Thấy tai nạn, đánh ghen là lao vào chụp ảnh: Nhiều người vô cảm, mất hết nhân tính, cực đoan
Theo chuyên gia tâm lý, sự lệ thuộc vào thế giới ảo, mạng xã hội ngày càng khiến chúng ta có những hành vi vô cảm, mất hết nhân tính, thậm chí là cực đoan.
Thấy tai nạn thương tâm, người ta xúm vào livestream để phát lên facebook; thấy vợ chồng đánh ghen, thay vì lao vào can ngăn, người ta cũng lao xao quay phim, chụp ảnh… Những hình ảnh phản cảm đó ngày càng trở nên phổ biến khiến không ít người rùng mình, lo lắng trước sự xuống cấp của ý thức và đạo đức xã hội.
Chia sẻ với VTC News, TS. Hoàng Trung Học ( Chuyên gia Tâm lý học, Trưởng khoa giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục) cho rằng, sự lệ thuộc vào thế giới ảo trong chúng ta ngày càng gia tăng khiến nhiều người có những hành vi cô cảm, mất hết nhân tính, thậm chí là cực đoan.
TS Hoàng Trung Học cho rằng, hành vi xúm vào quay clip tai nạn thương tâm để câu like, câu view trên mạng xã hội phản ánh sự xuống cấp về đạo đức và thói vô cảm trước những nỗi đau của đồng loại.
- Vừa qua, trên đường Lê Lợi (phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) xảy ra vụ tai nạn thương tâm khiến tài xế chết kẹt trong xe ô tô. Lực lượng chức năng phải mất nhiều giờ để đưa nạn nhân ra ngoài. Trước vụ tai nạn thương tâm, cả trăm người dân náo nức tràn xuống đường xem lực lượng chức năng giải quyết hiện trường, trên tay lăm lăm cầm điện thoại để livestream tai nạn phát lên facebook. Thậm chí, có người còn trèo lên hàng cây ven đường để quay cho rõ. Ông thấy sao trước cảnh tượng này?
Trước tiên cần khẳng định, mạng xã hội facebook không có tội. Vấn đề là ta dùng mạng và ứng xử thế nào trên mạng mới là điều đáng bàn.
Hành vi quay clip những vụ tai nạn và đưa lên mạng cũng có thể xem là một hiện tượng bình thường, thậm chí là nên làm nếu việc đưa những hình ảnh, clip lên mạng với mục đích tốt để cảnh báo cộng đồng về những hành vi nguy hiểm, giúp mọi người biết và tránh những tai nạn thương tâm tương tự.
Tuy nhiên, những hình ảnh, clip, thông tin này được đưa lên mạng nếu chỉ nhằm mục đích câu like, hoặc nhận được nhiều comment với thái độ vô cảm, cười đùa trên nỗi đau của người khác thì thực sự rất đáng lên án.
Điều đó thể hiện sự lạnh lùng, hành vi thiếu văn hóa, thậm chí phi đạo đức của chính những người đăng tải. Rất tiếc, trên các trang mạng xã hội ngày nay, hiện tượng này không hiếm.
Đây là những hành vi thực sự đáng trách, đáng lên án dưới góc độ đạo đức, phản ánh sự xuống cấp đạo đức, thói vô cảm ở một số cá nhân. TS Hoàng Trung Học
- Vậy theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến đám đông hành động như vậy?
Đối với những người tò mò xem vụ tai nạn thương tâm, quay clip đăng tải trên mạng để câu like, hoặc mong nhận được nhiều comment với thái độ vô cảm, dưới góc độ tâm lý theo tôi có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Video đang HOT
Thứ nhất, sự xuống cấp về đạo đức và thói vô cảm trước những nỗi đau của đồng loại ở một bộ phận cộng đồng dân cư.
Thứ hai, sự hiếu kì và tò mò thái quá ở một bộ phận người chứng kiến tai nạn.
Thứ ba, cảm giác thiếu hụt những kết nối xã hội trong một bộ phận những người sử dụng mạng xã hội. Đôi khi họ thiếu hụt hoặc gặp khó khăn trong các mối quan hệ thực ngoài xã hội nên phải tìm đến những kết nối trong thế giới ảo.
Khi đó, họ cần những sự kiện, những thông tin mới mẻ để làm mới trang giao diện của mình và cũng là cách để họ tạo ra những kết nối xã hội cho bản thân, cho dù đó chỉ là thế giới ảo.
Thứ tư, không loại trừ những người có hành vi này bị lệ thuộc, thậm chí nghiện mạng xã hội. Họ có xu hướng lệ thuộc, không thể không sử dụng mạng xã hội mỗi ngày. Để làm mới trang giao diện cá nhân và thu hút cộng đồng mạng, những tin “hot”, tin giật gân kiểu như các vụ tai nạn thương tâm trở thành những phương tiện kết nối những người xung quanh để trao đổi, giao tiếp với họ qua mạng.
