong ngày 7-4, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết, phía Armenia đã vi phạm lệnh ngừng bắn 119 lần trong vòng 24 giờ qua và các lực lượng của Azerbaijan đã bắn đáp trả. Tuy nhiên, Bộ này không ghi nhận trường hợp thương vong nào.
Quân đội Nagorno-Karabakh cáo buộc Azerbaijan đã nã pháo và cho biết, một binh sĩ của lực lượng này đã thiệt mạng trong cuộc nã pháo vào đêm 6-4.
Ngày 6-4, Azerbaijan và Armenia đều cho biết, các binh sĩ của mỗi nước đang thực thi lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ một ngày trước đó.
Giao tranh giữa các lực lượng của Azerbaijan và Armenia bùng phát từ cuối tuần qua, làm ít nhất 64 người thiệt mạng, trong đó có ba dân thường. Cuộc giao tranh hiện nay làm dấy lên quan ngại về khả năng leo thang chiến sự tại khu vực Nagorno-Karabakh.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Baku, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif cho biết với hãng thông tấn quốc gia của nước này (IRNA), ông dự kiến sẽ thảo luận về việc tăng cường hợp tác với Azerbaijan và Nga, trong đó có vấn đề vận chuyển hàng hóa.
H.H
Reuters
Theo_Báo Nhân Dân
Đạn pháo Armenia bay nhầm sang Iran Một quả đạn pháo được bắn đi từ các lực lượng Armenia trong cuộc xung đột với Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorny Karabakh đã rơi xuống miền Bắc Iran nhưng không gây thương vong, hãng thông tấn Fars của Iran ngày 5-4 đưa tin. Khu vực xung đột Nagorny Karabakh "Trong bối cảnh xảy ra các cuộc xung đột giữa Armenia...