The Diplomat: Ấn Độ mong muốn tàu chiến được đứng chân tại Cam Ranh
Người Trung Quốc đã phản ứng với chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ bằng cách xua quân đội xâm nhập qua biên giới vào khu vực Chumar.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Ấn Độ và được Thủ tướng Narendra Modi đón tiếp trọng thị.
Tờ The Diplomat ngày 11/11 đăng bài phân tích của tiến sĩ PK Ghosh, thành viên cao cấp Quỹ nghiên cứu Obserer, một chuyên gia về an ninh hàng hải theo dõi chặt chẽ vấn đề Biển Đông bình luận, Ấn Độ đang tìm cách đối phó với tham vọng (bành trướng – PV) của Trung Quốc bằng cách hỗ trợ đào tạo và cung cấp dịch vụ quân sự cho Việt Nam.
PK Ghosh cho rằng Ấn Độ bây giờ “công khai tán tỉnh” Việt Nam, New Delhi không chỉ trải thảm đỏ chào đón các nhà lãnh đạo Việt Nam sang thăm mà còn công khai thừa nhận quyết định hỗ trợ lực lượng vũ trang Việt Nam, những điều này khiến “Trung Quốc thất vọng”.
Việt Nam có mối quan hệ phức tạp và khó khăn với Trung Quốc nên không có gì đáng ngạc nhiên khi Ấn Độ xếp Việt Nam vào vị trí cốt lõi trong chính sách hướng Đông của mình. Chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 9 vừa qua của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee diễn ra ngay trước chuyến công du Ấn Độ của Tập Cận Bình và gửi một thông điệp mạnh mẽ về sự đoàn kết với Việt Nam.
Điều này có thể được xem như phản ứng ăn miếng trả miếng với chuyến thăm tiếp theo của ông Bình đến Sri Lanka và Maldives, nơi Trung Quốc đang cố gắng gây ảnh hưởng. Người Trung Quốc đã phản ứng với chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ bằng cách xua quân đội xâm nhập qua biên giới vào khu vực Chumar ngày 15/9, ngày hai bên ký kết các văn kiện hợp tác.
Với sự cần thiết phải quan tâm để mắt đến (các hoạt động bành trướng – PV) Trung Quốc trong khu vực, Ấn Độ mong muốn tàu chiến của mình có thể đứng chân tại căn cứ hải quân Cam Ranh của Việt Nam. Điều này sẽ không chỉ giúp Ấn Độ hiện diện thường xuyên trong khu vực, mà nó còn là một biện pháp đối phó với những hoạt động ngày càng “đột phá” và thường xuyên của Trung Quốc vào Ấn Độ Dương.
Hiện tại căn cứ Cam Ranh vẫn chưa sẵn sàng, nhưng các tàu hải quân Ấn Độ vẫn luôn được ưu đãi đặc biệt khi đỗ tại bất kỳ hải cảng nào khác còn lại của Việt Nam. Sự kiện tàu hải quân Ấn Độ Airavat đã bị hải quân Trung Quốc ngăn chặn hồi tháng 9/2012 trên đường sang Việt Nam đã thúc đẩy New Delhi tăng cường củng cố hợp tác hàng hải và khả năng tương tác với người Việt.
Cơ hội tốt phát triển quan hệ và tương tác với Việt Nam đã đến khi Ấn Độ nhận đào tạo thủy thủ tàu ngầm Kilo cho Việt Nam. Hoạt động đào tạo thủy thủ tàu ngầm cho Việt Nam được diễn ra liên tục và toàn diện tại căn cứ INS Satavahara ở Visakhapatnam. Kinh nghiệm sử dụng tàu ngầm Kilo của hải quân Ấn Độ từ những năm 1980 chắc chắn sẽ hữu ích với Việt Nam.
Ngoài đào tạo thủy thủ tàu ngầm, Ấn Độ cũng có kế hoạch để giúp Việt Nam đào tạo phi công quân sự sử dụng máy bay Sukhoi mua của Nga. Sự phát triển này có khả năng khiến Bắc Kinh khó chịu. Nó có thể là một động lực để Trung Quốc xem xét bán cho Pakistan một tàu ngầm hạt nhân, một động thái khiến Ấn Độ lo ngại hơn cho an ninh của mình.
Những “trò chơi chiến lược” này vẫn đang tiếp tục càng nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam – Ấn Độ với nhau, trong khi Trung Quốc tiếp tục xâm nhập vào Sri Lanka và các nước láng giềng khác của Ấn Độ, New Delhi ngày càng tăng cường hỗ trợ và giúp Việt Nam phát triển năng lực phòng thủ trên biển.
Theo NTD