Thế giới 2022: Chệch hướng trong mục tiêu kiềm chế Hành tinh Xanh tăng nhiệt
Giới chuyên gia cho rằng các đợt lũ lụt thảm khốc, hạn hán làm héo khô cây trồng và nắng nóng kỷ lục trong năm 2022 là những chỉ dấu cho thấy những cảnh báo về biến đổi khí hậu đang ngày một trở thành hiện thực, mặc dù nhiều nỗ lực quốc tế vẫn đang được triển khai nhằm cắt giảm tối đa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Khói thải bốc lên từ nhà máy năng lượng ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong năm 2022, thế giới đã ghi nhận một số tiến bộ vượt bậc trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu với những quy định pháp lý quan trọng được thông qua tại Mỹ và châu Âu, cũng như việc các nước đạt một thỏa thuận sau các cuộc đàm phán của Liên hợp quốc (LHQ) về hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương ứng phó với những tác động ngày càng gia tăng của tình trạng biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, mục tiêu kiềm chế sự tăng nhiệt của Trái Đất trong giới hạn an toàn là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp dường như đang trôi xa tầm với, khi lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch – nguyên nhân chính gây ấm lên toàn cầu – đang tiến tới mức cao nhất mọi thời đại trong năm nay.
Tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập hồi tháng 11 vừa qua, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã cảnh báo các nhà lãnh đạo thế giới rằng nhân loại đang phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn: hoặc hợp tác cùng nhau trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu, hoặc “tự sát tập thể”.
Trước đó, trong tháng 2/2022, các chuyên gia khoa học khí hậu của LHQ đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ nhất về những mối nguy hiểm mà con người và Hành tinh Xanh phải đối mặt trong một báo cáo mang tính bước ngoặt về tác động của biến đổi khí hậu – tài liệu mà họ gọi là “Bản đồ về sự thống khổ của con người”. Để chứng minh về điều này, kể từ sau khi báo cáo được công bố, một loạt các diễn biến thời tiết cực đoan đã cho thấy nguy cơ ngày càng tăng của biến đổi khí hậu, dù nhiệt độ Trái Đất mới chỉ tăng thêm 1,2 độ C.
Video đang HOT
Những đợt nắng nóng kỷ lục đã gây thiệt hại mùa màng từ Trung Quốc đến châu Âu, trong khi hạn hán khiến hàng triệu người ở vùng Sừng châu Phi rơi vào cảnh chết đói. Biến đổi khí hậu đã gây lũ lụt nghiêm trọng tại Pakistan, ảnh hưởng đến cuộc sống của 33 triệu người và gây thiệt hại về kinh tế khoảng 30 tỷ USD. Nhà khoa học về khí hậu Robert Vautard – Giám đốc Viện Pierre-Simon Laplace (Pháp) – cho biết: “Năm 2022 là một trong những năm nóng nhất trên Trái Đất, với tất cả các hiện tượng thiên tai xảy ra khi nhiệt độ cao hơn. Thật không may, đây mới chỉ là sự bắt đầu”.
Năm 2022 đang trên đà trở thành năm nóng thứ 5 hoặc thứ 6 từng được ghi nhận trong lịch sử nhân loại, bất chấp tác động kể từ năm 2020 của La Nina – một hiện tượng xảy ra một cách tự nhiên và định kỳ ở Thái Bình Dương có tính năng làm mát bầu khí quyển. Do đó, chuyên gia Vautard cho rằng khi chu kỳ La Nina kết thúc (dự kiến trong vài tháng tới), nền nhiệt trung bình của thế giới sẽ còn tăng lên một nấc mới.
Trong bối cảnh các điều kiện khí hậu cực đoan gây thiệt hại cho nền kinh tế – vốn đang chịu mức giá năng lượng tăng cao do xung đột tại Ukraine, COP27 đã thiết lập dấu mốc lịch sử, với việc những nước giàu gây ô nhiễm nhất trí thành lập một quỹ tài chính để hỗ trợ các nước nghèo hơn khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Khí hậu Pakistan Sherry Rehman gọi động thái này là “khoản trả trước trong chi phí đầu tư dài hạn hơn cho tương lai chung của chúng ta”. Tuy nhiên, điều đó là chưa đủ để các quốc gia dễ bị tổn thương và các nhà hoạt động vì khí hậu thực sự hài lòng. COP27 đã không đưa ra được mức giảm phát thải cần thiết để hạn chế tổn thất và thiệt hại vì biến đổi khí hậu trong tương lai. Chuyên gia Harjeet Singh thuộc Mạng lưới Hành động khí hậu cho biết: “COP27 đã giải quyết hậu quả của biến đổi khí hậu, nhưng không xử lý phần nguyên nhân – đó là nhiên liệu hóa thạch.”
Để duy trì mức tăng nhiệt của Trái Đất ở 1,5 độ C, lượng khí thải khiến Hành tinh Xanh nóng lên cần phải giảm 45% vào năm 2030 và tiếp tục giảm xuống mức 0% vào giữa thế kỷ này.
Tại COP26 ở Glasgow (Vương quốc Anh) năm 2021, các quốc gia được khuyến khích tăng cường cam kết về giảm phát thải. Nhưng chỉ có khoảng 30 nước chú ý đến lời kêu gọi đó và vì vậy, thế giới đang trên đà nóng lên khoảng 2,5 độ C. Tổng Thư ký Guterres đã chỉ trích sự thất bại của các cuộc đàm phán về khí hậu trong việc đưa ra các biện pháp cắt giảm mạnh lượng khí thải cần thiết, đồng thời nhấn mạnh rằng: “Hành tinh của chúng ta vẫn đang trong phòng cấp cứu”.