- Phải chăng sự thực dụng của xã hội ngày nay khiến con người ngày càng trở nên ích kỷ, sẵn sàng chà đạp lên đau thương của người khác để lấy đó làm thú vui cho bản thân mình, thưa ông?
Tôi cho rằng, không nên quy kết tất cả mọi người quay clip và đưa những thông tin về vụ tai nạn lên mạng đều là những người vô cảm, ích kỷ. Như trên đã nói, điều này là bình thường, thậm chí nên làm nếu xuất phát từ động cơ tốt.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một số người đưa thông tin, hình ảnh này lên mạng với mục đích câu like, thu hút sự chú ý và nhận được nhiều bình luận, thậm chí là đùa cợt của những người xung quanh.
Điều này thực sự đáng trách, đáng lên án dưới góc độ đạo đức. Hành vi này một phần phản ánh sự xuống cấp đạo đức, thói vô cảm ở một số cá nhân.
Một số trường hợp khác, thậm chí có thể họ đang bị mắc những rối nhiễu tâm lý, gặp hẫng hụt trong đời sống thực, hoặc có biểu hiện lệ thuộc vào thế giới ảo nên dẫn đến những hành vi cực đoan này.
- Cách đây một tháng (ngày 27/6), tài xế taxi Vinasun đâm đôi nam nữ thương vong ở quận Tân Phú (TP.HCM) rồi bỏ trốn, mặc cho nạn nhân vùng vẫy. Trong khi đó, nhiều người đi ngang qua nhìn thấy nhưng vẫn thản nhiên bỏ đi, coi như không có chuyện gì xảy ra. Ông có cho rằng sự thờ ơ, ích kỷ, vô cảm của người Việt ngày càng đáng báo động?
Đây lại là một tình huống khác, mang một màu sắc khác. Trước ranh giới giữa sự sống – chết của người khác, người chứng kiến thờ ơ bỏ đi, không giúp đỡ thực sự là một hành vi đáng trách, thậm chí có biểu hiện vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, hành vi này cần được hiểu theo hai hướng:
Thứ nhất, thực sự đó là sự biểu hiện của thói vô cảm, chủ nghĩa cá nhân, chỉ biết an toàn cho mình, bỏ mặc sự sống chết của đồng loại.
Thứ hai, nó phản ánh sự xuống cấp đến mức đáng báo động của niềm tin xã hội, niềm tin vào sự tử tế và niềm tin giữa những cá nhân với nhau, đồng thời nó cũng cho thấy sự bất an của các cá nhân khi chứng kiến những tình huống nguy hiểm và nhạy cảm.
Video: Tông chết cô gái ở TP.HCM, tài xế taxi xuống nhìn rồi bỏ đi gây phẫn nộ
Những hình ảnh vô cảm như vậy có thể lan truyền, ảnh hưởng rất tệ hại đến những hành vi của cộng đồng nói chung, đặc biệt là thế hệ trẻ. Trẻ em sẽ trưởng thành dưới nhiều tác động khác nhau, trong đó chịu sự tập nhiễm của các mẫu hành vi ngay tại cộng đồng.
Những hành vi vô cảm sẽ vô tình tác động đến trẻ em, được học tập một cách tự phát và rất có thể các em sẽ thể hiện nó trong các tình huống tương tự trong tương lai. Điều này quả thực rất tệ hại.
Vì vậy, chúng ta phải có những biện pháp tuyên truyền, giáo dục, định hướng để điều chỉnh lại những hành vi vô cảm, thờ ơ với sự sống chết của đồng loại như trong tình huống nêu trên.
- N găn chặn sự xuống cấp của đạo đức xã hội không phải là việc dễ, thưa ông?
Ngăn chặn sự xuống cấp của đạo đức xã hội là một vấn đề lớn, đòi hỏi một giải pháp tổng thể của cả một hệ thống chính trị. Đứng dưới góc độ của một người làm công tác giáo dục, tôi cho rằng, nhà trường và gia đình giữ vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục đạo đức cho trẻ.
Trong các gia đình, cha mẹ phải quan tâm đến con một cách khoa học, là tấm gương đạo đức thực sự để con học tập.
Trong nhà trường, cần tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh.
Nhà trường, xã hội cùng chú trọng giáo dục niềm tin, hành vi đạo đức cho trẻ em kết hợp với những giải pháp xã hội tổng thể mới có thể củng cố thói quen đạo đức, góp phần đẩy lùi được nguy cơ về sự ích kỷ, vô cảm trong ứng xử giữa con người với con người trong tương lai.
(thực hiện)
KÔNG ANH
Theo VTC
Xúm vào livestream người gặp nạn: Cơn khát máu view làm cạn kiệt lương tri
Hàng trăm người xúm vào livestream người gặp nạn đang nằm bên đường không khác nào cơn khát view máu đến cạn kiệt lương tri con người.
Khoảng 16h30 ngày 19/7, tài xế P.V.H. (43 tuổi, ở Hà Nội) chết kẹt trong ô tô sau cú tông đuôi xe tải trên đường Lê Lợi (phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương). Ô tô con kẹt dưới gầm xe tải nên lực lượng chức năng mất cả giờ đồng hồ để gỡ ra ngoài.
