Thấy nón vành nghiêng nhớ dáng em hiền
Một chiều hạ trắng nắng trải dài trên những hàng phượng xanh um, tán bằng lăng tím ngát, tôi chạy xe vòng Tam Kỳ để tìm cho mình cái cảm giác xôn xao của mười năm trước, cái tuổi học trò mực tím lá me.
Ở lứa chúng tôi ai trong đời cũng có một lần cắp sách đến trường để mai này khi bôn ba trên mọi nẻo đường đời với những lo toan, tính toán, gánh nặng áo cơm, chợt một chiều thấy cành phượng hồng rưng rưng trong nắng, trên giỏ xe của một tà áo dài nào thấp thoáng tôi chợt hiểu rằng mình đã đánh rơi tuổi ngọc rồi tốn công đi tìm trong khắc khoải, nhớ thương.
Minh họa từ internet
Trường Trần Cao Vân trên đường Nguyễn Du đã dời đến nơi khác và thay vào đó là một công trình đang xây dựng ngổn ngang gạch đá. Những hàng ghế đá mà bọn học trò tụm năm tụm bảy trao đổi bài sau những tiết kiểm tra giờ chỉ còn trong nỗi nhớ. Đâu rồi phòng học của lớp có vạt nắng mai chiếu vào cửa sổ. Cô Minh, cô Thanh, thầy Huyên giờ đã già hơn trước. Trong ký ức xanh rêu ấy vẫn còn đọng lại trong tôi giọng nói ấm áp ngày nào của cô với những lời bình văn mộc mạc, dễ nhớ và sâu sắc. “Bài thơ lục bát của anh” mà thầy Huyên đọc vẫn còn trong túi áo học trò mà chúng tôi chuyền tay nhau sau giờ giải lao. Bác bảo vệ già nghiêm khắc bây giờ ra sao rồi nhỉ?
Buổi học cuối cùng. Những nỗi buồn thoáng qua ánh mắt trong veo của tụi con gái, hai giọt pha lê long lanh sắp rơi xuống trang vở nếu cô chủ nhiệm lớp không vào. Bọn con trai tụi tôi buồn cách khác, lặng lẽ giấu vào trong.
Video đang HOT
Trong tôi ghế đá hàng cây, bỏ giờ trốn học, những trò chơi nghịch ngợm vẫn còn như mới hôm qua. Những giấc mơ hằng đêm thỉnh thoảng hàng phượng vĩ thắp lửa lại hiện lên, tiếng ve kêu ran gọi nhau về từ một cõi vô định xa lơ lắc. Trong cơn mê đó luôn có em, áo trắng tinh khôi, cho ta chờ đợi. Tình yêu học trò đẹp như một bài thơ rồi cũng ướt dưới chiều mưa hạ.
Trong bàng bạc nhớ thương ấy có lần tôi tự hỏi:
Mười hai bốn đâu rồi mười hai bốn
Ta xa em xa tất cả bạn bè
Và chỉ giữ một bóng hình mộng ảo
Mái tóc thề vương vấn lá me rơi.
Chiều nay, nhặt cánh phượng hồng ta chợt tiếc một lời yêu chưa ngỏ, tự trách mình dại khờ. Bao yêu thương còn đọng lại trên môi để theo dòng sông trôi về với biển. Sau bốn năm đại học, em lấy chồng, vẫn dịu dàng như xưa, chỉ thêm câu ca dao à ơi mà xanh mượt em hát ru con. Còn tôi, mỗi lần gặp nhau cái câu hỏi “em bỏ chồng về ở với tôi không?” vẫn run run, ngập ngừng không nói. Ta lại dặn lòng, thôi vậy, vậy thôi.
Và từ đó cứ mỗi chiều xuống phố, thấy áo học trò ta lại nhớ em, những giấc mơ lại về và mỗi lần qua Trần Cao Vân, “thấy nón vành nghiêng nhớ dáng em hiền”.
Theo người lao động
Lớp học đặc biệt của cô Huyền
Biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp mà cô trò chúng ta có với nhau sẽ theo chúng em suốt cuộc đời. Gian nhà xưa chật hẹp - cũng là nơi cô cho hơn 40 học sinh chúng em tri thức - vẫn còn mãi trong trí nhớ em.