Đầu tháng này, LHQ đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp khác tại Montreal (Canada), nhằm giải quyết một cuộc khủng hoảng khác mà Hành tinh Xanh phải đối mặt, đó là mất đa dạng sinh học do hoạt động của con người đang gây tổn hại nghiêm trọng cho thiên nhiên. Các quốc gia đã nhất trí về lộ trình đảo ngược nhiều thập kỷ hủy hoại môi trường, đe dọa sự sống của các loài, cũng như hệ sinh thái trên đất liền và đại dương vốn hỗ trợ sự sống cho Trái Đất. Ông Guterres ca ngợi thỏa thuận này là một “hiệp ước hòa bình với thiên nhiên”, nhưng một số nhà hoạt động vì môi trường lại cho rằng kế hoạch này chưa đạt kỳ vọng.
Dự kiến, một loạt các sự kiện quan trọng về khí hậu có thể sẽ kéo dài trong năm tới. Theo bà Laurence Tubiana – người đứng đầu Quỹ Khí hậu châu Âu – trong số các hoạt động này sẽ bao gồm cả cuộc họp mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), sau “yêu cầu chính thức xem xét hệ thống tài chính quốc tế và xem xét vai trò của các tổ chức tài chính quốc tế” sau COP27.
Cuộc họp về khí hậu tiếp theo của LHQ sẽ diễn ra vào tháng 11/2023 tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) – một quốc gia xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch. Theo kế hoạch, sự kiện này sẽ chứng kiến việc công bố “bảng kiểm kê toàn cầu” về tiến độ thực hiện các mục tiêu được đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 nhằm hạn chế sự ấm dần lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C và lý tưởng nhất là 1,5 độ C.
Bà Tubiana – kiến trúc sư chính của Hiệp định Paris – cho rằng các cuộc đàm phán ở UAE có thể sẽ “rất căng thẳng” và bị chi phối bởi cuộc thảo luận về ngành dầu khí, cũng như đóng góp tài chính của lĩnh vực này.
FAO cảnh báo về tình hình nhân đạo thảm khốc ở Somalia
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 20/12, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) đã cảnh báo về tình hình nhân đạo thảm khốc ở Somalia với nạn đói đang đến rất nhanh.
Người dân chờ nhận hàng viện trợ tại một trại tị nạn ở Baidoa, Somalia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
FAO cho biết vẫn còn thời gian để xoay chuyển tình thế bằng cách giải quyết các nhu cầu trước mắt của các cộng đồng ở nông thôn, vốn nằm trong số những nhóm có nguy cơ cao nhất phải đối mặt với nạn đói.
Trong một tuyên bố, đại diện FAO tại Somalia, ông Etienne Peterschmitt nêu rõ: "Tình hình ở Somalia vẫn rất thảm khốc. Mức độ hỗ trợ nhân đạo hiện nay đang giúp ngăn chặn những hậu quả cực đoan, nhưng không đủ để ngăn chặn nguy cơ nạn đói kéo dài hơn vài tháng".
Phân tích về báo cáo mang tên Phân loại Giai đoạn An ninh Lương thực Tích hợp (IPC) được Liên hợp quốc hậu thuẫn và công bố mới đây, đã ghi nhận mức tử vong gia tăng ở một số khu vực dễ bị tổn thương nhất. Theo cập nhật dự báo mới nhất, từ tháng 1-3/2023, 1,9 triệu người ở Somalia dự kiến sẽ ở trong tình trạng IPC giai đoạn 4 (khẩn cấp). Con số này được dự báo tăng lên 2,7 triệu người từ tháng 4- 6/2023.
Phân tích cảnh báo rằng có tới 727.000 người có thể phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng vào tháng 6/2023, nghĩa là chết vì đói.
Đại diện FAO tại Somalia, ông Peterschmitt cho biết cần phải hành động thực tế để giúp các cộng đồng ở Somalia đáp ứng được các nhu cầu trước mắt, điều chỉnh sinh kế và xây dựng khả năng phục hồi khi đối mặt với khủng hoảng khí hậu và các cú sốc kinh tế, cũng như chuẩn bị cho các cộng đồng này đối mặt với bất kỳ điều gì có thể xảy ra trong tương lai.
Tuy nhiên, FAO cảnh báo rằng thế giới sẽ không bao giờ có thể thay đổi mô hình nạn đói cùng cực đang diễn ra ở Somalia, nếu không tiến hành đầu tư quy mô lớn vào khả năng phục hồi và hỗ trợ sinh kế cho người dân nước này.
Somalia đang trên bờ vực của nạn đói trong những tháng gần đây do hạn hán lịch sử gây ra bởi 5 mùa mưa thiếu nước liên tiếp, giá lương thực tăng vọt và xung đột gia tăng.
Theo FAO, hơn 24 triệu USD tiền mặt, cùng với hỗ trợ sinh kế, đã được cung cấp cho các cộng đồng nông thôn dễ bị nạn đói nhất. FAO có kế hoạch tiếp cận hơn 1 triệu người trong những tháng tới và vẫn cần thêm các quỹ bổ sung cho hoạt động nhân đạo tại Somalia.
Thủ tướng Nhật Bản kêu gọi một thế giới không vũ khí hạt nhân Tại hội nghị các nhân vật có ảnh hưởng hướng tới một thế giới không vũ khí hạt nhân, được tổ chức tại thành phố Hiroshima từ ngày 10 - 11/12, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng chung tay để hiện thực hóa mục tiêu này. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh: Kyodo/TTXVN Theo...