Trước vụ tai nạn thương tâm, cả trăm người dân náo nức tràn xuống đường xem lực lượng chức năng giải quyết hiện trường, trên tay lăm lăm cầm điện thoại để livestream tai nạn phát lên facebook. Thậm chí, có người còn trèo lên hàng cây ven đường để livestream cho rõ.
Người ta thản nhiên đứng livestream vụ tai nạn giao thông ở Bình Dương. (Ảnh: Lao động)
Đám người lạnh lùng đó vô cảm đến nỗi muốn đăng ngay những bức ảnh hay clip nóng lên trang cá nhân của mình để nhận được những lượt xem, lượt like và comment của cư dân mạng. Họ thản nhiên quay phim, chụp ảnh mà không mảy may nghĩ đến nỗi đau, sự khốn khổ của nạn nhân và gia đình họ.
Sự vô cảm chiếm hữu như quỷ dữ đẩy lùi lương tri, khiến nền tảng đạo đức, trật tự xã hội bị rối loạn.
Mới cách đây mấy ngày, ngày 27/6 vừa qua, một tài xế taxi Vinasun đâm đôi nam nữ thương vong ở quận Tân Phú (TP.HCM) rồi bỏ trốn, mặc cho nạn nhân vùng vẫy. Tuy nhiên, chứng kiến cảnh nạn nhân nằm đó đang giơ tay cầu cứu, nhiều người đi ngang qua nhìn thấy nhưng vẫn thản nhiên bỏ đi, coi như không có chuyện gì xảy ra.
Sự việc khác, vào khoảng 15h30 ngày 2/1, tại ngã tư Bình Nhật ở xã Nhật Chánh, huyện Bến Lức (Long An), xe container tông thẳng vào khoảng 20 xe máy đang dừng chờ đèn đỏ. Vụ tai nạn làm 4 người chết và hàng chục người bị thương. Cảnh tượng tang thương xảy ra khiến nhiều người bàng hoàng, nhưng cũng không ít người xúm lại chỉ để chụp vài kiểu ảnh up lên facebook như một kẻ thạo tin.
Những nạn nhân đang nằm ở ranh giới của sự sống và cái chết, hơn lúc nào hết họ cần bàn tay giúp đỡ của những người xung quanh. Thế nhưng, không ít trường hợp nạn nhân phải một mình chống chọi với nguy hiểm ngay giữa nơi đông đúc, chỉ vì người xung quanh bỏ đi hay trơ mắt đứng nhìn, thậm chí còn hả hê ghi lại khoảnh khắc đồng loại đang chống chọi với nỗi tuyệt vọng và đau đớn cùng cực.
Thái độ ứng xử trước nỗi đau, tai họa của người khác chính là phản ứng tự nhiên mang tính người, là thước đo nhân cách và sát hạch đạo đức xã hội. Trước nỗi đau, tai họa mà đồng loại phải chịu đựng, không ai có lương tri lại nỡ hả hê đi livestream hay bỏ mặc họ như thế. Nó phản ánh rõ thực trạng đời sống tình cảm của con người đang bị tê liệt, thay vào đó là sự suy đồi về đạo đức, lối sống.
Những hiện tượng kiểu này xuất hiện ngày càng nhiều và trở thành loại vi rút dễ lây lan, tác động trực tiếp đến nhân cách xã hội.
Một xã hội mà cái xấu, sự vô tâm chiếm hữu rộng rãi thì xã hội đó còn lại gì?
Nó không đơn thuần làm hủy hoại nhân cách con người mà còn như quỷ dữ đẩy lùi lương tri, khiến nền tảng đạo đức, trật tự xã hội bị rối loạn. Khó mà đẩy lùi hoàn toàn "con quỷ" này, nhưng sự lan tỏa của những ngọn lửa nhân ái, sự giáo dục và tình yêu thương trong mỗi gia đình có thể góp phần xoa dịu tâm hồn của những con người biến chất.
Chỉ khi người ta có được tình yêu thương, thì mới mong mỏi đến một xã hội văn minh, đạo đức. Còn xã hội mà con người chỉ chăm chăm lấy niềm sung sướng cho bản thân mình mà không biết giúp đỡ, sẻ chia khó khăn, bất hạnh với người khác thì đó chỉ là xã hội "chết".
NHẬT LINH (ĐỘC GIẢ TP.HCM)
THeo VTC
Vụ thuyền viên đục lỗ quay khách tắm: Chủ tàu rất mệt mỏi, cảm giác như "ngồi trên đống lửa" "Nếu tôi xuống tàu, tôi cũng thường xuyên phải sử dụng nhà vệ sinh này, vì thế chúng tôi không bao giờ ủng hộ và cũng không đặt bất cứ thiết bị quay lén nào trên tàu", bà Hương cho biết. Liên quan đến vụ tàu Hùng Long 66 QN-6096 (Hạ Long, Quảng Ninh) bị khách tố dùng điện thoại ghi lại cảnh...