Cô Lương Thị Huyền (đứng giữa) chụp hình lưu niệm với lớp 9A4 dịp cuối năm - Ảnh và chú thích ảnh do tác giả bài viết cung cấp
Em còn nhớ như in, cô và cả lớp cùng với anh của bạn An (An là một học sinh trong lớp) đã mất hẳn hai ngày mới hoàn thiện phòng học. Phòng học đặc biệt mà có lẽ không nơi nào ở mảnh đất miền Trung này có được, được bố mẹ bạn An cho mượn từ một gian nhà nhỏ không dùng đến của gia đình. Tất cả các bạn được huy động để đi mượn những tấm ván dài của bố một bạn trong lớp làm thợ mộc về để làm bàn học.
Nghe thì có vẻ là chuyện không thể nhưng lớp 9A4 khóa học 2007-2008 của Trường THCS Quảng Thái (Quảng Xương, Thanh Hóa) năm ấy đã làm. Những tấm ván được dàn ngang, kê lên bởi những thân luồng cao to vừa tầm người ngồi. Cô và các bạn neo lại bằng dây thừng cho thật vững rồi trải ghế nhựa bên dưới làm bàn ghế. Cô còn mang từ nhà đến một cái bảng viết bằng bút lông.
Nóng nắng miền Trung không thể ngăn cản ước mơ học trò và tâm huyết của một nhà giáo yêu nghề. Cô Lương Thị Huyền - giáo viên môn toán của Trường THCS Quảng Thái - đã mở một lớp học như thế để giúp học sinh ôn thi vào cấp III. Từ nhà cô đến lớp học tự tạo ấy là 20km. Ngày hai lần cô đến lớp. Một buổi chính trên lớp, một buổi phụ ở gian phòng cũ kỹ ấy. Dù ở xa nhưng cô vẫn phải đi về ngày bốn lần chứ không ở lại được buổi trưa vì lý do con nhỏ. Cô cố gắng truyền đạt cho những học sinh tất cả những gì cần thiết nhất.
Cô phân loại năng lực của các bạn trong lớp rồi soạn đề cho từng tốp khá, giỏi, trung bình để điều chỉnh bổ sung kiến thức cho mỗi bạn sao cho phù hợp. Gian phòng chật hẹp, nóng bức ấy thấm đẫm mồ hôi cô. Nhưng cũng nhờ đấy mà những học sinh khá lên trông thấy. "Tiếng lành đồn xa", những học sinh ở lớp khác cũng muốn vào học lớp ấy. Dù đã cố gắng tạo điều kiện nhưng cô và cả lớp chỉ có thể cho thêm vài bạn nữa học cùng.
Đối với những giáo viên khác, nếu học sinh muốn ôn thi thì đóng tiền học thêm cao, phải đến đến tận nhà giáo viên học. Cô Huyền lại làm điều ngược lại. Cô sợ học sinh đi xa sẽ mệt, không thể tập trung học nên cô chọn cách đi đến nơi dạy học. Mỗi buổi học của cô ngày ấy, học trò tự nguyện đóng 2.000 đồng để cô lấy tiền xăng xe đi lại vì cô không thu tiền học.
Kết quả của những nỗ lực của cô là năm đó, số lượng các bạn trong lớp đỗ vào cấp III đông nhất trường. Sau khi có kết quả, cả lớp có buổi liên hoan tưng bừng nhưng cô không thể đến dự vì bận việc. Lớp trưởng đã gọi điện cho cô mở to điện thoại để cả lớp được nói chuyện với cô, được nghe cô chúc mừng.
Bảy năm trôi qua, những gì cô dành cho chúng em đã trở thành hành trang để chúng em chinh phục những đỉnh cao tri thức mới. Gian phòng cũ kỹ năm nào đã trở thành nơi gặp mặt của lớp 9A4 khi có dịp. Những kỷ niệm lại tràn ngập trong tâm trí mỗi người khi nhắc đến cô.
Cô ơi, người ta nói chỉ có khách nhớ mặt lái đò chứ lái đò làm sao nhớ hết mặt khách. Nhưng em nghĩ nếu người lái đò không tận tụy và cẩn thận, chân thành và tâm huyết thì làm sao để lại trong lòng khách những ấn tượng và lòng tri ân sâu sắc, phải không cô?
PHẠM THỊ NGA
Theo thanh niên
Chuyện "cô giáo nhí" Nhớ lại thời cắp sách đến trường, tôi lại cười một mình vì lần đầu tiên được làm "cô giáo nhí". Ngày ấy, tôi học trường làng ở xã Phước Trạch, quận Hiếu Thiện (bây giờ là huyện Gò Dầu), tỉnh Tây Ninh. Sức học dạng trên trung bình một chút nhưng tính hay cẩu thả, điểm số cứ thất thường, nhất là...