Thế cờ mới ở Syria
Mỹ rút quân khỏi Syria, để lại Trung Đông một mớ bòng bong, một phần được tạo ra bởi sự can dự của họ vào khu vực này với danh nghĩa chống khủng bố.
Xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ được điều đến biên giới với Syria hồi đầu năm 2017. ảnh: Sputnik
Cuối tuần trước, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tái xác nhận cam kết của nước này trong việc đối đầu với Iran tại Syria cho dù mới đây Mỹ đã thông báo rút quân khỏi quốc gia Trung đông này.
Trong bốn năm qua, quân đội Israel chủ yếu tập trung vào việc ngăn chặn “sự cố thủ của Iran” ở Syria, theo lời tổng chỉ huy quân đội Israel Gadi Eisenkot.
Ông Eisenkot tuyên bố “kế hoạch hiện diện quân sự thường trực của Tehran” tại Syria đã được Quds, thành phần đặc biệt trong Lực lượng vệ binh cách mạng Iran, xác nhận.
“Mục tiêu của Iran tại Syria (sau cuộc chiến với IS) là xây dựng một lực lượng gồm 100.000 lính bộ binh. Hiện đã có 20.000 chiến binh gồm du kích Hezbollah (một tổ chức chính trị-vũ trang của người Lebanon), du kích Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq, Afghanistan, Pakistan, và hàng ngàn cố vấn đến từ Iran”, ông Eisenkot được Sputnik trích dẫn.
Người đứng đầu quân đội Israel nói Iran muốn tạo ra một năng lực kết hợp giữa “các lực lượng mặt đất, trên không, ngoài biển và tình báo” nhằm tạo ra một chuỗi cứ điểm an ninh dọc theo biên giới với vùng cao nguyên Golan, nằm giữa Syria, Israel, Lebanon và Jordan.Cao nguyên Golan thuộc về Syria từ năm 1944, cho tới khi Israel đánh chiếm vùng này từ năm 1967 cho tới nay.
Ông Eisenkot gọi nỗ lực kiềm tỏa sự hiện diện của quân đội Iran tại Syria của phía Israel là “phần chìm của tảng băng”, vốn không được công khai trong công chúng nước này.
Video đang HOT
Israel đã tiến hành các cuộc không kích trên lãnh thổ Syria với mục tiêu như Tel Aviv tuyên bố là nhằm vào việc phá hủy các thiết bị, cơ sở quân sự của Iran, các đoàn xe trang bị vũ khí. Israel nói Iran đang vận chuyển vũ khí cho nhóm du kích Hezbollah, để nhóm này tấn công Israel.
Trong khi đó, Tehran bác bỏ mọi sự hiện diện quân sự của quân đội nước này ở Syria ngoại trừ các cố vấn quân sự, có mặt do có đề nghị từ chính quyền Syria. Cả Iran lẫn Syria nhiều lần lên án các cuộc không kích của Israel.
Theo Reuters, hôm chủ nhật vừa rồi, tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông đã trao đổi với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan về một sự rút lui “chậm và phối hợp chặt chẽ” quân Mỹ khỏi Syria. Đôi bên đồng ý sẽ phối hợp để đảm bảo không có “khoảng trống an ninh” khi Mỹ rút quân.
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu củng cố bố phòng biên giới với Syria, các nhân chứng nói với Reuters.
Theo nhân chứng, hàng trăm xe quân sự đã hướng tới tỉnh biên giới Kilis sau khi rời một tỉnh biên giới khác là Hatay. Các khí tài được trông thấy bao gồm xe tăng, pháo, súng máy và các xe chở quân.
Một phần số khí tài và binh lính sẽ được bố trí tại các tiền đồn dọc biên giới, hãng tin Demiroren của Thổ Nhĩ Kỳ nói.
Ông Trump đề cử quyền bộ trưởng quốc phòng
Với mong muốn bộ trưởng Quốc phòng James Mattis ra đi trước thời hạn ông đề ra trong đơn từ chức là cuối tháng 2/2019, tổng thống Donald Trump đã đề cử người tạm thời thay thế ông Mattis đồng thời tìm nhân sự thay thế. Ông Mattis từ chức vì bất đồng với ông Trump về một loạt vấn đề, trong đó có việc rút quân Mỹ khỏi Syria.Theo tuyên bố của ông Trump trên Twitter, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Patrick Shanahan sẽ đảm nhiệm chức vụ quyền bộ trưởng kể từ ngày 1/1/2019. Ông Shanahan có vẻ có rất ít kinh nghiệm về quốc phòng: làm việc cho hãng Boeing ở mảng máy bay thương mại hơn 30 năm, lên tới chức phó chủ tịch tập đoàn, trước khi về Bộ Quốc phòng Mỹ từ tháng 7/2017. Một quan chức Nhà Trắng nói với AP, trong năm mới, ông Trump muốn tập trung vào việc mua sắm của Bộ Quốc phòng, lĩnh vực ông Shanahan khá quen thuộc. Các quan chức Mỹ nói họ không rõ ông Shanahan có phải là ứng cử viên mà ông Trump nhắm tới để thay thế ông Mattis, một vị tướng thủy quân lục chiến. Quyền bộ trưởng quốc phòng là một chức vụ bất thường trong chính phủ Mỹ. Thường thì khi bộ trưởng quốc phòng từ chức, ông ta sẽ tại vị cho đến khi có người thay thế thực sự.
Theo Anh Minh
Tiền phong
Thổ Nhĩ Kỳ ồ ạt đưa quân áp sát Syria thay Mỹ chống IS
Thổ Nhĩ Kỳ ồ ạt triển khai thêm binh sĩ và xe tăng áp sát biên giới với Syria, tập trung dọc các khu vực do người Kurd nắm giữ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, Ankara sẽ tiếp quản cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong khu vực.
Đoàn xe quân sự di chuyển trên đường phố ở tỉnh Kilis, giáp biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Tân Hoa xã.
Theo hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, đoàn xe quân sự bao gồm các tổ hợp pháo và đại bác cũng như một số lượng lớn binh sĩ và xe tăng đã đến các khu vực biên giới của tỉnh Kilis ở phía đông nam nước này.
Đoàn xe quân sự tại tỉnh Kilis, giáp biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh Tân Hoa xã
Trong khi đó, ở miền bắc Syria, lực lượng phiến quân Quân đội Syria Tự do (FSA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã được triển khai tới các khu vực gần thị trấn Manbij do người Kurd nắm giữ, hãng tin Anadolu cho biết.
Trong một cảnh quay được Anadolu phát đi, hàng chục xe tải gắn súng máy chở các chiến binh FSA đang di chuyển trong đêm.
Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Mỹ Donald Trump hôm 23.12 đã điện đàm và đồng ý đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ về mặt ngoại giao cũng như quân sự giữa 2 nước để ngăn chặn khoảng trống quyền lực sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Syria.
Tổng thống Erdogan trước đó cảnh báo rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành một chiến dịch quân sự ở phía đông sông Euphrates, Syria để xóa sổ các nhóm khủng bố (dân quân người Kurd) ở đây, nhưng sau đó đã hoãn động thái này lại sau khi ông Trump bất ngờ tuyên bố rút quân khỏi Syria.
Ankara xem Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) là một chi nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và EU liệt vào danh sách khủng bố.
Đầu năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện Chiến dịch Nhành Ôliu để giành quyền kiểm soát khu vực Afrin của Syria từ lực lượng dân quân người Kurd, còn YPG kiểm soát khu vực Syria ở phía đông sông Euphrates.
Tuy nhiên, với sự rút lui của Mỹ khỏi Syria, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là sẽ tiếp quản cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria từ Mỹ. Đã có nhiều dấu hiệu chứng minh cho điều này. Sau khi điện đàm với Tổng thống Erdogan, ông Trump đã công khai tuyên bố, các nước trong khu vực, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có khả năng giải quyết ổn thỏa số khủng bố IS còn lại.
Ibrahim Kalin, phát ngôn viên của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hôm 24.12 cũng mạnh mẽ bác bỏ những lo ngại rằng việc Mỹ rút quân sẽ cho phép IS trỗi dậy đồng thời khẳng định, cuộc chiến chống IS sẽ không bị gián đoạn hoặc dừng lại vì quyết định gây tranh cãi của ông Trump.
"Là một phần của liên minh toàn cầu nhằm đánh bại IS, chúng tôi muốn tuyên bố một lần nữa rằng chúng tôi sẽ không cho phép điều đó (IS trỗi dậy) xảy ra trên đất Syria, đất Iraq hay đất Thổ Nhĩ Kỳ", ông Kalin nói trong một cuộc họp báo.
Theo Danviet
Không còn Mỹ che chở, phiến quân Syria vội vàng xin rút khỏi al-Tanaf Các nhóm phiến quân Syria được Mỹ hậu thuẫn ở trong và xung quanh khu vực al-Tanaf đang hoảng loạn tìm kiếm thỏa thuận với chính quyền Damascus để được sơ tán tới miền Bắc Syria sau khi Mỹ rút quân. Căn cứ của quân đội Mỹ tại thị trấn al-Tanaf ở Syria vốn bị cáo buộc là "nhà" của nhiều nhóm phiến...